TIN LIÊN QUAN:
Lãnh đạo Libya có một kho của cải ở Anh
Lãnh đạo Libya Gaddafi bị bắn chết?
Giao chiến dữ dội ở Libya
Chặn bạo lực ở Libya: Thế giới nói suông?
"Đích thân Gaddafi ra lệnh vụ khủng bố Lockerbie"
Libya "giải phóng" nửa đất nước
Libya đầy xác chết, nghìn người tháo chạy
Biểu tình
dậy sóng Libya, Gaddafi "quyết tử"
Hàng nghìn người xa xứ thuộc đủ các quốc tịch Ai Cập, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và
Tunisia đã vượt qua biên giới Libya sang Tunisia hôm 25/2. Nhiều người trong số
họ có lẽ còn chưa hết choáng váng khi mang theo đồ đạc cùng những ký ức kinh
hoàng tháo chạy khỏi quốc gia Bắc Phi bạo loạn.
Nhiều người Ai Cập sau khi vượt qua biên giới đã kể về cảnh hỗn mang ở các thành
phố Zawiya và Zwara với các trận đọ súng ác liệt.
Người Ai Cập mang theo đồ đạc chờ bắt xe buýt về nhà sau khi tháo chạy khỏi
Libya qua biên giới Tunisia. (Ảnh: AP)
Cách biên giới vài kilômet, những người đàn ông Ai Cập xếp hàng để rửa mặt ở một
vòi nước ở một trại của quân đội Tunisia. Trại này có chứa khoảng 5.000 người,
được dựng lên sau khi những chỗ trú ở biên giới đã quá tải trước dòng người
khổng lồ chạy nạn.
Trong khi các nỗ lực cứu trợ đều phải dựa vào những nười tình nguyện từ các nhóm
xã hội Tunisia, quân đội nước này lĩnh trách nhiệm đảm bảo trật tự và tổ chức
việc đi lại.
Nhiều người chạy nạn vẫn còn sợ hãi. Họ ngồi bệt dưới cát gần lều hoặc uể oải
nằm gối đầu lên vali. Họ quấn chăn quanh người để chống chọi với gió lạnh.
Ali Mohammed, một công nhân xây dựng quê ở Cairo, cho biết anh đã nhốt mình
trong nhà 5 ngày liền ở thành phố Zawiya, hết cả thức ăn đồ uống, vì sợ những
tiếng la hét và súng nổ đùng đoàng bên ngoài.
Anh và một số lao động khác đã phải trả 200 dinar Libya (160 USD) để thuê xe tới
biên giới, đắt gấp 10 lần so với bình thường. Viên tài xế đã bắt họ xuống xe
giữa đường, cách đích đến 3km, khiến cho họ phải đi bộ hết quãng đường còn lại
với đồ đạc lỉnh kỉnh trên người.
Khi tới biên giới, nhóm lao động Ai Cập than phiền rằng họ bị các nhà chức trách
Libya gây khó, đòi những giấy tờ mà trước kia không bao giờ cần đến khi rời nước
này".
Những người Ai Cập khác kể lại, những binh sĩ và cảnh sát Libya họ gặp trên
đường đã tịch thu và hủy tất cả các thẻ nhớ điện thoại di động của họ hòng xóa
mọi hình ảnh hoặc video được lưu trữ trong đó.
Một người khác, Ahmed Ibrahim, nói anh buộc phải rời khỏi Zawiya do bạo lực dù
mới tới đây được 4 tháng làm nghề cắt tóc.
Ibrahim cho hay, một nhóm người Ai Cập lánh nạn cùng anh đã được các gia đình
Libya cho ở nhờ và hành trình của họ được bảo vệ bởi các nhóm giám sát cộng đồng
thuộc phe đối lập vốn đã giành quyền kiểm soát đường phố ở đó.
"Họ chuyển chúng tôi từ trạm kiểm tra này sang
trạm kiểm tra khác để đảm bảo an toàn cho chúng tôi", Ibrahim nói.
Thế nhưng, nhiều người khác không may mắn như vậy. Những gì họ trải qua khủng
khiếp hơn nhiều.
Taher Nasri, 25 tuổi, làm thủy thủ ở Zwara, cho
biết xe của anh bị lính Libya cướp tại một trạm xăng. "Họ lôi chúng tôi ra khỏi
xe, bắt chúng tôi quỳ xuống rồi bắn quanh để dọa chúng tôi", Nasri kể.
Cùng với hàng trăm người Ai Cập, rất nhiều người Ấn Độ làm nhân viên cung ứng
thực phẩm ở một mỏ dầu BP trên sa mạc Sahara đã phải kéo lê hành lý khi qua biên
giới sang Tunisia. Choáng váng và kiệt sức, nhóm công dân Ấn Độ này kể họ đã
phải trốn trên sa mạc 3 ngày trước khi công ty thuê được một máy bay tới cứu họ.
"Mọi thứ diễn ra suôn sẻ ngày hôm trước nhưng ngay hôm sau chúng tôi được bảo là
phải chạy", Anthony Caruz, 57 tuổi, kể. Ông cho biết, sau khi trốn trong sa mạc,
cả nhóm được bảo là đã có thể yên tâm trở lại công ty nhưng khi về tới nơi, họ
thấy nhà cửa bị cướp bóc và phá hủy.
Caruz cho biết, cả nhóm đã phải đi bộ tới nơi chỗ máy bay mà công ty của họ thuê
từ Malta sang đón để tới Tripoli. "Thật sốc. Chúng tôi chẳng ngủ được. Chúng tôi
hoảng loạn và chạy tới bất cứ chỗ nào có thể trên sa mạc, chạy càng nhanh càng
tốt để tránh nanh vuốt tử thần", Caruz kể trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Mohammed Abdelaziz, 22 tuổi, cho biết anh và vợ
Sana Mohammad đã thu dọn đồ đạc rời Zwara tới biên giới Tunisia nhưng bị các nhà
chức trách Libya ngăn lại. Khi họ trở về nhà, họ thấy căn hộ của mình đã bị cướp
phá.
"Chúng tôi không còn gì - tủ lạnh, giường ngủ, quần áo - tất cả đều bị lấy cắp",
Sana kể.
Họ trở lại biên giới lần nữa vào ngày 25/2 và lần này phải trả 300 dinar Libya
(240 USD) mỗi người thì mới được chở tới biên giới. Abdelaziz cho biết, các trụ
sở và đồn cảnh sát cùng tòa án ở Zwara đều bị đốt cháy và "người Libya thi nhau
bắn chỉ thiên".
"Ai cũng mang một vũ khí. Tôi còn nhìn thấy một cậu bé trai mang một khẩu",
Abdelaziz kể.
Thanh Hảo (Theo Reuters)