Lún sâu vào khủng hoảng từ lâu, Thái Lan giờ đây đang cận kề bờ vực sụp đổ. Nếu hai phe không đạt được thỏa hiệp thì đất nước Đông Nam Á này có thể sẽ đổ vỡ thực sự.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Trong bài viết có tựa đề "Thái Lan: Mọi thứ vỡ tan", tờ báo danh tiếng The Economist đánh giá Thái Lan cách đây một thập niên là điển hình tỏa sáng ở Đông Nam Á về một nền dân chủ song hành cùng nền kinh tế phát đạt.

Tuy nhiên, báo này khẳng định, vào ngày 7/5 vừa qua, tất cả đã trở nên hỗn độn khi Tòa Hiến pháp phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng 9 thành viên trong nội các, vì bà đã thuyên chuyển chỉ huy an ninh quốc gia Thái Lan năm 2011.

{keywords}
Yingluck Shinawatra đã dẫn dắt chính phủ tạm quyền Thái Lan sau khi giải tán Quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái để dọn đường cho bầu cử vào tháng 2 vừa qua. (Ảnh: Reuters)

Nhiều người cho rằng, phán quyết của tòa là một thước đo cho thấy Thái Lan đã suy sụp, chia rẽ ra sao và các cơ quan rạn vỡ đến mức nào. Nếu không lùi xa khỏi bờ vực thẳm thì nước này có nguy cơ rơi vào hỗn loạn và vô chính phủ, hoặc bạo lực nghiêm trọng.

Khi hạ bệ bà Yingluck, Tòa Hiến pháp Thái Lan đã thực hiện những gì mà các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng qua ở Bangkok không đạt được. Đây không phải là lần đầu tiên tòa ra phán quyết chống lại nữ chính trị gia này.

Để khơi thông bế tắc trên đường phố Bangkok, Yingluck đã quyết định tổ chức bầu cử vào tháng 2, nhưng bị đảng Dân chủ đối lập tẩy chay. Tòa án sau đó cũng bác bỏ kết quả bỏ phiếu.

Yingluck tiếp tục dẫn dắt Thái Lan trên cương vị Thủ tướng lâm thời. Đối với nhiều người Thái, phán quyết cho thấy tòa án đứng về phe bảo hoàng muốn chấm dứt sự nghiệp chính trị của Yingluck và đặc biệt là của anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và giờ đang sống lưu vong.

Toàn bộ bộ máy chính phủ Thái Lan đã rơi vào xung đột giữa hai phe. Đối với những người ủng hộ ông Thaksin, sự nổi lên của chính trị gia này năm 2001 đã đánh dấu một bước đột phá sau nhiều thập niên đất nước nằm dưới sự lãnh đạo của các liên minh tham nhũng.

Nhờ một hiến pháp dân chủ mới năm 1997, Thaksin đã mang lại một tiếng nói cho phần lớn người Thái Lan mà đa số sống ở miền bắc và đông bắc đất nước. Trong con mắt họ, Thaksin đã làm thay đổi cuộc sống của dân nghèo bằng các chương trình y tế và giáo dục. Ông cũng thách thức tầng lớp đặc quyền trong bộ máy công chức, quân đội, tư pháp và thậm chí cả trong Hoàng gia.

Đối với phe ủng hộ gia tộc Shinawatra thì các cuộc biểu tình trên đường phố gần đây cùng hoạt động tích cực của Tòa án Hiến pháp chính là công việc của một tổ chức không chấp nhận các kết quả bỏ phiếu năm 2001, 2005, 2006, 2007 và 2011, khi các đảng trung thành với Thaksin giành chiến thắng, và cả những gì Đảng Pheu Thái của bà Yingluck đã làm được hồi tháng 2 vừa qua.

Nhưng phe phản đối anh em nhà Shinawatra cũng có lý do để lên tiếng. Họ cáo buộc các chính phủ thân Thaksin hoạt động vì lợi ích của những người ủng hộ ông tại nông thôn (một dự án trợ giá gạo có nguy cơ làm vỡ ngân sách) và vì chính bản thân trùm viễn thông này.

Giờ đây, bế tắc lại bắt đầu. Một cuộc bầu cử được dự kiến sẽ xảy ra. Bà Yingluck lẽ ra đã có quyền cạnh tranh với các đối thủ của mình qua lá phiếu. Nhưng bầu cử không phải là một giải pháp, bởi vì phe đối lập vẫn sẽ tẩy chay nó. Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đề nghị lập ra một "hội đồng nhân dân" nhưng phe thân Thaksin nhất quyết không đồng ý.

Những khác biệt không thể dàn xếp giữa hai phe đã "nuốt chửng" các tòa án ở Thái Lan và quân đội nước này, thậm chí cả nền quân chủ. Nó đẩy Thái Lan vào vực thẳm. Giới đầu tư đã nhiều năm lo ngại giờ trở nên hoảng sợ. Máu cũng đã đổ trên đường phố trong năm nay. Nguy cơ bạo lực tiếp diễn nghiêm trọng hơn ngày càng hiện rõ, nhất là khi phe ủng hộ Thaksin thề sẽ đổ ra đường phản đối.

Nếu Thái Lan muốn tránh được thảm họa thì cả hai phe ở nước này phải lùi xa khỏi bờ vực. Điểm khởi đầu là sự chuyển giao quyền lực của hệ thống chính phủ có tính tập trung hóa cao độ. Hiện tại, chỉ mỗi Bangkok có thống đốc qua bầu cử dân chủ. 76 tỉnh thành của Thái Lan cũng nên có một người đứng đầu như vậy. Điều này sẽ không chỉ giúp kiềm chế phong trào li khai Hồi giáo ở miền nam mà còn làm an lòng ông Suthep, bởi vì người chiến thắng trong một cuộc bầu cử toàn quốc sẽ không còn nắm giữ tất cả các quyền lực nữa.

Để có được cải cách đó, Đảng Dân chủ Thái Lan phải đồng ý chấp nhận các kết quả bầu cử, và đổi lại, đảng Pheu Thái nên ra tranh cử mà không có một thành viên nhà Shinawatra cầm lái.

Thiện chí là điều vẫn còn thiếu ở Thái Lan hiện nay. Nếu hai phe tiếp tục "đấu nhau" thì cả hai có nguy cơ đẩy đất nước vào sự sụp đổ. Nếu đem so thì thỏa hiệp sẽ là một cái giá không hề đắt.

Thanh Hảo