- Những hành động hung hăng của TQ gần đây cho thấy tình trạng tương đối yên tĩnh trên Biển Đông trong vòng gần hai năm qua dường như đã kết thúc. Có lẽ Việt Nam và các nước trong khu vực nên chuẩn bị cho một năm nhiều biến động hơn trên Biển Đông.
Hôm 2/5/ 2018, hãng CNBC của Hoa Kỳ đưa tin rằng Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đất đối không trên ba hòn đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa, bao gồm Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Báo cáo này góp phần khẳng định mối quan ngại của các nhà quan sát khu vực rằng Trung Quốc có thể sẽ sớm bắt đầu một vòng leo thang mới tại Biển Đông sau một thời gian tương đối lắng dịu.
Kể từ khi ban hành phán quyết của tòa trọng tài đối với vụ kiện Philippines chống lại Trung Quốc vào tháng 7 năm 2016 cho đến đầu năm nay, Trung Quốc giữ trạng thái tương đối ôn hòa về vấn đề Biển Đông bằng cách lặng lẽ hoàn thành bảy hòn đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa và cố gắng kiềm chế không thực hiện các hành động hung hăng quy mô lớn. Bắc Kinh thậm chí còn thể hiện thiện chí và nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận với ASEAN về việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử dành cho vùng biển này.
Mong muốn chống lại các tác động bất lợi gây ra bởi phán quyết năm 2016 cũng như ưu tiên tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 19 vào mùa thu năm ngoái có thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc Bắc Kinh quyết định giảm căng thẳng trên các vùng biển khu vực.
Tuy nhiên, giờ đây khi phán quyết năm 2016 dần lùi xa và Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực của mình sau Đại hội Đảng lần thứ 19, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để tiếp tục dương oai diễu võ trên Biển Đông. Đồng thời, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi ở Biển Đông cũng tạo điều kiện cho các tính toán của Trung Quốc. Trong quá khứ, Trung Quốc thường tiến hành nhiều hoạt động hơn trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Tám hàng năm trước khi mùa mưa bão bắt đầu.
Trước các báo cáo gần đây về việc Trung Quốc lắp đặt tên lửa tại quần đảo Trường Sa, đã có một số dấu hiệu khác cho thấy sự quyết đoán mới của Trung Quốc trên Biển Đông. Ví dụ, vào đầu tháng Tư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc duyệt binh hải quân lớn và một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần tại Biển Đông với sự tham gia của một đội tàu hải quân lớn, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh. Vào ngày 18 tháng 4, hai chiếc máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 của Trung Quốc đã được phát hiện lần đầu tiên tại Đá Vành Khăn.
Trước đó, tờ Wall Street Journal cho hay Trung Quốc đã lặng lẽ triển khai các thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc và sóng radar trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, khiến Việt Nam phải đưa ra phản đối ngoại giao.
Trong một diễn tiến ít được chú ý hơn nhưng không kém phần quan trọng, vào hồi tháng 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc đã quyết định đặt lực lượng Hải cảnh Trung Quốc dưới sự quản lý của lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân, lực lượng mà từ đầu năm nay đã nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Trước đây, lực lượng Hải Cảnh được quản lý bởi một cơ quan dân sự là Cục Hải dương Nhà nước. Động thái này đã biến lực lượng Hải Cảnh thành một lực lượng quân sự trên thực tế, và là một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng ngày càng quân sự hóa tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc.
Như vậy, Trung Quốc có thể được xem là đang áp dụng một biện pháp hai gọng kìm nhằm thiết lập sự kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa các tiền đồn của mình, đặc biệt là bảy hòn đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa, nhằm tăng cường năng lực triển khai sức mạnh quân sự của mình và răn đe chống lại các đối thủ trên biển. Mặt khác, Bắc Kinh cũng đã tinh gọn hóa các lực lượng trên biển và củng cố cơ cấu chỉ huy của chúng để thực thi quyền kiểm soát trên biển hiệu quả hơn.
Những tiến triển trên không phải là điềm tốt cho tình hình Biển Đông khi chúng làm gia tăng căng thẳng và thúc đẩy tình trạng quân sự hóa tranh chấp, khiến xác suất đụng độ vũ trang trong khu vực gia tăng. Chúng cũng sẽ kích thích phản ứng từ các chủ thể trong khu vực, bao gồm cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ví dụ, sau khi xuất hiện các báo cáo về việc triển khai tên lửa của Trung Quốc, Nhà Trắng đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả vì hành động gia tăng quân sự hóa tranh chấp Biển Đông của mình.
Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên ba hòn đảo nhân tạo đặt ra một mối đe dọa đáng kể cho các điểm đảo mà Việt Nam đang nắm giữ tại Quần đảo Trường Sa, cũng như căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh, vốn được cho là nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Trong khi đó, việc quân sự hóa lực lượng Hải Cảnh của Trung Quốc có nghĩa là các cuộc đụng độ trong tương lai giữa lực lượng này với các lực lượng trên biển của Việt Nam sẽ có nguy cơ tạo ra căng thẳng lớn hơn và khả năng đối đầu vũ trang cao hơn.
Việt Nam mong muốn duy trì quan hệ thân thiện và hợp tác với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam cũng cho thấy sẽ không nhượng bộ các lợi ích lãnh thổ và biển đảo của mình ở Biển Đông chỉ để nhằm duy trì một mối quan hệ như vậy. Vì vậy, thách thức lâu nay đối với Việt Nam lại tái xuất hiện: làm thế nào để kiềm chế sự quyết đoán mới của Trung Quốc mà không khiến quan hệ song phương căng thẳng quá mức? Thực sự chưa có giải pháp dễ dàng nào cho Việt Nam để đối phó với một thách thức như vậy.
Những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy tình trạng tương đối yên tĩnh trên Biển Đông trong vòng gần hai năm qua dường như đã kết thúc. Có lẽ Việt Nam và các nước trong khu vực nên chuẩn bị cho một năm nhiều biến động hơn trên Biển Đông.
Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.
Hàng trăm học giả mổ xẻ ‘điểm nóng hội tụ’ Biển Đông
Sáng nay, 27/11, Hội thảo Quốc tế lần 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” khai mạc tại TP.Hồ Chí Minh.
Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’
CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...
Biển Đông: Trung Quốc hung hăng, các nước lớn 'nhắc nhở'
Có thể thấy G7 không chỉ “hoài nghi” mà thật sự quan ngại về tham vọng đi kèm hành động ẩn chứa những rủi ro bạo lực vô pháp của TQ.
Trung Quốc ‘ngăn sông cấm chợ’ ở Biển Đông
Trung Quốc lại tính áp đặt quy định trái với luật pháp quốc tế và xâm phạm quyền tự do hàng hải, chủ quyền các quốc gia khác ở Biển Đông.
Phán quyết từ PCA - Bước ngoặt trong tranh chấp Biển Đông
Phán quyết từ PCA có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý để các nước đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.
An ninh, ổn định ở Biển Đông phụ thuộc vào động thái của Trung Quốc
Việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự tại vùng tranh chấp được cho là sẽ có tác động đến quản lý tranh chấp, đến an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Biển Đông: Hiệp định Spitsbergen và kinh nghiệm châu Âu cho Việt Nam
Bài học của hiệp định Spitsbergen có thể truyền tài thông điệp cho các hướng tiếp cận giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Bàn cờ biển Đông – kịch bản 2030
GS Alexander Vuving cảnh báo, nếu các nước khác không có những bước đi mạnh mẽ ngay từ bây giờ, biển Đông sẽ bị TQ kiểm soát.
Biển Đông: TQ xây dựng ‘trật tự loại trừ’
Một “trật tự loại trừ” đang được hình thành, và nó đang là thách thức tự do và an toàn hàng hải, hàng không cho toàn thế giới.
Biển Đông: Nguy hiểm xu hướng quân sự hóa
Xu hướng đơn phương, và quân sự hóa ở Biển Đông đang gia tăng hiện nay chính là mối đe dọa an ninh con người cho toàn khu vực.
Biển Đông: Vùng trời, vùng biển, đáy biển... TQ muốn tất
TQ đã hoàn toàn phớt lờ các quy định của Công ước 1982 trong việc phát triển hợp tác đa phương giữa các quốc gia trong biển kín.
Biển Đông: TQ lại mưu toan đòn tấn công mới?
Nhiều khả năng, COC sẽ đóng vai trò như một phiên bản nâng cấp củachiến lược “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc đối với các nước ASEAN.
Biển Đông: Quyết liệt quân sự hóa, TQ gây đe dọa trầm trọng
Mức độ tàn phá hệ sinh thái quanh các đảo đang ngày một trầm trọng do các hoạt động nạo vét và xây dựng hạ tầng với mục đích quân sự của Trung Quốc diễn ra gay gắt.