– “Nếu con nợ vỡ nợ thật (không còn tài sản hay tiền để trả) thì khả năng đòi lại tiền là rất khó” - luật sư Trịnh Anh Dũng – Văn phòng luật sư Trịnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết.

TIN LIÊN QUAN:

Theo luật sư Dũng, ông đã gặp nhiều trường hợp vỡ nợ trước đây và trong những trường hợp cụ thể thì khả năng đòi được tiền rất khác nhau.

“Nếu con nợ vỡ nợ thật thì đòi tiền rất khó (vì họ không còn tiền để trả). Nhưng nếu con nợ vỡ nợ ảo (còn tài sản nhưng vẫn tuyên bố vỡ nợ) thì về lý thuyết, người cho vay có thể phối hợp với cơ quan công an để xử lý tài sản và chia số còn lại cho các chủ nợ theo tỷ lệ cho vay”, ông Dũng nói.

Các vụ vỡ nợ vừa qua đều có điểm chung là chủ nợ và con nợ đều giao dịch bằng miệng hoặc ký giấy viết tay làm dấy lên lo ngại họ sẽ không có cơ sở để đòi lại tiền.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải có công chứng (như hợp đồng mua bán bất động sản chẳng hạn).

Vì thế, dù là giấy viết tay hay thỏa thuận bằng miệng thì đều được coi là một dạng hợp đồng miễn sao người cho vay phải chứng minh được việc mình đã cho con nợ vay tiền là thật (với trường hợp giao dịch bằng miệng thì rất khó).

Giấy vay tiền của các con nợ trong vụ vỡ nợ ở Cầu Giấy (Ảnh: VTC News)

Trả lời về việc: Vay tiền là giao dịch dân sự nhưng với hành vi cho vay với lãi suất cao thì liệu người cho vay có bị xử lý hay không, ông Dũng cho biết cần căn cứ vào quy định của pháp luật và xem xét các yếu tố liên quan.

Căn cứ theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và phải "có tính chất chuyên bóc lột" thì mới bị xử phạt theo quy định của Bộ Luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng (mức lãi suất cho vay cơ bản hiện nay theo công bố của Ngân hàng Nhà nước là 9%/năm theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010).

"Tính chất chuyên bóc lột" ở đây được hiểu là hành vi cho vay lãi nặng nhằm trục lợi bất chính và người cho vay chuyên sống bằng nghề cho vay lãi nặng, làm cho người vay phải điêu đứng, thậm chí phải gán tất cả tài sản và mọi thứ có thể để trả nợ hay trừ nợ.

Về các vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, theo ông Dũng, là khi chưa có kết quả của cơ quan điều tra thì khó có thể kết luận được là có dấu hiệu lừa đảo hay không.

Bởi có những vụ việc nhìn qua tưởng là không phải lừa đảo nhưng đi sâu vào thì lại là lừa đảo (và ngược lại). Trên thực tế, có nhiều người gom tiền cho vay và họ không ôm tiền bỏ trốn nhưng khi con nợ lớn của họ (người vay tiền của họ) vỡ nợ thì họ cũng vỡ nợ theo.

Trong trường hợp con nợ lập kế hoạch từ đầu: Tạo bề ngoài bóng loáng để gây lòng tin rồi vay tiền, trả lãi rồi lại vay tiếp và ôm một cục để bỏ trốn thì có thể khẳng định là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (và ngược lại, có nhiều con nợ cố gắng duy trì cái vỏ bọc hào nhoáng chỉ vì một mục đích là không để chuyện vỡ nợ không bị lộ ra).

Cơ quan công an đọc lệnh khám nơi ở của con nợ Phạm Thị Chinh ở quận Cầu Giấy - Hà Nội (Ảnh: VTC News)

Ông Dũng cũng đưa ra quan điểm của mình về chủ thể của các vụ vỡ nợ vừa qua. Theo ông, cần phân biệt rõ ràng 2 đối tượng cho vay “tín dụng đen” để có cái nhìn khách quan, toàn diện.

Thứ nhất là nhóm người cho vay tín dụng đen có thể là bạn bè, người quen biết, họ hàng, gia đình của người vay. Họ có công ăn, việc làm ổn định nhưng vì hám lợi nên đã sử dụng tiền của mình và/hoặc huy động của những người khác để cho vay với lãi suất cao, hưởng lợi lớn.

Nhóm thứ 2 là những người cho vay tín dụng đen có thể là các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi, sống trên mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của người vay tín dụng đen, được tổ chức một cách chặt chẽ, sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật đối với con nợ và gia đình của họ để thu hồi các khoản tiền lãi cắt cổ và nợ gốc.

Theo ông Dũng, pháp luật cần phân biệt rõ và có chính sách xử lý nghiêm với những đối tượng này về các hành vi cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản… nếu có đủ căn cứ.

Cơ quan công an gặp khó khăn trong điều tra vỡ nợ

Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử VTC News, Đại tá Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội, từ Tết tới nay trên các quận huyện nội ngoại thành liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ với quy mô lớn.

Thủ đoạn của các con nợ là tạo ra một bỏ bọc hào nhoáng như đi bằng xe đắt tiền, đeo nhiều vàng trên người, các nhu cầu sinh hoạt cao… khiến nhiều người dân không biết và sập bẫy (như trường hợp của vợ chồng Quang – Quyên rồi vợ chồng Cúc ở Phú Xuyên mua xe cả chục tỷ).

Thứ hai là thông qua các vệ tinh để dụ dỗ những người có vốn, câu nhử bằng nhận vay với lãi suất cao… đánh về vấn đề hám lợi, không am hiểu của người dân. Bản thân những vệ tinh cũng tin vào chủ, đi tuyên truyền cho chủ, sẵn sàng chi rất nhiều tiền nếu thu gom được nhiều tiền…

Vì người dân có một ít vốn mà thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán, ngân hàng khép trần lãi suất, vàng bấp bênh, nên bị mắc hợm con nợ với mức lãi suất cao.

Nguyên nhân liên quan đến các vụ vỡ nợ trên địa bàn Hà Nội được xác định là liên quan đến tình hình ảm đạm của bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng cao, thời gian đáo hạn cận kề khiến các con nợ phải quay sang vay vốn trong dân.

Cũng theo lời Đại tá Toản, hiện cơ quan công an vẫn gặp những khó khăn nhất định trong việc điều tra những vụ án này, do quy định về pháp luật gần như hai bên thỏa thuận là cho vay chứ không phải lừa đảo. Khi bị vỡ nợ, cơ quan công an tìm những căn cứ để phục vụ công tác điều tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân cần tỉnh táo, nếu không sẽ vô tình phạm luật

Cơn bão vỡ nợ chưa dừng lại và được dự báo còn diễn biến xấu trong thời gian tới.

Ông Dũng có khuyến cáo người dân không nên nóng vội mà vô tình phạm pháp (khi thuê xã hội đen dằn mặt, vv…).

Khi phát hiện con nợ bỏ trốn thì cần trình báo với cơ quan chức năng. Nếu vụ việc có dấu hiệu lừa đảo thì bên công an sẽ tiến hành điều tra, xử lý. Nếu không thì họ có thể kiện ra tòa án để giải quyết.

Ngoài ra, người dân không nên ham lãi suất cao rồi mang tiền gửi vào những cá nhân như các vụ vỡ nợ vừa rồi. Cần cân nhắc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng chính thống, uy tín (như các ngân hàng chẳng hạn).

Cẩm Quyên – Hoàng Sang