Phương Tây đã ngay lập tức ra các đòn trừng phạt nhằm vào hơn
20 quan chức Nga cùng đồng minh của họ ở Crưm sau khi bán đảo này nhất trí tách
khỏi Ukraina và theo Nga ngày 17/3.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Các quan chức tạm quyền ở Kiev thì tuyên bố họ sẽ không bao giờ chấp nhận việc Nga cho Crưm sáp nhập. Trong một bài phát biểu trên truyền hình tối cùng ngày, Tổng thống lâm thời Ukraina Oleksandr Turchynov tuyên bố chính phủ của ông sẽ làm "mọi điều có thể" để giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
Ông Turchyno cũng khen ngợi người dân Ukraina không phản ứng với hành động
của Nga bằng bạo lực.
Các diễn biến ở Crưm nói riêng và Ukraina nói chung đang đẩy Nga và Mỹ hai thái cực xung đột chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ngay khi có kết quả trưng cầu dân ý với đại đa số cử tri nhất trí theo Nga, các quan chức cộng hòa tự trị này đã nhanh chóng gửi đơn xin gia nhập sang Moscow. Mỹ và Liên minh châu Âu gọi sự kiện này là trái phép.
Tuy nhiên, bất chấp sức ép, Tổng thống Vladimir Putin vẫn ký một sắc lệnh công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Crưm. Quốc hội Nga dự kiến sẽ sớm quyết định liệu có cho bán đảo này sáp nhập hay không.
Phản ứng trước các diễn biến nóng ở Crưm, các nhà chức trách Mỹ và EU đã liên tiếp áp đặt cấm vận nhằm vào Moscow, cụ thể là nhắm đến hơn 20 quan chức Nga cùng đồng minh của họ ở Crưm.
Danh sách bị trừng phạt của EU bao gồm các lãnh đạo Crưm thân Nga, 10 nhà lập pháp hàng đầu Nga tán thành việc sáp nhập Crưm và 3 tư lệnh quân sự cấp cao Nga. Phía Mỹ nhắm tới 2 cố vấn cấp cao của ông Putin và Tổng thống Ukraina bị phế truất Viktor Yanukovych.
Từ Washington, Tổng thống Barack Obama cảnh báo Moscow: "Những khiêu khích thêm sẽ chẳng mang lại gì ngoại trừ việc Nga càng bị cô lập hơn nữa và giảm vị thế trên thế giới". Ông chủ Nhà Trắng quyết định phong tỏa tài sản ở Mỹ và cấm đi lại đối với 11 người bị nêu đích danh, trong đó có Yanukovych cùng các trợ tá của Putin.
Tuy nhiên, một quan chức Nga có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ gọi điều đó là "vinh dự lớn".
"Tôi coi quyết định của chính quyền Washington như một sự công nhận những gì tôi phụng sự cho nước Nga", Vladislav Surkov khẳng định.
Từ Brussels, Bỉ, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton thông báo trừng phạt 21 người "chịu trách nhiệm cho những hành động phá hoại hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina".
Nữ quan chức này gọi cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm là "trái phép" và "vi phạm trắng trợn Hiến pháp Ukraina". Bà cũng kêu gọi Moscow không sáp nhập bán đảo này.
Trong một thông điệp trên Twitter, Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius
viết rằng trong những ngày tới đây sẽ có thêm nhiều biện pháp cứng rắn nữa được
áp dụng khi các lãnh đạo EU nhóm họp ở Brussels.
Giới quan sát nhận định, về mặt ngoại giao, cuộc bỏ phiếu quyết định tách khỏi
Ukraina của Crưm đã Mỹ và Nga vào thế xung đột chưa từng có kể từ sau Chiến
tranh Lạnh. Về kinh tế, hiện chưa rõ việc sáp nhập sẽ khiến Nga tổn thất mức
nào.
Crưm có dân số 2 triệu, hầu hết là người Nga. Moscow mạnh mẽ ủng hộ cuộc
trưng cầu ngày 16/3 và các nhà lập pháp Nga tuyên bố họ sẽ mở rộng vòng tay đón
Crưm. Nhiều người ở cộng hòa tự trị này hy vọng gia nhập Nga sẽ mang lại cho họ
một tương lai tốt đẹp hơn, giúp họ trở thành công dân của một nước đủ sức khẳng
định và đòi quyền lợi của mình trên trường quốc tế.
Thanh Hảo