Vài ngày sau khi cựu Tổng thống Victor Yanukovich bị phế truất và trốn khỏi Ukraina, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu 150.000 binh sĩ tập trận và trực chiến ở sát biên giới.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

Thực tế này đã dấy lên hàng loạt tranh cãi tại Washington, rằng giờ đây Mỹ nên đối phó thế nào với lãnh đạo Nga – cũng là người đàn ông quyền lực nhất thế giới lúc này. 

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Đối với các quan chức chính quyền Obama, Vladimir Putin là một mối lo ngại, nhưng không phải là mối đe dọa. Họ cho rằng kiểu nói chuyện mang giọng điệu Chiến tranh Lạnh gần đây giữa đôi bên là thiếu thận trọng và phản tác dụng. “Đây là một thế giới mà chúng ta cần phải làm việc với người Nga. Đây không phải là chuyện Mỹ đối kháng với Nga” – một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. 

Về phần phe Cộng hòa, chiến dịch của ứng viên Mitt Romney năm 2012 tuyên bố rằng Moscow chính là ‘kẻ thù số một về địa chính trị’ của Washington, và nay có vẻ như điều đó đang trở nên hợp tai nhiều người. Họ nói rằng, giờ là lúc đối đầu với Putin. “Phân tích của Romney về mối đe dọa Nga đã được nêu bật trở lại. Điều này đã được chứng tỏ đầy đủ qua việc ở Ukraina, Syria và cả Nga” – Nile Gardiner, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản và là cựu cố vấn của Romney nói. 

Các chuyên gia cho rằng Putin vẫn coi Ukraina thuộc ‘vùng ảnh hưởng’ của Nga. Và ông sẽ còn tiếp tục khẳng định lại vị thế của Nga trên trường quốc tế bằng cách can dự vào các nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại Syria, Iran và các quốc gia khác. 

“Tầm nhìn của Putin không phải là nhằm khôi phục lại Liên Xô, mà là khôi phục lại nước Nga vĩ đại” – nhận định của Kathryn Stoner, giáo sư tại Đại học Stanford và là chuyên gia về Nga. “Đó là một đế chế Nga, với hệ thống chính trị và kinh tế rất rõ ràng”.  

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Stoner cho rằng hệ thống này không phải là mối đe dọa đối với nước Mỹ. Nhưng các chuyên gia cho rằng đó là một hệ thống có văn hóa bảo thủ mà Putin tích cực thúc đẩy để đối phó lại với phương Tây suy đồi.  

Cựu cố vấn của ông Romney là Gardiner lại chỉ trích Tổng thống Barack Obama vì đã không thể hiện một thông điệp kiểu Ronald Reagan rằng ‘Nước Mỹ đang thúc đẩy sự nghiệp tự do’ để đối phó với Putin. Ông này cho rằng ‘một cuộc chiến về ý thức hệ’ đã diễn ra, và Putin đang giành phần thắng. Gardiner nói rằng Putin đã truyền cảm hứng cho những người chống đối ở Mỹ. 

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ‘đe dọa suông với Moscow chỉ là vô ích’. Sau cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, dân chúng Mỹ không hứng thú với việc đối đầu quân sự trực tiếp hay gián tiếp với Nga tại Ukraina và Syria, hoặc bất kỳ ở quốc gia nào khác. Lựa chọn tốt nhất với họ khi làm việc với Putin là kín tiếng sau hậu trường. 

“Điều chúng tôi đang cố gắng là làm việc thông qua kênh ngoại giao với người Nga. Điều này không có nghĩa là phải công khai mọi chuyện, kể cả những lời lẽ nặng nề dù có thể làm vừa lòng một số cử tri trong nước. Bây giờ không còn là thời mà cứ nói nặng thì mới được việc” – một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. 

{keywords}
Ukraina cần 35 tỉ USD để chi tiêu cho chính phủ cho tới hết năm 2015 sau ba tháng bạo loạn.

Việc công khai chọc tức Putin có thể sẽ khiến ông nổi giận và có hành động quân sự để bảo vệ các công dân Nga tại Ukraina. Cùng lúc đó, Mỹ và châu Âu cũng hành động rốt ráo để viện trợ tiền bạc cho nền kinh tế rỗng không của Kiev. Các quan chức chính phủ lâm thời Ukraina đã nói rằng họ sắp hết sạch tiền để trả lương cho nhân viên nhà nước, và đất nước này cần tới 35 tỉ USD viện trợ để chi tiêu trong năm 2014-2015. 

Tuy nhiên, các nhà chỉ trích nói rằng Mỹ và châu Âu phản ứng quá vụng về đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Cơ chế chính để cung cấp viện trợ cho chính quyền mới tại Kiev là chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhưng lại đòi hỏi các cải cách kinh tế khắc nghiệt, chẳng hạn như cắt sâu các khoản trợ cấp nhà nước để giảm chi phí năng lượng. Biện pháp này chắc chắn không được lòng dân. 

Ngược lại, Putin đề xuất khoản hỗ trợ 15 tỉ USD cho ông Yanukovich mà không đòi hỏi gì nhiều.  

Giáo sư Stoner của Đại học Stanford cho rằng ông Putin có thể chờ cho hình ảnh của chính quyền mới của Ukraina và những người chống lưng ở châu Âu trở nên xấu đi trong mắt người dân, y như hồi sau Cách mạng Cam năm 2004. Khi đó, Putin mới ra tay. 

Bà Hill, tác giả một cuốn sách viết về Putin, nói rằng vị tổng thống Nga vượt trội hơn hẳn so với các lãnh đạo phương Tây, vì ông đã chờ đúng thời điểm và sau đó hành động quyết liệt khi ông cảm nhận thấy các đối thủ của mình đã không còn đủ sức đối trọng. Tác giả cho rằng Putin nắm quyền rất chắc chắn và Moscow sẽ là một người chơi chính trong khu vực, từ châu Âu cho tới Trung Đông trong những năm tới đây. 

“Anh không thể qua mặt nước Nga. Chúng ta cần phải thông minh hơn trong cuộc chơi này” – bà Hill kết luận. 

Lê Thu (theo The Atlantic)