Khi nhìn lại 30 năm đổi mới, ông Mai Liêm Trực cho rằng nhờ quyết định đổi mới này, chúng ta đã phát huy được một phần các nguồn lực của đất nước. Cơ chế mới đã mở ra cơ hội cho người dân và sức bật cho đất nước.
LTS: Không thể phủ nhận, sự thành công của kinh tế thị trường áp dụng vào môi trường xã hội Việt Nam trong gần 30 năm qua đang tạo ra một thôi thúc cải cách thể chế kinh tế để chúng ta có thể vượt qua các nút thắt của phát triển. Bài học dám vượt qua chính mình, dám bỏ lại đằng sau những tư duy giáo điều, cũ mòn để bước sang con đường mới hồi năm 1986 vẫn còn nguyên giá trị.
Tiếp theo tuyến bài nhìn lại 30 năm đổi mới, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc toạ đàm Nhìn từ áp lực cải cách thể chế, với sự tham gia của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông.
Nhà báo Lan Anh: Thưa các vị, chúng ta đã sắp đi qua 30 năm đổi mới, giờ nhìn lại các vị có những suy nghĩ như thế nào? Chúng ta đã làm được gì và còn những gì chúng ta cần phải làm tiếp?
Ông Mai Liêm Trực: Hẳn là không ai có thể quên, mười năm sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh và do cơ chế kinh tế sai lầm.
Sau gần 3 thập kỷ chuyển đổi từ thể chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường, đất nước đã vượt qua được khủng hoảng. Kinh tế phát triển và đạt mức thu nhập tương đối mặc dù mới chỉ ở mức trung bình thấp.
Nhờ quyết định đổi mới này, chúng ta đã phát huy được một phần các nguồn lực của đất nước. Cơ chế mới đã mở ra cơ hội cho người dân và sức bật cho đất nước.
Nhờ quyết định đổi mới đó, chúng ta đã khai phóng được nguồn lực xã hội, nguồn lực con người, tài nguyên, trí tuệ, nguồn lực ứng dụng khoa học công nghệ và đã hội nhập được với kinh tế quốc tế.
Những nguồn lực này là những động lực rất quan trọng để chúng ta vượt qua cơn đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc để phát triển kinh tế trong gần 3 thập kỷ vừa qua.
Ông Mai Liêm Trực. Ảnh: Thu Hà |
Từ chỗ rất lạc hậu, giờ chúng ta đã tạo dựng được các ngành như nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông … Trong đó có những lĩnh vực chúng ta đã bắt kịp, thậm chí không thua kém các nước khác.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nhìn lại 30 năm đổi mới một cách khách quan sẽ thấy, so với chính mình trước ngày đổi mới, chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Chúng ta không chỉ biết mỗi việc đánh giặc, mà còn biết làm kinh tế, dám đổi mới để tiến lên.
Cái thời chúng ta chưa đổi mới, tự trói buộc mình, bị cô lập và cũng có phần do chúng ta tự cô lập mình, cái giá phải trả là đất nước đói nghèo.
Nhiều người chưa thể quên nỗi ám ảnh trong đêm trước đổi mới bởi thiếu thốn lương thực, thiếu thốn vật dụng, phải sống nhờ, sống dựa vào viện trợ từ các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Thế rồi, những nguồn viện trợ ấy không còn, tình thế “tồn tại hay sụp đổ” đã buộc chúng ta phải vượt qua chính mình, vượt qua giáo điều, bảo thủ để “cởi trói” cho nền kinh tế.
Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Thu Hà |
Chúng ta đã bắt đầu đổi mới trong một tình thế bắt buộc, chứ chưa phải đã xuất phát từ một tư duy khoa học đầy đủ và sâu sắc từ đầu. Nhưng dù sao như thế vẫn tốt. Thực tiễn luôn là ông thầy vĩ đại.
Quyết định sáng suốt chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã mang lại sự thay đổi lớn lao cho một đất nước.
Từ chỗ khủng hoảng trầm trọng về lý luận và chính sách kinh tế, từ chỗ thiếu lương thực, từ chỗ chỉ xuất khẩu “tiêu điều xơ xác mướp”, giờ chúng ta đã là một trong hai quốc gia xuất khẩu lương thực nhiều nhất thế giới, có kim ngạch xuất khẩu hàng trăm tỷ USD/ mỗi năm.
Từ chỗ, không thể tự mình cân đối ngân sách mà phải sống nhờ vào nguồn viện trợ của nước ngoài, đến nay, dù vấn đề ngân sách vẫn còn là câu chuyện lớn nhưng về cơ bản chúng ta cũng đã tự cân đối được. Mình đã tự sống được bằng sức lực của chính mình.
Giáo dục, y tế đã phát triển đáng kể, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm hơn.
Từ chỗ bị bao vây cấm vận, giờ Việt Nam đã có quan hệ đối tác và bạn hữu với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế lớn nhất, đã tham gia thành viên Liên Hiệp quốc và có lúc là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tôi có thể tóm gọn thế này, nếu như 30 năm qua mình không dám đổi mới thì không biết tình thế lúc đó sẽ đưa đất nước đi đến đâu, chắc là tệ lắm, thậm chí có khi còn sụp đổ. Cho nên có thể khẳng định, cuộc đổi mới hồi năm 1986 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có một ý nghĩa rất lớn, quyết định vận mệnh đất nước. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc so với chính mình trước đây.
Trong những cái được có những cái không thể đo đếm nhưng có ý nghĩa nền tảng. Ví dụ, nếu cứ đóng kín cửa, không đổi mới, mình sẽ giống như gà công nghiệp chẳng biết gì về kinh tế thị trường, chẳng biết gì về thế giới xung quanh. Nhưng giờ thì hãy nhìn xem, người Việt Nam từ dân chúng đến lãnh đạo ngày càng hiểu biết nhiều hơn về kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, quyền con người, về tự do, dân chủ…
Với nhận thức mới (so với ngày xưa), ta đã có một cộng đồng Việt Nam mới, vừa ra sức kế thừa truyền thống giữ nước của cha ông, vừa có năng lực hơn trong công việc phát triển đất nước. Và tất nhiên cũng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với việc lãnh đạo quốc gia phát triển.
Cảnh thường thấy thời bao cấp: hành khách đu bám chật cứng bên ngoài cửa sổ xe đò (ảnh chụp ngày 5-3-1985). Ảnh tư liệu/ Tuổi Trẻ |
Nhà báo Lan Anh: Còn những gì chúng ta vẫn chưa làm được?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Có hai cách tiếp cận: So với chính mình trước đây và so với thiên hạ. Mỗi cách đều có ý nghĩa quan trọng. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng quốc gia, lâu nay chúng ta chỉ so sánh với chính mình trong quá khứ. Tuy nhiên, cũng cần phải so sánh với thiên hạ nữa để thấy rõ những mặt mình chưa làm được. So sánh với thiên hạ thì mới thấy được ta đang ở đâu, ta “cao hay lùn”, đang tiến lên như thế nào trên bản đồ kinh tế thế giới.
Từ những cách so sánh này chúng ta sẽ thấy:
Mục tiêu đặt ra là dân giàu nước mạnh mặc dù có tiến bộ lên, có khá lên so với chính ta 30 năm trước, nhưng nếu so với thiên hạ thì rõ ràng chúng ta vẫn còn xa họ lắm, thậm chí còn nhiều mặt tụt hậu xa hơn so với các nước đã thành công trong công nghiệp hóa.
Cũng trong khoảng thời gian 30 năm đó, có nhiều nước vượt trước ta một quãng đường rất dài. Trong khi ta vẫn chỉ chuyển đổi một cách từ từ thì nhiều nước đã có những bước nhảy ngoạn mục. Cùng một xuất phát điểm tương đồng, giờ họ đã vươn lên là những quốc gia phát triển, còn ta vẫn loanh quanh ở quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu tiếp tục phát triển với cái kiểu như thế này thì phải mất thêm nhiều chục năm nữa chúng ta mới có thể vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình. Mà trong thời gian đó, các nước họ có đứng yên chờ ta đâu, họ sẽ vẫn tiến lên nhanh chóng theo đà phát triển mà họ đã đạt được. Và họ tiếp tục bỏ xa ta với khoảng cách có thể dài hơn nữa.
Rõ ràng, nếu so sánh với thế giới, nền kinh tế của ta mặc dù đã chuyển đổi nhưng vẫn còn chứa đựng những yếu tố bất ổn, mà nguyên nhân quan trọng hàng đầu là do chúng ta vẫn chưa nhìn rõ sự thật. Không ít người và cơ quan còn nặng bệnh thành tích, kể cả thông tin chưa đủ minh bạch, chưa nhìn thấu đáo được bản chất của tình hình và chưa thực sự khai phóng tư duy quản trị quốc gia, vẫn còn cũ kỹ, lỗi thời.
Thứ nhất, tôi (và nhiều người nữa) đã từng nói về năng suất lao động xã hội và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp, thấp xa so với nhiều nước. Hiệu quả đầu tư nhìn chung quá kém, thất thoát nhiều do quản lý kém, tham nhũng và “lợi ích nhóm” nhiều.
Tôi cũng đã có nói về việc nước ta đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Theo giáo sư Trần Văn Thọ (ở Nhật) thì còn là “bẫy thu nhập trung bình thấp” nữa. Trong bối cảnh hiện nay, nếu vẫn với cung cách quản trị quốc gia thế này thì cơ hội để thoát khỏi cái bẫy này là rất khó. Mà rơi vào đó thì sẽ mất nhiều chục năm vùng vẫy mà không dễ ra được.
Mục tiêu đặt ra là dân giàu nước mạnh mặc dù có tiến bộ lên, có khá lên so với chính ta 30 năm trước, nhưng nếu so với thiên hạ thì rõ ràng chúng ta vẫn còn xa họ lắm. Ảnh minh họa, nguồn: Dân trí |
Nếu như phát triển theo “chiều rộng” là ưu điểm để vượt qua cơn đói nghèo trước đây, thì giờ là lúc chúng ta cần phải làm một cuộc đổi mới lần thứ hai quyết liệt và trí tuệ hơn lần trước mới có thể phát triển theo “chiều sâu” để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, mà trước nhất là “bẫy thu nhập trung bình thấp” như cách phân kỳ của Trần Văn Thọ.
Muốn vượt qua cái “bẫy thu nhập trung bình” không còn con đường nào khác là phải phát triển theo chiều sâu, mà trong đó, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản trị quốc gia với đầu óc thoáng mở mà chặt chẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Nước ta khoa học công nghệ đang lạc hậu từ hai đến ba thế hệ so với trung bình của thế giới. Mà muốn bắt kịp thiên hạ thì mình phải vượt hơn cái trung bình đó hai đến ba thế hệ. Có nghĩa mình phải vượt qua 5 thế hệ về khoa học công nghệ thì may ra mới tạo đột phá.
Thứ hai, về xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp thì hầu như chưa có gì đáng kể; các sản phẩm xuất khẩu của ta vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên các thị trường lớn. Có lẽ sản phẩm của Việt Nam mà có mặt nhiều nhất trên thế giới là phở (tôi nói theo nghĩa đen). Nhiều người đã biết quán phở của Việt Nam ở khắp nơi, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khi được hỏi, họ cũng nói ấn tượng nhất món phở của chúng ta. Việc ấy do nhân dân tự làm.
Tôi muốn nói điều đó để suy nghĩ về sự lựa chọn những hướng đi sao cho thiết thực và hiệu quả, chứ chúng ta đã lựa chọn nhiều thứ quá (mía đường, xi măng, sắt thép, cơ khí, ô tô, đóng tàu…) mà cuối cùng vẫn chưa cái nào có thể gọi là thành công.
Thứ ba, về ngân sách, nói là cân đối được nhưng hiện nay mình đang nợ rất nhiều. Nợ của dân, nợ của tương lai và nợ của bạn bè. Ta đã mượn của con cháu để tiêu dùng (có phải vậy không?!).
Thứ tư, về văn hoá, về cơ bản những giá trị văn hóa mà mình đang sử dụng hầu hết là những giá trị của quá khứ, được tạo dựng bởi cha ông. Giờ nghiêm túc nhìn xem, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã có thêm những giá trị văn hoá gì đáng kể? (ấy là chưa kể đạo đức xã hội có nhiều mặt suy đồi, tham nhũng và “lợi ích nhóm” rất đáng lo ngại…)
Thứ năm, về chính trị, cụ thể là việc kiểm soát quyền lực, trong Đại hội XI đặt ra vấn đề là phải kiểm soát quyền lực. Đến nay về cơ bản ta vẫn chưa làm được gì đáng kể, càng không được như mong muốn. Quyền lực để càng lâu mà không có kiểm soát thì mặt trái của nó là càng tha hóa. Lòng tin của dân chúng (và cả đảng viên) thì tiếp tục giảm sút đáng lo ngại.
Còn tiếp…
Tuần Việt Nam
Tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ quốc sách giáo dục Kỳ 1: Các sếp giáo dục cũng "lên bờ xuống ruộng" Kỳ 2: Giáo dục thụ động sẽ biến con người thành nô bộc Kỳ 3: Chìm trong bệnh thành tích, muốn minh bạch cũng khó Tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ cải cách doanh nghiệp Kỳ 1: Vì sao bán DNNN, người ta không mặn mà? Kì 2: Chưa thoát khỏi vòng kim cô Kì 3: Vấn đề đã giải quyết, sao người ta vẫn kêu? |