Tờ Điện tín của Anh dẫn nguồn tin tình báo Đức cho hay, các lệnh trừng phạt kinh tế đã gây nên chia rẽ trong giới tinh hoa của Nga, bất chấp việc Tổng thống Vladimir Putin tìm mọi cách để cho thấy một tinh thần thống nhất giữa các bên. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tình báo Đức mới đây báo cáo lên Thủ tướng Angela Merkel rằng, tại điện Kremlin lúc này đang có một cuộc giằng co về quyền lực giữa những người theo đường lối cứng rắn và các nhà tài phiệt trong việc nên phản ứng như thế nào trước các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây. 

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: BI

Tạp chí Tấm Gương cho biết người đứng đầu cơ quan tình báo Đức là Gerhard Schindler báo cáo lên ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức rằng: các vết rạn nứt này đang xuất hiện trong một ‘mặt trận thống nhất’ của ông Putin.

Báo đưa tin ông Schindler đã nói với ủy ban và cá nhân bà Merkel rằng cả phe tài phiệt và phe cứng rắn đều muốn tác động nhiều hơn lên Tổng thống Putin, chứ không thống nhất với nhau như lúc cuộc khủng hoảng Ukraina mới nổ ra.

“Theo tình báo Đức, rất có khả năng là một số nhà tài phiệt vốn lo âu các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm đặt các lợi ích kinh tế lên trên các lo ngại về chính trị, và tìm cách kiềm chế ông Putin” – tờ Tấm Gương viết.

Đánh giá của cơ quan tình báo Đức gần như sẽ có tác động lên quan điểm của chính quyền Berlin khi áp đặt trừng phạt lên Moscow.

Trước đó, các lãnh đạo công nghiệp của Đức cảnh báo rằng nếu tiếp tục ra lệnh trừng phạt thì ‘tất cả đều thiệt hại’. Tuy vậy, tuần trước, bà Merkel lại muốn áp đặt thêm nhiều trừng phạt kinh tế nhanh hơn nữa nhằm vào Moscow, liên quan tới vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho biết, các lệnh trừng phạt của EU nên chủ yếu tập trung vào giới tài phiệt của Nga. “Trên tất thảy, chúng ta phải đánh trúng các nhà tài phiệt, chúng ta phải làm việc này trong tuần tới” – tờ Tấm Gương cho hay.

Quan điểm chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế cũng được cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaüble đồng tình.

Trên tờ Bild am Sonntag, ông này nói rằng lợi ích kinh tế chỉ có tầm quan trọng ‘thứ nhì’ khi đề cập tới chính sách đối ngoại với Nga.

“Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ổn định và hòa bình” – ông Schaüble nói.

Ông Schaüble nói thêm là các trừng phạt hiện nay đã khiến nền kinh tế Nga ngấm đòn.

“Đồng Rúp đang mất giá, thâm hụt ngân sách của Nga đang gia tăng và phát triển kinh tế rất tệ. Ngay cả Tổng thống Nga cũng thấy điều đó”. Nói về lời kêu gọi phương Tây đoàn kết lại thành mặt trận chống Nga, ông này nói thêm: “Ở Nga lúc này, đừng có ai nghĩ rằng với cách làm này thì Nga sẽ giành phần thắng”.

Lê Thu