Theo kế hoạch, ngày 20/5 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Trung Quốc và lãnh đạo 2 cường quốc này sẽ ký một loạt những “thỏa thuận quan trọng” về thương mại và hợp tác khí đốt.
Những hợp tác cụ thể chưa được công bố. Tuy nhiên, trước đó, Phó Thủ tướng Nga Arady Dvorkovich cho biết, Nga và Trung Quốc có kế hoạch khôi phục lại cuộc đàm phán kéo dài một thập kỷ về các nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Thông tin ban đầu cho biết, hợp đồng cung cấp khí đốt của Gazprom cho Trung Quốc có thể được ký kết ngay trong tháng 5. Theo đó, trong vòng 30 năm tới, Gazprom sẽ cung cấp vào Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt hàng năm. Thỏa thuận này đã gần như được hoàn tất và sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông Putin.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc |
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc tươi sáng trở lại là điều đã được dự báo từ trước sau khi căng thẳng giữa Nga và Phương Tây leo thang. Nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên đang gặp khó khăn khi hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang đối mặt với vấn đề thiếu năng lượng cho một nền kinh tế vốn tăng trưởng nóng bỏng và quy mô lớn.
Không chỉ dừng ở đó, một số nguồn tin quốc tế cho biết, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng ký hợp đồng trị giá 270 tỷ USD với hãng dầu mỏ quốc gia Nga - Rosneft để mua dầu thô. Bên cạnh đó, Rosneft cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong năm 2013, Nga và Trung Quốc cũng đã có nhiều thỏa thuận hợp tác cả về mặt thương mại và đầu tư trong đó có hợp đồng cung cấp mới 100 triệu tấn dầu cho Sinopec và thỏa thuận hợp tác xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Thiên Tân.
Giao thương giữa 2 cường quốc này liên tục tăng mạnh trong những năm vừa qua với gần 80 tỷ USD năm ngoái và được dự báo lên tới 100 tỷ USD vào năm 2015. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tính toán đầu tư 20 tỷ USD vào các dự án hạ tầng cơ sở của Nga và con số này có thể tăng lên gấp nhiều lần trong các năm tới.
Gần đây, để đẩy mạnh hợp tác, Thủ tướng Nga Medvedev còn đề nghị Quốc hội lập một hội đồng đặc biệt phụ trách vấn đề Nga - Trung. Bắc Kinh gần đây tuyên bố sẵn sàng hợp tác đầu tư vào Crimea (vừa sáp nhập về Nga) và có kế hoạch thuê khoảng 10.000 hecta đất nông nghiệp tại đây.
Đánh đổi quyền lợi
Trong lịch sử, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có khá nhiều thời điểm không thuận lợi. Tuy nhiên, giờ đây khi mà cả 2 cường quốc này lớn mạnh trở lại và cùng mối quan tâm với Mỹ và châu Âu thì mối quan hệ song phương này đang có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Trên thực tế, sự ấm áp trong mối quan hệ Nga Trung là một điều đã được dự đoán từ trước. Nó trở nên rõ ràng hơn sau khi Trung Quốc “bỏ phiếu trắng” tại Hội đồng Bảo an LHQ trong vụ Nga sáp nhập Crimea (Crưm).
Dầu khí đang là vấn đề quan tâm của hai bên |
Kế hoạch tới thăm Thượng Hải lần này của ông Putin đã cho thấy sự quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực phát triển kinh tế của Moscow. Nó cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc trong việc hợp tác với Nga.
Thỏa thuận hợp tác về dầu khí trong chuyến thăm của ông Putin nếu thành công có lẽ như một lời đáp lại cho “lập trường cân bằng và khách quan” của Trung Quốc. Nga sẽ cung cấp dầu khí, công nghệ và vũ khí cho Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Nga - một mối quan hệ có đi có lại.
Về dài hạn, cả Nga và Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, qua đó duy trì được vị thế của mình trên trường quốc tế. Trong khi đó, cuộc đối đầu Đông-Tây lại đang có xu hướng gia tăng. Do vậy, rất có thể, quan hệ song phương, đặc biệt trong vấn đề kinh tế, giữa Nga và Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn nữa.
Cũng giống như Mỹ, cả Trung Quốc và Nga đều đang rất quan tâm tới khu vực châu Á. Mỹ tuyên bố "xoay trục châu Á" khá rõ ràng, trong khi Nga cũng đang hướng sang khu vực này với ưu tiên là hợp tác với Trung Quốc. Trung Quốc trong khi đó cũng muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ, muốn vượt lên, muốn xây dựng quyền uy, xây dựng ảnh hưởng trong khu vực cả về mặt kinh tế và quân sự.
Có thể thấy, những tính toán của các nước lớn tại khu vực châu Á đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Sự trỗi dậy của các nước, sự thay đổi về cán cân quyền lực luôn làm thế giới trở nên biến động. Trong tình huống đó, sự thận trọng và mềm dẻo nhưng kiên quyết với nguyên tắc “lợi ích quốc gia là bất biến” và những nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế của các quốc gia có thể đưa quan hệ quốc tế sang một giai đoạn mới.
Mạnh Hà