- “Ngay khi bệnh sởi gia tăng và nghe tin Hà Nội có ca sởi tử vong, trong này chúng tôi đã tổ chức lọc bệnh sởi, cách ly ngay lập tức. Có lẽ nhờ vậy mà diễn biến bệnh sởi vẫn trong kiểm soát” - một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ. 

Cách ly ngay từ khâu khám bệnh 

Trong đợt kiểm tra công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhi sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 tại TP.HCM ngày 19/4, Bộ Y tế đã công nhận cách làm của các bệnh viện này là khá bài bản, chuyên nghiệp, cần nhân rộng.

{keywords}

Sởi được sàng lọc ngay từ khâu khám bệnh. Ảnh: Thanh Huyền.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Phó trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cho biết về cách tổ chức, điều trị sởi tại đây. 

Theo đó, ngay khi nhận thấy bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng và có ca tử vong ở Hà Nội, Ban giám đốc đã họp khẩn.

Lãnh đạo bệnh viện cho lập ngay một phòng chuyên lọc bệnh sởi ở Khoa Khám bệnh với 40 bàn chuyên khám sởi. Khi bệnh nhân sởi có chỉ định nhập viện, phải qua một phòng sàng lọc nữa để xem có cần thiết tới mức nhập viện hay chưa”, bác sĩ Huyên cho biết. 

Ngoài ra, phụ huynh đưa con tới khám sởi sẽ được tiếp nhận truyền thông 2 lần. Lần thứ nhất tại phòng truyền thông về bệnh sởi, lần thứ 2 được chính bác sĩ khám bệnh tư vấn, hướng dẫn. 

Phụ huynh được chỉ cách nhận biết các dấu hiệu khi bệnh sởi biến chứng, dạy cách chăm sóc trẻ lúc bị bệnh tại gia, khuyên trẻ đi chích ngừa sởi ở y tế địa phương… Dù các bé bị phát ban tới khám, không phải sởi cũng được khuyên đi chích ngừa. 

Chúng tôi cố gắng hạn chế các ca nhập viện. Bởi sởi là bệnh do siêu vi, chủ yếu chăm sóc nâng đỡ về thể trạng. Có nhập viện thì bác sĩ cũng chỉ can thiệp, cho dùng kháng sinh nếu bệnh nhi bị biến chứng, còn tất cả trông chờ vào sức đề kháng của cơ thể.

Vì thế nếu chưa nặng nhập viện làm gì để còn bị lây nhiễm thêm nhiều bệnh nguy hiểm khác?”, bác sĩ Huyên nói. 

Sởi thì không lo, lo nhất là biến chứng hậu sởi. Vì thế chúng tôi dặn dò cha mẹ phải theo dõi kỹ khi con có các biểu hiện viêm phổi để nhập viện kịp thời. Nhắc nhở phụ huynh nhớ vệ sinh răng miệng cho bé thật kỹ, bởi khi bị sởi trong miệng trẻ lở loét, nếu không chăm sóc tốt sẽ xảy ra biến chứng”, bác sĩ Huyên nhấn mạnh. 

Làm gì để tránh lây chéo 

Việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân ngoại viện và khu vực điều trị cho bệnh nhân sởi nội trú được Bệnh viện Nhi Đồng 2 bố trí khá rạch ròi, bài bản. 

{keywords}

Hãy bảo vệ trẻ bằng cách đưa con đi chích ngừa sởi. Ảnh: Thanh Huyền.

Trong Khoa Nhiễm của bệnh viện không chỉ có mỗi bệnh sởi mà còn nhiều loại bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… 

Chính vì thế, để tránh lây chéo sởi cho các bệnh nhi của khoa này, bệnh viện đã bố trí một “pháo đài” để cách ly hẳn với các bệnh nhi sởi. 

Một dãy nhà trên lầu của Khoa Nhiễm được trưng dụng thành khu vực nội bất xuất, ngoại bất nhập, thậm  chí còn bố trí nhà vệ sinh riêng. Phụ huynh chăm sóc con cái mình trong khu này phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đúng cách. 

Ngay cuối dãy nhà chuyên điều trị cho bệnh nhi sởi có một phòng bố trí nhân viên y tế túc trực 24/24h, luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ, theo dõi biến chứng sởi cho các bệnh nhi. 

Chỉ cần ca sởi nào vừa bị viêm phổi, không đáp ứng với thở ôxy thì lập tức được các bác sĩ cho sử dụng dụng cụ thở NCAP ngay.  

Bác sĩ Huyên chia sẻ: “Dụng cụ trợ thở này khá đơn giản, giá thành chỉ bằng 1/10 máy thở và vô cùng hiệu quả khi trẻ mới viêm phổi nhẹ. Chờ tới lúc biến chứng nặng mới cho dùng máy trợ thở thì lúc đó tính mạng mấy bé chỉ có…trời cứu”.

Để khống chế được dịch sởi, các khoa của Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn phải biết…“chia lửa” với nhau. 

Các khoa không chuyển bệnh nhi về Khoa Nhiễm nữa, tự giải quyết vấn đề của khoa mình, để Khoa Nhiễm tập trung lo cho bệnh nhi sởi. Nhờ thế tình trạng lây chéo bệnh sởi trong bệnh viện là rất ít. 

Khống chế dịch sởi không chỉ mỗi ngành y tế mà đủ, cần có sự hợp tác của người dân. Bác sĩ Kim Huyên kêu gọi các phụ huynh hãy cho con đi tiêm ngừa sởi. Ngành y tế đã chuẩn bị mọi nhân lực, vật lực, sẵn sàng phục vụ tại các trạm y tế địa phương. 

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 20 ca sởi nhập viện. Hiện tại, Khoa Nhiễm của bệnh viện này đang điều trị cho 70 trường hợp mắc sởi. 

Sởi nguy hiểm nhất với trẻ dưới 12 tháng tuổi do cơ thể bé còn mong manh, sức đề kháng kém. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng phụ huynh ở phía Nam có thể yên tâm hơn vì  virus sởi tại TP.HCM lành hơn ở Hà Nội.

Thanh Huyền