Hôm nay Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (JSDF) chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp xảy ra trong bối cảnh môi trường an ninh bên ngoài phức tạp.


Tàu chiến của Nhật Bản
Tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản sáng nay, ông Noda đã có bài phát biểu với khoảng 180 chỉ huy cấp cao của JSDF. Trong đó, ông cho rằng tình trạng bất ổn đối với môi trường an ninh quanh Nhật Bản đã tăng lên mức độ cao nhất khi mà các hoạt động quân sự của các quốc gia láng giềng, bao gồm cả Triều Tiên, Trung Quốc, Nga trở nên sôi động hơn. Do đó, Thủ tướng Nhật cho rằng JSDF cần phải giám sát và phân tích các quốc gia trên một cách chặt chẽ.

Ông Noda đặc biệt lưu ý việc Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở các vùng biển quanh Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã trao đổi về bản hợp đồng chính thức nhằm mua lại ba trong số năm hòn đảo tại quần đảo Senkaku từ gia đình tư nhân người Nhật. Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư và thể hiện phản đối với động thái này của Nhật.

Lời kêu gọi này của ông Noda đưa ra trong bối cảnh Nhật đang vướng vào ba vụ tranh chấp biển đảo cùng lúc, với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, với Hàn Quốc tại nhóm đảo đá Takeshima/Dokdo, với Nga tại quần đảo Kuril.

Theo báo chí Nhật, chính phủ nước này sẽ mua lại các đảo ở biển Hoa Đông với khoản tiền là 26,15 triệu USD từ ngân sách chính phủ.

Chiều hôm qua, Tổng thư ký Nội các Nhật Osamu Fujimura cho biết chính phủ Nhật hy vọng rằng  việc Tokyo mua đảo không làm xói mòn quan hệ toàn diện song phương của Nhật với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đáp trả lại động thái này của Tokyo, sáng hôm nay Bắc Kinh đã điều hai tàu giám sát biển (CMS) đển vùng biển quanh các đảo đá này.

Các tàu này của Trung Quốc đã lên kế hoạch hành động để bảo vệ điều mà Trung Quốc gọi là "chủ quyền lãnh thổ". Bắc Kinh cho biết các tàu này có thể có các hành động ngăn chặn diễn tiến của tình hình tại quần đảo tranh chấp này.

Trung Quốc gọi thương vụ này của Nhật là "quốc hữu hóa" quần đảo. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết hành động điều tàu giám sát này là nhằm "thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo".

Bài báo của Trung Quốc còn bình luận rằng việc điều tàu tuần tra này là "một cái tát vào âm mưu 'quốc hữu hóa' quần đảo" tranh chấp giữa đôi bên.

Trước đó, tại hội nghị APEC diễn ra tại vùng Viễn Đông của Nga cuối tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc đã có trao đổi chóng vánh. Nội dung cụ thể của cuộc trao đổi không được nói rõ, nhưng theo báo Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã nói rằng quan hệ Trung - Nhật gần đây đã gặp phải một tình huống rất xấu do vấn đề tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

  • Lê Thu (theo Kyodo/THX)

Đằng sau việc Nhật mua Senkaku/Điếu Ngư
Trung Quốc hẳn nhiên là sẽ rất không vui với việc Nhật mua đảo tranh chấp, nhưng Nhật có thể đã ngăn chặn được một cuộc tranh cãi ngoại giao thậm chí còn lớn hơn thế.
 
Nhật Bản trong thế tam nan với 3 cường quốc
Gần như cùng một lúc, Nhật Bản vướng vào ba cuộc tranh chấp các đảo với các quốc gia láng giềng hùng mạnh. Giải pháp thì chưa có, nhưng sóng gió thì dâng trào.