Các nhà ngoại giao nước ngoài vẫn bám trụ lại Triều Tiên vào hôm thứ Bảy (6/4), bất chấp những cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ không đảm bảo được sự an toàn cho họ nếu một cuộc xung đột nổ ra.

{keywords}

 Triều Tiên được cho là đã chuyển hai tên lửa tầm trung lên bệ phóng di động và giấu chúng trong các căn cứ dưới lòng đất gần bờ biển phía đông.

Hầu hết chính phủ các nước có đại sứ quán tại Triều Tiên đều tuyên bố chưa có kế hoạch sơ tán nhân viên ngoại giao của mình trong khi một số nhà ngoại giao cho rằng lời cảnh báo của Bình Nhưỡng là một trò lừa bịp để khiến quốc tế lo ngại về căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

"An ninh của sứ quán Đức và mức độ nguy hiểm vẫn đang tiếp tục được đánh giá",  Bộ Ngoại giao Đức cho hay. "Hiện nay, sứ quán vẫn có thể tiếp tục làm việc".

Trong khi đó, một nữ phát ngôn viên của Văn phòng Ngoại giao Anh nói rằng: "Chúng tôi tin họ đưa ra lời cảnh báo trên như một phần của tuyên bố rằng Mỹ đang đe dọa tới họ."

Người đứng đầu phái đoàn của Liên minh châu Âu EU tại Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch họp vào hôm thứ Bảy nhưng Anh cho rằng đó là một cuộc họp định kỳ và không thể đưa ra những quyết định lớn lao.

Tại Hàn Quốc, hãng thông tấn Yonhap trích dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết các nhà ngoại giao sẽ lờ đi lời khuyên sơ tán của Triều Tiên.

"Hầu hết các chính phủ nước ngoài xem thông điệp của Triều Tiên như một chiêu để tăng thêm không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên," vị quan chức này nói.

Các du khách phương Tây trở về từ chuyến thăm Bình Nhưỡng cho biết tình hình tại thủ đô Triều Tiên vẫn rất yên ả và cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường.

"Chúng tôi rất vui khi trở về nhưng chúng tôi không cảm thấy bị hoảng sợ khi ở đó," Tina Krabbe, tới từ Đan Mạch, đã đến Bắc Kinh sau 5 ngày du lịch tại Bình Nhưỡng, cho hay.

Thông điệp cảnh báo gửi tới các đại sứ quán và tổ chức phi chính phủ trùng thời điểm với những thông báo về việc Triều Tiên đã đặt hai tên lửa tầm trung trên các bệ phóng di động và giấu chúng trong các cơ sở dưới lòng đất gần bờ biển phía đông.

Theo nữ phát ngôn viên của Văn phòng Ngoại giao Anh, các đại sứ quán và các tổ chức được yêu cầu trước ngày 10/4 phải thông báo cho Bình Nhưỡng những gì họ cần hỗ trợ nếu muốn sơ tán.

"Chúng tôi hiểu rằng Bình Nhưỡng đang hỏi liệu các đại sứ quán có ý định rời đi hay không hơn là khuyên họ rời đi," nữ phát ngôn viên cho biết.

Liên Hợp Quốc cho biết các tình nguyện viên vẫn hoạt động trên khắp Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon vẫn rất lo ngại về căng thẳng, vốn gia tăng kể từ khi LHQ đưa ra lệnh trừng phạt đối với vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên. 

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đang hỏi ý kiến Trung Quốc về những cảnh báo, cũng như Mỹ và các thành viên khác của cuộc đàm phán 6 bên bị đình trệ về vấn đề Triều Tiên.

Hôm qua (6/4), Triều Tiên đã từ chối dỡ bỏ lệnh cấm các công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong trên biên giới Triều Tiên, vốn được ban hành từ hôm 4/4.

Sầm Hoa (Theo Asia1)

Các tin liên quan

Mỹ hoãn thử tên lửa vì lo Triều Tiên hiểu nhầm

Triều Tiên khoe 'sát thủ' máy bay do thám Mỹ

Tương quan thực lực Triều - Hàn

Lương thực - vũ khí lợi hại nhất chống Triều Tiên?

Cận cảnh thành phố tình hữu nghị liên Triều