- Có một nghịch lý khi Đàn Nam Giao thuộc di tích Thành nhà Hồ được gấp rút đầu tư 3 tỷ đồng để “xây mới” nhằm phục vụ buổi lễ đón nhận bằng di sản văn hóa thế giới – UNESCO.

TIN BÀI KHÁC

Ngày 16/6, tại khu di tích Thành nhà Hồ - Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng UNESCO nhằm chính thức ghi tên Thành nhà Hồ vào danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, từ cách thức tổ chức lễ đón nhận cho đến việc phục dựng đàn Nam Giao để phục vụ lễ đón nhận bằng di sản này có rất nhiều điều chưa phù hợp với từ "di sản".

Từ tráo rồng, thay cổng đón bằng UNESCO

Nét đặc sắc trong di tích Thành nhà Hồ nằm ở những bức tường thành và đặc biệt là chiếc cổng thành 3 vòm cửa được xây bằng những phiến đá nặng 10- 20 tấn được ghép vừa khít một cách tự nhiên mà không hề có chất kết dính.

Chính vì kiến trúc mái vòm cong nên việc thiết kế kiến trúc của cổng thành đã đòi hỏi một kĩ thuật cao để đảm bảo các tảng đá lớn như vậy luôn vững bền với thời gian và chống lại được mọi lực tác động từ bên ngoài.

Cổng Thành nhà Hồ với kiến trúc đặc trưng đã tồn tại 600 năm với thời gian.

Tuy nhiên đáng tiếc, tại buổi lễ nhận bằng Di sản thế giới UNESCO, để phục vụ cho mục đích biến 3 cổng vòm thành 3 màn hình, một chiếc cổng vòm giả đã được dựng lên để che đi chính chiếc cổng vòm thật có giá trị 600 năm tuổi. Và điều đáng nói khi chiếc cổng vòm giả được dựng lên không hề giống với chiếc cổng thành thật mà nó đã che mất.

Cổng Thành nhà Hồ tại buổi lễ đón bằng di sản thế giới nhìn từ phía sau sân khấu nhưng cũng là mặt chính nhìn từ ngoài vào nơi nhiều du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng. Trong ảnh là lều bạt của đoàn diễn viên và sân khấu cùng nhân viên an ninh được dựng lên trên những nền đá cổ gây rất mất thẩm mỹ với du khách khi mới bước chân đến tham quan Thành nhà Hồ.

Nếu để ý sẽ thấy chiếc cổng vòm thật với kĩ thuật xây dựng ghép đã tạo hình vòm không chất kết dính nên phần chân không hề thẳng đứng vuông góc với mặt đất mà có độ nghiên nhất định cũng là vừa để tạo tính thẩm mỹ. Còn chiếc cổng vòm giả trên sân khấu để khán giả trong và ngoài nước nhìn vào để nghĩ đó là chiếc cổng thành thật có giá trị 600 năm lại có phần chân thẳng đứng. Chưa kể chiếc cổng ở giữa lại có chiều cao đến tận nóc thành!

Chiếc cổng giả trên sân khấu tại buổi lễ trao bằng Di sản thế giới còn để lộ ra phần chân cổng thành thật. Chiếc cổng giữa có chiều cao vượt cả nóc thành.

Nếu là phiên bản mang tính sân khấu dựng ở chỗ khác thì có thể thông cảm, nhưng dựng ngay tại chính địa danh và đặc biệt trong buổi lễ tôn vinh những giá trị của Thành Hồ sẽ ra sao nếu những đồ giả mà lại sai đó được khán giả hiểu rằng là đồ thật, rằng ông cha thiết kế những cổng thành là đúng như đồ giả?

Đôi rồng đá giả trên sân khấu tại buổi lễ trao bằng Di sản thế giới có hình dáng khác và không giống với đôi rồng đá cổ thật cách đó chỉ vài trăm mét.
Đôi rồng đá cổ (đã bị mất đầu) được đặt cách sân khấu chỉ vài trăm mét, gần giữa khu trung tâm  ngay trong Thành Hồ bị quên lãng và không hề có đèn chiếu sáng trong đêm nghi lễ tôn vinh những giá trị của Thành nhà Hồ.

Chưa dừng lại ở cổng Thành, đôi rồng giả cũng được sử dụng làm đạo cụ trên sân khấu. Tuy nhiên nhiều khán giả đã phát hiện đôi rồng giả đó không giống thậm chí là khác hoàn toàn với đôi rồng đã cổ được đặt ngay trong Thành Hồ cách đó vài trăm mét tại trung tâm thành.

... đến đánh tráo khái niệm bảo tồn

 “Di sản thể giới” là danh hiệu của UNESCO trao cho các di tích của các quốc gia trên thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu theo các tiêu chi nhất định nhằm tôn vinh các di sản văn hóa của nhân loại và kêu gọi, khuyến khích những nỗ lực bảo tồn chúng.

Tuy nhiên việc Đàn Nam Giao thuộc khu di tích Thành nhà Hồ được UBND tỉnh Thanh Hóa tu bổ nhằm mục đích dựng lại quang cảnh Đàn Nam Giao xưa nhưng lại không dựa trên những chứng cứ lịch sử có cơ sở khoa học khiến không ít người cho rằng đó việc làm không phải là bảo tồn.

Bức ảnh chụp Đàn Nam Giao đang trong quá trình xây dựng để chào đón sự kiện nhận bằng UNESCO. Trong ảnh cho thấy phần tường đàn đã được xây thêm, nền gạch được nâng cao và làm thêm cả phần trung tâm của đàn tế gọi là viên đàn. Nhiều người cho rằng viên đàn có hình dạng trụ như bánh gato là do người thiết kế tự ý bịa đặt thêm khi trong lịch sử chưa ai chứng minh được điều này.

Khu di tích Đàn Nam Giao khi chưa được phục dựng.

KTS Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích đã có cuộc trao đổi bày tỏ nhiều ý kiến quan ngại về cách của nhiều địa phương hiện nay khi đối xử với các di tích văn hóa tuy có ý tốt nhưng do chưa thực sự hiểu đúng về bảo tồn khiến các di sản đang bị xâm hại.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng đàn Nam Giao tại Thành nhà Hồ như hiện nay là việc phục dựng hoặc chỉ là "tu bổ cấp thiết" ông Vinh cho rằng đó là cách “đánh tráo khái niệm” khi đề cập tới một công việc trong lĩnh vực bảo tồn.

Trong lý thuyết bảo tồn có một nguyên tắc quan trọng là “Phục hồi chấm dứt ở điểm xuất hiện giả thiết”. Tức là khi không có bằng chứng khoa học về lịch sử thì các hoạt động dựa trên bất kì giả thiết nào đặt ra mang tính ý nghĩ chủ quan của một cá nhân nào đó đều vi phạm những nguyên tắc của bảo tồn.

Còn “tu bổ cấp thiết” là hoạt động sửa chữa nhỏ nhằm gia cố, gia cường các bộ phận di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác tu bổ toàn diện” (quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích LS-VH, danh lam thắng cảnh số 05/2003/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Việc xây mới bậc lên, bó vỉa nền, “viên đàn” bằng đá tại Đàn Nam Giao không có cơ sở khoa học thuyết phục và hoàn toàn không phải là tu bổ cấp thiết!

Công việc phục dựng hay bảo tồn di sản cần phải có bằng chứng và cơ sở mang tính khoa học lịch sử.

KTS Lê Thành Vinh cũng bày tỏ thêm ý kiến cá nhân rằng: Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới là một điều đáng mừng và đáng trân trọng nhưng khi có thêm các tấm bằng thì những giá trị lịch sử, văn hóa bao đời nay của Thành nhà Hồ vẫn không thay đổi. Những danh hiệu có vai trò tôn vinh và quảng bá, nhưng giá trị đích thực của di sản có được lưu truyền và phát huy hay không lại phụ thuộc vào cách chúng ta ứng xử với chúng.

Chính vì vậy đối với những di sản mang tầm cơ quốc gia và bây giờ là thế giới chúng ta cần phải hết sức thận trọng khi can thiệp đến. Vì nếu làm không đúng tức là chúng ta đã làm suy giảm giá trị của di tích, làm sai lệch lịch sử và đặc biệt nếu không biết bảo tồn di sản một cách đúng đắn thì các danh hiệu được trao cũng có thể bị tước đi.

Có nhiều cách để không phải làm giả lịch sử

Không chỉ riêng với Thành nhà Hồ, theo KTS Lê Thành Vinh đã rất nhiều di tích tại Việt Nam đã được phục dựng khá tùy tiện không có cơ sở khoa học và bất chấp các ý kiến góp từ các nhà khoa học.

Ví dụ cũng tại Thanh Hóa ông cho biết đó là khu di tích Lam Kinh. Đã một cuộc trao đổi lấy ý kiến của các nhà khoa học và ngay khi đó đã có nhiều nhà khoa học phản đối việc “phỏng dựng” khu chính điện theo phương án của một đơn vị tư vấn đưa ra.

Tại cuộc trao đổi đó, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thiết kế để lựa chọn. Bản thân việc đưa ra các phương án khác nhau đã chứng tỏ không dựa trên một cơ sở khoa học nào. Các tác giả trình bày rằng thiết kế được làm theo cách “nội suy” (?). Tôi nghĩ rằng, đối với Chính điện ở khu di tích Lam Kinh, từ dấu vết lịch sử còn lại chỉ có nền móng và các chân tảng (cũng đã bị xáo trộn), không có đủ cơ sở và không thể phục dựng phần trên của kiến trúc này.

Với cách làm đúng quy định như thế thì họ sẽ dám làm bất kỳ điều gì với di tích – KTS Lê Thành Vinh

Đối với ý kiến cho rằng nếu không có bằng chứng khoa học chả lẽ cứ để các di tích như Đàn Nam Giao chỉ là bãi gạch đổ nát như vậy, Ông Vinh trả lời với tư cách của một người làm bảo tồn:

"Có rất nhiều cách làm để truyền tải đến người xem những giá trị đích thực của các di tích. Cùng với việc gia cố, bảo tồn các dấu tích nguyên gốc, sẽ tổ chức trưng bày bổ sung và có những hình thức cung cấp thông tin về di tích một cách đầy đủ nhất có thể đến người xem. Tôi cho rằng, khi được nắm được đầy đủ thông tin về di tích và tiếp cận với các dấu tích lịch sử nguyên gốc, xác thực thì người xem vẫn có được những cảm xúc lịch sử tốt nhất đối với di tích.

Khi có đầy đủ cơ sở khoa học chúng ta có thể phục dựng từng phần hoặc toàn bộ di tích để người xem có thể chiêm ngưỡng một cách trực quan hơn. Mặc dù vậy cách làm này cũng cần hạn chế vì dù rằng hình ảnh của di tích có thể giống với trước đây nhưng chúng vẫn là những thành phần xây mới. Còn việc cố phục dựng nhưng lại không có cơ sở khoa học không chỉ là việc làm tốn kém, không mang lại hiệu quả mà còn phản tác dụng vì có thể làm sai lệch lịch sử"

Một ngôi đền cổ nằm trong khu di sản Ayutthaya (Thái Lan) được bảo tồn nguyên trạng cho dù nhiều pho tượng và các tháp cổ đã bị xâm hại bởi thời gian nhưng vẫn đóng hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Nhận danh hiệu UNESCO công nhận là di sản thế giới, tuy nhiên với những thực trạng đang xảy ra tại Thành nhà Hồ ở trên đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại tới vấn đề tư duy và quan điểm bảo tồn di sản. Phải chăng đang có một cuộc chạy đua vì mục đích nào đó còn giá trị văn hóa lịch sử cốt lõi của di sản đang bị bỏ quên?

Người trong cuộc nói gì?

Được biết đơn vị cố vấn cho dự án xây dựng Đàn Nam Giao là Viện Khảo cổ học. Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học) :

“Đây không phải phục dựng mà là bảo tồn. Những hàng đá xây thêm nhằm mục đích diễn giải cho người xem hiểu về cấu trúc bức tường này có thể cao như thế, đồng thời bảo vệ phần nguyên gốc bên dưới. Việc này không làm biến dạng di tích đàn tế cổ. Còn viên đá cổ nào chúng tôi đánh số viên đó, đắp giấy Nhật lên rồi mới xây thêm vào. 5-10 năm nữa bỏ lớp xây thêm đi thì phần di tích bên dưới vẫn được duy trì nguyên dạng”.

Tuy nhiên TS Vũ Thế Long – người tham gia khai quật đàn tế Nam Giao cũng thuộc Viện khảo cổ học lại cho rằng: “Việc phục dựng một di tích phải có cơ sở khoa học của nó, không thể bịa tạc lịch sử. Theo tôi, với đàn tế Nam Giao nên giữ ở dạng nguyên bản là tốt nhất. Chỉ nên phục dựng khi có bản vẽ chi tiết. Chứ hiện nay, phần trung tâm của đàn tế họ xây lên trông như cái bánh gatô, tôi hoàn toàn không ủng hộ”.


Một di sản khác ở Pháp là Khu đô thị Trung cổ ở Provins (tỉnh Seine-et-Marne) được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2001 song đang có nguy cơ bị xóa tên kể từ khi chính quyền ở đây có ý định xây dựng lại một phần của khu vực “mang nhãn UNESCO” này. Tháng 11.2010, Ủy ban Di sản thế giới đã cảnh báo, Pháp phải xem xét lại vụ việc, tránh xây dựng ảnh hưởng đến giá trị của di sản.


Kì tiếp: "Cuộc đua" danh hiệu UNESCO ở Việt Nam

Nguyễn Hoàng