Thị trường thế giới là một sân chơi hoa lệ nhưng cũng vô cùng rủi ro và khắc nghiệt. Trên thực tế, mục đích cao nhất của bất kỳ công ty nào không chỉ là được tham gia trò chơi hoa lệ, mà là có thể phát triển, có được lợi nhuận và lợi nhuận bền vững.

>> Nếu chỉ gia công, VN có thể hóa Rồng?

>> Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?

>> Điều kiện gia nhập nền kinh tế tri thức

Bức tranh công nghệ thông tin ở Việt Nam có thể tóm lược qua các câu chuyện của một số ít các công ty công nghệ lớn với tập khách hàng bao phủ gần như toàn bộ thị trường như: FPT, VTC, VNG, BKAV, VCCorp, Vatgia... Nhìn vào danh sách này, có thể dễ dàng nhận ra họ đang tập trung phần lớn cho thị trường trong nước.

Với dân số gần 100 triệu người và lượng phổ cập internet ngày càng tăng, Việt Nam vẫn hoàn toàn là một thị trường công nghệ rất tiềm năng để khai thác. Sự tiềm năng này không chỉ thể hiện qua các con số thống kê (như số lượng người dùng internet, số lượng smartphone) mà còn thể hiện ở một điểm quan trọng khác: còn có những mảng thị trường tiềm năng chưa được khai thác hết, hoặc chưa đến độ chín và chỉ thực sự bùng nổ sau vài năm nữa, chẳng hạn mảng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, Big Data. Có một xác xuất không nhỏ là nhiều công ty đang tập trung nghiên cứu và khai thác các thị trường tiềm năng này, thay vì tham gia thị trường quốc tế đầy rủi ro.

{keywords}

Lựa chọn an toàn

Thị trường thế giới là một sân chơi hoa lệ nhưng cũng vô cùng rủi ro và khắc nghiệt. Trên thực tế, mục đích cao nhất của bất kỳ công ty nào không chỉ là được tham gia trò chơi hoa lệ, mà là có thể phát triển, có được lợi nhuận và lợi nhuận bền vững. Lựa chọn khai thác thị trường nội địa rõ ràng là một lựa chọn an toàn và thậm chí là khôn ngoan nhất đối với các công ty đã có sẵn tiềm lực ở Việt Nam. Bởi họ có rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường này và có vô số kinh nghiệm kinh doanh đã được tích lũy trong nhiều năm. Ngay cả đối với các công ty mới khởi nghiệp thì việc hiểu rõ thị trường và người dùng của mình cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Rõ ràng làm việc này với thị trường trong nước thì dễ dàng và an toàn hơn nhiều so với thị trường quốc tế.

Đầu tư mạo hiểm

Nếu như hầu hết các công ty công nghệ có tiềm lực tài chính tốt nhất ở Việt Nam đều đã cam kết với thị trường trong nước, thì bài toán chung với các công ty khởi nghiệp muốn tham gia thị trường quốc tế là bài toán tài chính, hay cụ thể hơn là khả năng kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Hãy xem câu chuyện của Silicon Valley. Theo thống kê mới nhất, các quỹ đầu tư đã bỏ ra $29,4 tỉ đô la trong 3.995 thương vụ đầu tư trong năm 2013 (và $7,1 tỉ đô đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp trên Internet), thì chúng ta mới thấy khó khăn cho các công ty công nghệ mới khởi nghiệp ở Việt Nam nhiều như thế nào. Tổng số thương vụ đầu tư ở Việt Nam hàng năm thường chỉ xấp xỉ con số 10, với số vốn bỏ ra vô cùng thấp. Với một lượng tài chính ít ỏi, cộng thêm những hạn chế về sự hiểu biết thị trường quốc tế, rất khó để các nhóm khởi nghiệp bắt nguồn ở Việt Nam có thể sẵn sàng tham gia thị trường này.

Một xu thế khác hiện nay là các nhà sáng lập người Việt ở nước ngoài sẽ thuê các kỹ sư trong nước để phát triển sản phẩm, còn quá trình kinh doanh, điều hành sẽ được thực hiện hoàn toàn ở nước ngoài. Đây là một chiến lược khôn ngoan để làm giảm chi phí nhân sự, vốn vô cùng tốn kém ở Silicon Valley. Tuy nhiên khi ban điều hành cao cấp và và thị trường hoàn toàn ở nước ngoài, thì sẽ hợp lý hơn nếu xếp các sản phẩm này là “Sản phẩm quốc tế”, thay vì “Sản phẩm Việt Nam vươn ra quốc tế”.

Câu chuyện bên lề

Trong năm vừa qua, Flappy bird là một sản phẩm vô cùng thành công, và nổi tiếng khắp thế giới. Sự thành công này chứng minh rằng vẫn có những cơ hội nhất định để một sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên việc Flappy bird bị dừng lại quá  đột ngột (ngay khi đang ở vị trí đỉnh cao) lại mở ra một câu hỏi khó khăn hơn: Liệu các sản phẩm Việt Nam có thể vươn xa và thành công một cách bền vững?

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ có một Flappy Bird thứ hai viết bởi một Nguyễn Hà  Đông khác, nhưng chúng ta sẽ hy vọng hơn khi Việt Nam sẽ có những sản phẩm thành công ở thị trường quốc tế, được nghiên cứu, phát triển và điều hành bởi một doanh nghiệp Việt Nam – vì sự thành công bên vững của một doanh nghiệp sẽ phản ánh tính ưu việt của nền kinh tế nói chung. Rất khó các cá nhân tạo ra thành công bền vững. Từ thành công cá nhân đến thành công doanh nghiệp là một con đường không dễ dàng, và chỉ một cấu trúc nền kinh tế tốt mới có thể hỗ trợ quá trình này.

Phạm Kim Hùng

Tác giả bài viết là Cựu sinh viên trường Đại học Stanford, Hoa Kì chuyên ngành Computer Sicence, đã từng dành được nhiều huy chương qua các kì thi Toán, Vật lý quốc tế. Hiện nay là Chủ tịch HDQT công ty Cổ phần NES.