Mới đây (trưa 1/8/2011), nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cùng lúc gởi “đơn kiến nghị khẩn cấp” đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Hội đồng thi đua khen thưởng quốc gia…

Về việc khiếu kiện đối với một số nhạc sĩ được đề cử nhận Giải thưởng Nhà nước trong thời gian qua, khi phát biểu trên VietNamNet (ngày 1/8), nhạc sĩ Doãn Nho nói rằng: “Trong lúc đất nước đang cần những tâm hồn nghệ thuật lớn để nói lên tâm trạng của dân tộc, thì các nhạc sĩ lại chỉ chú tâm đi kiện. Thật không có lời nào tả hết về nỗi xấu hổ trước sự việc trên”.

Tác giả "Huế - tình yêu của tôi" - Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai chia sẻ:

- Sáng sớm 2/8 tôi nhận được tin nhắn điện thoại của nhạc sĩ Đoàn Bổng về lời phát biểu của nhạc sĩ Doãn Nho và tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Nhạc sĩ Doãn Nho là 1 trong 4 vị đại tá mà năm 2006 đã đưa đơn thư đến các cơ quan hữu quan để đề nghị không xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với nhạc sĩ Trọng Bằng, với tinh thần để bảo vệ cho giá trị của giải thưởng. Những việc mà chúng tôi làm hôm nay cũng tương tự như nhạc sĩ Doãn Nho năm 2006. 

* Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng năm 2006 các ông đi kiện là vì “công bằng, công lý” chứ không phải đấu tranh để “đòi” giải thưởng, khác với những khiếu kiện vừa qua...


Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai

- Với bản thân tôi, năm 2000, 2005 đều có làm hồ sơ xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước, những lần đó “trượt” tôi vẫn bình thản vì nghĩ những người khác xứng đáng hơn, nhưng vừa qua khi đọc báo và biết được có những hồ sơ khi trả lại cho người xin xét tặng vẫn còn niêm phong, nghĩa là Hội đồng cấp cơ sở chưa từng xem hồ sơ của người xét tặng mà đã có kết luận. Đó là bức xúc dẫn đến việc tôi có đơn thư kiến nghị gửi cho các cấp có thẩm quyền. Tôi và một số nhạc sĩ khác lên tiếng không phải vì “đòi” cho quyền lợi cá nhân mà là phản đối những trái ngang, việc làm cẩu thả của Hội đồng cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi xét đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước. 

* Chị đã gửi đơn thư kiến nghị đến nhiều nơi có trách nhiệm, sự trả lời của các cơ quan có làm chị thỏa mãn?

- Tôi đã gửi đơn thư đến Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VH,TT&DL, sau đó gửi cho Bộ trưởng và Chánh thanh tra của Bộ, với mục đích là để họ thẩm tra lại sự việc, nhưng họ lại gửi trở lại cho Hội đồng cơ sở thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam giải quyết. Như vậy thì thanh tra của Bộ chỉ là “chuyển” chứ chưa làm nhiệm vụ thanh tra. Xin nhắc lại là chúng tôi làm việc này là để mang lại sự công bằng, bảo vệ uy tín của giải thưởng chứ không phải đòi quyền lợi cho cá nhân. 

* Hội đồng cơ sở đã có kết quả từ lâu, Bộ VH,TT&DL đã công bố danh sách, mọi việc như đã an bài, việc chị gởi kiến nghị lên Chủ tịch nước liệu có thay đổi được những kết quả trên?

- Chính vì vậy mà tôi đã gửi “đơn kiến nghị khẩn cấp”. Tôi làm những việc cần làm, đã lên tiếng khi cần lên tiếng. Nhưng tiếng nói tới đâu, kết quả thế nào thì tùy thuộc vào sự giải quyết của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng một điều gì đó tốt đẹp, một tương lai tươi sáng. Chúng tôi đã làm hết lòng và cũng chuẩn bị tinh thần nếu kết quả không như mong muốn của mình. 

* Giới nghệ sĩ thường “vô tư”, không thích kiện tụng, trong thời gian qua chị có thấy mệt mỏi và những việc làm này không hợp với “chất” nghệ sĩ? 

- Tôi nghĩ rằng, những nghệ sĩ cũng giống như các loài chim, ở trên cành cây và vô tư hót mang lại vui tươi cho mọi người. Nhưng trăng khuyết, sao rơi, có khi mây gió vần vũ mang lại thảm họa cho đời, loài chim cũng buồn, có khi ôm đầu hỏi tại sao. Và khi nhìn xuống gốc cây (chứ không phải trên ngọn cây) nó nhìn thấy con người, muôn thú và cả rắn rết... nó chợt hiểu đó mới là cuộc sống. Thường nó chỉ biết có bầu trời trong xanh và cất tiếng hót, nhưng khi nhìn đời và có nhiều “động tâm”, nó cũng cần tiếng hót “người” hơn. Việc các nhạc sĩ lên tiếng là cũng muốn cho cuộc sống thêm những tiếng ca tươi đẹp, đó cũng là tiếng hót... 

Theo Thể thao Văn hóa