Khát vọng vươn lên thật đáng trân trọng. Nhu cầu tìm kiếm người làm việc cũng đặc biệt quan trọng. Vậy mà câu hỏi "làm sao để người tìm được (đúng) việc; việc tìm được (đúng) người"? vẫn trải dài hết kỳ thi này đến kỳ thi khác.

Từ "giấc mơ quê"...

Vài tháng trước, tôi bỗng được tin tưởng nhờ tư vấn chọn nghề cho một nữ sinh chuẩn bị thi ĐH.

Qua câu chuyện với người mẹ nông dân, tôi hình dung các cô/cậu bé và gia đình họ, ít nhất là ở vùng quê nọ, luôn có hai lựa chọn đầu tiên: sư phạm và công an (hoặc quân đội).

Tại sao? Vì đó là những nghề nghiệp phổ biến ở nông thôn. Những nghề nghiệp có thể giúp thoát cảnh chân lấm tay bùn, thành "người nhà nước"... Ngoài ra, họ còn có suy nghĩ gì khác nữa? Thương mại, Ngân hàng, Kinh tế... là những nghề nghiệp xa xôi, mà "nếu không có tiền làm sao xin được việc?".

Tuy nhiên, khi tôi muốn hỏi về khả năng công việc sau khi ra trường, thì mọi thông tin là... mờ mịt? Ví dụ, trong phạm vi xã, huyện có bao nhiêu trường? Bao nhiêu giáo viên nơi đó sẽ về hưu, khả năng tuyển dụng  mới thêm sẽ là bao nhiêu và cơ hội nào cho các bạn trẻ sắp ra trường?... Nhưng rõ ràng vị phụ huynh của tôi chỉ biết trả lời "ú ớ" vì không có thông tin gì.

Câu chuyện cứ xoay quanh như vậy. Thông tin mơ hồ và hy vọng cũng mịt mù chả kém. Cuộc thảo luận kết thúc lửng lơ.

Mãi đến sát ngày thi, tôi mới đưa ra được quyết định tư vấn cho cô bé nữ sinh đăng ký thi chuyên ngành "Cán bộ xã hội" và "Kỹ thuật môi trường", với mong muốn sẽ kiếm được nhiều cơ hội công việc hơn ở các tổ chức về bảo hiểm, ủy ban, phụ nữ, đoàn thể... Hoặc được học cao hơn với nhiều cơ hội học bổng về môi trường, đồng thời phù hợp với tỷ lệ chọi và ngày thi.

Mẹ cháu giãy nảy: Kỹ thuật môi trường là bắt nó đi hót rác hả? Giải thích tỉ mỉ thì bác hiểu ra. Và hôm nay cô gái đang làm bài thi môn Toán.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi đại học, ngưỡng cửa quan trọng vào đời. Ảnh: Văn Chung

Còn thi, còn... thất nghiệp

Câu chuyện lan man của tôi ở trên chỉ để minh chứng rõ hơn một điều rằng, đại học là nơi trao gửi rất nhiều niềm hy vọng đổi đời và thoát nghèo của các thí sinh và gia đình ở nông thôn; nhưng chính họ lại cực kỳ mù mờ về thông tin hướng nghiệp và thực tế thị trường lao động. Trong khi, với hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, phát hiện và khuyến khích khát vọng và năng lực cá nhân là hoàn toàn xa lạ.

Suốt 12 năm trên ghế nhà trường, học sinh được giảng bài và có nhiệm vụ học bài theo chương trình có sẵn; còn học để làm gì và sau này thế nào, thế giới ngoài kia cần gì ở các em, sẽ cho các em những gì hầu như không ai trang bị. Ngay những kiến thức tối thiếu (có) những trường nào, những ngành nghề nào trong xã hội, ngành đó sẽ cho phép tiếp cận công việc gì... các em và bố mẹ các em cũng không được trang bị. Thí sinh thành phố thì có Internet, nhưng ở nông thôn "mạng mẽo chỉ để cho mấy đứa chat chit, chơi game, mất thì giờ".

Chưa kể, ngay những thí sinh thành phố nhiều thông tin, không ít trường hợp vẫn chọn trường vì tiêu chí của bố mẹ, chọn ngành theo trào lưu, chọn nghề vì "nghe nói", v.v...

Đôi khi vì những lý do có vẻ rất hờ hững như vậy mà nhiều cá nhân không bao giờ có cơ hội phát triển đúng sở trường, các cơ quan thêm vô số nhân viên làm việc thờ ơ qua ngày, hoàn toàn không có hứng thú và kiến thức cần thiết, cũng góp phần làm đoàn quân thất nghiệp, hoặc thất nghiệp-ngay-cả-trong khi-làm-việc tăng lên.

Con số 162.000 cử nhân thất nghiệp nói lên rất nhiều điều. Trong đó việc không được hướng nghiệp, không có thông tin đầy đủ là một phần. Nhưng lý do quan trọng hơn - theo tôi - là năng lực và khả năng cá nhân không được đánh giá đúng mức. Cách dạy và học thụ động, dập khuôn đang "sản xuất" ra những tư duy khuôn mẫu, và hạn chế những tư tưởng đột phá.

Sự khác biệt bị kỳ thị, chẳng hạn trường hợp "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, từng chuốc bao chê bai chỉ vì trót "khác người" một chút. Cứ vậy, làm sao có đất cho những ý tưởng, dẫn tới những ngành nghề, công việc mới ra đời? Và không có không gian mới thì hàng vạn người cứ mãi tranh kiếm sống ở những "mảnh đất" cũ, khó tránh lạc hậu, thất nghiệp.

Thêm nữa, chính những tư duy hời hợt, ngắn hạn kiểu "làm công an, giáo viên mới sướng" khiến cho xã hội bị phát triển lệch. Trên thực tế, các bố mẹ thành phố ai cũng mong hướng con vào những ngành "hot" như tài chính, ngân hàng, ngoại giao... Nước chảy chỗ trũng, cung nhiều hơn cầu, thì việc làm trái ngành, thất nghiệp là dễ hiểu.

Cũng phải kể thêm chính tâm lý sính ngoại "người Việt dìm người Việt" đã hạn chế cơ hội công việc của không ít người có thực tài. Một chuyên gia kiến trúc từng than thở với tôi, cho dù anh và ekip người Việt thiết kế hầu hết ý tưởng, công việc, nhưng vẫn phải có tên một "ông Tây" vào mới được nhà đầu tư chú ý. Không ít công trình kiến trúc do người nước ngoài mang mô hình phương Tây vào sử dụng không phù hợp với điều kiện khí hậu, xã hội địa phương (kiểu làm nhà không có chấn song cửa sổ), sau khi trộm viếng thăm thì khổ chủ phải vời kiến trúc sư Việt đến làm lại hoàn toàn.

Cứ mỗi kỳ thi đại học, các nhà báo lại tìm được những câu chuyện xúc động như người cha sống trong cống của thủ khoa trường Y Nguyễn Hữu Tiến; năm nay có người cha mạo hiểm leo lên vách núi bắt được 10 con chim sáo để lấy tiền lộ phí đưa con đi thi, v.v...

Khát vọng thi cử, vươn lên để có tương lai tốt đẹp hơn thật đáng trân trọng. Nhu cầu lao động của xã hội, nhu cầu tìm kiếm người làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp cũng đặc biệt quan trọng. Vậy mà câu hỏi "làm sao để người tìm được (đúng) việc; việc tìm được (đúng) người"? vẫn trải dài hết kỳ thi này đến kỳ thi khác, vẫn khắc khoải trên gương mặt hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ phải bán bánh mỳ, nước mía, chạy xe ôm... để ấp ủ hy vọng.

Phải chăng để giải quyết vấn đề này, trước hết chúng ta cần thay đổi từ tư duy giáo dục: tôn trọng tư duy khác biệt, sở trường cá nhân; giảm bớt thời gian ôn luyện nhồi nhét nhằm "nuôi" gà nòi với bảng điểm siêu giỏi siêu xuất sắc toàn diện; dành thời gian cho học sinh có thể học hỏi kỹ năng xã hội, tiếp cận thông tin ngành nghề, nhận biết thế giới xung quanh, để hiểu rõ mình muốn gì, có thể làm gì, và xã hội cần gì ở mình?

Hoàng Hường

Bài cùng tác giả:

Thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam?

Tại sao Đỗ Nhật Nam không thể trở thành những Ngô Bảo Châu tiếp theo. Hay chúng ta phải cay đắng thừa nhận: thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam. Ai cho họ xuất hiện?

Tôi 'sống sót' sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm

Tôi có mặt trong đám đông hỗn loạn 'xô đổ cổng trường' đêm đó, và đây là những lời tôi muốn chia sẻ - không phải tư cách nhà báo, mà là của một phụ huynh học sinh.

Tiết chế lòng tham hay tiết chế giáo điều?

Vận động tiết chế lòng tham trong bối cảnh người dân đang bức xúc trước tham nhũng, lạm phát, bão giá... hoặc ông rất lạc quan, hoặc là rất hài hước.

Họ trở nên hung bạo từ khi nào?

Nhưng một vấn đề sâu xa hơn, đáng lưu tâm hơn: tại sao đến nỗi và từ bao giờ người dân trở nên hung hãn để liều lĩnh như vậy?

Khi người dân không còn khả năng ‘sốc phản vệ’

 Có lẽ giờ đây điều người dân cần nhất chính là những liều vacxin chống ‘shock phản vệ’ để họ còn có thể tiếp tục tin tưởng và trông đợi.

Đại sứ du lịch và vũ điệu 'hoang mang style'

Câu chuyện xoay quanh chức danh Đại sứ du lịch vẫn lại là tiền... tiền... tiền... trong vũ điệu hoang mang giữa thương mại và văn hóa.