Nếu một vùng phòng không được thiết lập quanh khu vực đảo Hải Nam, đây sẽ là lời thách thức trực diện với quân đội Mỹ.

>> Đằng sau mỹ từ hữu hảo của 'ông chủ' TQ

>> Vì sao TQ được coi là 'Người bạn lớn'?

>> Phát pháo lệnh trong cuộc chiến của ông Tập Cận Bình

Mới đây, hai quan chức quân đội về hưu của Trung Quốc cho rằng, nỗ lực bảo vệ hải lộ tàu ngầm của nước này trên Biển Đông có thể không dừng ở việc khiêu khích máy bay quân sự Mỹ, mà còn tiến tới tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Đại tá quân đội đã về hưu Yue Gang nhận định, TQ có thể sẽ giới hạn không phận xung quanh khu vực đảo Hải Nam vì Mỹ thường xuyên cho máy bay tuần thám khu vực này. Một động thái như vậy sẽ tạo ra một khu vực tương tự khu vực TQ đã thiết lập trên vùng biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản hồi tháng 11/2013.

"Mặc dù hiện vẫn còn quá sớm để thiết lập một vùng hàng không trên toàn bộ Biển Đông, song việc xây dựng một phần vùng này, bao lấy vùng nước quanh đảo Hải Nam, nơi có căn cứ tàu ngầm hạt nhân lớn nhất của TQ, là việc làm hợp lý," Đại tá Yue nói. Bằng việc lập giới hạn với không phận mà Mỹ cho là của quốc tế, nhưng TQ lại cho là nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình, quyết định này sẽ vạch ra những "đường cấm" đối với các chuyến bay của Mỹ.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng TQ chưa đưa ra phản ứng nào với các phát ngôn trên. Tuy nhiên, trong một tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, TQ có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp an ninh nào, bao gồm cả việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Sau tuyên bố đòi tàu thuyền đánh bắt cá của các nước phải xin phép khi vào vùng nước ngoài khơi đảo Hải Nam, bất kỳ động thái nào nhắm tới thiết lập ADIZ của TQ cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa lực lượng không quân Trung - Mỹ.

Sức mạnh trên biển

Từ sau khi lên nắm quyền tháng 11/2012, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình quyết mở rộng tầm hoạt động của TQ với việc tăng 12,2% chi tiêu quốc phòng trong năm nay. Lần đầu tiên lãnh đạo ĐCS nước này đã phát biểu mục tiêu quốc gia là làm cho TQ trở thành một cường quốc trên biển, với năng lực sẵn sàng chiến đấu quân sự, và năng lực tầm xa để bọc lót cho các tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên.

Theo Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Hải quân John Kirby, trong sự kiện xảy ra ngày 19/8, một chiến đấu cơ của TQ đã bay cách máy bay do thám tàu ngầm P-8 Poseidon của Mỹ chỉ 20 feet, và dùng vũ khí thị uy phi công. Cũng theo Kirby, khi đó máy bay do thám Mỹ đang ở trong không phận quốc tế, và hành động của TQ là thiếu thận trọng.

Trong vòng một tuần sau cuộc đụng độ đó, Đài Loan đã cử các chiến đấu cơ bám sát hai máy bay quân sự TQ được cho là đã vào không phận của mình. Các máy bay TQ khi đó đang trên đường bay tới Biển Đông.

"Những vụ việc như trên sẽ xảy ra thường xuyên hơn vì TQ muốn thay đổi hình ảnh thụ động trước đây đối với các vấn đề về lãnh thổ," Kang Jun Young, giáo sư nghiên cứu về TQ ở trường Đại học Hankuk ở Seoul nhận định. "Bằng việc gia tăng căng thẳng và thể hiện sự kiên quyết của mình, TQ đang cho thế giới thấy rằng, đất nước này không còn như trước nữa."

{keywords}

Những chiếc P-8 Poseidon của Mỹ. Ảnh: Navair.navy.mil

Thời điểm và cách thức đưa ra tuyên bố

Nếu một vùng phòng không được thiết lập quanh khu vực đảo Hải Nam, các máy bay có thể sẽ buộc phải thông báo kế hoạch bay cho quan chức TQ. Và việc này sẽ là lời thách thức trực diện với quân đội Mỹ, bởi lực lượng này thường xuyên tiến hành hoạt động tuần thám trong khu vực căn cứ hải quân Yalong. Sau khi TQ đưa ra tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Mỹ vẫn cho máy bay B-52 bay qua vùng này.

"Vấn đề chủ yếu ở đây là thời điểm và cách thức mà TQ ra tuyên bố," Andrew Scobell, một nhà khoa học chính trị cấp cao ở Virginia, nhận định khi đề cập đến việc một phần vùng nhận dạng phòng không mà TQ có thể thiết lập trên Biển Đông. "Một tuyên bố như vậy có thể sẽ làm tăng báo động trong các nước Đông Nam Á và Mỹ."

Vị học giả này dự đoán, TQ sẽ sớm thiết lập một phần vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Tình hình ngày càng phức tạp

Hải quân TQ đang tiến hành hiện đại hóa và mở rộng căn cứ quân sự tại vịnh Yalong. Căn cứ này hiện có hai cầu tàu, mỗi cầu dài 1km, để phục vụ các tàu chạy trên mặt nước. Ngoài ra, theo Felix Chang, một chuyên viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, căn cứ này còn có bốn cầu tàu dài 230m phục vụ tàu ngầm, cùng với một đường hầm chạy ngầm dưới mặt nước.

Theo một bài viết trên Tân Hoa xã, tướng tư lệnh hải quân Wu Shengli nhấn mạnh, lực lượng hải quân sẽ bảo vệ và mở rộng các quyền trên biển của TQ.

Nền tảng hỗ trợ cốt lõi

Tuyên bố thiết lập một ADIZ trên toàn Biển Đông sẽ không đơn giản vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều nước trong khu vực, thiếu tướng về hưu Xu Guangyu của TQ, đánh giá. "Bắc Kinh sẽ thận trọng trong việc thiết lập vùng ADIZ ở Biển Đông. Nhưng đó sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Vùng phòng không của TQ sẽ không chỉ giới hạn ở biển Hoa Đông."

Theo tờ Beijing News, TQ hiện đã mở rộng hoạt động tuần tra trên biển ra gần như khắp toàn bộ Biển Đông. "Chúng ta sẽ thấy nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay ở khu vực này hơn trong tương lai", Đại tá về hưu Yue cho biết.

Nguy cơ

Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2001, khi máy bay trinh sát của Mỹ đụng độ một chiến đấu cơ TQ và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Phi công TQ đã bỏ mạng trong vụ đụng độ đó.

Trong phát biểu hôm 26/8, ông Kirby nói rõ, các cuộc đụng độ gần sẽ không thể cản trở Mỹ cử máy bay tuần thám tới khu vực này.

Tuy nhiên, Song Xiaojun, một nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, cho rằng, nếu Mỹ tiếp tục cho máy bay bay gần căn cứ hải quân của TQ, những cuộc đụng độ gần như vậy sẽ còn tiếp diễn.

"TQ sẽ "chiều" nếu Mỹ không kiềm chế thói hiếu kỳ tọc mạch của mình. Giống như việc leo lên một tòa nhà chọc trời và cố nhìn xem chuyện gì đang diễn ra trong một căn phòng qua lớp kính cửa sổ - anh có thể làm việc đó thật đấy, nhưng anh sẽ có nguy cơ ngã lộn cổ," Song nói.

Đụng độ tàu thuyền

Các cuộc đụng độ gần không chỉ xảy ra trên không. Hồi tháng 12/2013, một tàu tuần dương mang đầu đạn tên lửa của Mỹ từng đối đầu với tàu hải quân TQ ở Biển Đông. Trên biển Hoa Đông, cảnh tàu quân sự TQ và Nhật Bản bám sát nhau cũng thường diễn ra.

"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là TQ muốn có đụng độ thật sự," giáo sư Kang của đại học Hankuk bình luận. "Chỉ là TQ đang cố gắng gửi đi thông điệp bằng cách đe dọa người khác, dù vậy điều này vẫn làm tăng nguy cơ tính sai nước cờ của TQ."

Hà Trang (theo Bloomberg)