- MC Vũ Thái Dũng, người đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình tiếng Anh trong chương trình đã chia sẻ những suy nghĩ của mình sau khi khán giả phàn nàn về cách dẫn chương trình của 2 MC tại sự kiện thảm đỏ LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF).

 

Ngay sau khi lễ khai mạc của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội kết thúc, nhiều khán giả đã lên tiếng về việc 2 MC của thảm đỏ đã thiếu sự tiết chế trong lời nói, hành động trong một sự kiện lớn cũng như đưa các khách mời vào những tình huống nhạy cảm.

Liên hệ với MC Vũ Thái Dũng, người đảm nhiệm vai trò người dẫn song ngữ trong chương trình, anh đã có những chia sẻ thực tế về hoàn cảnh và tình huống đã diễn ra trên thảm đỏ để khán giả hiểu rõ về quá trình tác nghiệp của 2 MC cũng như quan điểm dẫn của anh trong sự kiện này.

- Tại các thảm đỏ của các LHP quốc tế, Ban tổ chức thường mời nhiều MC được bố trí ở các vị trí khác nhau thì năm nay, Ban tổ chức chỉ sử dụng 2 MC, anh có nghĩ đó là nguyên nhân xảy ra những lời phàn nàn về MC?

Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh Ban tổ chức của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đã có rất nhiều đầu tư trong công tác tổ chức ở liên hoan thứ 3 này, mà trong đó Thảm đỏ là một sự kiện quan trọng thể hiện sự tôn vinh nghệ sĩ hơn hẳn so với các liên hoan trước đây.

Trả lời câu hỏi của anh, tôi sẽ lấy ví dụ chương trình thảm đỏ của lễ trao giải Oscar. Chương trình được phát sóng trực tiếp trong vòng 90 phút, còn chương trình của HANIFF là 20 phút. Trong vòng 20 phút, có hơn 20 đoàn phim và đoàn khách lẻ sẽ tiến vào bên trong thảm đỏ. Vì thế, tôi nghĩ việc sắp xếp nhiều MC như Oscar cho HANIFF là điều không khả thi. Với format hai MC trong lễ khai mạc, tôi thấy phía Ban tổ chức đã tính toán hợp lý phù hợp với đặc thù của LHP. Anh thử tưởng tượng  trong 20 phút mà có tới 4 MC đứng ở khắp nơi trong khu vực thảm đỏ để phỏng vấn thì sẽ như thế nào?

{keywords}

MC Vũ Thái Dũng gây hiệu ứng trái chiều về phong cách dẫn tại thảm đỏ HANIFF 2014. Ảnh: Kênh 14

- Có ý kiến cho rằng việc phỏng vấn các đoàn làm phim rất tùy hứng, đoàn có đoàn không, trong khi đoàn làm phim nào cũng xứng đáng nhận được một màn giao lưu ngắn. Anh nghĩ gì về điều này?

Hơn 20 đoàn làm phim tiến vào thảm đỏ trong vòng 20 phút thì theo anh, chúng tôi có đủ thời gian để phỏng vấn cho tất cả các đoàn không? Thực sự, với một số lượng đông đảo các nghệ sĩ, đoàn phim như vậy, Ban tổ chức đã có nhiều tính toán hợp lý để sự xuất hiện của các đoàn phim trong các đối thoại, giao lưu ngắn có tính hợp lý, từ diễn viên, đạo diễn, đoàn phim, nghệ sĩ quốc tế.

Đó là một cách triển khai hợp lý trong tình trạng bị bó hẹp về thời gian của Thảm đỏ là 20 phút. Tôi mong khán giả thông cảm về điều này, vì bản thân chúng tôi cũng luôn muốn được và truyền tải không khí giao lưu của các nghệ sĩ trên thảm đỏ trên sóng truyền hình.

- Nhưng cũng có lúc anh lại trở nên hơi lố như lúc lôi kính ra “đọ” với Lê Hoàng khi thấy vị đạo diễn này xuất hiện trong cặp kính râm quen thuộc?

Tôi nghĩ cách duy nhất để đánh giá vấn đề này là hãy hỏi đạo diễn Lê Hoàng.

- Tại thảm đỏ, nữ diễn viên Colleen Camp không phải là một cái tên quá nổi bật, thậm chí từng nhận đề cử Mâm xôi vàng trong sự nghiệp. Anh có thấy sự tung hứng giữa hai MC về nghệ sĩ này là quá đà?

Nếu nói về đề cử giải Mâm Xôi Vàng, tôi có thể kể cho anh một số cái tên nổi tiếng khác như Halle Berry, Sandra Bullock hay Will Smith. Tôi nghĩ, bất cứ là ai, khi được mời tới LHP và xuất hiện trên thảm đỏ đã nhận được sự tôn trọng của BTC, sự yêu mến của khán giả chứ không vì giải thưởng nào cả. Nếu vì giải thưởng mà có những đối xử phân biệt, thì điều đó là thiếu văn hóa cho một sự kiện tôn vinh giá trị, tài năng của các nghệ sĩ.

Tại LHP, như tôi đã đề cập, khi chọn người phỏng vấn, Ban tổ chức đã cân nhắc người phỏng vấn là người có thể trả lời được bằng tiếng Anh vì đây là một LHP quốc tế. Sự tung hứng với bất kì một diễn viên nào trên thảm đỏ đều không thể gọi là quá đà vì tôi nghĩ chúng ta đã quen với những không khí đơn giản, an toàn ở Việt Nam, và thiếu đi tính ngẫu hứng, sôi nổi và thưởng thức một lễ trao giải quốc tế khi họ xem các nghệ sĩ như những người bạn nổi tiếng gần gũi và thân thiện.

Nếu anh theo dõi chương trình thảm đỏ Oscar thì có thể thấy các diễn viên ở đó đều được dành những lời có cánh như nhau, không có sự phân biệt nào cả. Với Colleen Camp, bà là đại diện hiếm hoi đến từ Hollywood và với vai trò là nhà sản xuất phim bà đã từng làm việc với Scarllet Jonhasson và Jennifer Lawrence nên tôi cho rằng đó không phải là một sự tung hô nào quá đà.

{keywords}

MC Thái Dũng từng là biên tập viên, MC của kênh đối ngoại VTV4.

- Anh có nghĩ 2 MC cần có sự tiết chế trên sân khấu không?

Một người dẫn chương trình thảm đỏ sẽ giống như một chủ nhà đón tiếp các vị khách đến, nói những câu chuyện nhẹ nhàng vui vẻ giữa những người bạn với nhau. Tất nhiên sẽ có một vài người thích đùa và một vài người không nhưng chủ nhà thì không bao giờ tiết chế sự hiếu khách của mình cả. Tôi luôn ý thức lắng nghe những góp ý và sẽ rút kinh nghiệm, nhưng với một phong cách định hình sẵn và quen thuộc với phong cách dẫn Âu Mỹ, tôi tin rằng cách dẫn của mình là phù hợp như tôi đã từng thành công ở các sự kiện quốc tế trước đây ở chính tại Việt Nam.

Những tình huống giao tiếp trên thảm đỏ bị khán giả chê trách là những câu nói tập trung vào cuộc sống riêng tư của nghệ sĩ?

Nếu như đã từng theo dõi Oscar Red Carpet Live, anh sẽ thấy các MC đưa ra các câu hỏi hoàn toàn khá đời thường, bám vào cuộc sống, công việc của các nghệ sĩ. Các đề tài như váy vóc, hoa tai, hay là việc hẹn hò riêng tư của vợ chồng (phỏng vấn với Viola Davis của Oscar năm 2014) là điều rất bình thường.

Việc Ban tổ chức, nhà tài trợ và đài truyền hình khen ngợi sự thay đổi không khí của một thảm đỏ Việt so với các năm trước chính là việc chúng ta tiệm cận gần hơn với phong cách của một thảm đỏ quốc tế. Tôi tin rằng khán giả sẽ dần quen với cách dẫn vào thẳng vấn đề, hóm hỉnh, hài hước và bản thân nghệ sĩ thực ra cũng đã quen và bản lĩnh trước những vấn đề cá nhân, chứ không hẳn trên thảm đỏ họ mới được hỏi.

- Cụ thể với tình huống của Kim Lý và Trương Ngọc Ánh, anh sẽ nói gì?

Tôi có thể khẳng định tôi chỉ đưa ra lựa chọn chứ không ép buộc họ phải hôn trên thảm đỏ. Tôi có những lý do để đã đưa lựa chọn này. Thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên Kim Lý hôn Trương Ngọc Ánh (vì họ đã từng hôn nhau trong phim và các một sự kiện PR phim trước đó). Thứ hai, tôi có hỏi Kim Lý và Trương Ngọc Ánh là liệu có một nụ hôn nào trên thảm đỏ không, chứ không phải bắt họ phải hôn. Thứ ba, khi cả Kim Lý và Trương Ngọc Ánh đều chần chừ thì tôi có hỏi là hai bạn cảm thấy bối rối phải không? Thì lúc đó Kim Lý liền hôn Trương Ngọc Ánh vào má. Kim Lý và Trương Ngọc Ánh đã từng thực hiện nụ hôn này trước hàng ngàn người nên tôi thấy họ vui vẻ khi ở bên nhau trong khi họ hoàn toàn có thể từ chối không hôn.

{keywords}

Vũ Thái Dũng được biết đến nhiều với series chương trình trải nghiệm S-Vietnam.

- Anh đã rút được kinh nghiệm gì cho bản thân sau sự kiện thảm đỏ tại LHP quốc tế vừa qua?

Tôi chịu ảnh hưởng của hầu hết những người dẫn chương trình Âu-Mỹ như: Ellen Degeneres, Seth MacFarlane, Ishai Golan hay Ros Atkins, và khi được mời tham dự chương trình HANIFF với tư cách MC thảm đỏ, tôi đã cố gắng tìm hiểu hết sức về kết cấu, nội dung, phong cách để thể hiện thật tốt.

Với sự hài lòng từ phía BTC, nhà tổ chức và đài truyền hình, tôi yên tâm khi đã chọn một phong cách dẫn thảm đỏ phù hợp. Nhưng từ bản thân, tôi biết những thiếu sót cần phải hoàn thiện, cũng như tiếp thu từ những góp ý thiết thực. Tuy nhiên, tôi trung thành với phong cách dẫn sôi nổi, trực tiếp và linh hoạt về ngoại ngữ vì tôi đã thành công với phong cách này.

Huy Minh