Nhiều ý kiến phản biện xung quanh Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ dự kiến áp dụng từ 01/6 sắp tới cho rằng sẽ nảy sinh tình trạng phí chồng phí dẫn đến chi phí vận tải, giá hàng hoá trên thị trường tăng mạnh, sức mua của thị trường ô tô nội, ngoại đều… lao dốc.

Bất hợp lý ?

Theo Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, các phương tiện cơ giới sẽ bị thu phí bảo trì đường bộ. Nguồn thu Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được lấy từ hai nguồn chính là thu qua đầu phương tiện và ngân sách nhà nước cấp bổ sung.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội hàng hoá TP.HCM nói: “Vấn đề đóng góp với xã hội, với nhà nước thì rõ ràng. Nhưng hàng loạt cách tận thu bằng nhiều loại phí như vừa qua rõ ràng tôi thấy không hợp lý.”

“Thời đại văn minh mà thu phí như vậy thì thấy kém cỏi, thiếu công bằng quá”, ông Trung bức xúc.

Hiệp hội vận tải TP.HCM từng có văn bản kiến nghị phí cao tốc Trung Lương cao và chưa hợp lý.

“Bây giờ cái chuyện vừa là kế toán vừa là thủ quỹ trong quản lý kinh tế người ta đã không cho rồi. Chẳng hạn trước đây, chỉ thu thuế thông qua Bộ Tài chính, rồi từ đó cấp cho Bộ GTVT. Bây giờ sao nhất định phải 'vào' Bộ này. Riêng cách thu qua đầu phương tiện tôi thấy có vẻ kéo lùi nhận thức..”, ông Trung nói.

Theo ý kiến ông Trung, riêng quá trình hình thành một bộ máy để thu phí qua đầu phương tiện thôi là cả một vấn đề. Chưa kể kiểm soát như thế nào, ai thu rồi, ai chưa thu. Chẳng hạn thu qua xăng dầu là một cách, không phát sinh chi phí quản lý, đáng lẽ Bộ GTVT nên đề xuất thì lại không làm.

Ngay sau khi thông tin Chính phủ thông qua Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng chất chồng thêm lo lắng.

Anh Hoàng Nam, giám đốc vận tải du lịch chia sẻ: “Ngoài phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn tính vào giá xăng, tất cả các loại phí khác được thu theo kiểu ôtô có đi ít hay đi nhiều đều đóng giống nhau. Đây rõ ràng là sự thiếu hợp lý vì trên thực tế xe gia đình đã khác xe doanh nghiệp, mà có là doanh nghiệp đi chăng nữa thì cũng vẫn phải vay ngân hàng để đầu tư thêm ô tô kinh doanh”.

“Đối với xe ô tô hiện nay, 3 loại thuế cùng với 7 loại phí như vậy chỉ làm sức mua của thị trường ô tô giảm mạnh vì giá thành xe quá cao, vấn đề này mâu thuẫn với chủ trương tăng trưởng kinh tế vốn là tiêu chí hàng đầu trong mọi thời kỳ”, anh Nam nói.

Thị trường ô tô lao dốc

Nếu như trước đây, thị trường ô tô luôn được xem là mảnh đất dồi dào thanh khoản ngay cả khi ngân hàng liên tục tăng lãi suất, thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán thủng đáy... Thế nhưng, thời thế bây giờ đã khác.

Dưới ảnh hưởng của thuế phí, giấc mơ ô tô của nhiều người sẽ… tan tành.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong tháng 1/2012 sản lượng bán hàng của các thành viên Hiệp hội chỉ đạt 4.274 xe, giảm 60% so với tháng 1/2011.

Trong đó, xe đa dụng, xe con và xe thương mại giảm lần lượt là 67 %, 56%, và 59%. Ôô con giảm ít nhất, nhưng cũng đã ở mức 56%, tức là chỉ bán ra được 1.782 xe các loại.

Dù rất nhiều dòng xe “tiềm năng” nhưng do giá đã tăng mạnh nên tháng 1 vừa qua hãng Ford- đơn vị giữ ghế chủ tịch của Hiệp hội này chỉ còn tiêu thụ được tổng cộng 176 xe các loại.

Tiếp đến trong tháng 2 năm nay, sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 6.116 xe, giảm 25% so với tháng 2/2011 trong đó xe đa dụng, xe con và xe thương mại giảm lần lượt là 38 %, 28% và 20%.

Thê thảm hơn VAMA, trong 2 tháng trở lại đây, hàng loạt showroom của các doanh nghiệp nhập xe dưới hình thức giấy phép thương mại cũng đã phải đóng cửa hàng loạt vì tác động của thông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành.

Theo thông tư này, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc về thị trường Việt Nam phải có giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận.

Một số doanh nghiệp đã cho rằng, thông tư này đã đặt nhiều doanh nghiệp vào thế “phá sản hoặc chuyển sang kinh doanh xe cũ do thủ tục rất nhiêu khê, khó khăn đến mức… không thể thực hiện nổi”.

Khi vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ, số doanh nghiệp còn cầm cự được lại tiếp tục đau đầu với sức ép mà các loại phí mới nhắm vào ô tô.

“Cửa hàng chúng tôi vắng thê thảm vì khách hàng cân nhắc trước hàng loạt thông tin về các loại phí mà ô tô phải chịu trong thời gian gần đây. Đến lúc phí bảo trì đường bộ cùng với phí ô tô vào nội thành được thông qua nữa, tôi nghĩ chắc chuyển sang buôn bán xe cũ hoặc đóng cửa cho lành” - ông Thành, chủ công ty thương mại có showroom ô tô trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình chia sẻ.

Minh Dũng