'Những nước lớn như Mỹ, Australia, Canada sẽ không nhìn thấy lợi nhuận trước mắt từ TPP, mà hầu hết mang lại lợi ích rõ ràng cho VN'.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết tiếp theo trong loạt bài của nhà báo Hoàng Hường, thành viên trong đoàn nhà báo 14 nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines và Singapore về vấn đề Biển Đông. 

>> Việt Nam giữa ‘trận cờ vây’ của Trung- Nhật- Mỹ

Đàm phán Hợp tác Thương mại Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership TPP) được đề cập đến đầu tiên vào năm 2002, do New Zealand, Chile và Singapore đưa ra. Tới nay đã có 12 nước tham gia các đàm phán bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhật Bản là thành viên mới nhất, tham gia từ 2013. 12 nước thành viên này chiếm 11% dân số thế giới và 39% GDP toàn cầu. 

Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới Peterson của Mỹ ước tính tổng thu nhập quốc gia của Mỹ có thể lên đến 17 tỷ USD trong lĩnh vực xuất khẩu, và TPP có thể mang lại thêm 123.5 tỷ USD từ xuất khẩu nữa cho Mỹ từ giờ đến năm 2025.

{keywords}
Cảng biển Singapore, một trong những cảng biển sầm uất nhất thế giới. Singapore là một trong những nước tham gia TPP. Ảnh: Hoàng Hường

Tuy nhiên, theo các học giả Mỹ, mục tiêu lớn nhất của TPP không phải phương diện kinh tế, nó được trông đợi là chiến lược để Mỹ gắn kết và có ảnh hưởng hơn đến vùng Châu Á – Thái Bình Dương. 

Nói cách khác, TPP được coi là “công cụ chính đáng” để đưa Mỹ tạo lại thế cân bằng quyền lực trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ, và trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất của kinh tế khu vực này và toàn cầu.

>> Xem lại các bài viết trong chương trình được thực hiện tại Hawaii (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc), Manila, Masinloc (Philippines)

Trực tiếp nghe phát ngôn ‘gây choáng’ của BNG Trung Quốc

Chứng kiến màn ‘hỏi xoáy đáp xoay’ với Bộ Ngoại giao TQ

‘TQ tăng cường quân sự không nguy hại ai’?

“TQ là mối đe dọa, Mỹ không thể đứng ngoài”

‘Bằng chứng lịch sử’ của TQ vô giá trị với luật quốc tế

TPP được trông đợi sẽ đạt được các thoả thuận vào cuối năm 2014, nhưng đến thời điểm hiện tại, giữa năm 2015, nó vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. 

Ngược lại, đang gây ra những tranh cãi lớn giữa các nước thành viên, và ngay trong chính các nền kinh tế dẫn đầu như Mỹ.

Các đàm phán TPP đang ở những chặng đường cuối cùng, và nó đang tạo ra tranh cãi ở thái cực lớn. 

Nhưng đáng tiếc, những tranh cãi đó chỉ “trông cây mà không thấy rừng”, không chỉ ra được mục tiêu chính của TPP là: cải tổ hệ thống thương mại tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, và khẳng định vai trò của Mỹ trong khu vực kinh tế này

Giáo sư Carl J. Shapiro (Peter A. Petri), khoa Tài chính Quốc tế, thuộc trường Đại học Brandeis, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thuộc trường ĐH Havard, Hoa Kỳ nhận định.

Theo ông, hệ thống luật thương mại quốc tế hầu như không thay đổi từ năm 1994, kể cả khi có sự xuất hiện của Internet, và sự nổi lên của Trung Quốc trên thị trường thương mại toàn cầu. TPP gây tranh cãi với rất nhiều tiêu chí và điều luật mâu thuẫn nhau; hoặc mặt khác, lại thiếu các tiêu chuẩn về vấn đề lao động và môi trường ở 12 nước với những nền kinh tế có mức độ phát triển khác nhau.

Giáo sư Carl cho rằng TPP sẽ không có tác động sớm và đáng kể đến nền kinh tế Mỹ vì hơn 90% hoạt động kinh tế của nước này liên quan đến thị trường thương mại và lao động, và những lợi ích mà TPP có thể mang lại đã hầu như sẵn có ở thị trường lao động Mỹ. Vì thế, TPP hầu như không mang lại nhiều thay đổi hay thúc đẩy phát triển nhìn thấy ngay cho người Mỹ và các công ty Mỹ. 

Trên thực tế, những nước lớn như Mỹ, Australia, Canada sẽ không nhìn thấy lợi nhuận trước mắt từ TPP, mà những nước như Việt Nam, Brunei sẽ nhìn thấy rõ ràng. Nói cách khác, TPP hầu hết mang lại lợi ích rõ ràng cho Việt Nam”, Giáo sư Carl nói.

{keywords}
GS Carl. làm việc qua Video Conference từ Washington DC với các nhà báo thuộc 14 nước Thái Bình Dương tại Honolulu, Hawaii, Mỹ. Ảnh: Hoàng Hường

Tuy nhiên về lâu dài, những thoả thuận thương mại của TPP sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho Mỹ. Những tiêu chuẩn lao động của Mỹ sẽ được củng cố tốt hơn, và nhân rộng sang các thị trường lao động khác. Nó cũng sẽ kích thích những lĩnh vực kinh tế cạnh tranh nhất của Mỹ và củng cố vị thế của nước này trong thị trường sản phẩm cao như công nghệ, robots, thiết bị y tế, dược phẩm  hay sản phẩm sáng tạo.

Đặt vào góc độ cạnh tranh, TPP được coi là một công cụ để Mỹ tạo lại thế cân bằng ở khu vực Thái Bình Dương. Theo nhận định của TS Brad Glosseman, giám đốc thường trực của Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, TPP “thể hiện rõ nhất” dấu hiệu Mỹ muốn giành lại ảnh hưởng,  cũng như tạo lại thế “cân bằng” chính sách ngoại giao của Mỹ trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao; và TPP được coi là một công cụ để Mỹ đạt được mục đích này qua đàm phán thương mại.

TS Brad cũng cho rằng Washington “hiểu rõ tư duy kinh tế Đông Nam Á” và “những năm gần đây, Mỹ được trông đợi đóng vai trò đảm bảo an ninh ở khu vực này khi Trung Quốc ngày càng nổi lên”. 

Trong khi các lãnh đạo Đông Nam Á mong muốn được đảm bảo an ninh, họ lại muốn lặng lẽ lùi lại và mong đợi Mỹ bảo vệ. Và họ mong muốn Mỹ có những công cụ kinh tế có thể đảm bảo được cả mặt an ninh. Họ hiểu rằng can thiệp quân sự của Mỹ rất quan trọng cho việc ổn định khu vực khi họ lại không muốn đứng trước, hoặc đứng chính giữa trong việc đối mặt với Trung Quốc. Vì vậy, đàm phán và các cam kết thương mại được coi là công cụ an toàn và khôn ngoan cho các giải pháp giữ gìn sự ổn định ở khu vực này”, TS Brad chia sẻ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, TPP vẫn chưa nhìn thấy khả năng nào để có thể được thông qua, và điểm bế tắc nhất là TPP không nhận được ủng hộ của người Mỹ, và hiện nó đang gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế, các học giả và các nhà hoạch định chính sách.

Theo đó, vấn đề gây tranh cãi nhất tập trung vào 3 điểm chính: Thứ nhất, nếu Mỹ thực sự muốn đẩy mạnh hợp tác thương mại ở Châu Á, Mỹ phải đồng thời đẩy mạnh các mối quan hệ song phương với các nước. Về lý thuyết, TPP có thể là công cụ hữu hiệu tác động tích cực đến các mối quan hệ và tranh chấp. Tuy nhiên trên thực tế, để đẩy được đến những cam kết đó đòi hỏi sự hợp tác của các nhà lãnh đạo và nhà chính trị của các bên liên quan; đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đòi hỏi nhiều hơn các cam kết chính trị với đối tác Châu Á. Đây là một bế tắc.

Thứ hai, TPP hầu như chỉ mang lại lợi nhuận cho những công ty Mỹ vốn đã có thị trường ở vùng Đông Nam Á. Trong khi nếu được thông qua, TPP có thể tác động không nhỏ đến thị trường lao động của Mỹ. Tuy nhiên, TS Brad cho rằng “đây là góc nhìn sai” về TPP. “Giá trị của TPP không nằm ở lợi nhuận, mà nằm ở chiến lược, cụ thể là việc tạo ảnh hưởng của Mỹ tới khu vực”.

Và bế tắc lớn nhất: nếu TPP là chiến lược tạo ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải tìm được “nguyên tắc vàng” để tìm được tiếng nói chung với 11 nước đàm phán. Để có được thoả thuận và lợi ích chung cho 12 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia đang đối đầu trong tranh chấp như ở khu vực Biển Đông, là một thách thức rất lớn.

“Mất công việc” “nhiều thiệt hại môi trường” “làm xáo động sự ổn định thương mại”... là vài trong rất nhiều nhận định của các tờ báo Mỹ “ghét TPP”, theo GS Carl. “Có hay không có TPP, kinh tế Mỹ chủ yếu vẫn phụ thuộc vào việc đầu tư cho các hoạt động sáng tạo, hạ tầng cơ sở, điều kiện lao động và giáo dục đào tạo. TPP không thể chữa hết các căn bệnh của kinh tế Mỹ nhưng nếu nhìn cả khu rừng, thay vì nhìn cây, thì nó vẫn đóng góp đáng kể”

Như tôi đã nói, giá trị lớn nhất của TPP không phải ở kinh tế, mà để trả lời câu hỏi khá thường xuyên: Mỹ làm gì khi Trung Quốc đang nổi lên nhanh chóng như vậy?”GS Carl nói.

 Hoàng Hường

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.