Phóng viên đi tác nghiệp ở một hội chợ thương mại quốc tế tại TPHCM vào cuối tuần trước, về kể lại, một thương nhân đến từ Quảng Đông nhận xét trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, số khách đến thăm gian hàng có trưng tiếng Hoa của ông ít hẳn so với khách đến thăm gian hàng của các nước khác, thậm chí có lúc không ai ghé thăm.
Vị thương nhân từ Quảng Đông bôn ba qua đây cũng chỉ để kiếm cơ hội làm ăn nhưng tình hình không thuận lợi cho ông ta như thế, cho dù ông ta có chủ động đi làm quen khắp hội chợ thì cũng phải thấy cơ hội cho mình bị ảnh hưởng bởi chính chính sách của nước ông ta mà thôi.
Một nhà phân tích ngoại giao nhận xét giả thử tình hình ở biển Đông căng thẳng thêm một chút nữa thì sự thiệt hại cho nền kinh tế của Trung Quốc, có quy mô gấp nhiều lần so với nền kinh tế của Việt Nam, sẽ ngày càng lớn. Thế giới toàn cầu hóa ngày nay được kết nối bằng những chuỗi sản xuất phức tạp, đan xen vào nhau; chỉ cần người ta thấy có rủi ro, có bất ổn họ sẽ chuyển đổi vào nơi ít rủi ro, ít bất ổn hơn. Bằng không chi phí để duy trì sản xuất sẽ phải cao hơn để bù đắp cho các rủi ro có thể xảy ra.
Có lẽ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam họ chưa lường hết những hệ lụy có thể xảy ra cho họ, đặc biệt là nền kinh tế của họ. Nhà phân tích ngoại giao nói trên cho rằng những khó khăn bên trong nội tình Trung Quốc đã buộc họ phải tìm cách thu hút sự chú ý ra bên ngoài. Kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng ở mức chậm nhất trong vòng năm năm nay, sản xuất công nghiệp chững lại đã bốn tháng liên tiếp, tình hình nợ nần gây nguy cơ sụp đổ tài chính. Xã hội cũng rối ren vì các vụ bạo loạn, tấn công khủng bố. Trung Quốc lại tranh chấp với nhiều nước trong khu vực, từ Nhật Bản đến Philippines và nay là với Việt Nam.
Rõ ràng Việt Nam đã tỏ ra rất kiềm chế trong vụ việc giàn khoan vừa qua nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ không để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên vùng biển của mình. Phát biểu của lãnh đạo Việt Nam và không khí sục sôi của người dân khắp cả nước trong những ngày qua đã cho thấy điều đó. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “...Lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Đúng là tình hình căng thẳng như thế sẽ gây khó khăn cho cả hai nước chứ không chỉ riêng mình Trung Quốc nhưng nên nhớ Trung Quốc là nước chủ động gây sự trước và với những khó khăn nội tại nói trên, với quy mô lớn gấp nhiều lần, Trung Quốc sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại hơn cả, nhất là uy tín trên thương trường quốc tế.
Chỉ cần theo dõi một cách khách quan báo chí quốc tế trong thời gian qua, ai cũng phải công nhận dư luận quốc tế đang đứng về phía Việt Nam, ai cũng thấy tham vọng của Trung Quốc là quá đáng. Ngay chính vị thương nhân nói ở đầu bài cũng nhận xét rằng thông tin trên báo chí quốc tế bất lợi cho nước ông ta.
Tốt nhất là lãnh đạo Trung Quốc nên sớm nhận ra điều đó, rằng địa chính trị chính là những điều nói trên chứ không có gì xa vời cả; địa chính trị ảnh hưởng đến cả đất nước và đến từng cá nhân như vị thương nhân người Quảng Đông đến tìm cơ hội làm ăn ở Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng làm bạn với cả thế giới, trừ những kẻ xâm lược - đó là chân lý mà người dân Việt Nam đã chứng tỏ với thế giới từ ngàn đời nay.
(Theo TBKTSG)