- Trong khi nhiều đại gia Việt bỏ cả núi tiền cho những bữa nhậu tưng bừng chớp nhoáng hay mạnh tay chi tặng người đẹp chân dài hàng hiệu, siêu xe... thì một ông giám đốc gần 20 năm nay, năm nào cũng chịu lỗ 500 triệu đồng duy trì một chiếc xe trọng tải gần 4 tấn chở toàn sách và dụng cụ học tập đến những vùng nghèo khó.
CHUYÊN ĐỀ THỊ TRƯỜNG SÁCH VN
Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?
Joe bàn về giá trị thực của từ best-seller ở VN
Những “quý ông” mặc áo tơi ở Việt Nam
Điều khó ngờ nhất ở làng sách Việt Nam
Bài viết cuối cùng của chuyên đề thị trường sách VN, chúng tôi muốn đi tìm câu trả lời cho vấn đề phân phối sách đến những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cả nước. Tưởng tượng, điều này cũng giống như việc làm sao để điện có thể tới được các địa phương nghèo như cách đây khoảng 10 năm.
Tư nhân xoay xở "trăm kế" phục vụ đồng bào
"Đây là một mô hình tự nghĩ chứ không phải học theo từ nước ngoài nào cả", ông Phạm Minh Thuận - GĐ Fahasa mỉm cười trả lời khi nói về chiếc xe bán sách lưu động của công ty. Nếu như thông thường tại các cửa hàng bán sách của hệ thống phân phối này, sách được bán đúng với giá bìa, thì với hình thức phục vụ tận tay này, sách lại được giảm giá từ 10% đến 30%. "Có mặt ở địa phương nào, chúng tôi đều xin phép các cơ quan đoàn thể để đậu xe tại các khu vực trường học, dân cư trong khoảng 1 ngày".
|
Xe sách lưu động |
Khi phóng viên hỏi về doanh số bán hàng của chiếc xe lưu động này, ông Thuận cho biết: "Làm sao có lãi được khi không chỉ mất chi phí chuyên chở, duy trì đội xe... mà còn hạ giá bán sách so với bán tại cửa hàng. Công ty chịu lỗ 500 triệu đồng 1 năm để duy trì xe sách lưu động".
Qua 17 năm kể từ năm 1995, chiếc xe liên tục di chuyển và phục vụ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Nó đã lăn bánh qua hầu hết các thị xã, huyện khu vực miền Trung và miền Nam, và nhiều tỉnh thành miền Bắc, đã vượt qua hàng chục nghìn km từ vùng cực nam của Tổ quốc - Đất Mũi Cà Mau đến tận những vùng xa xôi của miền Bắc Trung Bộ để mang sách phục vụ tới hàng trăm nghìn đồng bào.
Trong một nỗ lực khác, đại diện truyền thông của công ty sách Phương Nam cho hay: "Hiện 80% đơn hàng tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn (40%), các thị xã, ấp,..(40%) và khoảng 12% là phục vụ cho các vùng sâu, vùng xa và cao nguyên". Công ty sách này dám chắc, chỉ cần có địa chỉ chính xác, bất cứ khách hàng ở nơi đâu trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam họ đều có thể giao sách. Và cho đến nay họ đã giao sách tới tất cả các vùng miền từ Cà Mau đến Bắc Kạn, đã có mặt ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Mộc Châu ....
Một đơn hàng giao miễn phí |
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, GĐ Tiki - một trong những công ty phân phối sách nổi lên nhanh trong 2 năm trở lại đây lại trình bày một tư duy bán hàng trực tuyến độc đáo khác tới những miền xa, mà như lời ông đùa là "kiểu Xã hội chủ nghĩa". Công ty này sẵn sàng bán sách tới những vùng miền xa xôi nhất mà không hề tính phí vận chuyển, thậm chí những các đầu sách còn được giảm giá thành trên bìa. Hiện nay cho các tỉnh, huyện vùng xa chiếm khoảng 15 - 20% doanh số công ty.
Để thực hiện được điều này, ông Sơn tiết lộ về phương pháp đạt định mức, phổ biến ở nước Mỹ "Ở VN các em học sinh vùng xa khó có thể có thẻ tín dụng để mua hàng trên mạng nên chúng tôi để các em thanh toán trực tiếp. Các em thường rủ nhau thành nhóm, thậm chí mua chung ở trong lớp, trong thôn... Một đơn hàng dồn lại khoảng 100 ngàn, 200 ngàn .... chúng tôi chuyển miễn phí tới cho các em". "Các thành phố lớn có thể nói hiện đã dư thừa sách nên tôi muốn đưa sách" - Ông mong mỏi - "Một ngày nào đó mọi người cùng giàu lên, cùng với việc hình thành thói quen đọc sách".
CLB SVTN Ngọn nến xanh xây dựng “Tủ sách vùng cao” cho những em nhỏ tại các dân tộc miền núi tại Hòa Bình - dự án năm 2011 |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - GĐ Thaihabooks - một người cổ vũ mạnh mẽ cho văn hóa đọc tỏ lòng về một phong trào "Toàn dân đọc sách". Từ năm 2011 ông đã kết hợp với Vụ thư viện và Vụ gia đình Việt Nam triển khai chương trình "Tủ sách gia đình" - đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 50% gia đình ở thành phố, 30% gia đình nông thôn và 15% gia đình ở vùng sâu có tủ sách - dù chỉ là vài cuốn. Ông cho biết công ty sẽ tài trợ cho dự án này.
Địa phương “nhăn nhó”: nơi có-nơi không!
Cùng với sự cố gắng của những người làm sách, giới trẻ làm tình nguyện cũng luôn để ý đến việc chia sẻ sách tới đồng bào và các em nhỏ vùng đồi núi, cao nguyên bên cạnh việc mang bánh kẹo, dụng cụ học tập và quần áo ấm. Phong trào tình nguyện nhóm như thế này này đã diễn ra từ cách đây khoảng 10 năm.
Bà con khát thông tin, nhưng kệ sách báo của Nhà văn hóa xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (ĐBSCL) chỉ lèo tèo vài cuốn sách - Ảnh: K.My (báo Tuổi trẻ - 2006) |
Thế nhưng, trong những tìm hiểu mới nhất tới một số địa phương tỉnh thành miền Bắc, phóng viên VietNamNetđã nhận được những câu trả lời rất khác nhau về việc cung cấp sách của chính quyền xã, huyện tới bà con.
Nguyễn Mạnh Hiệp - sinh viên năm thứ 3 tại trường CĐ Y Phú Thọ, quê ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn kể: "Từ khi còn nhỏ tôi thường được ông đưa lên thư viện đọc truyện, đọc sách. Ông là người làm thẻ thư viện ở đây cho tôi. Thư viện này thuộc phòng Văn hóa & Thông tin huyện, có nhiều sách, truyện đủ thể loại. Thời gian học cấp III tôi cũng vẫn thường xuyên tới đó".
Mang theo câu hỏi về việc các nhà văn hóa, bưu điện huyện, xã có cung cấp sách, báo đến cho bà con trong xã hay không, phóng viên gặp gỡ chị Nguyễn Thị Hiền, từng công tác tại bưu điện huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, chị cho biết: "Không có sách báo được chuyển qua bưu điện về cho bà con. Tôi cũng không thấy có chuyện bà con đến đọc sách ở nhà văn hóa. Theo tôi biết, nhà văn hóa cũng không có dịch vụ này".
Anh Trần Văn Lập, hiện đang công tác tại Bưu điện văn hóa xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội (trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ: "Trước kia xã chúng tôi có được nhận sách từ tỉnh Vĩnh Phúc về cho bà con. Khoảng 2 năm một lần, chúng tôi được nhận khoảng 50-60 đầu sách, có cả sách thuốc, sách phục vụ nông thôn...Bà con cũng đến đọc. Nhưng từ 2 năm nay, huyện Mê Linh sát nhập và trực thuộc thành phố Hà Nội thì không thấy có sách về nữa, ở đây chỉ còn toàn sách cũ nên chẳng ai đến đọc".
......
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Tùng, một người Việt định cư tại Úc khẳng định: "Chắc chắn là người dân vùng quê nước Úc đọc rất nhiều sách - những vùng tôi đã từng đặt chân đến như Orange, Dubbo, Nyngan, Young...phía tây của bang NSW. Nguồn sách có thể là sách mua online hoặc cửa hàng sách tại khu vực, hay đôi lúc cũng người ta phải lái xe khá xa mới mua đc 50-100km là bình thường. Vùng quê ở đây cũng không giống ở VN, thậm chí khác khá nhiều. Có xa trung tâm mấy đi nữa nó cũng vẫn đầy đủ các thứ. Không nhiều, nhưng đủ."
Lê Phương Nam, một người Việt vừa trở về từ nước Nga cho biết, anh đã đặt chân đến vùng quê nơi thi hào Pushkin sống thời thơ ấu - ngôi làng nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva. "Người dân nông thôn mua sách tại các thị tứ. Đâu đâu cũng thấy người ta đọc sách: ở bến xe bus, trên xe bus, ở ghế đá ngoài đường..."
22.000 người cùng đọc "Những người khốn khổ" của Victor Hugo - lập kỉ lục Guiness tại sân vận động Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ - năm 2011 |
Hồ Hương Giang (thực hiện)