- Dù bị "ném đá" tơi bời, thế nhưng các sáng tác "thảm họa" vẫn liên tục xuất hiện và làm mưa làm gió.

Trước câu hỏi tại sao những ca khúc "thảm họa" vẫn có đất sống, thậm chí là sống khỏe, các chuyên gia âm nhạc, nhạc sĩ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đó là do sự tất yếu của quá trình phát triển, do các ca sĩ muốn nổi tiếng nhanh hoặc do sự dễ dãi trong việc truyền bá những bài hát như vậy đến với khán giả...

Tuy nhiên, còn có một lý do khác, đơn giản và gần gũi hơn rất nhiều, để giải thích cho hiện tượng này. Đó chính là từ nhu cầu của người nghe. Và vì mục đích gì đi chăng nữa, thì chính người nghe đã góp phần tiếp tay cho sự xuất hiện hàng loạt của các "thảm họa" thời gian qua.

Nghe vì... khoái

Quả thực, giới nghe nhạc bình dân rất dễ dãi trong việc tiếp nhận những thảm họa. Họ nghe nhạc nhảm mà không có cảm giác bị... tra tấn, và gián tiếp mang chúng từ mạng ảo đến với khắp hang cùng ngõ hẻm. Chẳng khó để có thể thưởng thức những "tuyệt phẩm" này ở trong các quán cafe bình dân, những xe bán băng đĩa lậu, và thậm chí là cả trên taxi...


Phương My "thiên tài" với siêu thảm họa Nói dối

Bên cạnh đó, làn sóng "thảm họa" còn rất được ưa thích tại các sân khấu "miệt vườn". Nhiều giọng ca, dù tên tuổi chỉ là con số 0 tròn trĩnh ở các tụ điểm ca nhạc thành phố, nhưng về tỉnh lại vụt thành sao. Và những "ngôi sao" này, ngoài việc gây ấn tượng với phong cách thời trang có phần dị hợm, còn luôn khiến các "fan" của mình hào hứng với những sáng tác... siêu nhảm.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ báo chí để trình bày về vụ ẩu đả với Quang Cường (quản lý của ca sĩ Quang Hà), HKT đã khiến nhiều phóng viên ngã ngửa khi tiết lộ rằng nhóm đã ra được 5 album và tất cả đều bán chạy như tôm tươi. Trong thời buổi làm đĩa là xác định lỗ như hiện tại thì thành công này của HKT chắc hẳn sẽ khiến nhiều giọng ca tên tuổi phải ganh tỵ.

Theo nhóm nhạc sở hữu lượng anti-fan đông đảo nhất này thì họ chỉ việc mang album đến các show diễn tỉnh. Hát xong là "bung hàng" ra bán như bán rau ngoài chợ. Thế là bà con mua bằng hết. Thế mới thấy, sức sống của các "thảm họa" thật dữ dội.

nghe để... chửi

Trước sự "ô nhiễm" về âm nhạc ngày một lan rộng thời gian qua, trên Facebook đã liên tục xuất hiện những trang phê phán làn sóng thảm họa nói chung như Anti thảm họa Vpop hay Tôi không thích nhạc Vpop trên Facebook... hoặc đả kích trực tiếp các giọng ca "đáng sợ" như Anti HKT Việt Nam, Hội những người héo úa vì ca sĩ Phi Thanh Vân, Hội anti Phương My "tài năng trẻ vĩ đại"...

Phi Thanh Vân với thảm họa "Da nâu" và mới đây thì "Tâm hồn là vĩnh cửu"

Tất cả những hội này đều thu hút sự tham gia của đông đảo dân mạng. Cá biệt như trang Anti HKT Việt Nam có gần 31.000 người thích. Họ tụ tập lại để cùng nhau "vạch tội" các thảm họa cũng như ca sĩ thể hiện, chia sẻ với nhau những suy nghĩ và ý kiến của mình.

Bên cạnh đó, một việc quan trọng không kém là liên tục tìm kiếm, cập nhật những ca khúc có tiềm năng trở thành thảm họa để thảo luận và tấy chay. Thậm chí, với nhiều thành viên thì đây là một niềm vui và việc tìm thấy một "thảm họa", được nhiều người... chửi là một niềm tự hào.

Cứ một ca khúc được đăng tải là đi kèm bên dưới hàng chục lời bình luận. Tất cả đều rất gay gắt và không ít trong số đó là những câu chửi tục tĩu.

Dù có quan điểm hoàn toàn đối nghịch với giới nghe nhạc bình dân kể trên, thế nhưng chính những hành động này cũng đã phần nào tiếp tay cho các ca khúc "thảm họa" bay cao trên các bảng xếp hạng mạng, đến được với người nghe một cách rộng rãi hơn.

Hoàng Hiếu