- GS.TS Nguyễn Lân Tuất – người Việt đầu tiên được vinh danh Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga – lên tiếng phản ứng chuyện xét tặng Giải thưởng Nhà nước mảng âm nhạc.

Vị giáo sư – tiến sĩ – nhạc sĩ nay đã vào tuổi 77, không ngờ chuyến về thăm quê hương ba tuần để du lịch nghỉ dưỡng ở biển Vũng Tàu, cuối cùng lại bị cuốn vào cơn lũ tức giận của giới nhạc sĩ xung quanh chuyện xét duyệt cấp cơ sở Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 18/8, tức ba ngày trước khi lên đường trở lại Nga cùng gia đình, ông đã có cuộc gặp phóng viên để bày tỏ một số điều kỳ lạ ở Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở, mà ông cho là đang khiến uy tín chung của Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

GS.TS Nguyễn Lân Tuất là người con trai cả trong gia đình trí thức danh tiếng của Cố nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Nhà của ông đặc biệt bởi có tới bảy tiến sĩ, ba giáo sư và ba phó giáo sư, hầu hết đều nổi tiếng như GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Trung

“Bị loại vì… thừa tác phẩm”

“Tôi có được vào vòng xét duyệt ở Hội đồng cấp cơ sở và hồ sơ của tôi đã bị loại”, thông báo vắn tắt hoàn cảnh của ông khiến không ít người ngạc nhiên và ái ngại thay cho vị giáo sư có sự nghiệp âm nhạc được tôn vinh ở Nga với danh hiệu Nghệ sĩ công huân (2001) và nhiều hoạt động thắt chặt tình hữu nghị Việt – Nga trong vai trò Phó chủ tịch Hội người VN ở Nga.

Lý do vì sao thì không có một văn bản thông báo nào gửi cho ông được rõ, mà chỉ được nghe em trai ông – PGS.TS. Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thông báo lại là do hồ sơ của ông… thừa, vì có mặt công trình nghiên cứu “Sân khấu truyền thống VN”. Đây là công trình đã được in thành sách, được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga và đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường nghệ thuật ở Nga.

Câu chuyện một cuốn sách thừa ra giữa những bản giao hưởng nổi tiếng trong hồ sơ xét tặng danh hiệu cho nhạc sĩ nghe thật nghịch lý, không thể thuyết phục được ông, bởi chỉ cần loại cuốn sách ra là được. “Tôi rất hiểu những người đồng nghiệp ngồi trong Hội đồng xét duyệt. Có thể người ta không thích tôi. Bạn bè nói với tôi là họ chỉ viện lý do để có câu trả lời vậy thôi”, ông trầm ngâm.

Ông biết chuyện khi còn đang ở Nga và cười nhẹ như không, ngay cả khi những người bạn Nga của ông trong Hội nhạc sĩ Liên bang Nga (mà ông là thành viên) đùa khéo: “Các nhạc sĩ Việt Nam giỏi thật, đến một nghệ sĩ công huân được Nga phong tặng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn”.

“Cầu nguyện”, tác phẩm mới nhất của GS.TS Nguyễn Lân Tuất được các nghệ sĩ Nga trình diễn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội nhạc sĩ Liên bang Nga vào tháng 1.2011
Cười nhẹ, bởi ông biết được hay mất trong chuyện này cũng chẳng làm niềm hạnh phúc vì tác phẩm được khán giả nhớ tới trong ông đầy hơn hay bớt đi. Ông bảo, chẳng có gì khiến ông hạnh phúc hơn bằng một buổi tối lang thang quán cóc Sài Gòn, tình cờ nghe mấy anh hai Nam bộ say khướt và lè nhè những ca khúc một thời của ông như Người con gái Việt, Như một cánh diều

Ông hạnh phúc vì dù vắng mặt ở quê hương nhiều năm nay, những tác phẩm giao hưởng của ông thỉnh thoảng vẫn được trình tấu lại.

“Ở Nga, không có chuyện bỏ phiếu kín”

Khi được hỏi có muốn kiện để được xem xét lại hồ sơ, ông phất tay từ chối một cách dứt khoát: “Không, không, tôi không muốn làm chuyện (lên tiếng) này để được đưa trở vào vòng xét duyệt. Tôi không kiện cáo hay ghen tị gì với ai cả. Tôi tin rằng khoảng 50 năm nữa, khi nhạc cổ điển ở VN phát triển được như ở Nhật, thì những bản giao hưởng của tôi sẽ được chơi nhiều hơn”.

Còn về lý do vì sao đến giờ mới lên tiếng, ông nói: “Nếu không làm to lên thì không được, bởi tôi cho rằng nó ảnh hưởng đến uy tín của Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi chỉ muốn thêm một tiếng nói nữa để các đồng chí trên Bộ có những chỉ thị xuống dưới để lần sau không xảy ra những vụ bê bối như vừa qua”.

Theo ông, ở nước ngoài, khi bê bối xảy ra, các hội đồng nghệ thuật sẽ tự giải tán cho đến khi đạt được đồng thuận thành lập một hội đồng mới. Riêng ở Nga, không có chuyện bỏ phiếu kín ở các buổi xét tặng danh hiệu, và mọi lựa chọn đều được thảo luận công khai.

Minh Chánh