– Vấn đề viện phí sau 1 năm “im hơi lặng tiếng” (dự thảo viện phí chính thức ra mắt vào tháng 8/2010 - PV) lại được xới xáo lên vào những ngày đầu tháng 9/2011. Sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt, lần này, Bộ Y tế đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và cũng thể hiện quyết tâm rất cao trong lần tăng viện phí này.

TIN LIÊN QUAN:

Về chủ trương tăng viện phí, Bộ Y tế đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành. Tuy nhiên, về cách xây dựng khung giá viện phí mới, hướng giải quyết những bất cập liên quan đến khả năng chi trả của người nghèo, cách đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người dân về chất lượng khám chữa bệnh, y đức sau khi tăng viện phí… vẫn là những bài toán hóc búa đặt ra cho Bộ Y tế.

Vấn đề viện phí sẽ tiếp tục còn được xới xáo trong thời gian tới, khi Bộ Tài chính được đề nghị đóng vai trò quyết định trong việc đưa ra khung giá viện phí mới. VietNamNet tổng kết các ý kiến của diễn đàn này (với những luận điểm lớn đang gây tranh cãi) để bạn đọc tiện theo dõi.

Công khai tài chính BV, nâng cao chất lượng KCB và Y đức

Khi VietNamNet đã mở diễn đàn để đông đảo bạn đọc tham gia góp ý, bày tỏ quan điểm, rất nhiều ý kiến đã gửi về, phân làm một số luồng khác nhau (phản đối - ủng hộ). Số lượng ý kiến phản đối, cho rằng không nên tăng ở thời điểm này chiếm áp đảo (70%). Số còn lại cho rằng nên tăng vì giá cũ đã quá lạc hậu.

Cần công khai minh bạch tài chính các bệnh viện công lập để nhận được sự ủng hộ của người bệnh trong việc tăng viện phí (Ảnh: N.Anh)

Tuy nhiên, dù phản đối hay ủng hộ thì độc giả vẫn trông chờ trước khi tăng viện phí, Bộ Y tế cần làm sáng tỏ và công khai minh bạch tình hình tài chính của các bệnh viện công lập – nơi suốt ngày kêu lỗ (trong khi đã xé rào thu giá viện phí cao từ lâu).

Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Y tế VN cũng khẳng định đây là đòi hỏi chính đáng của người bệnh và là việc mà Nhà nước phải làm.

“Khi công khai minh bạch, ngành y tế sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía người bệnh”, ông Kính nói.

Trước những vấn đề nhức nhối của ngành như quá tải bệnh viện, y tế cơ sở yếu kém, y đức xuống cấp, lạm dụng kỹ thuật, giá thuốc cao, các ý kiến của bạn đọc cũng cho rằng Bộ Y tế cần đưa ra một chương trình hành động cụ thể và cam kết để người dân yên tâm rằng những vấn đề này sẽ được đẩy lùi khi tăng viện phí. Có như vậy chính sách viện phí mới sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận.

Xem xét lại khung giá viện phí mới

Khung giá viện phí mới là một trong những vấn đề chủ chốt gây tranh cãi trong nội bộ Ban biên soạn chính sách viện phí và gây những phản ứng từ phía dư luận. So với giá cũ, giá viện phí mới cho thấy có những dịch vụ tăng giá gấp 70 lần, còn đại đa số là tăng khoảng 20-30 lần.

Mức tăng như vậy là quá cao so với mức trượt giá từ năm 1995 đến nay và dù có lý giải thế nào thì Bộ Y tế cũng khó mà thuyết phục được người dân về mức giá mới này.

Hệ quả này là điều tất yếu, vì gốc gác của vấn đề là cách làm của Bộ Y tế không chặt chẽ. Bộ Y tế không đưa ra được cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng viện phí mới, chỉ hoàn toàn dựa trên báo cáo về giá dịch vụ của các bệnh viện gửi lên rồi lấy đó làm cơ sở tính toán.

Đại diện BHXH Việt Nam – đơn vị “trả tiền” cho ngành y tế - khẳng định cách làm này là thiếu khách quan vì một người đi bán hàng thì không thể là người đưa ra giá hàng hóa một cách khách quan, công bằng được.

Vì thế, sau rất nhiều tranh cãi và nhiều lần sửa đổi, giá viện phí mới đã hạ xuống. Tuy nhiên, hiện BHXH Việt Nam đang đề xuất giao khâu xây dựng khung giá và thẩm định khung giá này cho Bộ Tài chính – cơ quan chuyên về giá cả các mặt hàng trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định không thể tăng giá cao như vậy (có dịch vụ tăng trên 70 lần) và cho biết nếu khó khăn có thể mời chuyên gia nước ngoài để thẩm định giá viện phí mới.

Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: “Quan điểm khi tăng viện phí là làm sao bệnh viện họat động tốt, người bệnh được chữa bệnh tốt, quỹ BHYT không bị âm mà người dân lại không phải đóng thêm phí tham gia BHYT hiện đang ở mức 4,5%/tháng lương tối thiểu. Nguyên nhân là vì đời sống nhân dân hiện đang rất khó khăn”.

Bài toán mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc tăng giá viện phí lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ BHYT (chiếm khoảng 62% dân số cả nước).

Tuy nhiên, khoảng 38% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT đều là đối tượng khó khăn. Họ đang đứng trước nguy cơ không thể chi trả nếu phải đi viện trong bối cảnh viện phí tăng cao như dự kiến.

Tăng viện phí phải đi đôi với việc xây dựng chính sách tốt cho người nghèo và đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân (Ảnh: N.Anh)

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Con số gần 40% dân số chưa có thẻ BHYT (do chưa tham gia BHYT) đều là những hộ cận nghèo, chủ yếu là nông dân, người lao động tự do – tựu chung là những người có thu nhập rất thấp và không ổn định, nguy cơ mắc bệnh (bệnh nặng) thường là cao.

Sở dĩ, nói đến chuyện tăng viện phí là phải gắn chặt với BHYT là bởi cơ chế tài chính của bệnh viện cũng thay đổi. Thay vì chuyển trực tiếp cho đơn vị cung ứng dịch vụ y tế (là các bệnh viện) thì Nhà nước sẽ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua việc mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Như vậy, mọi chi trả sẽ được thông qua quỹ BHYT.

“Vì thế, làm sao phải nhanh chóng mở rộng độ bao phủ của BHYT để người dân có thể tiếp cận với BHYT, đảm bảo không gặp nhiều khó khăn khi tăng viện phí”, ông Thảo đưa ra hướng tháo gỡ.

Tuy giải pháp này là tất yếu, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra, nhưng triển khai thực hiện lại không phải chuyện đơn giản vì hiện nay, người dân không có thiện cảm với BHYT (đi khám bị phân biệt đối xử, thuốc hạn chế, phải chờ đợi lâu, thủ tục hành chính rườm rà, vv…)

Cần chế độ thỏa đáng cho người nghèo

Xuất phát từ thực tế trên, một trong những điểm quan trọng được các chuyên gia kinh tế y tế nhấn mạnh là chế độ thỏa đáng cho người nghèo khi tăng viện phí.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đã có xây dựng những chính sách cụ thể để từng bước giải quyết vấn đề này như: Phối hợp với các Bộ ngành của Chính phủ để sửa đổi Quyết định 139 để hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng phải trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo (việc này đã được triển khai trong thực tế).

Theo Bộ trưởng Tiến, dự kiến các địa phương sẽ lên danh sách người nghèo rồi huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ trực tiếp cho họ (không cần thông qua quỹ nào.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang đề nghị nâng mức hỗ trợ phí tham gia BHYT lên mức tối thiểu là 70% (thay vì 50% như hiện hành) đối với hộ nghèo và 50% đối với hộ cận nghèo.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Tăng viện phí là rất cấp bách ở thời điểm hiện tại bởi giá viện phí đã quá lạc hậu. Tuy nhiên, cần cân nhắc sao cho mức tăng không vượt quá khả năng chi trả của người dân để vừa đảm bảo tính XHCN vừa đảm bảo tính thị trường của lĩnh vực y tế”.

VietNamNet sẽ còn trở lại vấn đề tăng viện phí khi dự thảo mới nhất về giá viện phí được công bố trong thời gian sắp tới và rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.

VietNamNet