- Cái bắt tay giữa các “đại gia” ngân hàng như BIDV, VietinBank, SHB... với các đội bóng đá quốc tế lớn chứng tỏ tài trợ bóng đá để quảng bá thương hiệu đang được xem là bước đi chiến lược hiện nay của nhiều tập đoàn, ông chủ.
Tiền tỷ chạy ra quốc tế
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hôm 1/7 đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với CLB bóng đá Manchester City. Theo đó, SHB sẽ được sử dụng thương hiệu của Man City trong hoạt động kinh doanh của mình, cụ thể là phát hành thẻ visa. Các khách hàng của SHB cũng sẽ có cơ hội được sang Anh xem Man City thi đấu.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT SHB, cũng dự tính sẽ mời Man Xanh - đương kim vô định Premier League sang Việt Nam, du đấu vào mùa hè 2015.
Cũng theo ông bầu từng gặt hái được nhiều thành công nhất trong giới doanh nhân đầu tư vào bóng đá Việt Nam, đây mới chỉ là bước đầu hợp tác với CLB khổng lồ ở xứ sở sương mù. Thời gian tới, hai bên sẽ nghiên cứu những bước đi phù hợp tiếp theo. Đó có thể là hợp tác tổ chức chuyến du đấu ở Việt Nam của Manchester City hoặc thậm chí mở học viện của đội bóng này ở Việt Nam.
Ngoài ra, các đội bóng của bầu Hiển, nhất là các cầu thủ trẻ - sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Đổi lại, ngân hàng SHB có cơ hội để tăng cường quảng bá hình ảnh tại Việt Nam, Lào và Campuchia (2 thị trường SHB đã mở rộng hoạt động).
Trước SHB, nhiều ngân hàng khác cũng đã hợp tác phát triển thương hiệu với các đội bóng hàng đầu của Anh, như BIDV với Manchester United, VietinBank với Chelsea FC, hay việc Eximbank mời đội trưởng Manchester City Vincent Kompany sang Việt Nam trong một chiến dịch quảng bá thương hiệu... Đi đầu về hình thức hợp tác này có lẽ là bầu Đức với Arsenal khi cho ra đời học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, nơi cung cấp phần lớn cầu thủ cho tuyển U19 vừa thi đấu rất thành công.
Vinamilk gần đây cũng quảng bá một sản phẩm cà phê khá thành công bằng cách gắn với hình ảnh CLB Arsenal.
Năm 2008, nữ doanh nhân U80 Tư Hường cũng đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào khu nghĩ dưỡng Diamond Bay và các hạng mục khác để đưa Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) lần đầu tiên về Việt Nam, gắn với thương hiệu tập đoàn Hoàn Cầu của gia đình bà.
Sính ngoại hay bài toán hiệu quả?
Hiện tượng các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua các sự kiện quốc tế trong thời gian gần đây, nhất là quyết định hợp tác phát triển thương hiệu với các đội bóng đá nước ngoài nổi tiếng - được xem như một hướng đi mới của các doanh nghiệp lớn trong nước.
Điểm chung của sự hợp tác này là sau đó, ngân hàng phát hành các loại thẻ quốc tế đồng thương hiệu. Các CLB được lựa chọn cũng là những đội bóng nổi tiếng có nhiều người hâm mộ ở quốc tế cũng như tại Việt Nam, nhờ đó, ngân hàng có thể mở rộng thị trường thẻ của mình và khuếch trương tên tuổi.
Điểm chung của sự hợp tác này là sau đó, ngân hàng phát hành các loại thẻ quốc tế đồng thương hiệu. |
Trong trường hợp Man Đỏ, đội bóng này cho dù không giàu thành tích bằng một số tên tuổi khác nhưng danh tiếng nổi trội, có rất nhiều fan hâm mộ và cũng là CLB được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới hợp tác phát triển. Riêng tại Việt Nam, một số thông kê cho thấy, Quỷ Đỏ có 20-30 triệu người theo dõi. Chelsea, Arsenal và gần đây là Man City cũng được thế giới quan tâm rất nhiều. Đây có lẽ là điều khiến các doanh nghiệp lớn không thể bỏ qua nếu muốn phát triển thương hiệu cũng như các sản phẩm của mình trên phạm vi quốc tế.
Cái bắt tay giữa các “đại gia” ngân hàng như BIDV, VietinBank, SHB... với các đội bóng đá quốc tế lớn chứng tỏ tài trợ bóng đá để quảng bá thương hiệu đang được xem là bước đi chiến lược hiện nay của nhiều tập đoàn, ông chủ.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là các doanh nghiệp lớn làm bóng đá bằng mọi cách. Sự rút lui của hàng loạt các doanh nhân lớn như bầu Trường, bầu Thụy, bầu Thọ... khỏi làng bóng đá gần đây, ở góc độ nào đó, do tình trạng yếu kém của bóng đá trong nước. Bởi, quảng bá thương hiệu thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ thắng - thua, lối chơi, sự công bằng trong các trận đấu.
Chính vì thế, đã thấy sự thận trọng của các doanh nghiệp trong chiến lược quảng bá thương hiệu qua bóng đá. Nếu không, tại sao chỉ để quảng cáo cà phê Moment, Vinamilk lại phải viện tới hình ảnh Arsenal? BIDV và VietinBank sao không tài trợ cho bóng đá nam trong nước?
Nhìn vào hoạt động tài trợ bóng đá gần đây của BIDV, ngân hàng này đã rót hàng chục tỷ đồng cho đổi tuyển bóng đã nữ. Đầu năm 2013, BIDV cũng đã ký hợp đồng 5 năm với Manchester United với số tiền tài trợ được cho là lên tới vài triệu đô/năm. VietinBank có lẽ cũng vậy. Cuối năm 2012, ngân hàng này đã trở thành DN Việt Nam đầu tiên đặt mối quan hệ hợp tác với Chelsea FC.
Rõ ràng, làm thương hiệu qua bóng đá ở Việt Nam không đơn giản khi mà nền bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Hiện tượng cá độ, bán độ, tiêu cực... vẫn thường xuyên xảy ra. Điều này vừa không mang lại lợi ích vừa có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu của doanh nghiệp. Rất nhiều thương hiệu lớn như Tân Hiệp Phát, Pepsi, Đông Á, Kinh Đô, Pomina... từng đổ tiền tỷ cho bóng đá nhưng cũng đành bỏ cuộc.
Có thể thấy, hợp tác với đội bóng để làm thương hiệu luôn tốn kém nhưng hiệu quả nhiều khi là rất lớn, vượt sức tưởng tượng của chính những người trong cuộc. Đây là lý do khiến các đại gia luôn cân nhắc, thận trọng khi tham gia cuộc chơi này.
Mạnh Hà