Chụp ảnh tự sướng chẳng có gì gọi là xấu. Trừ phi bức ảnh đó được chụp trong một đám tang.
Hồi cuối tháng 11, Đại từ điển Oxford của Anh cho biết đã chọn từ "Selfie", có nghĩa là chụp ảnh "tự sướng", là từ khóa của năm 2013 với cái lý rằng "selfie" (tự sướng) là một thuật ngữ chính thống được biến thể từ một từ đang được sử dụng trên mạng xã hội hiện nay, nói về những bức ảnh tự chụp với tần suất sử dụng của từ này trong tiếng Anh đã tăng lên 17.000%”.
17.000%. Trên toàn thế giới. Điều này là bình thường khi các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng cái từ êm ái nhất lọt tai người ta chính là tên gọi của mình. Còn chân dung khiến người ta chú ý nhất, trong một bức ảnh tập thể chẳng hạn, rõ ràng, đó chính là hình người xem ảnh.
Chụp ảnh tự sướng chẳng có gì gọi là xấu. Trừ phi bức ảnh đó được chụp trong một đám tang.
Hôm qua, cư dân mạng Việt Nam đã “lên cơn” khi cãi nhau kịch liệt xung quanh bức ảnh tự sướng của Tổng thống Mỹ Obama cùng với nữ thủ tướng Đan Mạch tóc vàng Helle Thorning-Schmidt, trong một “đám tang quốc tế”, và bên cạnh là đệ nhất phu nhân.
Rất hài hước, tờ New York Time đã đăng bức ảnh này, liền bên “cú bắt tay lịch sử” giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba.
Lịch sử được làm nên từ những bức ảnh. Và thảm họa cũng từ những khoảnh khắc mà ra.
Nhớ cách đây chưa lâu, cư dân mạng toàn thế giới cũng “nói tiếng nói lương tri” khi bức ảnh tự sướng với 2 ngón tay giơ thành hình chữ V (Victory) của 3 nữ y tá Thái Lan được chụp bên cạnh của một thi thể nạn nhân vừa thiệt mạng.
Bạn nghĩ sao nếu nhân vật trong những bức ảnh đó là người Việt Nam? Chắc nhận “gạch đá” đủ để xây một tòa miếu vĩ đại.
Người thấm nhất trong việc chụp ảnh tự sướng, không nói chắc mọi người cũng biết, là cặp đôi ca sĩ/ phóng viên trong 2 bức ảnh tự sướng được coi là “thảm họa văn hóa” vừa diễn ra, cũng trong một lễ tang.
Ngẫm ra, tóc vàng hay tóc đen. Tổng thống hay ca sĩ. Thủ tướng hay phóng viên. “Khoảnh khắc rất người” hay “giây phút rất con” tự sướng ở đâu thì tự chứ đừng có sướng ở những đám tang. Dù rất khó để nói một bức ảnh tự sướng phản ánh văn hóa của người chụp.
Cũng hôm qua, cư dân mạng “dậy sóng” trước một bức hình trẻ em đang tung tăng tới trường mà Bill Gates post trên facebook cá nhân kèm theo một thông điệp “Hãy cùng chúng tôi xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em”.
14.000 người like (thích), 1.286 lượt share (chia sẻ) và 841 comment (bình luận) sau 11h đăng tải, với vô vàn lời “cảm ơn”, bằng tiếng Việt.
Bức ảnh của Bill liên quan gì đến Obama?
Có đấy.
Nhớ hồi bức hình “dây điện mạng nhện” cũng ở Việt Nam, cũng được post trên tường của Bill, cũng gắn kèm những sẻ chia về nhu cầu năng lượng, cũng 14.000 lượt like, cũng 2.600 lượt share, cũng hơn 1900 comment sau chỉ 4 tiếng. Nhưng vị tỷ phú giàu lòng nhân ái đã nhận vô số gạch đá từ cư dân mạng Việt Nam vì cái “tội” bêu xấu Việt Nam dù bức hình chỉ mang tính minh họa cho một hiện thực hàng ngày vẫn treo trên đầu chúng ta.
Một bức hình hiện thực. Và ngay sau đó đã minh chứng cho văn hóa của không ít người Việt, với những bình luận thô tục đến mức không thể chép ra đây.
Hôm qua, nhân chuyện bức hình của Obama, có người đã nhắc đến chuyện thành tích văn hóa ở Việt Nam. Thời sự nhé: “Năm 2013, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 97,91%”. Có thể bạn không tin, nhưng đây là những dòng thành tích ở Đồng Nai, nơi 900 khu phố, ấp, chiếm tới 90% các khu phố, ấp đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa. Cũng là nơi mà ngày 4.12 vừa rồi đã xảy ra một thảm họa văn hóa.
Văn hóa, khó có thể nhận biết qua một bức ảnh tự sướng dù sờ sờ ra đó. Nhưng đôi khi, dù không chụp bất cứ một bức ảnh nào, chúng ta cũng đang tự sướng với chính mình khi chỉ muốn nhận những lời khen, gật gù với những thành tích. Thật khó để có thể gọi tên thứ văn hóa đó.
Xem bài cùng tác giả Chuyện mất mát niềm tin dường như không có giới hạn hay khuôn khổ... Và đó mới là điều đáng báo động. Quan chức phải "thắt cà vạt" nói về mại dâm Người dân muốn các quan chức điều hành bằng cách phát ngôn kiểu "thắt cà-vạt", tròn vo về thực trạng xã hội, hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp? |