- Ngày cũng như đêm, hàng trăm người dân ở xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đốt đuốc để đuổi cát tặc. Những lán trại dã chiến được người dân lập vội trên những bãi bồi. Bất kể mưa hay nắng, cứ có kẻng báo động là dân lại ùa ra bãi bồi để ném đá, đẩy đuổi không cho tàu khai thác cát tiến đến gần bờ.

Sóng ngầm ở bến sông

Cả tháng nay, người dân ở thôn 4, thôn 5, xã Sầm Dương gần như chẳng làm được việc gì, bỏ hết việc đồng áng để giữ đất ở bãi bồi ven sông Lô. Với những người dân nơi đây, đất đai, còn quan trọng hơn cả mạng sống của chính bản thân mình.

Bởi thế, có người dân mà chúng tôi từng gặp trong cuộc chiến trường chinh để giữ đất từng chua chát nói rằng: “Nếu phải bỏ cả tính mạng mà giữ được đất, người dân cũng sẵn sàng”.

{keywords}
Những chiếc tàu mải miết hút cát

Ấy vậy mà, cái “quý hơn mạng sống” của người dân rút cuộc đã được chính quyền tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho một doanh nghiệp. Lòng sông, bãi bồi, những ruộng ngô xanh hút tầm mắt rồi đây sẽ trở thành một đại công trường khai thác cát.

Người dân nơi đây kể rằng, gần 1 tháng nay, từ ngày xuất hiện đoàn tàu của doanh nghiệp đổ dồn về đây khai thác, làng xóm vốn dĩ bình yên bỗng … vui đáo để.

Cái sự “vui đáo để” mà một lão nông tâm sự với tôi, nghe ra rất chua chát. Dân lập hẳn một ban bệ, đề ra những phương pháp để đối phó với cát tặc.

Gọi là “cát tặc” cũng đúng, bởi như lời ông Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang - Hoàng Văn An thì: doanh nghiệp chưa làm đủ các thủ tục (cụ thể chưa có hợp đồng thuê đất) mà tiến hành khai thác là trái phép.

Chưa có hợp đồng thuê đất, ấy vậy mà nhờ cái bảo bối là “Giấy phép khai thác khoáng sản” do phó chủ tịch tỉnh Tuyên Quang – ông Phạm Minh Huấn ký nên doanh nghiệp mặc sức khai thác (vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại trong những bài sau).

{keywords}

Bờ sông Lô bị sạt lở nghiêm trọng.

Gần như 100% các hộ dân ở thôn 4, thôn 5 xã Sầm Dương được đặt vào tình trạng báo động đỏ. Hễ nghe tiếng kẻng báo động, bất kể ngày hay đêm, toàn bộ dân chạy ùa ra bãi sông. Thời điểm cao nhất, phải có đến hơn trăm người tham gia giữ đất. Nhiều câu chuyện bi hài cũng xuất phát từ những đêm trắng thức cùng cát tặc.

“Chiến dịch” rầm rộ của người dân nơi đây được vắn tắt thế này: về nhân lực, mỗi hộ gia đình cử ít nhất một người tham gia vào đội “phản ứng nhanh”; vũ khí được huy động là đất đá; ngay cạnh bãi soi, mấy cái lều dã chiến kiểu như “ấp chiến lược” được người dân dựng sẵn để họ tá túc qua đêm; trong mỗi cái lều dã chiến, được dựng tạm bợ ấy lúc nào cũng có ít nhất 6 -10 người tá túc. Nếu phát hiện thấy tàu cát ghé sát gần bờ thì lập tức đánh kẻng báo động.

Cuộc chiến không cân sức

Theo ông Hà Đình Hùng, trưởng thôn Đồng Tâm (thôn 5, xã Sầm Dương) thì đa số người dân nơi đây sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, đất canh tác dần dần bị thu hẹp. Một phần là do nhu cầu xây dựng nhà ở, trường học, trạm xá.

Một phần, diện tích các bãi bồi phì nhiêu ven sông Lô bị cuốn trôi xuống sông. Cũng theo ông Hùng, thời gian gần đây, một công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát tại lòng sông Lô và khu vực bãi soi. 

Ban ngày, hàng chục chiếc tàu cuốc thi nhau múc cát ở lòng sông; đêm đến, nếu không có dân canh chừng thì vào tận bờ múc cát.

Dẫn chúng tôi đi dọc các bãi bồi ven sông, ông Hà Đình Chiến, thôn Đồng Tâm thở dài: Trước, bãi bồi này rộng thênh thang và đẹp lắm. Hồi đó, nước sông Lô trong vắt, người dân còn gánh nước về ăn uống được. Đêm đêm, vào những hôm trăng thanh gió mát, thanh niên trai tráng trong làng tụ tập ra bãi ngô ngồi hóng gió, tự tình.

Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân bỏ hẳn thói quen đó. Dòng sông Lô chuyển từ màu xanh sang đục ngầu, đỏ quạch. Cả một khúc sông dày đặc những tàu là tàu.

Trai làng thay vì ra bãi bồi hóng gió, tự tình vào những đêm trăng, giờ đây, chuyển ra bãi bồi để canh đất. Mà đâu chỉ có trai làng, từ cụ già đến phụ nữ và trẻ em, chẳng quản đêm hay ngày thay phiên nhau ra bãi bồi để xua đuổi đoàn tàu.

Người dân thôn Lương Thiện và Đồng Tâm kể rằng: từ ngày đoàn tàu cuốc của Doanh nghiệp Tân Hà (Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác ở khu vực này) lũ lượt kéo đến đây khai thác, người dân mất ăn mất ngủ để nghĩ ra kế giữ đất. Với những người dân nơi đây, đất còn quý hơn cả vàng.

{keywords}

Những chiếc tàu mải miết hút cát.

Cái bãi bồi phì nhiêu, uốn lượn quanh sông Lô, từng nuôi sống bao nhiêu đời người dân nơi đây ngày càng biến dạng bởi phi đội tàu cuốc tiến hành khai thác cát.

Mỗi khi chiếc cần cẩu của tàu cuốc thọc sâu vào sát bờ là hàng trăm khối “vàng” của người dân lại đổ xuống sông. Người dân nhìn từng khối “vàng” của mình ngày đêm bị thu hẹp mà xót xa. Dân xót của nên kéo nhau ra xua đuổi.

Ban đầu, họ dùng đất, đá ném thẳng xuống tàu. Thấy dân làm dữ, chủ tàu lại ngừng khai thác, cho tàu lùi ra giữa sông. Thế nhưng khi dân về, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Thuyền cuốc lại tiến sát bờ, ngoạm sâu vào khu vực không được phép khai thác.

Nhưng, sức người làm sao sánh được với máy móc? Dân có mặt: tàu lùi ra giữa sông. Dân về: những chiếc cần cẩu hút cát lại ngoạm sâm gần bờ. Cuộc chiến “không cân sức” này rút cuộc chẳng thể giúp người dân giữ được đất đai của mình. Bức xúc vì miếng cơm, manh áo của mình trôi hết xuống sông, dân lại kiến nghị lên thôn, xã.

Đại công trường trên sông Lô

Tối 19/3, theo chân người dẫn đường, chúng tôi có dịp thâm nhập vào khu vực khai thác trên sông Lô. Từ trên bờ, vẫn nhìn rõ mồn một từng chiếc tàu cuốc đang mải miết hút cát. Đèn từ chiếc tàu cuốc và tàu chở cát sáng rực cả một quãng sông.

{keywords}

Người dân thôn 4, 5, xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương tập trung ngay bãi bồi để đuổi tàu khai thác cát.

Lòng sông Lô dường như trở nên chật hẹp bởi sự có mặt của hàng trăm chiếc tàu khai thác, chở cát. Tiếng động cơ rú lên, xé toạc màn đêm đặc quánh. Những chiếc cần cẩu của tàu cuốc như những chiếc vòi bạch tuộc, khổng lồ vươn dài và thọc sát bờ sông.

Người dẫn đường cho chúng tôi thở dài: Đơn vị khai thác cát miệt mài làm cả ngày, cả đêm. Thời cao điểm nhất, phải có đến hàng trăm chiếc tàu lúc nhúc, ken kín cả mặt sông. Cách chỗ mấy cái tàu ăn cát, có hẳn cả một trạm của công an được lập nên. Nhưng, cái trạm ấy mọc lên để làm gì thì không ai biết.

Họ làm cả ngày, cả đêm nên chúng tôi phải cắt cử người ra để canh giữ. Không có dân, y như rằng chúng đưa tàu sát ngay vào bờ để ngoạm đất” - người dân xót xa.

Sáng hôm sau, chúng tôi quay trở lại khu vực khai thác. Cả một quãng sông nham nhở. Bờ sông lúc này trông như một con quái thú khổng lồ.

Thi thoảng, một vạt đất lớn lại đổ ầm xuống sông. Những cây ngô đang vào vụ cũng bị cuốn trôi xuống sông. Bên bờ, một gốc tre lớn đang nằm chênh vênh, chỉ ít hôm nữa, nó cũng bị dòng sông này nuốt chửng.

Ông Nguyễn Công Khanh, một người dân ở thôn Đồng Tâm bảo rằng: Ngày trước, cái bãi bồi này nằm ở tít tận chỗ con tàu đang khai thác cát ấy. 

Thế nhưng, từ khi tỉnh thi nhau cấp phép cho các doanh nghiệp vào khai thác, bãi bồi này ngày càng bị thu hẹp lại. Tôi dõi theo cánh tay mà người đàn ông vừa chỉ. Chỗ đó cách nơi chúng tôi đang đứng tầm gần 100m.

Hoàng Sang

Kỳ tới: Ký ức ngày vỡ đê 

Điều mà người dân nơi đây lo lắng không chỉ là việc hàng ngàn m2 bãi soi bị cuốn xuống sông; cũng không chỉ là việc tỉnh lấy đất nông nghiệp để cấp phép cho doanh nghiệp. Có một nỗi lo khác còn lớn hơn: Vỡ đê.

THEO DÒNG SỰ KIỆN