Mặc dù nước ta hiện ở giai đoạn chưa bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ y tế đã lên kế hoạch uống thuốc phòng nhiễm phóng xạ cho người dân.

TIN BÀI KHÁC


Ngày 12/4, theo nguồn tin của Sài Gòn tiếp thị, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, nước ta hiện ở giai đoạn chưa bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ Nhật Bản. Tuy vậy, Bộ Y tế cũng đã xây dựng chương trình dự phòng nhiễm phóng xạ cho người dân.

TS Nga cũng cho biết thêm, hiện Cục Quản lý Dược là đơn vị sẽ lo việc nhập cũng như dự trữ thuốc. Thời điểm này, chương trình dự phòng cho người dân uống thuốc kali iốt để dự phòng nhiễm phóng xạ mới là phương án nếu mức phóng xạ nguy hiểm, chưa phải là kế hoạch gần. Khi nào mức nguy hiểm báo động, bộ Y tế sẽ có những kế hoạch cụ thể.

Đoàn kiểm tra đang tiến hành đo nhiễm bẩn phóng xạ trên thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản (Nguồn: Bộ KH&CN)

Cũng trong ngày 12/4, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, tại nhiều trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận có phóng xạ trong không khí ở mức thấp. Cụ thể ở Lạng Sơn đã ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là (I-131, Cs-134 và Cs-137); Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131; ở Ninh Thuận ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131, Cs-134 và Cs-137.

Trước đó, vào ngày 10/4, trạm quan trắc phóng xạ môi trường của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân ở Hà Nội cũng đã phát hiện được đồng vị phóng xạ nhân tạo Cs-134 trên lá cây thông.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định, các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại các trạm quan trắc phóng xạ ở nước ta hiện nay, đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

M. Châu (tổng hợp)