- Sau khi phe đối lập ở Ukraina chiếm ưu thế, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Nga đừng nghĩ đến việc sử dụng vũ trang tại đây để cứu vãn tình hình và cho đây là một ‘sai lầm nghiêm trọng’.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa trừng phạt Ukraina nếu như nước này ngả theo phương Tây. Ảnh: Telegraph

Tuy nhiên, giới chức Nga cho rằng ‘lời khuyên’ này của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tuy có thiện ý nhưng đã gửi ‘nhầm địa chỉ’.  

“Chúng tôi đã lưu ý tới đánh giá về mặt chuyên môn của bà Susan Rice dựa trên nhiều trường hợp khác nhau khi mà quân đội Mỹ được gửi tới nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi mà chính quyền Mỹ tin rằng những tiêu chuẩn dân chủ của phương Tây bị đe dọa, hoặc ở những nơi mà chính quyền địa phương đã ra khỏi tầm kiểm soát”. 

“Chúng tôi mong rằng bà cố vấn an ninh quốc gia có thể đưa ra lời khuyên tương tự cho lãnh đạo Mỹ trong những cách thức sử dụng vũ lực sai lầm nếu như họ quyết định tiến hành một việc can thiệp nào khác” - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đáp trả. 

Bình luận của bà Rice làm nhiều nhà quan sát tại Nga thắc mắc vì sao Moscow lại phải viện tới lực lượng vũ trang để cứu ông Yanukovich. Bởi trong cả ba tháng biểu tình và bạo loạn tại Ukraina, dường như chỉ có các quan chức và nhà hoạt động của phương Tây là tấp nập tới Kiev để hòa giải và cả hỗ trợ cho phe đối lập.  

Trong khi đó, Nga hầu như không có động tĩnh gì can thiệp vào tình hình tại Kiev và chỉ lên tiếng chỉ trích phương Tây đã can thiệp vào tình hình nội bộ của Ukraina. 

Ngay cả khi Tổng thống Victor Yanukovich bị lật đổ, Moscow cũng không thay đổi quan điểm của mình hay lên tiếng ủng hộ ông này.  

Muốn trừng phạt Ukraina, Moscow có những công cụ dễ dàng hơn và cũng hiệu quả hơn nhiều mà không cần tới súng ống. 

Cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua tại Ukraina nổ ra vì gói thỏa thuận cứu trợ nền kinh tế đang khát vốn. Hay nói cách khác, nguyên nhân trực tiếp chính là vì tiền. Vậy nên, dễ dàng hơn cho Moscow hơn bao giờ hết là đánh thẳng vào túi tiền của Kiev. 

{keywords}
Quảng trường Độc lập tại Thủ đô Kiev tang hoang sau biểu tình. Còn chính phủ lâm thời đang đối mặt với ngân sách cạn kiệt và có nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.Ảnh: B.I.

Hiện tại, không chỉ đứng trên bờ vực nội chiến, mà Ukraina đang có nguy cơ vỡ nợ thực sự với ngân sách gần như trống trơn. Bộ trưởng tài chính lâm thời của Kiev là Yuriy Kolobov tuyên bố họ cần tới 35 tỉ USD viện trợ từ giờ cho tới hết năm 2015. 

Lãnh đạo phe đối lập Arseny Yatsenyuk, thành viên của Đảng Batkivshchina (nhiều khả năng trở thành Thủ tướng) cảnh báo rằng nền kinh tế Ukraina đang trên đà sụp đổ và yêu cầu sự giúp đỡ từ phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế. 

Hiện nay, nợ nước ngoài của Ukraina ở mức 140 tỉ USD, chiếm 80% GDP của đất nước. Dự trữ ngoại tệ của chính phủ suy kiệt tới mức không đủ để cho tập đoàn năng lượng Naftogaz trả hết nợ.  

Một trong những điều khiến Ukraina lo sợ nhất lúc này là giá khí đốt Nga bán cho Kiev bị nâng lên.

Một động thái nâng mức giá bán khí đốt của Nga cho Ukraina vào lúc này sẽ là một đòn chí mạng vào chính quyền lâm thời Kiev. Trước đó, hãng Gazprom của Nga đã đồng ý bán khí đốt cho hãng Naftogaz của với giá 268,50 USD cho 1.000m3 khí đốt, thay vì với giá 400USD. 

Giữa Moscow và Kiev luôn xảy ra cãi vã liên quan tới vấn đề năng lượng, đặc biệt là trong khoảng từ tháng 1/2006-1/2009 khiến cho nguồn cung khí đốt liên tục bị cắt do tranh cãi chuyện thanh toán. 

Moscow luôn phàn nàn về việc Kiev trả nợ tiền khí đốt trễ. Ukraina còn nợ Nga 3,3 tỉ USD tiền mua khí đốt. 

Bên cạnh đó, Kremlin vẫn còn những cây gậy khác để trừng phạt Ukraina khi cần. Vì Nga là nhà nhập khẩu lớn nhất các hàng hóa của Ukraina, nên nếu muốn, Nga có thể thiết lập vô số hàng rào phi thuế quan đối với hàng của Ukraina.  

Chẳng hạn như trong sau tháng đầu năm ngoái, hải quan Nga siết chặt kiểm tra với 100% hàng nhập khẩu từ Ukraina, gây nên tình trạng ách tắc kéo dài và hàng hóa bị hư hỏng, gây thiệt hại 2,5 tỉ USD cho các nhà sản xuất trong nước. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố sẽ áp dụng đòn trừng phạt này trở lại nếu như Kiev quyết định ngả theo Liên minh châu Âu. 

Nếu ông Putin quyết định trả đũa Kiev, hậu quả như cựu Tổng thống Yanukovich ước tính, Ukraina sẽ thiệt hại khoảng 500 tỉ USD chỉ riêng trong thương mại với Nga.  

Như vậy, vấn đề sau cùng và cũng là đầu tiên với mọi chính quyền Ukraina để đảm bảo an ninh và ổn định luôn là ‘tiền đâu?’. 

Lê Thu