- Cáo trạng lần này, VKS đã đưa vào khá nhiều nội dung về các phần trả lời của Sở Y tế Hà Nội và kết luận của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội...
Sở Y tế Hà Nội nói gì?
Ngày 14/4, TAND TP Hà Nội đưa vụ án TMV Cát Tường ra xét xử. Trong phần trả lời thẩm vấn, bác sỹ Tường khai: "Bị cáo hút mỡ nạn nhân ra vào khoảng 11 xi lanh, loại xi lanh 50ml. Quá trình hút mỡ kéo dài từ 1-2 tiếng.
Xi lanh hút trước, mỡ sẽ lắng xuống, dịch ở trên. Bị cáo bỏ phần dịch đi. Bị cáo có học và cập nhật liên tục các kiến thức của các chuyên gia Hàn Quốc thì chỉ cần chờ cho mỡ lắng xuống là có thể dùng được. Đây là phương pháp mới, không cần dùng ly tâm...".
Bị cáo Tường và Khánh trong phiên xử hôm 14/4. |
Sau phần thẩm vấn, cho rằng còn một số vấn đề chuyên môn mà tòa chưa xác định được, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án để làm rõ.
Sau khi hồ sợ vụ án được trả để điều tra bổ sung, ngày 22/4, Công an Hà Nội có Công văn đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội cung cấp thông tin: những loại thuốc, công thức pha, liều dùng trong quá trình phẫu thuật phương pháp để cho mỡ lắng không qua ly tâm, được bác sỹ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật cho chị Huyền có đúng không?
Loại thuốc, phương pháp cấp cứu trong quá trình cấp cứu cho chị Huyền có đúng quy trình không? Qúa trình phẫu thuật cho chị Huyền có biểu hiện co giật, bác sỹ Tường đã tiêm 2 ống Dimedro, cử nhân viên đi mua thuốc động kinh nhưng không được, nhưng bác sỹ Tường vẫn tiến hành phẫu thuật và chỉ phẫu thuật trong thời gian 2 giờ 30 phút (rút ngắn thời gian phẫu thuật). Việc làm đó có được phép hay không? Có nguy hiểm đến tính mạng không?
Ngày 16/5, Sở Y tế Hà Nội có công văn trả lời cơ quan điều tra, nêu rõ: Những loại thuốc pha thành dung dịch là phù hợp với công thức chuẩn dùng trong kỹ thuật hút mỡ bụng; Gentamicin và Vitamin C pha vào dung dịch này là không phù hợp với công thức chuẩn cho dung dịch dùng trong kỹ thuật hút mỡ.
Lượng Lidocain đã được dùng cho chị Huyền là quá cao (hơn 1,5 lần so với chuẩn quốc tế).
Phương pháp để cho lắng mỡ không qua ly tâm, được bác sỹ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật không đúng với quy trình chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng mô ghép về sau.
Khi phát hiện thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, việc sử dụng Diazepam cắt cơn co giật là đúng, không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng quy trình cấp cứu co giật phải tiếp tục tìm và giải quyết nguyên nhân.
Việc cấp cứu khi bệnh nhân ngừng tim, bao gồm các bước như đặt nội khí quản, bóp bóng, ép tim, tiêm Adrennaline là đúng thuốc, đúng quy trình.
"Không đủ thông tin để trả lời việc xử trí bệnh nhân có biểu hiện co giật trong khi phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật như công văn nêu trên không có ý nghĩa, không ảnh hưởng gì đến kết quả phẫu thuật" - công văn của Sở Y tế HN nêu.
Ngày 10/7, Công an Hà Nội tiếp tục có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội cung cấp thông tin: Việc hút mỡ, bơm ngực mà bác sỹ Tường thực hiện có nằm trong danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc dịch vụ y tế khác (dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ) không?
Sở Y tế đã có Công văn trả lời nêu: Tại thời điểm xảy ra vụ án là ngày 19/10/2003, các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc quy định- Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu nhỏ thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể.
Không làm rõ được nguyên nhân chết
Trong quá trình điều tra bổ sung vụ Cát Tường, cơ quan điều tra tiếp tục huy động nhiều lực lượng để tìm kiếm xác nạn nhân.
Ngày 18/7, người dân phát hiện xác chị Huyền nổi ở ven sông Hồng, trong tình trạng đang phân hủy thối rữa, bị thiếu đầu, 6 đốt sống cổ, tay phải và tay trái, mất toàn bộ cẳng tay và bàn tay, hai chân mất cẳng chân và toàn bộ xương bàn chân.
Ngày 14/8, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội đã có biên bản giám định số 4743, kết luận: Thời gian chết đến khi giám định khoảng trên 8 tháng. Tổ chức phần mềm và xương còn nhận biết được không phát hiện thấy tổn thương.
Các đầu khớp và xương còn nhận biết được không phát hiện thấy dấu vết thương tích. Trong mẫu phủ tạng nạn nhân không tìm thấy các chất độc thường gặp.
Do tử thi không có phần đầu, các đốt sống cổ, hai xương cẳng tay phải, các xương cổ tay và xương bàn ngón tay hai bên, xương bàn ngón chân hai bên; phần còn lại của tử thi trong giai đoạn phân hủy mạnh, do đó không đủ cở sở xác định nguyên nhân chết của nạn nhân.
- T.Nhung