Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ bỏ phiếu sớm, và không chỉ mình ông làm thế - 6,5 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu, gần 2 tuần trước ngày bầu cử. Vì vậy, có thể cuộc bầu cử này đã được định đoạt? 

TIN BÀI LIÊN QUAN:



Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cầm lá phiếu vắng mặt của bà.

Tổng thống Barack Obama sẽ làm nên lịch sử trong tuần này khi ông bước vào phòng phiếu ở Chicago và bỏ lá phiếu của mình khi còn 10 ngày nữa mới đến ngày bầu cử chính thức.

Hành động của Obama là nhằm tăng cường nhận thức về bỏ phiếu sớm, điều mà cả hai chiến dịch của phe Dân chủ và phe Cộng hòa đều cho là có thể quyết định cuộc bầu cử.

Bỏ phiếu sớm từng được dành riêng cho cử tri xa xứ và quân nhân. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay, các chuyên gia dự đoán ít nhất 35% cử tri sẽ bỏ phiếu sớm, cao hơn mức 30% trong năm 2008. Và ở các bang quan trọng như Florida, Colorado, Iowa và Ohio, con số này có thể cao hơn nhiều. 

"Colorado là bang mà 85% số phiếu sẽ được bỏ trước ngày bầu cử", Michael McDonald, giáo sư về chính phủ và chính trị tại Đại học George Mason, nhận định. "Florida sẽ đạt sát mức 2/3. Ở Ohio, tỷ lệ bỏ phiếu sớm khoảng 40-45%".

Tất cả các bang này, theo ông, có các cơ chế giúp cho người dân dễ dàng bỏ phiếu trước ngày 6/11. 

Mặc dù bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở hầu hết các bang cho phép, các phiếu này sẽ không được kiểm cho đến ngày bầu cử. Tuy nhiên, McDonald cho rằng có thể xác định được người thắng cuộc bằng cách theo dõi các bang chiến địa. 

"Trong năm 2008, tuần trước cuộc bỏ phiếu, tôi tin rằng Obama đã chiến thắng bởi vì ông ấy làm quá tốt ở Colorado và Colorado rất nổi bật trên bản đồ bầu cử lúc đó", ông nhận xét.

Tuy nhiên, năm nay, cuộc đua rất sít sao nên khó đoán nhưng theo McDonald, phần lớn phiếu sớm sẽ được bỏ vào tuần tới và xu hướng mạnh hơn có thể chỉ ra người chiến thắng chung cuộc.

Bỏ phiếu sớm đã là một yếu tố trong chính trị Mỹ ít nhất 20 năm qua, theo Trey Hood - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Georgia. Do đó, những bang như Texas và Tennessee hy vọng gia tăng số cử tri tham gia bằng cách cung cấp nhiều cơ hội bỏ phiếu hơn. 

Hiện nay, 32 bang và Quận Columbia cung cấp cho cử tri cơ hội bỏ phiếu trước ngày bầu cử - hoặc thông qua lá phiếu vắng mặt, hoặc các trung tâm bỏ phiếu sớm thường được mở cửa vào cuối tuần. (Ở tất cả các bang, các quân nhân, công chức liên bang và các cư dân sống ở nước ngoài đều có thể yêu cầu lá phiếu vắng mặt). 

Trong cuộc bầu cử 2008 - khi hàng nghìn lá phiếu sớm bầu Barack OBama giúp ông dẫn đầu cuộc đua ở các bang như Bắc Carolina, bỏ phiếu sớm đã chuyển từ vấn đề tiện lợi sang một chiến lược chính trị. Giờ đây, cả hai chiến dịch tranh cử đều trập trung vào các cử tri bỏ phiếu sớm như một cách thức để đảm bảo ứng viên của họ giành được nhiều phiếu nhất có thể. 

"Chúng ta có không chỉ một ngày bầu cử ở đây, chúng ta có tới 11 ngày", Joe Zepecki, giám đốc truyền thông Wisconsin cho Obama vì nước Mỹ, nói.

Khi các trung tâm bỏ phiếu sớm ở Wisconsin mở cửa tuần này, chiến dịch của Obama đã dẫn các hành trình có tổ chức tới nơi bầu cử và một số người ủng hộ Obama đã cắm trại bên ngoài các trung tâm để bỏ lá phiếu của mình ngay từ ngày thứ nhất.  

Trong khi đó, những người ủng hộ Romney khuyến khích tỷ lệ ngày càng tăng các cử tri Cộng hòa như tiềm năng của kết quả bầu cử chung cuộc.

"Bắc Carolina: bỏ phiếu sớm của phe Cộng hòa đạt tỷ lệ 126% so với mức của năm 2008 trong khi phe Dân chủ đạt 97%", Adrian Gray, một cựu giám đốc chiến lược thuộc Ủy ban quốc gia Cộng hòa, cho biết. 

Chu trình bầu cử được mở rộng giúp cho các chiến dịch nới rộng thông điệp của họ tới các cử tri độc lập và còn do dự. 

"Mỗi người mà đi bỏ phiếu sớm thì các chiến dịch có thể tiếp tục đến với người tiếp theo trong danh sách", trích lời McDonald. "Họ có thể kéo danh sách xuống và bắt đầu liên lạc với những cử tri từ bình thường tới ôn hòa chứ không chỉ tập trung vào các cử tri đặc biệt".  

Ít nhất, đó là một giả thuyết đang thịnh hành. Nhưng các nhà khoa học chính trị không biết liệu dòng lá phiếu sớm có báo hiệu một phần thưởng thêm cho các ứng viên, hay liệu nó chỉ đơn thuần giúp nâng cao số phiếu sẽ được bỏ trong ngày bầu cử.

Trong năm 2008, thành công bỏ phiếu sớm của Obama đã đóng vai trò không chỉ là một cách thức.

"Bạn đã có một mối liên hệ giữa các sự kiện mà sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa", ông Hood nói, cụ thể là lần đầu tiên một người da đen là một trong hai ứng viên chính cho vị trí Tổng thống, kết hợp với nhiệt tình trào dâng của cử tri và những người quyết định sớm mà dẫn đến một sự gia tăng sớm tại các cuộc thăm dò.

"Tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra năm 2012 - liệu chúng ta có chứng kiến những kiểu đó tiếp diễn, hay là phần nhiều do sự ứng cử của Obama", ông Hood nói. 

Sự thiếu chắc chắn không ngăn được các chiến dịch đẩy mạnh lựa chọn bỏ phiếu sớm - và cũng không ngăn được người dân đi bỏ phiếu.  

"Chúng tôi liên tục nhận được các cơ hội bỏ phiếu qua thư", trích lời Amy Palajin, cư dân ở Des Moines, Iowa. Cô và chồng được các quan chức đảng Dân chủ thăm hỏi nhiều lần qua thư và nhận được nhiều tài liệu. Cả hai đã yêu cầu một lá phiếu vắng mặt và đã gửi lá phiếu của mình đi.

"Chúng tôi muốn bỏ phiếu sớm, vì vậy nếu có một cơ hội giúp tạo lực đẩy cho Obama thì đó dường như là một cách tốt để thực hiện", cô cho biết. Là bà mẹ có con mới 5 tháng tuổi, Amy Palajin cũng muốn linh động việc bỏ phiếu. 

Palajin thích bỏ phiếu sớm và từ nhà cho phép cô có thêm thời gian xem xét từng chi tiết trên lá phiếu. Với lá phiếu bên cạnh, cô có thể nghiên cứu các ứng viên và các điều khoản trên mạng. "Tôi muốn chắc chắn sẽ bỏ phiếu theo cách mình muốn", cô nói thêm.

Mặc dù rất tiện lợi song Palajin cho rằng bỏ phiếu sớm làm mất đi phần nào sự lãng mạn.

Năm 2009, Palajin sống ở New York City và bỏ phiếu bầu Obama tại một trường học ở Harlem. "Tôi đích thân đi bỏ phiếu. Hàng dài người rồng rắn xếp quanh trường và ai cũng thực sự xúc động. Có rất nhiều con trẻ trải nhiệm lần bỏ phiếu đầu tiên - thực sự là vui như ngày hội".   

Thanh Hảo (Theo BBC)