Những tấm ảnh về tòa nhà bảo vệ lò phản ứng hạt nhân số 3 và 4 bị hư hại nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima Daiichi vừa được công ty điện lực Nhật công bố hôm 17/3. Các tấm ảnh do một nhân viên của công ty điện lực Tokyo chụp từ trực thăng của Lực lượng phòng vệ hôm 16/3.


Tòa nhà có lò phản ứng số 3 bị hư hại.

Sau khi bức tường bảo vệ bị phá hủy, bể chứa cạn khô, nơi các thanh nhiên liệu nóng quá mức đang đe dọa làm tan chảy hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, đã lộ hẳn ra ngoài môi trường.

Những tấm ảnh chụp gần tòa nhà bảo vệ lò phản ứng số 4 bị hư hại cho thấy, tòa nhà có lỗ thủng lớn và từ đó phóng xạ thoát ra ngoài không khí khi các thanh nhiên liệu bị hỏng.

Đêm qua, cơ quan an toàn hạt nhân LHQ cho hay, hiện còn quá sớm để nói nỗ lực tuyệt vọng nhằm hạ nhiệt lò phản ứng bằng cách đổ nước vào tòa nhà có thể thành công.

Bộ Ngoại giao Anh đã ra thông báo khẩn, khuyên công dân Anh có mặt trong bán kính 100km kể từ nhà máy rời khỏi đó ngay lập tức và đang sắp xếp các chuyến bay đưa công dân Anh khỏi Nhật.

Một tuần sau khi nhà máy Fukushima Daiichi bị tê liệt vì động đất và sóng thần, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, tình hình vẫn rất nghiêm trọng.

Graham Andrew, cố vấn khoa học và kỹ thuật tại cơ quan an toàn hạt nhân LHQ cho biết, tình hình không xấu đi nhiều nhưng lò phản ứng số 4 vẫn là mối lo ngại lớn. Khi được hỏi liệu những nỗ lực làm mát nhà máy bằng nước biển có thành công không, ông Andrew cho hay: "Tôi cho rằng hiện còn quá sớm để nói là thành công. Tình hình không xấu đi là một điểm tích cực nhưng nó có thể tồi tệ hơn. Do đó, tốt hơn là tôi không tiên đoán. Tôi có thể nói, mọi việc tương đối ổn so với hôm qua".

Những tấm ảnh mà một nhân viên công ty điện lực chụp từ trên không đã lần đầu tiên cho thấy mức hư hại của lò phản ứng, 3 trong số các lò phản ứng hứng chịu những vụ nổ sau khi hệ thống làm mát bị hỏng.

Bể làm mát thanh nhiên liệu ở lò phản ứng số 4 lộ hẳn ra ngoài trời

Tại lò phản ứng số 4, cả một bức tường bị mất. Đó là nơi các thanh nhiên liệu được cất giữ trong khi được làm mát ở nhiệt độ an toàn. Bên trong tòa nhà bị hư hại là một cái bể chứa các thanh nhiên liệu, đáng ra phải chứa đầy nước song hiện giờ khô cạn.

Các tấm ảnh khác cho thấy, khung bê tông tại một lò phản ứng khác bị vặn xoắn. Các công nhân tình nguyện sẵn sàng đánh đổi mạng sống để ở lại cứu nhà máy đang cố gắng đổ nước vào bể chứa bằng mọi cách có thể.

Các nhà khoa học Thụy Điển cho biết, các phân tử phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima được gió thổi qua Thái Bình Dương, có thể chạm tới bờ tây nước Mỹ vào hôm nay.

    * Hoài Linh (Theo Kyodo, Telegraph)