Muốn yên thân nên đã có lần tôi định nhận là người nước khác. Nhưng tôi không thể mở miệng ra nói được, tôi cảm thấy nhục nhã nếu phải phủ nhận gốc rễ của mình. Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, tôi rất yêu nước.

LTS: Trong những lúc đất nước gặp khó khăn nguy hiểm, luôn cần những tiếng nói từ nhiều trái tim và khối óc cùng chia sẻ mối quan tâm, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tiếp loạt bài hiến kế của các nhân sĩ trí thức Việt, Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của PGS. Ts Nguyễn Hoàng Ánh, Trường Đại học Ngoại thương.

Rừng vàng biển bạc

Sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam mấy ngày qua đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mãnh liệt trong toàn thể người Việt Nam.

Trong làn sóng sục sôi căm phẫn người hàng xóm ngang ngược, cụm từ "lòng yêu nước" lại trở nên thường trực trên môi mỗi người Việt nam, sau một thời gian tưởng bị lãng quên vì những mâu thuẫn ý thức hệ, vì nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Không biết những người khác nghĩ thế nào, nhưng với tôi từ "lòng yêu nước" đã từng gây cho tôi nhiều lúng túng. Từ khi mở mắt chào đời, tôi đã luôn được giáo dục là phải yêu nước. Vốn là một học sinh ngoan ngoãn, tôi dễ dàng chấp nhận điều ấy và tin đó là điều tất nhiên, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người nếu muốn là người tử tế.

Hệ thống giáo dục và thông tin xung quanh đã cung cấp cho tôi quá nhiều lý do để yêu nước: Vì đất nước tôi là một đất nước anh hùng, nếu không muốn nói là anh hùng nhất thế giới? Vì đất nước tôi giàu đẹp, "rừng vàng biển bạc"; Vì con người Việt Nam có những phẩm chất mà không ai khác có được như anh hùng, cần cù, trung hậu, đoàn kết....

Là phụ nữ, tôi còn phải biết là phụ nữ Việt Nam  đáng quý nhất thế giới vì dịu dàng, hiền hậu, cần cù, chịu đựng, chung thủy, biết hy sinh... và tôi phải sẵn sàng để tiếp tục truyền thống ấy! Và thế là thật dễ dàng để tôi đinh ninh vào lòng yêu nước của mình! Đương nhiên, tôi cũng tin là Việt Nam là nơi duy nhất đáng để tôi sống hết cuộc đời mình. Mọi thứ ở Việt Nam đều tốt hơn ở đất nước khác; thậm chí cái nghèo cũng là tốt vì chúng ta nghèo là do chúng ta không cam chịu làm nô lệ, "dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập!". Thà "nghèo cho sạch, rách cho thơm!"

Vì thế tôi dễ dàng chấp nhận cuộc sống khó khăn thời thơ ấu như một điều tất yếu. Cũng như hầu hết những gia đình thời bao cấp, chúng tôi có một đời sống kinh tế khá khó khăn, chỉ cầu mong được no cơm ấm áo. Những hưởng thụ vật chất thật quá hiếm hoi, một cuốn sách, một que kem là cả một ước mong lớn.

Những niềm vui khác như quần áo mới, đi du lịch gần như là ngoài tầm tay. Nhưng để bù vào đấy, tôi lại có một đời sống tinh thần rất phong phú, nhờ vào tủ sách của bố tôi. Qua những cuốn sách, tôi quên đi những gì không hài lòng trong đời sống thực tế mà đắm chìm trong ước mơ về những xứ sở xa xôi, đẹp đẽ, những cuộc sống bình yên, như những giấc mơ! Và thế là tôi ôm bầu nhiệt tình ấy lên đường ra nước ngoài du học. 

{keywords}
Đèn hải đăng trên đảo An Bang, thuộc đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung

Tổ quốc hai tiếng thiêng liêng

Sự va đập với cuộc sống thực tại ở xứ người là làm chấn động đến tận gốc rễ niềm tin của tôi. Nơi tôi sống là thành Praha đẹp như chuyện cổ tích, với rất nhiều công trình kiến trúc cổ hầu như nguyên vẹn.

Chiến tranh luôn dừng lại trước cửa thành phố, để chúng tôi có cơ hội chiêm ngưỡng di sản của các thế hệ trước. Và tôi không thể không chạnh lòng khi nhớ  về quê nhà, nơi nhiều di sản đã chỉ còn là ký ức. Do chiến tranh.

Cuộc sống độc lập nơi xứ người đã buộc mỗi người phải bộc lộ bản chất thật sự của mình. Chúng tôi rõ ràng không có gì để nói là hơn những người dân nơi đó. Nhiều người trong chúng tôi hẹp hòi, thiển cận, cứ khư khư ôm lấy mớ lý thuyết của mình, không chịu học hỏi bên ngoài.

Khi sự thật đã chứng tỏ mớ lý thuyết của chúng tôi là sai lầm thì một số người, hầu hết là người lớn tuổi, lại chọn cách "Bưng tai bịt mắt", trốn mình trong thế giới riêng của mình, không dám thay đổi nhìn nhận của mình. Đó thực sự không phải cách đối mặt với thực tế.

Hơn hết, cuộc sống nơi xứ người đã cho tôi một thứ đó là ý thức tôn trọng bản thân mình.

Chúng tôi được giáo dục để yêu không biết bao nhiêu điều nhưng không ai dạy chúng tôi phải biết yêu quý, tôn trọng bản thân mình. Sau này tôi mới hiểu, do chúng ta có nền văn hóa tập thể, nên tập thể mới được tôn trọng chứ không phải là cá nhân. Nhưng nếu mỗi con người không biết trân trọng cá nhân mình thì sẽ không thể nâng cao giá trị bản thân mà chỉ biết làm theo những gì người khác bảo ban. Sự thiếu hụt những cá nhân xuất sắc sẽ là thiệt thòi lớn cho cả xã hội.

Trong sự khủng hoảng về niềm tin ấy, tôi thật sự không biết bám víu vào đâu để duy trì lòng yêu nước của mình. !

Tôi đã từng rất hoang mang khi nghĩ, có lẽ mình không yêu nước. Tôi không tìm ra một lý do nào để tin là VN tốt hơn những đất nước khác, tốt hơn nơi tôi đang sống. Vậy tôi có phải là người xấu, là kẻ vong ân không?

Vì một số sự cố, việc phủ nhận mình là người Việt trở thành khá phổ biến trong giới sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam khi đó, đơn giản chỉ là để tránh sự bới móc, thậm chí đe dọa của dân bản xứ.

Việc này với tôi rất dễ vì hình thức tôi không giống người Việt lắm, tôi lại nói tiếng Czech tốt và giao du nhiều với người nước ngoài, không giống hình ảnh người Việt nói chung. Tôi thường xuyên phải thuyết phục mọi người, kể cả người Việt, rằng tôi đúng là "Người Việt gốc tre 100%"!

Tất nhiên, lúc ấy tôi cũng muốn yên thân nên đã có lần định nhận là người nước khác. Nhưng tôi không thể mở miệng ra nói được, tôi cảm thấy nhục nhã nếu phải phủ nhận gốc rễ của mình. Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, tôi rất yêu nước.

Tôi vui mừng khi nghe tin tốt về đất nước, đau buồn khi nghe những tin không hay và sẵn sàng xù lông lên bênh vực đất nước mình với người nước ngoài. Sau này, khi có dịp đi nhiều nơi, có sự lựa chọn nơi sinh sống, được tiếp xúc với những người Việt định cư ở nước ngoài, nghe những người nước ngoài nói về Việt Nam, tôi mới hiểu tình yêu nói chung và lòng yêu nước nói riêng, nếu đó là tình yêu thật sự, sẽ không phụ thuộc vào việc đối tượng mình yêu xấu hay tốt, hay hay dở mà chỉ phụ thuộc vào tấm lòng mình.

Nếu chúng ta thật sự yêu một đối tượng, chúng ta sẽ yêu nó ngay cả khi biết mặt trái của đối tượng đó. Nói đúng ra, một tình yêu thật sự là yêu đối tượng đúng như bản chất của nó, biết cả mặt tốt và mặt xấu mà vẫn yêu, để biết tôn vinh mặt tốt và hạn chế mặt xấu, làm đối tượng tình yêu của mình tốt hơn. Còn nếu chúng ta yêu một đối tượng chỉ vì nghĩ là nó hoàn hảo thì tình yêu đó sẽ tan vỡ ngay khi mình nhìn ra mặt trái của nó, vì không ai, không điều gì là hoàn hảo. Thậm chí, điều hôm nay là hoàn hảo, ngày mai lại có thể là hạn chế rồi! Một tình yêu thật sự sẽ không sợ sự thật về đối tượng của mình! Và chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh bát kỳ điều gì cho đối tượng mình yêu.

Một lần, khi đang ở nước ngoài, tôi được nghe bài "Bonjour, Vietnam" do Phạm Quỳnh Anh. Giữa thủ đô hoa lệ xứ người, tim tôi đã rung lên, mắt nhòa đi khi nghe câu: "Someday, I will go there, someday to say hello to your soul, Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam!"

Những lời nói đó từ miệng một cô gái có gương mặt xinh xắn, trẻ trung rất Việt Nam nhưng không biết tiếng Việt đã làm tôi xúc động sâu sắc. Ôi, Việt Nam! Ôi Tổ quốc tôi! Một cô gái từ bé đã không sống ở Việt Nam, người nhạc sĩ viết bài này cũng không phải người Việt mà còn có thái độ trân trọng sâu sắc như vậy đối với đất nước tôi, lẽ nào tôi, một người sinh ra và lớn lên tại đất nước đó, đã chia ngọt sẻ bùi với từng tấc đất nơi ấy lại có thể không yêu quý đất nước này?

Những chuyến đi đã dạy cho tôi hiểu, dù trong thời toàn cầu hóa  "chí hải hồ" thúc người trẻ rong ruổi trên các nẻo đường tha hương, nhưng ai cũng ra đi chỉ là để hạnh phúc hơn khi trở về.

Tôi đã hiểu, tôi yêu đất nước tôi, bất chấp những điều không hoàn hảo của nó. Đây là nơi tôi đã lựa chọn để sống, để gửi gắm cuộc đời mình. Và trong những giờ phút Tổ quốc bị xâm lăng, lòng yêu nước sẽ sống dậy mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào để gắn kết mọi con người Việt nam vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Và trên môi mỗi chúng ta sẽ là câu:

Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất

Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt

Nguyện làm người xung kích của quê hương

Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường!

(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

Và lòng yêu nước sẽ là điều lớn nhất chúng ta có thể dâng cho Tổ quốc của mình.

Nguyễn Hoàng Ánh

Tin bài liên quan:

Kiện TQ, cơ hội thắng của Việt Nam đến đâu?

-  Dù chính quyền Bắc Kinh không chịu ra trước tòa, Việt Nam vẫn có thể trình bày tất cả các bằng chứng trên trước tòa án và trước dư luận thế giới.

Hồn dân tộc nghìn năm không chịu khuất!

Tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước thời nào cũng là bức trường thành vững chắc nhất bảo vệ mầu cờ Tổ quốc, nhất là ở nơi đầu sóng ngọn gió!

Xâm phạm lợi ích triệu người, vẫn không thể kiện

Nếu một văn bản quy phạm pháp luật xâm phạm lợi ích hợp pháp của hàng triệu người cũng không thể bị kiện trước toà án hành chính Việt Nam.

Biển Đông: Việt Nam chỉ có một con đường

 Có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường…

Học giả Pháp: TQ đang âm mưu độc chiếm Biển Đông

"Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó".

Trung Quốc muốn “nắn gân” lại Việt Nam

 Khi Việt Nam đang dường như tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ, vì thế Trung Quốc muốn “nắn gân” trở lại đối với Việt Nam.

Biển Đông: ASEAN cần phản ứng thống nhất

 Trước những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam và các nước láng giềng cần có một phản ứng thống nhất.