Vụ quan chức ngành giao thông bị doanh nghiệp Nhật Bản "tố" nhận hối lộ 80 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng) vẫn đang "đốt nóng" dư luận thì lại thêm nghi vấn một số cơ quan ở Hà Nội nhận phí "bôi trơn" 2,8 triệu USD của các nhà đầu tư liên quan đến dự án xây dựng khu đô thị Sing - Việt tại TP. HCM.
Chuyện phí bôi trơn, chi "hoa hồng" trở thành phổ biến là cách thức để quan chức làm giàu bất chính. Không ít "nô bộc của dân" đang bị "bệnh" thích "hoa hồng", bộ máy công quyền đang bị "khô dầu" và muốn nó chạy chỉ có thể “bôi trơn” bằng tiền.
Đây là thực tế làm méo mó nền kinh tế và gây ra nhiều hệ lụy, kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Muốn có hợp đồng thì phải chung chi
Từ một vụ kiện tụng có liên quan đến dự án xây dựng khu đô thị Sing - Việt tại TP.Hồ Chí Minh, thông tin về một khoản hối lộ hay vẫn được gọi là phí "bôi trơn" lên tới 2,8 triệu USD đã bung ra. Tính xác thực của vụ việc được xem là có dấu hiệu nghiêm trọng này đang được các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh.
Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đã nhờ ban Nội chính Trung ương vào cuộc để điều tra làm rõ. Sự việc này càng được dư luận quan tâm hơn khi nó được công bố cùng thời điểm với nghi án hối lộ cán bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (như Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản - JTC thừa nhận).
Rõ ràng ở đây một hiện thực không được tốt đẹp được nhắc đến trong mối quan hệ của doanh nghiệp với cơ quan công quyền. Ở đó nổi lên là nạn "bôi trơn" và chi "hoa hồng".
Một báo cáo điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chỉ ra rằng: Trên 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và tới 40% doanh nghiệp chi trả "hoa hồng" để tăng khả năng trúng thầu hợp đồng mua sắm của Chính phủ. Tham nhũng đặc biệt tập trung ở các ngành dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh và lợi nhuận cao.
Phối cảnh Dự án khu đô thị Sing - Việt tại TP.Hồ Chí Minh... |
Chia sẻ điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: "Đây là một vấn nạn nhức nhối tồn tại nhiều năm qua trong đời sống xã hội. Tệ nạn này không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng trên lĩnh vực kinh tế mà còn làm tha hóa đạo đức, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Khi chủ đầu tư (đặc biệt đối với các dự án xây dựng) buộc phải "bôi trơn", họ sẽ tìm mọi cách tính đủ vào dự án. Rất có thể các loại vật liệu, vật tư kém chất lượng sẽ được sử dụng, chất lượng công trình sụt giảm, nhưng giá thành vẫn cứ đội lên. Không chỉ vậy, bằng việc "bôi trơn" và những ngón đòn cạnh tranh thiếu lành mạnh, không ít doanh nghiệp có khả năng đi "cửa sau" đã đẩy các đối thủ đầy đủ tiềm lực, làm ăn đứng đắn ra khỏi "cuộc chơi", dẫn đến dự án chậm tiến độ hoặc thậm chí bỏ hoang... làm cho hình ảnh môi trường kinh doanh ở Việt Nam thêm méo mó".
Ở thời điểm giá xăng trong nước luôn khiến người dân nghi ngờ khi tăng chót vót và giảm nhỏ giọt thì một chuyên gia đã khẳng định: "Tôi đã đi đến các nước Trung Đông, họ sẵn sàng bán cho ta giá xăng thấp hơn nhiều. Nhưng các công ty của mình vẫn thích nhập của đối tác Singapore với giá cao hơn. Đó là điều khó lý giải, và những đối tác tôi gặp, họ chỉ lý giải chỉ có thể là tiền "hoa hồng" mới đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước như vậy". Hay vụ Dương Chí Dũng mua ụ nổi giá trị sử dụng như sắt vụn với giá cao ngất ngưởng nhằm được "lại quả" 1,66 triệu USD. Đây thực chất là nạn tham nhũng được ẩn dưới sự chia chác mang mỹ từ "hoa hồng".
Đây là hình ảnh đến thời điểm hiện tại của Dự án khu đô thị Sing - Việt. |
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã phàn nàn về chi phí không chính thức làm đội giá khiến giá nhà đất của Hà Nội đắt hơn rất nhiều TP.Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Phí "bôi trơn", tiền "hoa hồng" đã khiến các doanh nghiệp bị mất năng lực cạnh tranh.
Không "hoa hồng", thiếu "bôi trơn"...không "nói chuyện"
Bất cập về giá nhà thu nhập thấp lại cao hơn nhà ở thương mại cũng được lý giải từ phí "bôi trơn". Chính sách nhà thu nhập thấp (TNT) dành cho chủ đầu tư được nhiều ưu đãi như: Chọn vị trí dự án, miễn thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vay lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của một chủ đầu tư, với dự án bất động sản (BĐS) thì vị trí dự án vô cùng quan trọng, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng chiếm chi phí không nhỏ trong cơ cấu thành giá. Dù lãi bị khống chế 10% nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau xin làm nhà TNT.
Chi phí "bôi trơn" cho dự án nhà TNT lớn hơn nhà thương mại nên hiện dù bán ế chủ đầu tư nhà TNT không dám giảm giá vì giảm giá là lỗ. Vẫn chính sách ưu đãi giữ nguyên, thêm nhiều kiến nghị mở rộng đối tượng mua nhà TNT thì tương lai sẽ còn nhiều doanh nghiệp xin làm nhà TNT dù giá ngoài thị trường có hạ thêm nữa.
Sơ đồ "dòng tiền" trong nghi án 80 triệu yen (Nguồn minh hoạ: Báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản). |
Trả lời về việc có chủ đầu tư xây dựng nhà TNT phải mất phí "bôi trơn", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong cuộc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật: "Một số người cho rằng, nhà xã hội có giá cao hơn nhà thương mại vì chủ đầu tư phải mất tiền "bôi trơn". Tuy nhiên, tôi khẳng định, đó chỉ là tin đồn, ý kiến không chính thống, không có cơ sở pháp lý. Việc tính giá nhà cao hay thấp là phải do cơ quan Nhà nước đánh giá. Việc một số nhà xã hội có giá cao là do nhà đầu tư gặp phải những khu đất có giá bồi thường quá lớn, hoặc cơ cấu căn nhà không hợp lý. Thậm chí, có thể là do các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng số lượng lớn, lâu ngày không trả được nên giá thành phải đẩy cao lên. Bên cạnh đó, cũng có một phần trách nhiệm về quản lý của người đứng đầu doanh nghiệp. Có thể họ không áp dụng công nghệ, vật liệu tiên tiến nên không thể hạ giá thành sản phẩm".
Nhìn nhận thực tế này, TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng cho rằng: "Qua những câu chuyện này cho thấy môi trường đầu tư, đấu thầu của chúng ta hiện không được lành mạnh, chưa sòng phẳng. ở Nhật hay một số nước cũng có câu chuyện như vậy nhưng chỉ mang tính cá biệt, còn ở ta đây không phải là lần đầu, chỗ này chỗ kia đều có câu chuyện "bôi trơn", "hoa hồng", "lại quả" nên không có gì ngạc nhiên".
Điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng của chúng ta rất hạn chế. Tôi cho rằng cần nỗ lực nhiều mặt hơn nữa, chứ không phải chỉ đưa vài người ra tòa là đã hài lòng. Điều này sẽ không có nghĩa lý gì cả. Trong chuyện chia "hoa hồng", vòi vĩnh phí "bôi trơn" cũng có tâm lý nhiệm kỳ của quan chức. Sắp chuyển công tác, sắp về hưu thì ra sức đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án để vơ vét, hậu quả người khác sẽ gánh chịu".
Cách đây vài năm, cũng từ báo chí Nhật Bản đưa tin, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đã bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ. |
Chia sẻ điều này, một chuyên gia khẳng định: "Thì người ta phải chạy chức, chạy quyền nên trong thời gian đương chức thì phải tận dụng vơ vét nhằm thu lợi nhuận. Điều này lý giải vì sao trong nhiệm kỳ của quan chức lại muốn có nhiều dự án, nhiều công trình đầu tư, thu hồi nhiều đất...".
Ông Đặng Ngọc Dinh nói: "Tham nhũng vặt xuất hiện thường xuyên ở cấp cơ sở và thường do người dân phát hiện. Còn tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở cấp cao hơn chủ yếu do từ bên ngoài phát hiện ra. Câu chuyện "hoa hồng" và "bôi trơn" đã trở thành hệ thống cũng giống như ở một số trường hợp muốn học phải đưa phong bì cho cô giáo, muốn chữa bệnh phải có phong bì cho bác sỹ".
Có điều người ta sửng sốt là vì giá trị "bôi trơn" ở tham nhũng vặt chỉ vài trăm, vài triệu đồng còn "bôi trơn" làm dự án lên đến tiền tỷ.
(Theo ĐSPL)