Nếu thật sự chân thành với sai phạm của mình, ngành thuế nên chủ động mạnh tay trong việc truy cứu trách nhiệm cá nhân vi phạm và phải có những cam kết mạnh mẽ trong việc thay đổi, khắc phục sai phạm.
Vừa qua, danh sách 600 doanh nghiệp (DN) chây ỳ không nộp thuế đến thời điểm ngày 30/06/2015 đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi cơ quan quản lý ngành thuế. Điều đáng nói, “bản án” được tuyên ấy lại “kết tội” oan đối với hơn 60 DN.
Trong số đó, có đến 34 doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhưng vẫn bị bêu tên, 29 doanh nghiệp ngỡ ngàng vì số tiền nợ thuế bỗng dưng tăng lên gấp đôi, gấp ba với hàng chục tỷ đồng. Thậm chí, có DN vừa mới được tuyên dương gương điển hình hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế, giờ lại thành “gương điển hình nợ thuế”.
Nhiều bất cập
Nguồn gốc sâu xa của vụ việc “bêu” sai tên này có lẽ khởi nguồn từ những bất cập trong chính sách quản lý thuế hiện nay.
Thứ nhất, thủ tục thống kê, kiểm tra thu thuế rườm rà, phức tạp. Hệ thống pháp luật về thuế ngày càng nhiều, không ổn định và gây khó khăn trong quá trình tra cứu và thực hiện. Báo cáo môi trường kinh doanh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, gánh nặng tuân thủ về thủ tục thuế, đặc biệt là chi phí về thời gian, tại Việt Nam ở mức rất cao, liên tục nằm trong nhóm các nước cao nhất thế giới. Năm 2014, Việt Nam đứng ở mức 149/189 nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong việc thực thi thủ tục hành chính về thuế.
Sự rườm rà nhiêu khê trong quy trình, thủ tục hành chính về kê khai, nộp thuế chính là môi trường “ươm mầm” những sai sót, cũng như sự ngụy biện cho những sai sót ấy. Đồng thời, DN cũng sẽ bị hạn chế khả năng kiểm tra, đối chứng, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ. Dù thời gian qua, Chính phủ không ngừng nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế, song hiệu quả vẫn chưa được như trông đợi.
Thứ hai, quy định pháp luật vẫn thiếu cơ chế phản hồi, trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý và DN. Điều 74 Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ nêu quy định về việc cơ quan quản lý thuế được quyền công khai danh tính những DN trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ nộp thuế mà không đề cập đến quy trình cụ thể thực hiện quy định này.
Vụ việc đáng tiếc vừa rồi sẽ không xảy ra nếu như trước khi tiến hành “bêu” tên DN, cơ quan quản lý thuế có động thái cảnh báo, kiểm tra, đối chứng và nhận phản hồi từ phía DN. Đằng này, khi mọi việc đã rồi, DN mới có cơ hội để “kêu oan” thì e rằng mọi sự đã muộn.
Thứ ba, những người quản lý và thừa hành làm việc tắc trách trong công tác kiểm kê, tra soát và cơ chế vận hành quản lý của ngành thuế còn thiếu chuyên nghiệp. Một vị quan chức ngành thuế thừa nhận rằng, vụ việc vừa qua xảy là do quá trình chuyển giao phần mềm quản lý thuế và sự sai sót trong quá trình chuyển đổi số liệu.
“Bản án” được tuyên ấy lại “kết tội” oan đối với hơn 60 DN. Ảnh minh họa |
Vẫn còn tư duy ‘bề trên’
DN là “lao động chính” trong việc đảm bảo nguồn thu, sự ổn định của quốc gia. Vì vậy, chính sách quản lý thuế phải luôn đề cao phương châm khoan thư sức DN, nuôi dưỡng nguồn thu. Cơ quan thuế phải có cách ứng xử phù hợp, phải là người phục vụ DN và khuyến khích DN nộp thuế.
Theo đó, cơ quan thuế không chỉ dừng ở việc thu đúng, thu đủ để đảm bảo chỉ tiêu được giao, mà phải đồng hành cùng DN, theo sát và nắm bắt được tình hình sức khỏe của DN. Để từ đó, ban hành hoặc kiến nghị ban hành những chính sách hợp lý về ưu đãi, miễn giảm và khuyến khích DN tiếp tục tồn tại và phát triển. Mọi biện pháp cưỡng chế đều chỉ nên áp dụng như là phương cách cuối cùng. Hơn hết, DN phải được đối xử một cách công bằng và cần được sự tôn trọng.
Ấy vậy mà, thực tế tại Việt Nam, một bộ phận không nhỏ công chức ngành thuế hiện nay vẫn làm việc với tư duy “bề trên”. Lẽ thường bị đảo lộn khi người có tiền mang nộp mà còn chịu sự hạch sách và vòi vĩnh, đôi khi phải cầu cạnh nếu muốn nhanh gọn, dễ dàng.
Thực trạng này làm cho người đứng đầu Chính phủ phải trăn trở: “Bây giờ thủ tục người ta nộp thuế mà khó khăn quá... Nói bây giờ quyết tâm ở trên này nghe hăng hái thế, đi càng xuống càng giảm... Như thế thì DN thế nào mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế”.
Vụ việc mới đây lại là một minh chứng. Dù mục đích hành động của cơ quan thuế là hợp pháp và cần thiết ở một khía cạnh nào đó. Nhưng sự hời hợt và tắc trách trong cách hành động dẫn đến sai lầm đáng tiếc vừa qua là khó chấp nhận.
Sửa sai bằng xin lỗi là xong?
Xét về khía cạnh nguyên tắc pháp luật, nhà nước đặt ra những quy định rất rõ, trong trường hợp danh dự, uy tín của một chủ thể nào đó bị xâm hại, người gây thiệt hại buộc phải xin lỗi công khai, đồng thời phải bồi thường tổn thất (nếu có thiệt hại thực tế xảy ra). Chủ thể chịu sự điều chỉnh là tất cả công dân lẫn những đại diện quyền lực nhà nước.
Luật Quản lý thuế hiện hành cũng nêu rõ, cơ quan quản lý thuế, công chức ngành thuế thực hiện những hành vi không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho người nộp thuế thì phải bồi thường thiệt hại.
Người viết thấy mừng vì người quản lý đầu ngành tài chính đã thẳng thắn trong việc thừa nhận sai sót và chỉ đạo cấp dưới có lời xin lỗi, cải chính công khai. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì quả là không công bằng với nỗi oan của DN.
Ai cũng biết, uy tín, hình ảnh là yếu tố sống còn của một DN. Việc bị bêu tên nợ thuế hàng chục tỷ đồng là một thông tin chấn động và làm hao mòn lòng tin của công chúng, đối tác và nhà đầu tư. Điều này có thể khiến DN mất đối tác, khó kêu gọi đầu tư và tài trợ vốn, hợp đồng ký kết giảm đi sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Người viết cho rằng, nếu thật sự chân thành với sai phạm của mình, ngành thuế nên chủ động mạnh tay trong việc truy cứu trách nhiệm cá nhân vi phạm và phải có những cam kết mạnh mẽ trong việc thay đổi, khắc phục sai phạm. Hơn hết, họ cần chủ động bồi thường thiệt hại cho DN thông qua những chính sách ưu đãi hợp lý và công bằng.
Trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật cần được tôn trọng bởi cả cơ quan công quyền lẫn người dân. DN làm sai không thể xin lỗi rồi sẽ qua, họ chắc chắn bị chế tài. Vậy khi cơ quan nhà nước sai cũng cần phải chủ động chịu những chế tài tương ứ
ng. Chỉ có như thế, pháp luật mới thật sự được thượng tôn và Nhà nước mới có đủ lý lẽ để dùng pháp luật quản lý xã hội.
(Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)