Vụ "Đang bị đánh thì lăn ra ngủ" đã có một kết cục đầy bất ngờ và khiên cưỡng. Chính Chủ tịch Phường 25 đã cho thôi việc một "bảo vệ dân phố" và một "trật tự đô thị", những người đã còng tay và đánh lăn quay một người dân giữa đường, giữa ban ngày ban mặt hôm 6/12.
Bất ngờ vì chỉ vài hôm trước, trong công văn đóng "triện" đỏ, cũng vị chủ tịch này cho rằng làm gì có chuyện cán bộ đánh dân, rằng người dân đang bị đánh thì lăn ra ngủ, rằng cái tay của anh cán bộ vô tình đặt ngang cổ của người dân.
Còn vì sao khiên cưỡng? Nếu như vụ việc không được đưa ra nghị trường thành phố thì chắc gì đã có cái kết bảo vệ dân phố được cho xuống làm dân.
Vụ "Đang bị đánh thì lăn ra ngủ" đã có một kết cục đầy bất ngờ và khiên cưỡng |
Nhưng cũng đúng vào hôm TP.HCM xử lý vụ việc thì lại xảy ra một vụ việc mới gây xôn xao dư luận về sự lộng quyền của cán bộ huyện: "tổ chức bắt dân cởi áo khám ngực":
Bốn chị em chị L trong quá trình đi thu mua phân bò xảy ra xô xát với một phụ nữ tên H cùng một số người khác. Khi bị đưa về trụ sở Công an huyện Tuy An lấy lời khai, thiếu tá Võ Văn Thái yêu cầu chị L kéo áo lên để bà H. khám ngực trước mặt ông này và nam công an ghi lời khai. Chị L hỏi lý do, ông Thái không trả lời. Sau này chị L được nghe nói là do bà H tố cáo chị giật dây chuyền của bà giấu vào trong áo ngực nên ông Thái cho bà H khám chị.
Các bạn nghĩ sao nếu sau một vụ cãi nhau, được công an "mời" về trụ sở, "mời"... cởi áo cho người cự cãi với mình khám?!
Xin đừng ai trách người phụ nữ buôn phân bò "cũng có lỗi" khi không "kiên quyết từ chối ngay từ đầu" một việc làm trái pháp luật, như lý luận của vị tiến sĩ luật nào đó trước vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
Vụ việc xúc phạm danh dự nhân phẩm này góp phần làm nổi lên một thực tế, đó là không ít trường hợp, những người dân thường bị đối xử không khác gì... gà, vịt.
"Tôi có phải là gà vịt đâu". Đây là phản ứng của một người dân ở Hương Trà, Thừa Thiên- Huế, trước khi bị Chủ tịch xã Hương Vinh "túm tóc giật ngược, còng tay, áp giải về xã" trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân.
Lỗi của người dân này? Vì anh "mất trật tự" khi dám cổ vũ nhiệt tình trong một trận đấu bóng đá cấp thôn. Sự việc chưa dừng lại ở đây. Chỉ vì can ngăn, chủ tịch Hội Cựu chiến binh cũng lãnh luôn một chiếc mũ cối vào mặt. Một nữ sinh can tội "phản ứng", lập tức "cái cổ lao vào tay" Chủ tịch.
"Cái cổ lao vào tay ông chủ tịch", hay "bàn tay anh dân phòng vô tình giơ ngang cổ dân" đang trở thành cách dư luận mai mỉa, bày tỏ thái độ trước lời giải thích của những người có trách nhiệm đưa ra như thể người dân mù mờ cả.
Những vụ việc ứng xử bằng cùi tay, nắm đấm, bằng còng đang cho thấy không chỉ trong hành động mà ngay từ trong nhận thức của cán bộ chính quyền ở một số nơi cũng có vấn đề. Một vị bí thư xã chửi dân "ngu và láo". Một chủ tịch phường bảo "Lộn cổ từ tầng 4 hay tầng 14 là việc của chúng nó", v.v...
Những phát ngôn, hành động đó cho thấy sự tùy tiện nhân danh pháp luật, chính quyền để đánh, mắng, xúc phạm danh dự.
Đáng buồn hơn, kết cục của những vụ việc này nhiều khi chỉ như một cái chặc lưỡi xuê xoa. Sau khi chửi dân "ngu và láo" ở Thái Nguyên, vị bí thư thoát nạn với một lời hứa "không bao giờ tái phạm". Vụ "mời" dân cởi áo khám ngực, vị công an nọ chỉ bị khiển trách, điều chuyển công tác, không chừng sang bộ phận... tiếp dân.
Còn vụ "đang bị đánh thì lăn ra ngủ", dù cả nước chú ý vì tính chất "tiền lệ" của nó, cũng đã được xử lý theo cách không thể hài hước hơn: những người đánh dân được "sa thải" xuống... làm dân.
Thôi thì người dân cũng đành tự an ủi, rằng khi được "mời" xuống làm dân, ít nhất những ông tuần, ông lý, ông phường, ông xã... sẽ trải nghiệm một thân phận đủ để giúp họ hiểu nỗi uất ức, nhục nhã, có khi còn đau đớn hơn những vết thương ngoài da thịt mà người dân đang phải gánh chịu.
Đào Tuấn
Bài cùng tác giả:
Từ bức ảnh "tự sướng" của Obama
Chụp ảnh tự sướng chẳng có gì gọi là xấu. Trừ phi bức ảnh đó được chụp trong một đám tang. Chuyện mất mát niềm tin dường như không có giới hạn hay khuôn khổ... Và đó mới là điều đáng báo động. Quan chức phải "thắt cà vạt" nói về mại dâm Người dân muốn các quan chức điều hành bằng cách phát ngôn kiểu "thắt cà-vạt", tròn vo về thực trạng xã hội, hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp? |
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam