Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm khu phi quân sự nằm trên biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc vào hôm Chủ nhật tới trước khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề hạt nhân ở Seoul.

TIN BÀI KHÁC:

Triều Tiên mời thanh sát viên hạt nhân LHQ tới thăm

TT Obama sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trước cuộc họp thượng đỉnh khai mạc vào hôm thứ Hai tuần tới (26/4). (Ảnh: asiafoundation.org)

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới khu vực phân chia phía bắc và phía nam bán đảo Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng về kế hoạch phóng tên lửa vào tháng tới của Bình Nhưỡng.

Nhà Trắng cho biết, đây sẽ là một chương trình thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Hàn Quốc.

Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân trên lãnh thổ nước này.

Hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột kéo dài ba năm chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953 chứ chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết. Quân đội Mỹ đã đóng quân tại Hàn Quốc từ đó tới nay.

Khu vực phi quân sự rộng khoảng 4 km vuông có lẽ là vùng biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Cựu tổng thống Mỹ Bill Cliton đã mô tả nó như "nơi đáng sợ nhất trên trái đất" khi ông đặt chân tới nơi này vào năm những năm 1990.

Ông Obama, người hy vọng sẽ tăng áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình, sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trước cuộc họp thượng đỉnh khai mạc vào hôm thứ Hai.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân kéo dài ba ngày sẽ có sự góp mặt của hơn 53 nhà lãnh đạo tới từ các quốc gia và tổ chức trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và hy vọng thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ảnh hưởng của Bắc Kinh tới cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Thông báo về kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh để kỷ niệm 100 ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành của Triều Tiên vào tuần trước lập tức đã gặp phải sự phản đối gay gắt.

Động thái được cho là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra sau một cuộc phóng tên lửa tương tự vào năm 2009.

Hàn Quốc cho rằng kế hoạch của Triều Tiên là một "hành động khiêu khích" trong khi đó Nhật Bản kêu gọi Bắc Triều "kiềm chế" trong nỗ lực phóng vệ tinh.

Nhật Bản, đặc biệt lo lắng khi quả tên lửa được phóng năm 2009 bay qua lãnh thổ nước này, cho rằng động thái này sẽ "cản trở nỗ lực hướng tới một cuộc đối thoại".

Tháng trước, Bình Nhưỡng đồng ý tạm hoãn các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa như một phần trong thỏa thuận với Mỹ nhằm đổi lấy 240.000 tấn thực phẩm viện trợ.

Mỹ cho rằng kế hoạch phóng tên lửa có thể vi phạm hiệp định và ảnh hưởng tới chương trình viện trợ thực phẩm.

Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định rằng việc phóng "vệ tinh hoạt động" Kwangmyongsong-3, là cơ hội để “đưa công nghệ vũ vào sử dụng cho các mục đích hòa bình ở cấp độ cao hơn".

Tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân nhằm giảm thiểu mối đe dọa của khủng bố hạt nhân, kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ là vấn đề nổi cộm nhất và tiếp đó là chương trình hạt nhân của Iran.

Sầm Hoa (Theo BBC)