Bước ngoặt bất ngờ trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina diễn ra cuối tuần qua trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin còn chưa rảnh tay sau Thế vận hội ở Sochi. 


{keywords}

Trong khi phương Tây đang rất hối hả và muốn tận dụng đà này để thành lập nên chính quyền thân châu Âu ở Kiev, cuộc chơi tại đây vẫn chưa thể ngã ngũ khi mà Moscow chưa đưa ra cây gậy thật sự của mình. 

Ai cũng hiểu rằng sau màn kịch ở Kiev trong mỗi lần bạo loạn hay nổi dậy đều là bàn tay thao túng của Nga và phương Tây mà đại diện là Mỹ và châu Âu. Và không ai trong số hai người chơi chính này chấp nhận một kết cục theo kiểu ‘đôi bên cùng có lợi’. Vậy cụ thể vào lúc này, Putin và Obama muốn và sẽ hành động kiểu gì?

Suốt thời gian nổ ra bạo loạn, phương Tây và Mỹ liên tục gửi các nhà hòa giải tới Ukraina để làm việc với phe đối lập và phe chính quyền, nhưng kết quả vẫn không đâu. Ngược lại, phía Nga chẳng hề có động tĩnh gì và cũng không đưa ra sáng kiến ngoại giao nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là Kremlin thích chơi kiểu ‘ôm cây đợi thỏ’.

Trái lại, dù cho Moscow trông có vẻ như dành hết sự chú ý vào theo dõi Thế vận hội mùa đông, thì Kiev vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong nghị trình chính sách ngoại giao của Nga. Chỉ đơn giản là Nga không thích hành động kiểu lộ liễu bởi họ có và đang sử dụng những ‘quân bài’ mà phương Tây không hề và cũng không thể có.

Mục đích chính của Moscow trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina là ngăn phe đối lập nắm được quyền lực thực sự. Nga có thể chấp nhận bất kỳ chính quyền nào ở Kiev chừng nào họ vẫn nằm trong quỹ đạo của Kremlin, hay nói rõ hơn là chính quyền đó sẽ không có thay đổi thật sự nào so với hệ thống kém cỏi hiện nay, cũng không hiện đại hóa theo kiểu tiêu chuẩn châu Âu hay là đi theo chính sách đối ngoại thân phương Tây. 

Hơn nữa, kết quả từ cuộc khủng hoảng này sẽ tác động lên vị thế của Nga tại Đông Âu thời hậu Xô Viết. Và có vẻ như với Kremlin một cuộc ‘cách mạng’ mới tại Ukraina có tiềm ẩn rất lớn về mặt địa chính trị (trong khi nhiều nhà hoạch định chính sách tại châu Âu vẫn chưa hiểu điều này một cách đầy đủ và rõ ràng). Tiềm lực của việc này lớn đến nỗi Moscow không coi tình hình tại Kiev là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại, mà còn là một phần trong nghị trình đối nội của mình. 

Ukraina với các thể chế dân chủ mạnh mẽ và mẫu hình kiểu phương Tây có thể sẽ xói mòn an ninh của chế độ chính trị tại Nga, chứ không chỉ là việc mất đi một ‘vùng đệm’ địa chiến lược. 

Từ lâu, Moscow đã coi Ukraina là một cuộc chơi ‘một mất một còn’, một cuộc chơi có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài. Ngày nay cũng vậy. Nga đang chuẩn bị cho một loạt công cụ để tiếp tục cuộc chơi này, từ những lá bài chính trị, kinh tế, năng lượng cho tới sức mạnh mềm… Mỹ và phương Tây khó mà bắt kịp vì cả hai hành động theo các kiểu khác và cũng không có các công cụ có tầm ảnh hưởng tương đương.

Thí dụ như việc Ukraina gần như không thể chống đỡ nổi trước các đòn kinh tế của Nga. Từ quý ba của năm 2012, GDP của Ukraina liên tục giảm, và Kiev chỉ có khả năng chi trả cho tiền khí đốt mua từ Nga một cách chật vật. Rõ ràng là Moscow đã tận dụng hiệu quả điểm yếu về mặt kinh tế của Kiev. Hiển nhiên, khó khăn về tài chính của Ukraina chính là lợi thế chính trị của Nga. Việc gần đây Nga mua lượng lớn trái phiếu của Ukraina cũng là một ví dụ có thể kể đến. 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama thì không thôi nói về sự ‘rất rõ ràng’ trong tình hình tại Ukraina. Nhưng rốt cuộc lại chẳng rõ hành động mà Washington muốn có thể mang lại kết quả rõ rệt nào không. 

Điều đầu tiên mà người ta nhìn thấy ‘rõ ràng’ nhất là ông Obama cùng với chính quyền của ông đã miêu tả về những gì ở Ukraina một cách sai lầm. Ông kêu gọi chính quyền Kiev ‘kiềm chế’ trước một thứ bạo lực kinh hoàng mà phe cực hữu trong phong trào đối lập đã trang hoàng bằng ngôn từ thành một ‘lời cảnh báo’.

Điều thứ hai mà ông Obama làm rõ là việc ông ngày càng thích sử dụng kiểu ‘tiêu chuẩn kép’ chừng nào ông còn thấy… tiện. Một mặt, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Tổng thống Viktor Yanukovich và chính quyền Kiev có ‘trách nhiệm đặc biệt trong việc xuống thang’ khi mà tình hình đang có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát ở quảng trường Độc Lập. Chưa đầy 24 giờ sau, ông Obama lại cảnh báo rằng sẽ có ‘hậu quả xảy ra nếu như người dân bước qua giới hạn’.

Một điều nữa còn bỏ sót trong các tuyên bố của ông Obama chính là những bối cảnh xung quanh đó. Suốt hơn bốn tuần qua, mỗi lần chính quyền Yanukovich nhượng bộ và thỏa thuận ngừng bắn được hình thành là phe đối lập cực đoan lại đẩy mạnh bạo lực và chính quyền chẳng còn lựa chọn nào khác là đáp trả. 

Ở đây, một lần nữa người ta lại nghe thấy cụm từ ‘giới hạn’ từ chính miệng Tổng thống Mỹ. Phải chăng ông Obama cũng muốn đặt ra một ‘vạch đỏ’ cho ông Yanukovich tương tự như đã từng nói với Tổng thống Syria Bashar al-Assad? Thậm chí, cách đặt giới hạn lần này của ông Obama còn nguy hiểm và khinh suất hơn trước. 

Vì lần trước, ông Obama đã quay lưng lại với chính lời hứa trừng phạt Tổng thống Assad nên lần này, sức ép từ phe diều hâu cũng như kiểu chính sách đối ngoại ở Washington có thể sẽ buộc ông phải phản ứng chống lại Yanukovich theo một cách nào đó thật sự ‘rõ ràng’, chứ không chi hứa suông cho vui miệng.

Nhưng, cũng chính vì điều này mà một hành động quân sự - dù là đe dọa hay gì chăng nữa, dù là do NATO hay là Liên Hợp Quốc tiến hành – để phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Ukraina chắc chắn cũng sẽ nhận được đáp trả tương xứng và thích đáng từ một Liên bang Nga ‘không thích đùa’. 

Vậy nên rốt cuộc, giữa Nga và Mỹ vẫn phải có các chương trình nghị sự mang tính ‘xây dựng’ và đi vào ‘thực chất’ để tìm ra lối thoát cuộc khủng hoảng tại Ukraina như mới đây hai bên đã tuyên bố sau cuộc thảo luận giữa hai tổng thống Putin và Obama. 

Lê Thu (tổng hợp)