"Hai giờ đêm cũng có người gọi rồi, cũng phải xin lỗi, 6h sáng, khi tôi chưa kịp làm vệ sinh cá nhân cũng đã có người gọi điện tố cáo tham nhũng" - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng kể chuyện trực đường dây nóng tố cáo tham nhũng.
16h, hai chiếc điện thoại “Đường dây nóng” của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt (ảnh) vẫn đổ chuông liên hồi.
Ông lần lượt trả lời từng máy. Cục trưởng cho biết: Việc mở 3 đường dây nóng chống tham nhũng trong thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán 2016 là vô cùng thiết thực, đặc biệt vào dịp cuối năm, những hành vi như hối lộ, tặng quà, sử dụng xe công trái quy định, mãi lộ… chắc chắn sẽ tăng cao.
Thế nhưng chính việc quản lý những đường dây nóng này cũng khiến cuộc sống thường nhật của Cục trưởng bị ảnh hưởng và nếu không có kinh nghiệm, bản lĩnh thì cũng rất dễ... nổi nóng cùng “đường dây nóng”.
Và không phải ai cũng biết, Cục trưởng Đạt vừa trải qua cuộc phẫu thuật đặt stent động mạnh vành, phải nằm Bệnh viện Bạch Mai cả tháng trời.
Cục trưởng trực tiếp “alô” đường dây nóng
Ông Phạm Trọng Đạt nói như chia sẻ: “Đấy, người dân đang tố cáo tham nhũng đấy, ngày nào cũng “cháy” máy liên tục từ sáng đến đêm. Hai giờ đêm cũng có người gọi rồi, cũng phải xin lỗi, 6h sáng, khi tôi chưa kịp làm vệ sinh cá nhân cũng đã có người gọi điện tố cáo... tham nhũng. Tí nữa còn một chồng tài liệu người dân gửi mang về nhà xử lý”, ông Đạt nói nhanh rồi lại “alo! xin nghe… tham nhũng… ở đâu… cảm ơn”.
Gác lại cuộc điện thoại từ một người dân tố cáo nạn mãi lộ trên đường quốc lộ 1A (Bắc - Nam), Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết, trong gần một tuần công bố 3 số điện thoại đường dây nóng đến nay đã có hơn 100 cuộc gọi điện của người dân tố cáo, phản ánh về tình trạng tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung chủ yếu đến từ các tỉnh.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng: Nhiều người gọi điện mắng tham nhũng như vậy mà các ông để thế à |
Trong đó, 2/3 số cuộc gọi phản ánh về tình trạng tham nhũng người ta được chứng kiến, mặc dù hiện tại tài liệu, chứng cứ là không có. (Ví dụ như tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông trên đường quá nhiều mà không ai xử lý; tình trạng buôn lậu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng; tệ nạn phá rừng… chình ình giữa ban ngày, “đút lót”, chạy chức, chạy quyền như cơm bữa…).
1/3 số cuộc gọi phản ánh tố cáo của người dân là có cơ sở như có tài liệu giấy tờ, hình ảnh, băng ghi âm có dấu hiệu tham nhũng.
“Sau khi nhận được những tố cáo của người dân thì cũng ghi nhận trả lời và hướng dẫn người dân, đề nghị người dân cung cấp tài liệu để xem xét nội dung cụ thể để xử lý.
Với 1/3 số cuộc gọi có bằng chứng thì chúng tôi thu thập tài liệu để nắm tình hình, cần thiết phải thanh tra thì đề xuất để thanh tra. Còn nếu xét thấy thẩm quyền thuộc các cơ quan chức năng khác hoặc cơ sở địa phương thì mình gửi về đó để họ xử lý.
Ví như vừa xong: Trường hợp người dân là lái xe tải tuyến đường Bắc - Nam gọi điện nói, tình trạng chốt giao thông ăn mãi lộ trên tuyến đường này nhan nhản lại ăn dày cả bạc triệu, nên bắt buộc họ phải chở quá tải để bù trừ vào để có tiền “lót tay”… họ hỏi nếu là tôi thì tôi có biện pháp nào không?”.
Tôi bảo: “Việc này, chúng tôi ghi nhận, đây là thẩm quyền của lực lượng khác, tôi sẽ làm việc với Bộ Công an, Bộ GTVT và Thanh tra giao thông…
“Người dân gọi tố cáo, phản ánh hầu hết tất cả các lĩnh vực kể cả chưa có dấu hiệu tham nhũng; việc không thuộc thẩm quyền của mình họ cũng gọi: Họ báo nhìn thấy tình trạng buôn lậu ở các tỉnh có biên giới đang diễn ra rất nhộn nhịp và sôi động, diễn ra hằng ngày… tình trạng chặt phá rừng, người ta đã nói với kiểm lâm rồi, nhưng càng nói nạn này càng vận chuyển nhiều, chẳng ai xử lý cả từ xã, huyện… nên người ta cảm thấy bất lực vì không có ai chịu trách nhiệm, người ta hỏi theo tôi sẽ xử lý thế nào…
Thậm chí, có nhiều người còn nhắn tin, nhiều người vừa gọi điện vừa nhắn tin đến mắng “ông làm việc như thế à? Tham nhũng như vậy mà các ông để thế à, có xứng đáng không… nhiều thứ lắm!
Nghe thì thế, chứ nhắn tin thì có người còn bảo: “Tôi nói cho ông biết, cán bộ nhà nước với nhau mà tham nhũng như vậy mà không biết, chúng tôi là người dân chỉ biết hình thức…” - Cục trưởng Đạt nói.
“Chống tham nhũng không đơn giản như bắt trộm”!
Đây là năm thứ hai Cục Chống tham nhũng công khai đường dây nóng. Trước đó, qua đường dây nóng, Cục Phòng chống tham nhũng đã tiếp nhận 65 phản ánh, tố cáo của người dân về việc tặng, nhận quà tết có dấu hiệu tham nhũng trong một tháng trước và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - thương nghiệp có nhiều phản ánh, tố cáo nhất với 20 nguồn tin, tài nguyên - khoáng sản đứng kế tiếp với 17 nguồn tin và giao thông 15 nguồn tin... Tuy nhiên, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào.
Lý giải cho việc này, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết: Không phải không phát hiện ra. Có nhiều cái đã phát hiện rồi, nhưng mình phải bàn giao cho các cơ quan có đủ thẩm quyền chủ quản để xử lý.
Người dân tố cáo, phản ánh nhiều nhưng đa số chỉ là hình thức, không có chứng cứ nên mình phải đi sâu vào bản chất; nhiều vụ thì cần phải phối hợp nhiều ban, ngành chức năng; rất nhiều vụ việc hiện đang áp dụng quy trình thanh tra để điều tra xử lý.
Cục đã tổng kết, trong số 65 phản ánh, tố giác, cục đã trực tiếp trả lời, hướng dẫn 32 nguồn tin. Những nguồn tin còn lại (33) cần phải xác minh thì được lưu giữ hồ sơ làm căn cứ báo cáo cấp trên.
“Trong 33 vụ thì có 19 vụ đã bị xử lý, còn lại tiếp tục xử lý, nhưng không thể một sớm một chiều mà phải thu thập tài liệu, phối kết hợp với các cơ quan chức năng khác để thanh tra, kiểm tra phát hiện thì mới xử lý sai phạm. Chống tham nhũng không đơn giản như bắt một vụ trộm hay bắt một chuyến hàng nào đó... nó luôn phải được giữ kín và phải có thời gian…” - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nói.
Đẩy mạnh chống tham nhũng
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt vẫn khẳng định tác dụng của đường dây nóng này: “Thông tin về quà tặng tết thì ít, nhưng vấn đề khác thì người ta nói nhiều”.
Ông cho biết: Nhờ có đường dây nóng này mà chúng tôi thu được rất nhiều tin tức phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và phục vụ cho công tác phát hiện tham nhũng có hiệu quả nhất định. “Năm ngoái chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, một số việc phải tiến hành xác minh, thẩm tra, thẩm định, thanh tra mới giải quyết được”.
Song, hiệu quả tích cực hơn từ đường dây nóng vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tết nào cũng “dư luận” về việc biếu tặng quà song chỉ 65 cuộc gọi năm ngoái, từ đó không phát hiện trường hợp nào đáng nghi vấn, và thực tế chỉ vài trăm triệu quà biếu tặng được trả lại không được xem là những con số sát với thực tế.
Người đứng đầu Cục Chống tham nhũng cho hay, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục có văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương trên cả nước nhắc nhở thực hiện đúng quy định về tặng quà tết.
Căn cứ theo quy định, các cơ quan, đơn vị phải theo dõi, nắm bắt tình hình và có báo cáo về trường hợp sử dụng tài sản không đúng quy định, lãng phí và tặng quà, nhận quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán 2016, báo cáo về Cục Chống tham nhũng.
Ngoài ra, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt khẳng định, người dân có quyền tố cáo bất kể trường hợp, đối tượng cá nhân nào sai phạm, dẫu có là lãnh đạo cấp cao. Khi điều tra phát hiện ra, những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm.
“Không có vùng cấm trong việc tố cáo, phát hiện và xử lý tham nhũng” - Cục trưởng Đạt nói.
Trong 3 số máy thì 2 số máy di động 0902.386.999 và 0125.698.6688 là của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt mở máy suốt 24/24h, trừ trường hợp bất khả kháng. Riêng số máy của cơ quan 080.48228 thì chỉ nhận phản ánh trong giờ hành chính. Đặc biệt, các đường dây nóng này được mở liên tục trong năm. Ngoài ra, người dân có thể gửi email về địa chỉ Cucchongthamnhung@thanhtra.gov.vn. |
Theo Lao động