Kì cuối của tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ cải cách doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn quả quyết “lâu nay chúng ta làm rất nhiều. Và chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên chưa tương ứng với yêu cầu”.
>>Kì 1: Vì sao bán DNNN người ta không mặn mà?
>>Kì 2: Chưa thoát khỏi vòng kim cô
Nhà báo Thu Hà: Một chuyên gia kinh tế độc lập quả quyết trong những cái được mang lại từ cuộc Đổi mới kinh tế chính là sự ra đời của đội ngũ doanh nhân. Thưa ông Phạm Viết Muôn, chúng ta đã dành nhiều thời gian nói về khu vực doanh nghiệp nhà nước rồi, giờ ông có chia sẻ gì về khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện nay của Việt Nam?
Ông Phạm Viết Muôn: Có một thời kỳ dài chúng ta không công nhận kinh tế tư nhân. Lúc đó, nền kinh tế của chúng ta có 2 thành phần: Kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể với hợp tác xã là tồn tại. Sau đổi mới, năm 1990 chúng ta ban hành Luật doanh nghiệp, trước đó, năm 1987, ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, trên thực tế này chúng ta mới chính thức thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.
Những năm đầu thập niên 1990, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở ta phát triển vẫn rất hạn chế ở mấy điểm là quy mô, và hiệu quả chất lượng. Vì thời điểm đó khu vực doanh nghiệp tư nhân còn quá mới, nhỏ bé, chưa có kinh nghiệm, chưa đủ mạnh để chen chân vào thương trường và cũng chưa đủ lực để chiếm lĩnh các khu vực thị trường mà lâu nay doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã thống lĩnh.
Không thể phủ nhận, doanh nghiệp tư nhân ngày càng có vai trò lớn mạnh, là những trụ trụ cột đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.
Từ những chỗ 5-7% bây giờ đóng góp của họ lên tới trên 40%v GDP.
Sự có mặt của khu vực doanh nghiệp tư nhân đã làm cho nền kinh tế nước ta năng động hơn rất nhiều. Bây giờ không thiếu những tập đoàn, công ty tư nhân quy mô vốn rất lớn hoạt động trong nước và ngoài nước đủ các ngành nghề và đóng góp tích cực cho xã hội trên nhiều mặt.
Cung cách quản lý của khu vực doanh nghiệp tư nhân nó sát hơn và thực chất hơn với thị trường và những điều đó đã góp phần tạo điều kiện tốt hơn giúp nước ta hội nhập sâu, rộng với thế giới.
Hãy đừng hoảng hốt khi thấy thông tin về việc các doanh nghiệp tư nhân đóng cửa, giải thể… đơn giản vì khu vực doanh nghiệp này vô cùng năng động, nhạy bén. |
Nhà báo Thu Hà: Mặc dù có những đóng góp tích cực như vậy, nhưng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân của ta vẫn phải “tự bơi”là chính, họ thường nhận được ít ưu đãi từ cơ chế, chính sách?
Ông Phạm Viết Muôn: Không phải “tự bơi” mà tự khu vực này phát triển, đang và sẽ phát triển rất mạnh.
Nhà nước tạo ra hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động và doanh nghiệp được hoạt động trong tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm. Đây là điều quan trọng cơ bản để mở sân chơi cho khu vực kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển. Nhìn vào thực tế sẽ thấy, các doanh nghiệp tư nhân luôn chọn đầu tư vào các ngành lĩnh vực có cơ hội thu lợi nhuận cao. Khi khó làm ăn, thì họ linh hoạt chuyển sang lĩnh vực khác.
Thương trường là chiến trường, trong mấy chục năm đổi mới, chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp tư nhân đóng cửa, giải thể, thay đổi, ngừng đăng ký kinh doanh nhưng đồng thời có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân mới ra đời.
Hãy đừng hoảng hốt khi thấy thông tin về việc các doanh nghiệp tư nhân đóng cửa, giải thể… đơn giản vì khu vực doanh nghiệp này vô cùng năng động, nhạy bén. Vốn ít, lãi nhiều, chuyển hướng nhanh. Nếu làm ăn không hiệu quả thì người ta nhanh chóng rút và kiếm tìm cơ hội mới mà không phải thỉnh thị, xin ý kiến ai cả. Trong khi đó, ở khu vực doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã, muốn ngừng kinh doanh hay giải thể, thủ tục khó khăn phức tạp gấp vạn lần. Mấy chục năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước phá sản rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Nhà báo Thu Hà: Chúng ta đã có Luật Phá sản mà?
Ông Phạm Viết Muôn: Luật phá sản của ta tưởng rằng làm được nhưng khi đi vào thực hiện lại vô cùng khó khăn.
Không phải cả 3 chủ thể khoái đề nghị phá sản đâu. Nếu công đoàn đề nghị phá sản thì công nhân mất việc; Giám đốc đề nghị phá sản thì ông ta mất ghế; Chủ nợ đề nghị phá sản thì ông mất tiền. Mặc dù biết có những cục nợ biết không bao giờ đòi được cứ để đó trong bảng cân đối cho “vở sạch, chữ đẹp”.
Vừa rồi có chỉ đạo cho doanh nghiệp nhà nước phá sản, nhưng rồi do cái này, cái khác họ vẫn chưa phá sản được. Tôi biết ở thành phố Hồ Chí Minh có những quyết định phá sản được đưa ra từ những năm 1995 - 1998 cho đến nay vẫn chưa làm được vì việc rà soát công nợ và một số cái khác cứ lằng nhằng, giằng dai chưa dứt điểm được. Bởi vậy, có không ít những doanh nghiệp nhà nước mặc dù không còn hoạt động nữa mà vẫn không phá sản nổi.
Nhà báo Thu Hà: Dù có nói gì đi nữa, thực tế cho thấy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang kiệt sức. Tại các diễn đàn chính thức và phi chính thức, các doanh nghiệp và giới chuyên gia nghiên cứu đều lên tiếng báo động về việc nếu không được tiếp sức thực sự thì khu vực này ngày càng teo tóp lại.
Ông Phạm Viết Muôn: Thứ nhất, trong các cơ chế đã ban hành, chúng ta đâu có phân biệt đối xử. Cái chúng ta phân biệt là phân ra các ngành kinh tế, sản phẩm, vùng kinh tế để có hỗ trợ kích thích phát triển làm sao cho có hiệu quả phù hợp với yêu cầu của xã hội và cam kết quốc tế.
Thứ hai, hãy đặt ra vấn đề tại sao trong cùng một cơ chế đó lại có những anh lớn mạnh lên được và những anh khác cứ bé nhỏ mãi không lớn mạnh được. Trong điều kiện hiện nay, ai cũng có điều kiện có cơ hội để lớn mạnh.
Thứ ba, hàng năm kể từ năm 2007 về trước, năm nào Thủ tướng chính phủ cũng họp với doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ và xử lý cần thiết đối với doanh nghiệp. Tôi tham dự tất cả các cuộc gặp này nên rất rõ.
Sau 2007, các cuộc gặp này không thường niên và được tổ chức mỗi khi cần nên thiết thực hơn, không sa vào hình thức.
Thủ tướng giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) theo sát cộng đồng doanh nghiệp và hàng tháng phải báo cáo Thủ tướng, báo cáo ra phiên họp chính phủ những gì mà doanh nghiệp yêu cầu, tiến độ các cơ quan bộ, ngành giải quyết vấn đề doanh nghiệp nêu và kiến nghị tiếp theo.
Tôi quả quyết, rất nhiều vấn đề đã được giải quyết, làm rõ và cải thiện. Tuy nhiên như chị thấy, người ta vẫn kêu vì cuộc sống thì luôn vận động không ngừng và dù ta có làm ráo riết thì vẫn khó có thể đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. |
Khi còn đương nhiệm, tôi phụ trách tham mưu với Thủ tướng trong chỉ đạo xử lý những vấn đề này. Trước mỗi vấn đề, mỗi kiến nghị, chúng tôi đều căn cứ vào đường hướng pháp luật, ý kiến các bộ ngành, lắng nghe chuyên gia rồi đề xuất hướng xử lý, giải quyết. Tôi quả quyết, rất nhiều vấn đề đã được giải quyết, làm rõ và cải thiện. Tuy nhiên như chị thấy, người ta vẫn kêu vì cuộc sống thì luôn vận động không ngừng và dù ta có làm ráo riết thì vẫn khó có thể đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Vậy người ta kêu cái gì nhỉ? Kêu về chính sách nói chung hay kêu về một vấn đề cụ thể nào đó đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải đứng ra giải quyết? Có những điều họ kêu hôm nay, nhưng mai là giải quyết được luôn. Nhưng cũng có những điều buộc phải chờ vì nó do cơ quan nhà nước có thầm quyền giải quyết, và nhiều việc khác phải được đưa ra Quốc hội.
Chúng ta có hơn 600.000 doanh nghiệp, họ có những yêu cầu chung, và có cả những yêu cầu riêng. Những yêu cầu chung thì dễ, còn những yêu cầu riêng, nhiều khi rất riêng, cần nghiên cứu mới giải quyết hài hòa được.
Ngay cả những nước kinh tế phát triển cũng vẫn tồn tại thực tế này. Doanh nghiệp muốn phát triển thì người ta phải đòi hỏi. Thông thường tôi thấy đòi hỏi là xác đáng. Và việc của chính phủ là làm sao giải quyết tốt nhất những yêu cầu chung, làm sao tạo ra sân chơi bình đẳng và luật chơi chung cho tất cả các thành phần tham dự. Và chúng ta đang đi theo hướng đó, đang làm theo hướng đó.
Nhà báo Thu Hà: Ông nói gì về việc doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn, đất dễ hơn doanh nghiệp tư nhân?
Ông Phạm Viết Muôn: Không hẳn là thế. Tôi không nghĩ Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm, Him Lam hay Vingroup đi thuê đất, vay tiền khó khăn hơn doanh nghiệp nhà nước, thậm chí họ còn dễ tiếp cận hơn. Họ làm ăn hiệu quả, đề án xin vay vốn hay thuê đất của họ dễ thuyết phục, không ai lại từ chối cho họ vay tiền.
Các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hay nguồn đất là những doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ, cũng có thể nhiều trong số họ làm ăn chưa thực sự tốt, dự án chưa thuyết phục được các tổ chức tín dụng. Hãy nhớ, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ kinh doanh tiền và dĩ nhiên họ cần có sự bảo đảm tốt nhất họ làm ăn có lãi.
Chúng ta đã có các khu, cụm công nghiệp để cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với phần lớn doanh nghiệp tư nhân của ta, có qui mô nhỏ, mặt bằng và vốn luôn là vấn đề nan giải. Đơn cử nhiều doanh nghiệp nhỏ cần tìm mặt bằng qui mô không lớn, họ không muốn vào các khu công nghiệp. Những chỗ họ chọn nhiều khi nằm trong qui hoạch, hoặc đã được duyệt cho mục đích khác.
Về vốn làm ăn cũng vậy, không có doanh nghiệp nào là không cần vay. Thế nhưng tại sao doanh nghiệp kia vay được mà doanh nghiệp này lại không?
Còn về cơ chế cơ bản không có rào cản và phân biệt. Tuy nhiên cái đáng nói hiện nay chính là về thủ tục hành chính, là ở giấy phép con. Đây chính là khâu đang làm khó và bị doanh nghiệp kêu.
Nhà báo Thu Hà: Vậy thì có cách nào để gỡ khó cho doanh nghiệp, có cách nào để doanh nghiệp không cảm thấy mình bị “bỏ rơi”, bị “tự bơi”?
Ông Phạm Viết Muôn: Cách tốt nhất là từ chính con người. Con người và bộ máy.
Cái ta cần là cần bộ máy hiệu quả, hoạt động ngay ngắn, nghiêm túc.
Cái ta cần là con người, cán bộ nhà nước hành xử đúng pháp luật, đồng hành cùng doanh nghiệp khi giải quyết vấn đề.
Và bản thân doanh nghiệp cũng phải tự xem lại mình, phải làm ăn ngay ngắn, đừng chụp giật.
Nhiều nước trên thế giới cũng từng trải qua những khó khăn ta đang gặp phải. Tuy nhiên họ có nhiều thuận lợi hơn ta ở chỗ họ có nền tảng kinh tế thị trường từ rất lâu rồi. Ở ta mới có mấy chục năm nay, thời gian vẫn chưa đủ lâu, không có cái gì một sớm một chiều mà xử lý được.
Nhà báo Thu Hà: Tại diễn đàn kinh tế mùa Xuân Quốc hội tổ chức mới đây với chủ đề “Biến lời nói thành hành động cụ thể”. Như những gì ông chia sẻ thì chúng ta đã hành động lâu rồi. Vậy tại sao giờ đây, Quốc hội lại đặt vấn đề một cách cấp bách như vậy?
Ông Phạm Viết Muôn: Tôi nhớ một Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng nói thế này, “khi chúng ta quyết định, điều tốt đẹp nhất là quyết định đúng, điều gần như tốt đẹp là quyết định sai và tồi tệ nhất là không quyết định gì cả”.
Cái chúng ta luôn cần và khao khát là cần phải hành động. Nếu chẳng may quyết định đó dẫn tới cái sai thì cũng là cơ hội để chúng ta biết là nó sai để rồi khắc phục, chấn chỉnh. Điều này còn tốt hơn việc cứ ngồi yên không làm gì.
Việc Quốc hội đặt vấn đề như vậy chứng tỏ chúng ta phải tiếp tục phấn đấu có nhiều hành động cụ thể hơn nữa để thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển. Với cấp Trung ương, yêu cầu này không chỉ là việc ban hành cơ chế chính sách cơ học mà phải làm sao để chính sách áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống.
Và để làm được như vậy, có lẽ việc quan trọng nhất và cần nhất hiện nay là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ giải quyết công việc tại chỗ chuyên nghiệp và trong sạch. Rất tiếc, vấn đề này, hiện nay chúng ta còn rất yếu và rất thiếu.
Việc quan trọng nhất và cần nhất hiện nay là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ giải quyết công việc tại chỗ chuyên nghiệp và trong sạch. |
Nhà báo Thu Hà: Thưa ông Phạm Viết Muôn. Là người giữ cương vị cao trong Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Trung ương, từ thực tế công việc, ông có cho rằng nhóm của ông có thể làm tốt hơn nữa trọng trách được giao, nhưng vì cái này, cái khác nên đôi khi các ông không làm được như mong muốn, như kỳ vọng?
Ông Phạm Viết Muôn: Chị nói rất là đúng! Khi chúng ta đang làm cái gì đó, khi làm xong hoặc khi không làm nữa thì chúng ta cứ nghĩ liệu chúng ta có làm tốt hơn không. Tôi thường suy nghĩ về điều này. Và quả thực, chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa, kết quả cao hơn nữa nhưng chỉ làm được có thế thôi. Vì;
Thứ nhất, năng lực của chúng tôi nó chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách, đổi mới doanh nghiệp.
Thứ hai, chúng tôi là người trong bộ máy hành chính. Hành chính là một chiều, là mệnh lệnh, là đơn phương. Khi chúng tôi xử lý công việc chúng tôi phải căn cứ vào nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, vào pháp Luật nhà nước, vào nghị định của chính phủ, vào chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ, dưới các bộ còn có các thông tư. Khi có một vấn đề gì xảy ra thì người ta rà soát lại phải căn cứ vào cái đó. Người làm hành chính là người làm chuyên môn không thể như người làm khoa học không thể đề xuất thế này thế khác.
Nhà báo Thu Hà: Phải chăng những khó khăn như ông vừa chia sẻ là một những nút thắt khiến cho công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước trì trệ như lâu nay?
Ông Phạm Viết Muôn: Chị nói trì trệ như lâu nay thì tôi không đồng tình. Tôi khẳng định, lâu nay chúng ta làm rất nhiều. Và chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên chưa tương ứng với yêu cầu.
Nhà báo Thu Hà: Nhưng rõ ràng trong rất nhiều báo cáo được công bố công khai, các thành viên Chính phủ nhận định, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm lắm.
Ông Phạm Viết Muôn: Đúng! Tôi cũng nhiều lần viết ra, trình bày trước chính phủ như thế. Và phải nói công bằng chúng ta chưa đạt được cái chúng ta đề ra
Trong cuộc sống có những việc chúng ta làm rất vất vả, nhưng kết quả chưa đạt được yêu cầu. Chúng tôi cũng như thế, mười mấy năm nay chúng tôi làm cũng rất vất vả, tuy nhiên còn quá nhiều việc phải làm để lại cho an hem đi sau.
Nhà báo Thu Hà: Vậy với cơ chế như hiện nay, liệu rằng các đồng chí kế nhiệm ông có thúc đẩy nhanh hơn được không?
Ông Phạm Viết Muôn: Cơ chế của chúng ta luôn luôn thay đổi, không bao giờ dừng, chúng ta đang tiếp tục tháo gỡ để có được cơ chế tốt hơn, đáp ứng yên cầu của thực tiễn. Các đồng chí thực hiện sau sẽ làm tốt hơn những gì chúng tôi đã làm. Cuộc sống không ngừng tiến về phía trước mà.
Ví dụ, cơ chế xác định giá trị, nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn nhà nước cao như hiện nay thì sẽ chẳng ai mua hàng của mình, vì vậy chắc chắn sẽ phải thay đổi.
Hay như việc ban hành giấy phép con, nếu tới đây không được giải quyết thấu đáo thì doanh nghiệp sẽ còn kêu, sẽ còn bị cản trở và môi trường kinh doanh sẽ chưa thông thoáng được.
Nhà báo Thu Hà: Tôi có thể hiểu là để cải thiện những rào cản như ông vừa nói thì chúng ta phải thực sự chơi theo đúng luật kinh tế thị trường như các nước đã trải nghiệm?
Ông Phạm Viết Muôn: Trong bối cảnh của ta, chúng ta phải hành động trong khung khổ pháp luật hiện tại và quá trình hành động thấy cái gì thì phải kiến nghị chứ đừng nên cầm đèn chạy trước ô tô, và cũng đừng đốt cháy giai đoạn, đó là vi phạm luật chơi.
Ví dụ, khi mà Thủ tướng chưa đồng ý cho thoái vốn ở mức dưới giá vốn mà ông cứ làm, tức là ông phạm pháp, tức là ông sẽ bị xử lý.
Nhà báo Thu Hà: Xin cám ơn ông Phạm Viết Muôn đã chia sẻ với Tuần Việt Nam. Xin cám ơn quí vị độc giả đã dành thời gian theo dõi cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Tuần Việt Nam
Ảnh: Lê Anh DũngQuay video: Xuân Quí
Dựng video: Huy Phúc
Xem Tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ quốc sách giáo dục: Kì 1: Các sếp giáo dục cũng "lên bờ xuống ruộng" |