Nước mình thời nào khuyến khích kinh tế thị trường thì thời ấy phát triển, thời nào mệnh lệnh hành chính thì chứa nhiều rủi ro và trục trặc. Một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì trước hết phải là nền kinh tế thị trường đã.

Kinh tế thị trường phải dựa trên mấy định đề. Thứ nhất là tư hữu phải được bảo vệ chắc chắn. Của đau con xót, người ta mới lo làm giàu. Thứ hai, phải dựa trên sự tự do cạnh tranh. Anh nào khéo lo liệu, phục vụ khách hàng tốt thì sống khỏe; anh nào lười biếng, dốt nát thì phải phá sản. Và cuối cùng, là nhà nước bảo vệ các quyền tự do đó, có nghĩa là khi quyền, và quyền lợi bị vi phạm, người ta phải dựa vào các cơ quan công quyền.

Còn định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên các đặc điểm sau. Trong thị trường luôn có các nhóm người yếu thế, dễ tổn thương bị văng ra khỏi lưới phúc lợi. Tính xã hội chủ nghĩa thể hiện trước hết ở chỗ nhà nước phải là giá đỡ những nhóm đó.

Một nền kinh tế thị trường phải thúc đẩy làm ra miếng bánh và tính xã hội chủ nghĩa thể hiện ở chỗ miếng bánh đó được chia một cách tương đối công bằng cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế.

{keywords}

Thời nào khuyến khích kinh tế thị trường thì thời ấy phát triển, thời nào mệnh lệnh hành chính thì chứa nhiều rủi ro và trục trặc

Ngoài ra, định hướng xã hội chủ nghĩa là phải bảo vệ tài nguyên, thân thiện với những giá trị truyền thống, các giá trị nhân văn mà xã hội đó tôn thờ. Những nền kinh tế như Đức hay Na Uy nay đang hướng về phát triển xanh, không tổn hại đến môi trường sống, đa dạng sinh thái. Những nét nhân văn đó có thể là định hướng xã hội chủ nghĩa, là nâng đỡ bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo dựng không gian sống bền vững không chỉ cho loài người, vì các loài khác cũng phải có quyền được sống.

Xã hội chủ nghĩa là một giá trị phổ quát theo nghĩa người ta mơ ước về sự công bằng, bảo vệ của nhà nước chống lại sự bóc lột và phi nhân tính. Giá trị nhân đạo như vậy thì được nhiều quốc gia lựa chọn, không phải là đặc quyền của quốc gia nào.

Theo nghĩa như vậy, Việt Nam sẽ dần thoát khỏi những ám ảnh ngày xưa, như sở hữu phải là Nhà nước, hay toàn dân; hay Nhà nước phải là đầu tàu. Người dân kinh doanh giỏi thì sao Nhà nước phải kinh doanh tranh phần.

Hiến pháp 2013 mở ra cơ hội thảo luận về chức năng của Nhà nước. Tôi nhấn mạnh, nền kinh tế thị trường cần một nhà nước mạnh và hiệu quả. Không có nhà nước mạnh và can thiệp hiệu quả thì không có nền kinh tế thị trường nhằm bảo vệ tư hữu. Ví dụ, người dân bị nợ đầm đìa, mà lại nhờ xã hội đen đòi nợ thuê, dùng bạo lực thì là dấu hiệu của nhà nước yếu. Hay nhìn khắp cả nước, người dân có lô đất nào là phải xây tường bao, khiến không gian thôn quê bị xé nát. Vì sao vậy? Vì họ không nghĩ luật pháp và chính quyền sẽ bảo vệ họ. Như vậy, hiệu lực bộ máy yếu.

(Theo TBKTSG)