– Trong thời gian 2 giờ đồng hồ, các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa đã trả lời hàng trăm câu hỏi của độc giả.

Tính từ ngày 18/4 đến 6/6, cả nước đã có 14 vụ tai biến sản khoa, làm chết hơn 10 sản phụ lẫn trẻ sơ sinh khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Vụ đầu tiên “mở màn” cho chuỗi các tai biến tiếp theo xảy ra vào ngày 18/4 tại Quảng Ngãi. Sau đó, liên tiếp các ca sản phụ và trẻ sơ sinh khác nối đuôi nhau diễn ra dồn dập, có thời điểm chỉ trong vòng 2 ngày nhưng có tới 3 trường hợp tai biến, khiến cả mẹ lẫn con đều chết.

Nguyên nhân cuối cùng của các trường hợp tử vong này chưa được đưa ra do các bệnh viện vẫn đang trong quá trình “kiểm thảo tử vong”. Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là phần nhiều trong số những sản phụ tử vong được bệnh viện cho biết có nguyên nhân do thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi - những tai biến rất hiếm gặp trong sản khoa trên thế giới.

Tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng đến nay, hầu hết các bệnh viện nơi xảy ra sự cố đều khẳng định họ làm đúng quy trình chuyên môn, xử lý kịp thời và không tác trách như lời người nhà bệnh nhân phản ánh!

Liên tiếp các ca sản phụ tử vong khiến bà bầu lo lắng (Ảnh minh họa: VietNamNet)

Những tai biến trong y khoa nói chung và sản khoa nói riêng là điều không phải bây giờ mới xảy ra. Nhưng với việc xuất hiện dồn dập những ca tử vong của cả mẹ lẫn bé trong thời gian qua khiến dư luận cho rằng sự việc “không thể chỉ là ngẫu nhiên trùng lặp” như lời giải thích của Bộ Y tế.

Sau khi VietNamNet mở diễn đàn trực tuyến về tai biến sản khoa, những người làm trong ngành y cũng đã lên tiếng, cho rằng các sự việc đang xảy ra trong sản khoa là hậu quả rõ rệt nhất của cả một quá trình ngành y tế buông lỏng khâu đào tạo nhân lực cũng như để các chương trình chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn bị mai một.

Trước thực trạng này, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế thấp nhất tử vong mẹ, trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hiệu quả trong thực tế của các giải pháp này có lẽ còn phải chờ đợi và người dân vẫn chưa thể yên tâm với những động thái trấn an tinh thần do Bộ Y tế đưa ra.

Kể từ khi các thông tin về nhiều trường hợp tai biến xảy ra được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, báo VietNamNet nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ ý kiến trước vấn đề này.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ thái độ bức xúc về trình độ chuyên môn cũng như y đức của bác sỹ trong các vụ tai biến, còn nhiều câu hỏi liên quan đến các khía cạnh chuyên môn như làm sao để có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh? Làm sao để hạn chế tối đa các tai biến có thể xảy ra? …

Với mục đích cung cấp những kiến thức bổ ích cho bạn đọc về quá trình mang thai, sinh con khoa học, an toàn, báo VietNamNet tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Làm gì để tránh rủi ro cho sản phụ?”

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của:

- GS.TS Nguyễn Đức Vy - Nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Chủ tịch Hội sản Phụ khoa VN;

- PGS.TS - bác sĩ Vũ Thị Nhung, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM;

- Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó Khoa Sản A Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM.

THEO DÕI CUỘC GIAO LƯU:


Tổng Biên tập báo VietNamNet tặng hoa GS.TS Nguyễn Đức Vy - Nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Chủ tịch Hội sản Phụ khoa VN



2 vị khách mời tại đầu cầu TP.HCM: PGS.TS - bác sĩ Vũ Thị Nhung, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM và TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó Khoa Sản A Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM

Trương thị Phương Thi, nữ, 27 tuổi:

Con gái tôi mang thai đến nay đã 38 tuần, đi khám định kỳ bác sĩ cho biết trong tử cung có nhân lớn. Như vậy trong trường hợp này làm thế nào để con gái tôi sinh em bé được an toàn cả mẹ và con.

BS Thu Hà: Chào chị! Như thông tin chị cho biết thì tùy vào kích thước và vị trí của nhân xơ mà bác sĩ sẽ có hướng xử trí cho cháu. Nếu kích thước nhân xơ tử cung lớn và nằm vị trí ở cổ tử cung (vị trí tiền đạo) thì phải mổ lấy thai.
 
Nếu nhân xơ tử cung ở thân và thai thuận và thai không quá to thì có thể sinh ngả âm đạo được. Sau sanh, có nguy cơ băng huyết do nhân xơ tử cung. vì vậy, cháu nên được sinh tại các bệnh viên có phòng mổ và có điều kiện truyền máu.
 
Chào chị!

Tuyết Nhi, nữ, 16 tuổi:

Thưa bác sĩ, cháu năm nay 16 tuổi. Cháu mới sử dụng que thử và phát hiện 2 vạch. Cháu không thể có em bé bây giờ. Cháu nghe dân gian có cách bỏ thai là uống lá xoan hoặc lá rau ngót sống sẽ làm ra thai. Tuy nhiên cháu rất sợ. Bác sĩ có thể cho biết cách như trên phá thai có an toàn không?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung: Hiện nay trong phương pháp phá thai đã tìm ra cách phá thai bằng thuốc mà không cần nạo hút thai như trước kia. Em có thể tìm đến dịch vụ này tại các bệnh viện sản phụ khoa như Từ Dũ, Hùng Vương. Nơi đó em sẽ được tham vấn trước khi dùng thuốc. Đây là một phương pháp phá thai tương đối an toàn, ít tai biến.

Tuy nhiên, em mới 16 tuổi, quan hệ trong thời điểm này sẽ bất lợi về nhiều mặt, nhất là về phương diện sức khỏe sinh sản. Nếu em có quan hệ tình dục sớm có thể bị viêm nhiễm sinh dục. Từ đó ảnh hưởng đến vấn đề mang thai sau này, cũng như bây giờ em phá thai thì khả năng muốn có thai sau này có thể gặp khó khăn. Vì vậy, tốt nhất em không nên quan hệ tình dục khi còn ở tuổi vị thành niên.

Nếu có quan hệ phải sử dụng biện pháp tránh thai để bảo đảm an toàn cũng như không bị bệnh lây truyền qua đường tình dục như bao cao su. Sau lần phá thai này em nên áp dụng một biện pháp tránh thai có hiệu quả chắc chắn. Nếu không biết rõ về điều này em nên đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM để được tham vấn.

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung đang trả lời bạn đọc VietNamNet

Nguyễn Trí Phú, nam, 37 tuổi: Vợ tôi có thai 2 tháng (lần 2), hay bị nôn mửa, ăn uống kém, tôi đang rất lo vì gần đây hay có tai biến sản khoa. Xin BS cho tôi lời khuyên. Tôi xin cảm ơn.

PGS - TS - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Vợ bạn có thai 2 tháng, bị ói mửa, ăn uống kém là triệu chứng thai hành. Nếu tình trạng nhẹ thì khi thai được 12 tuần các triệu chứng này sẽ dần biến mất và sẽ ăn uống sinh hoạt trở lại bình thường. Nếu nặng thì phải đến bệnh viện Phụ sản để được chăm sóc và điều trị hợp lý. Đa số các trường hợp tai biến sản khoa đều có thể phòng ngừa được bằng cách nên đưa vợ đi khám thai theo lịch định kỳ để được hướng dẫn cụ thể. Trong thời gian khám thai bác sĩ có thể phát hiện sớm các bất thường của mẹ và thai nhi để xử trí kịp thời, tránh được những tai nạn xảy ra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như: Tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường thai kỳ...

Nguyễn Thanh Hương, nữ, 33 tuổi:

Kính gửi Bác sỹ. Cháu đang mang thai được 9 tuần. Tuy nhiên cháu có bị viêm xoang xuất tiết. Như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Cháu xin cảm ơn.

Chị không nói rõ là có thai lần 1 hay lần 2, nhưng thai đã được 9 tuần. Như vậy về cơ bản đã xong giai đoạn phân chia sắp xếp của thai, tất nhiên còn tiếp tục hoàn thiện tổ chức cho đến hết tuần 12 (nhất là hệ thống thần kinh có thể đến tuần tuần 15 hoặc muộn hơn).

Chị có thai 9 tuần, chị nói chị bị viêm xong hay bác sỹ chẩn đoán như vậy? Nếu bác sỹ tai mũi họng đã khám và chẩn đoán như vậy thì cần phải xem đó là xoang gì hay chỉ là viêm đường mũi họng trên?

Nếu viêm xoang, thầy thuốc còn phải thăm dò, chụp xoang, thậm chí nội soi xoang rồi mới chỉ ra nguyên nhân của cái viêm đó.

Hơn nữa, chị đã dùng thuốc gì chưa? Đặc biệt là kháng sinh hoặc những thuốc ảnh hưởng đến thai trước 9 tuần? Những thông tin này chưa được cụ thể. Nếu chị đã dùng thuốc đó rồi thì cứ bình tĩnh theo dõi thai đến tuần 12 hoặc đầu tuần 13 rồi đi siêu âm để kiểm tra (siêu âm 4D) để thấy được tình trạng phát triển của các cơ quan nội tạng trong cơ thể (thận, não thất, phổi, tim, vv…).

Vậy lời khuyên của tôi là: Nếu đúng là viêm xoang (do mình nghĩ vậy) thì nên đi khám bác sỹ tai mũi họng để được lời khuyên và xử trí hợp lý nhất cho bà mẹ mang thai. Theo tôi nếu trước 9 tuần mà chị chưa uống gì, không bị bệnh tật gì thì không có gì đáng sợ, cứ chờ đến 12 tuần thì đi siêu âm 4D.

Trần Thị Hồng Nhạn, nữ, 29 tuổi:

Kính thưa bác sĩ. Em năm nay 29 tuổi, đang mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng. Vì hình dáng em nhỏ bé, cao 1m50, nặng 43kg, khi mang thai bé đầu nặng đến 3,5kg và thai cao không tụt xuống dưới nên được chỉ định mổ. Em mổ cách đây đã 2,5 năm rồi. Bác sĩ cho em hỏi, khi sinh bé thứ 2 em nên chủ động mổ hay chờ chuyển dạ rồi bác sĩ quyết định ạ. Vì em nghe nói nếu có mổ cũng phải chờ có chuyển dạ mới mổ thì mới tốt cho em bé nhưng đã biết trước là sẽ mổ thì chờ chuyển dạ có sợ nguy cơ bị thuyên tắc ối không ạ. Em đọc báo thấy ghi là quá trình chuyển dạ tử cung co bóp mạnh đẩy nước ối vào tuần hoàn máu gây nên thuyên tắc ối. Em xin cảm ơn các bác sĩ nhiều ạ.

BS Thu Hà đang trả lời độc giả VietNamNet

BS Thu Hà: Chào em! Lần thứ nhất em mổ vì bất xứng đầu chậu (do thai to hoặc đầu cúi không tốt). Thời gian mổ lần trước đến nay đã trên hai năm nên vẫn có khả năng sinh ngả âm đạo được.
 
Tuy nhiên, em cao 1m50 nên được chụp kích quang chậu lúc thai 38 tuần, nếu khung chậu hẹp hoặc giiới hạn em có chỉ định mổ chủ động vì vết mổ cũ và khung chậu giới hạn hoặc hẹp. Nếu thai lần này ước tính lớn hơn hay bằng 3,6kg cũng được mổ lấy thai chủ động (vì vết mổ cũ và thai to). Nếu thai lần này ngôi mông sẽ có chỉ định mổ chủ động. Khi mổ chủ động nên thực hiện và vào lúc tuổi thai 39 tuần trở lên không nhất thiết phải chờ vào chuyển dạ. Nếu có mổ khi vào chuyển dạ cũng rất hiếm trường hợp xảy ra thuyên tắc ối.
 
Mổ chủ động khi chưa vào chuyển dạ, phẫu thuật viên phải nong cổ tử cung trong lúc mổ để tránh bế sản dịch ở giai đoạn hậu phẫu (có nguy cơ viêm nội mạc tử cung). Mổ khi vào chuyển dạ do cổ tử cung đã mở sẵn nên sản dịch thoát dễ dàng hơn.
 
Nếu khung chậu bình thường, thai thuận, ước tính cân nặng thai nhi không to thì em có thể được theo dõi sinh ngả âm đạo. Tuy nhiên, vì có vết mổ cũ, em nên đến các bệnh viện có phòng mổ để theo dõi sinh.
 
Chúc mẹ tròn con vuông!

Cao Thị Huệ, nữ, 23 tuổi:

Tôi đang mang thai lần đầu và thai đang được 27 tuần. Hiện tại thai đang phát triển bình thường, nhưng bàn chân của tôi đang bị phù nhẹ, tôi đang lo không biết đến lúc sinh có bị nhiều hơn nửa không? Và việc phù chân này có ảnh hưởng gì đến tôi và thai nhi không? Xin bác sĩ hướng dẫn tôi làm thế nào cho thai kỳ của tôi được khỏe mạnh đến giai đoạn sinh nở được an toàn. Chân thành cảm ơn!

PGS - TS - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trong khi mang thai cơ thể của thai phụ thường có hiện tượng giữ nước để làm tăng lượng tuần hoàn. Vì vậy vào khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ, thai phụ thường có triệu chứng bị phù. Ngoài ra do tử cung lớn có thể chèn ép sự tuần hoàn khiến máu lưu thông từ chân về tim khó khăn. Điều này cũng góp phần làm cho bị phù chi dưới. Đó là tình trạng phù sinh lý.

Tuy nhiên có những trường hợp phù bệnh lý. Trong những trường hợp này thai phụ thường có kèm thêm cao huyết áp, tiểu ra chất đạm (protein niệu) và không chỉ phù chân mà còn phù toàn thân. Đây là trường hợp bệnh lý nguy hiểm được gọi là tiền sản giật. Nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời thì bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng và nặng nhất là tiến tới sản giật. Đây là một tai biến sản khoa có thể gây tử vong cho mẹ và con.

Vì thế để có thể phòng ngừa phương pháp tốt nhất là bạn nên đi khám thai định kỳ để được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Trước mắt bạn tránh ăn nhiều chất có muối mặn, theo dõi cân nặng thường xuyên. Bình quân mỗi tháng chỉ nên tăng khoảng 2 kg cân nặng. Nếu tăng cân quá nhanh và phù nhiều thì phải đi khám thai ngay, không chờ đến đúng hẹn. Khám thai sẽ giúp cho bạn có một thai kỳ tiến triển thuận lợi và khi sinh bạn nên đến những cơ sở y tế có nữ hộ sinh hoặc bác sĩ đỡ đẻ để cuộc sinh nở được an toàn.

Vũ Thị Thu Hiền, nữ, 29 tuổi:

Thưa bác sĩ, tôi mang thai được 29 tuần, nhưng bị sâu răng hiện đang nhức rất nhiều, tôi muốn đi lấy tủy và trám lại, nhưng nghe một số người khuyên là trong thời gian mang thai không được điều trị răng vì sẽ ảnh hưởng đến em bé. Nhưng hiện tôi rất đau, tối không ngủ được. Vậy xin cho tôi lời khuyên. Cám ơn bác sĩ nhiều.

Thai đã 29 tuần, về cơ bản là một thai hoàn chỉnh (đầy đủ các bộ phận nội tạng trong cơ thể từ não đến tứ chi và các cơ quan).

Chị bị đau răng, chị cần nói rõ đau răng nào? Nếu chỉ là răng cửa răng nanh, không phải hệ thống răng hàm, răng đó đang lung lay, sâu hỏng, thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt và chị sẽ được bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt tư vấn, giải thích để giải quyết cái răng đó. Bao giờ người thầy thuốc cũng chọn phương án tối ưu, can thiệp ít xâm lấn cho cơ thể người mẹ đang mang thai. Vì nhổ răng cũng có nguy cơ gây uốn ván, chảy máu. Nếu bà mẹ chưa kiểm tra đông máu, chưa tiêm phòng uốn ván thì nguy cơ vẫn có thể xảy ra. Vì thế, chị cần đến bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt ở những nơi được tin cậy (khoa răng hàm mặt của các bệnh viện).

Chị không nên tự mình hoặc chỉ nghe lời bàn của vài người không phải bác sỹ răng hàm mặt mà để lại cái răng đó, chịu đau đớn, không ăn được, gây ảnh hưởng đến cơ thể người mẹ và cả thai nhi. Tốt nhất vẫn đi khám bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt.

Nếu rơi vào răng hàm, khi can thiệp, bác sỹ sẽ rất cẩn trọng. đôi khi người ta phải bảo tồn việc điều trị sang giai đoạn sau khi sinh để đảm bảo an toàn, hoặc người ta sẽ điều trị những cái cơ bản để hết đau và tư vấn chế độ ăn thích hợp nếu còn bảo tồn răng.

Nguyễn Thị Chi, nữ, 29 tuổi:

Kính gửi các bác sĩ, em có một câu hỏi muốn hỏi các bác sĩ: năm nay em 29 tuổi, tháng 1/2011 em sinh cháu đầu bằng phương pháp mổ sinh (lí do: chuẩn đoán huyết áp cao, có hiện tượng cạn ối, suy thai), khi bé đầu được 11 tháng tuổi em có thai cháu thứ 2, ban đầu em cũng rất lo lắng, nhưng đi khám và nghe tư vấn thì các bác sĩ đều nói không có vấn đề gì vì vậy em quyết định sinh cháu. Hiện thai đang ở tháng thứ 7 (dự kiến sinh khoảng 10/9/2012), đi siêu âm thì kết quả mẹ và bé vẫn bình thường, sức khỏe của em tương đối tốt. Vậy bác sĩ cho em hỏi, trường hợp của em có phải lưu ý gì để tránh những tai biến không đáng có khi sinh không? Em chân thành cảm ơn!

BS Thu Hà:

Chào em!

 
Sau sinh mổ 11 tháng em có thai lại là hơi sớm. Dự sinh thai kỳ này là 10/9/2012, lúc đó vết mổ của em còn mới nên em có chỉ định mổ lấy thai chủ động. Thông thường, sẽ mổ chủ động khi thai được 38 tuần tuổi trở lên hoặc sẽ được mổ khi vào chuyển dạ (nếu tuổi thai dưới 38 tuần).
 
Thai của em hiện tại ở tháng thứ 7, sức khỏe của mẹ và bé tốt, em cần dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ, theo dõi khám thai định kỳ. Không nên hoạt động mạnh và lưu ý dấu hiệu đau vết mổ cũ nếu có đau bụng hoặc ra huyết phải đến bác sĩ khám ngay.

Hạ, nữ, 28 tuổi:

Thưa PGS- bác sĩ Vũ Thị Nhung,hiện tại tôi đang mang thai 32-33 tuần, khám thai ở bệnh viện PSQT.Nhưng tôi muốn sinh tại bv Hùng Vương.Vậy, khi vào nhập sanh, tôi phải làm thủ tục gì ? các kết quả khám thai (xét nghiệm, siêu âm..) ở bệnh viện khác có được chấp nhận hay không? Trân trọng cảm ơn

PSG  - TS - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trong thời gian mang thai, các thai phụ có thể đi khám thai ở những nơi thuận tiện, chát lượng khám thai tốt. Khi đi sinh có thể đến Bệnh viện Hùng Vương đăng ký sinh tại đây. Hầu hết những xét nghiệm đã được thực hiện ở nơi khác đều được chấp nhận mà không phải làm lại. Tuy nhiên, có một só loại xét nghiệm quan trọng mang tính pháp lý.

Ví dụ: Nhóm máu, Yếu tố Rhesus thì phải làm lại và bổ sung một số xét nghiệm chưa thực hiện liên quan đến vấn đề đông máu để bảo đảm khi sinh nếu có băng huyết bác sĩ có thể cho truyền máu hoặc điều trị bảo đảm an toàn khi sử dụng đến máu và các chế phẩm của máu.

Trương Thị Mỹ, nữ, 30 tuổi:

Chị tôi mang bầu được 32 tuần nhưng chân bị phù từ lúc được 18 tuần đến nay, xét nghiệm nước tiểu có thừa abumin. Xin bác sĩ cho biết bị phù như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé không ? Cách điều trị như thế nào?
 
BS Thu Hà:

Chào bạn. Chị bạn có thai 32 tuần nhưng bị phù chân từ 18 tuần đến nay kèm theo nước tiểu có albumin là bất thường. Nếu huyết áp của chị bạn cao (lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg) là tiền sản giật. Trong trường hợp này cần phải nghỉ ngơi, tránh ăn mặn, nên ăn nhiều trái cây tươi, rau, thịt, cá, trứng, sữa và nên uống nhiều nước. Cần theo dõi huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp quá cao (lớn hơn hoặc bằng 160/100mmHg thì cần phải nhập viện điều trị.

 
Nếu là tiền sản giật, chị bạn cần theo dõi sát những dấu hiệu: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiểu ít, đau thượng vị. Đó là những dấu hiệu tiền sản giật nặng có nguy cơ dẫn đến sản giật. Khi sản giật xảy ra thì nguy cơ cho mẹ và con rất cao.
 
Nếu huyết áp của chị bạn bình thường, sự xuất hiện albumin trong nước tiểu nghĩ nhiều đến tình trạng bệnh lý thận. Chị em cần được khám và làm những xét nghiệm cần thiết để đánh giá sức khỏe.

Thái Thị Kim Thuỳ, nữ, 31 tuổi:

Chị tôi mang thai 8 tháng, sau nhiều vụ rủi ro cho mẹ và con vừa qua, chị tôi quyết định: khi nào bác sĩ tư (mà chị đang theo khám thai) thông báo thai ổn định sẽ mổ lấy con chứ không để sinh thường. Xin hỏi bác sĩ như thế có tránh được rủi ro cho mẹ và con không? Xin cám ơn bác sĩ.

PGS - TS - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Người ta thường lầm tưởng Mổ lấy thai (MLT) là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh ở các trường hợp MLT cao hơn so với các trường hợp sanh thường. Tỷ lệ tử vong mẹ tăng gấp 4 lần nếu MLT so với sanh thường, ngay cả mổ chủ động tỷ lệ tử vong mẹ tăng 2,84 lần.

Nguyên nhân của những nguy cơ của MLT là do tai biến gây tê mê, do chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương đường tiết niệu, do thuyên tắc mạch. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con – nhất là nếu thời gian giữa 2 lần mang thai quá gần (vết mổ mới).

Tai biến xa còn phải kể đến bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột. Còn một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là so với trường hợp sanh thường, thời gian nằm viện của sản phu MLT sẽ dài hơn, tốn kém nhiều hơn, đau đớn hơn, sự chăm sóc và cho con bú cũng bị ảnh hưởng.…

Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi có chỉ định MLT để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.Trong khi chuyển dạ, do đau đớn nhiều, sản phụ thường muốn mổ để cuộc sanh chóng chấm dứt. Tuy nhiên, ngày nay, với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, giảm đau sản khoa có thể khắc phục được những cơn đau đẻ, giúp bà mẹ bình tĩnh chờ đợi sự ra đời của đứa con một cách tự nhiên nếu không có trở ngại gì khác.

Nguyễn Thu Trang, nữ, 26 tuổi:

Em đi siêu âm thai tuần thứ 29, bác sĩ nói em bé nặng 1,1 kg ở mức trung bình. Nước ối nhiều hơn mức bình thường. Một tháng sau kiểm tra lại xem nước ối có nhiều hơn nữa không. Em muốn hỏi nước ối nhiều quá có ảnh hưởng gì đến thai nhi và lúc sinh con?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Ở tuần lễ 29 em bé nặng 1,1 kg là bình thường. Nước ối nhiều hơn bình thường không có gì đáng ngại. Nhưng lượng nước ối từ 2000 ml trở lên thì gọi là đa ối. Trong một số trường hợp đa ối có liên quan đến dị tật bẩm sinh của thai nhi. Ví dụ: Nghẹt thực quản, thoát vị màng não...Nếu đa ối càng xảy ra sớm thì càng có liên quan đến các bất thường này.

Trong trường hợp đa ối người ta sẽ cố gắng tìm những bất thường thai nhi bằng siêu âm hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ). Đối với những trường hợp đa ối không liên quan đến dị tật thai thì lượng nước ối nhiều có thể làm tử cung căng to. Do đó sau khi sinh tử cung dễ bị đờ dẫn đến băng huyết sau sinh. Vì thế đây là trường hợp thai kỳ có nguy cơ cần phải được chăm sóc ở những bệnh viện có đủ phương tiện cấp cứu hoặc phẫu thuật khi cần.

Việt, nữ, 29 tuổi:

Thưa BS, trong giai đoạn thai kì, mình cần xét nghiệm vào những thời gian nào. Em mang thai được 18.5 tuần mà tăng khoảng 7kg thì có gọi là tăng nhiều không ạ? Nếu mỗi ngày uống một trái dừa thì có tốt cho em bé không ạ? Cảm ơn BS nhiều ạ

Bạn 29 tuổi nhưng không nói rõ con so hay con dạ. Cho nên, việc có thai lần đầu mà đã 18,5 tuần tức là thai của bạn đã hơn 4 tháng. Nếu chưa làm xét nghiệm gì thì cũng nên đi khám thai (khám thai đảm bảo chất lượng, đủ 9 bước, trong đó cần có xét nghiệm cần thiết như: Thấy chị chảy máu răng hoặc ngứa trên người, vv… thì thầy thuốc cần cho làm x ét nghiệm).

Thai qua 3 tháng đầu vẫn làm được các xét nghiệm cơ bản như: máu (số lượng hồng cầu, có viêm nhiễm gì không, bạch cầu, huyết sắc tố, ….). Ngoài ra nên làm siêu âm 4D để khẳng định lại sự phát triển nội tạng của thai xem có gì khiếm khuyết không.

Ví dụ: Ở tuổi thai của bạn có thể phát hiện rất rõ não thất phân chia không tốt hoặc cấu trúc không bình thường, tim không đủ 4 buồng, có những lỗ không được lấp kín, thai có đủ 2 quả thận không, đài bể thận có giãn không,  tứ chi có bình thường không, vv…

Nếu thầy thuốc khi làm những xét nghiệm này mà nghi ngờ có vấn đề gì đó thì vẫn có thể cho làm xét nghiệm sàng lọc. Với quan điểm của chúng ta hiện nay, với thai dưới 20 tuần, nếu có sàng lọc và phát hiện nguy cơ cao thì vẫn có thể đình chỉ thai nghén. 

Như vậy tuổi thai này bạn cần đi khám ở bác sỹ sản khoa, cần siêu âm, xét nghiệm, …

Về hướng dẫn chung, khám thai 1 tháng 1 lần thì quá tốt. Nhưng theo quy định hiện nay, ít nhất trong suốt thai kỳ (38-41 tuần) thì phải có 3 lần khám thai (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối). Ở các nước phát triển, khám thai càng nhiều càng tốt.

Nếu uống nước dừa cũng tốt thôi, nhưng chỉ cần uống khi có sự tư vấn của thầy thuốc. Không nên lạm dụng uống nước dừa nhiều. Còn lại chỉ uống nước bình thường (2-2,5 lít/ngày) gồm nước uống, canh ăn, sữa, hoa quả, …

Thai được 18,5 tuần mà tăng 7kg, bình quân mỗi tuần thai phụ tăng từ 350 đến 500g là vừa phải (với 3 tháng giữa, tức 3 tháng giữa tăng khoảng 4-5 kg. Tháng đầu tăng khoảng 1kg nữa). Như vậy trường hợp của bạn tăng hơi nhanh một chút và cần phải đến bác sỹ khám. Tuy nhiên, có những trường hợp phải tăng cân bù vì có bà mẹ 40kg đã mang thai thì thai nghén có nguy cơ cao. Nên kiểm tra chế độ ăn và thử đường máu tại các trung tâm sản khoa để được tư vấn.

Bùi Mạnh Cường , Nam - 32 Tuổi:

Vợ tôi mang thai được 35 tuần thì phát hiện bị giảm tiểu cầu (tiều cầu còn 3 g/l). Sau 2 tuần điều trị bằng thuốc SOLU MEDROL và truyền tiểu cầu thì sinh (Mổ sinh). Bác sỹ cho tôi hỏi vợ tôi có thể sinh con thứ 2 không? Cảm ơn bác sỹ.





Bình thường tiểu cầu từ 200-300 nghìn tiểu cầu là bình thường. Người thấp là dưới 150 ngàn trong một thể tích máu.

Với lại, tại sao vợ bạn phải mổ sau 2 tuần điều trị? Vì đã giảm tiểu cầu thì coi chừng chảy máu. Lý do chỉ định mổ là gì? Con được mấy kg? Mổ ở bệnh viện nào? Khi mổ vợ bạn có chảy máu không. Cần biết rõ thông tin này tôi mới tư vấn được.

LÊ THỊ LUẬN , Nữ - 32 Tuổi:

Em năm nay 32 tuổi, đã có 1 bé gái (sinh mổ năm 2007, do chèn ép rốn). Hiện nay em đang mang thai được 6 tuần. Xin hỏi BS, em cần làm các xét nghiệm hay thử máu, nước tiểu gì không, xét nghiệm Douw khi nào. Lần mang thai trước em bi tiểu đường trong thai kỳ, vậy lần này em có bị không ạ, làm sao đề phòng? Xin BS tư vấn giúp em chế độ ăn uống,... để đảm bảo sức khỏe cho việc sinh em bé. Xin cảm ơn và chúc các BS nhiều sức khỏe.

BS Thu Hà: Chào em. Hoan nghênh em đã quan tâm đến vấn đề sức khỏe mẹ và bé.

Hiện tại thai em 6 tuần tuổi thường chưa quan sát thấy tim thai. Do vậy, em cần khám lại sau 1 đến 2 tuần để xác định tim thai. Khi có tim thai, em được làm các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe bản thân: tổng phân tích tế bào máu, đường huyết khi đói, tổng phân tích nước tiểu, nhóm máu, yếu tố rhesus, các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như giang mai, HIV, viêm gan B.

Khi thai được 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày tuổi sẽ được đo độ mờ gáy kết hợp với xét nghiệm Double test (PAPP -A và Free Beta hCG) để sàng lọc nguy cơ hội chứng Down, trisomy 13, trisomy 18.

Lần trước em bị tiểu đường thai kỳ, lần mang thai này nguy cơ tiểu đường thai kỳ còn tăng hơn nữa. Nếu đường huyết khi đói ở lần xét nghiệm đầu tiên trong giới hạn bình thường, em sẽ được làm test dung nạp đường vào tuần lễ thứ 24 - 28 của thai kỳ, có thể nhắc lại một lần nữa vào tuần thứ 32 của thai kỳ. Tùy vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ có hướng xử trí cụ thể.

Em không nên ăn ngọt nhiều, hạn chế các thức ăn như chè, nước ngọt, bánh kẹo và các loại trái cây ngọt như nhãn, sầu riêng, xoài chín. Em nên ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, nên ăn nhiều rau trái cây ít ngọt, nên vận động nhiều như đi bộ, bơi lội. Chúc em và bé khỏe.

Lê Thị Thủy , Nữ - 26 Tuổi:

Thưa bác sĩ: em mang thai được có 6 tháng, nhưng em phải siêu âm thai tới 9 lần. Như vậy có ảnh hưởng gì tới em bé và mẹ không ạ?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trong một thai kỳ chỉ cần siêu âm vào những thời điểm sau đây:

Khoảng 6 - 7 tuần để xác định tuổi thai, tình trạng phát triển của thai trong hay ngoài tử cung, bình thường hay bất thường. Khoảng 11 đến 13 tuần siêu âm đo độ mờ da gáy để phát hiện dị tật bẩm sinh thai.Từ 20-22 tuần : siêu âm 4 chiều để khảo sát hình thái học thai nhi. Tuần 28 – 30 : siêu âm thai để tìm những dị tật tim thai, thận của thai nhi. Tuần 28-34 : Siêu âm Doppler màu nếu thai kỳ nguy cơ cao ( như mẹ có bệnh lý cao HA, tim, tiền sản giật), thai chậm tăng trưởng, thiểu ối, đa ối…Siêu âm lần cuối trước dự sanh 1 tuần.

Như vậy cả thai kỳ chỉ nên siêu âm khoảng 6 lần, trừ khi thai nhi có bất thường thì số lần có thể nhiều hơn. Tránh mỗi lần đi khám thai là 1 lần siêu âm. Nhất là đối với những loại siêu âm 3, 4 chiều, sóng siêu âm tần số cao sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Lê Thị Thủy , Nữ - 26 Tuổi :

Thưa bác sĩ: em mang thai được có 6 tháng, nhưng em phải siêu âm thai tới 9 lần. Như vậy có ảnh hưởng gì tới em bé và mẹ không ạ?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trong một thai kỳ chỉ cần siêu âm vào những thời điểm sau đây:

Khoảng 6 - 7 tuần để xác định tuổi thai, tình trạng phát triển của thai trong hay ngoài tử cung, bình thường hay bất thường. Khoảng 11 đến 13 tuần siêu âm đo độ mờ da gáy để phát hiện dị tật bẩm sinh thai.Từ 20-22 tuần : siêu âm 4 chiều để khảo sát hình thái học thai nhi. Tuần 28 – 30 : siêu âm thai để tìm những dị tật tim thai, thận của thai nhi.  Tuần 28-34 : Siêu âm Doppler màu nếu thai kỳ nguy cơ cao ( như mẹ có bệnh lý cao HA, tim, tiền sản giật), thai chậm tăng trưởng, thiểu ối, đa ối…Siêu âm lần cuối trước dự sanh 1 tuần.

Như vậy cả thai kỳ chỉ nên siêu âm khoảng 6 lần, trừ khi thai nhi có bất thường thì số lần có thể nhiều hơn. Tránh mỗi lần đi khám thai là 1 lần siêu âm. Nhất là đối với những loại siêu âm 3, 4 chiều, sóng siêu âm tần số cao sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Nguyễn Thị Nhã, nữ, 27 tuổi:

Thưa bác sỹ Vĩ. Em đang mang bầu ở tuần thứ 36 tuần 3 ngày, dự kiến ngày sinh là 11/7. Em bị rau tiền đạo, và xét nghiệm nước tiểu có chứa protein nhưng huyết ap bình thường nên bác sĩ không cho uống thuốc gì. Em rất lo và không biết nên sinh mổ thời điểm nào thì hợp lý. Hiện con em chỉ được 2.6 kg. Bác sĩ cho em lời khuyên ạ.

Trước tiên mừng cho chị, vì thai đã được 2,6kg. Chị lại sắp bước vào tuần thai thứ 38, nghĩa là nếu có sinh cũng đủ tháng, không đáng sợ. Nước tiểu có protein thì cái vết đó được đánh dấu mấy dấu cộng? Bác sỹ có ghi chú cụ thể lượng protein không? Vì có thể chị lấy nước tiểu không đúng cách nên kết quả bị lệch. Ngoài ra, chị cần xem xem người ta có định lượng nước tiểu đặc không, đục không, mấy g/l? Chị lại có huyết áp bình thường nên có thể không có tiền sản giật.

Nhưng có triệu chứng đáng sợ là rau tiền đạo. Nhưng cháu lại không nói rau tiền đạo thể gì? Nếu rau tiền đạo trung tâm thì nhất định phải mổ, rau bám bán trung tâm cũng phải mổ bởi nguy cơ. chảy máu rất cao. Mà đã chảy máu rau tiền đạo thì nhiều khi ảnh hưởng đến tử cung. Vì thế, trong trường hợp này, người ta phải mổ. Còn nếu rau của cháu bám thấp, bám bên thì không sao, đến khi chuyển dạ sẽ theo dõi xem có ra máu không, kết hợp với yếu tố theo dõi tim thai để quyết định đẻ mổ hay đẻ thường.

Nhưng rõ ràng không nên đi xa, vận động mạnh (kể cả quan hệ vợ chồng cũng nên kiêng) và nên khám thai hàng tuần.

Phạm THị Hiền, nữ, 29 tuổi:

Cháu bị huyết áp thấp, khoảng(80 - 90), lại thêm bị bướu cổ, uống thuốc tây rất nhiều. Bây giờ cháu muốn sinh thêm bé thứ hai nhưng cũng có nhiều lo ngại. Cháu muốn hỏi Bác sỹ trường hợp của cháu nên có kế hoạch mang bầu, chăm sóc sức khỏe thế nào để khi sinh mẹ tròn con vuông? Cháu xin chân thành cảm ơn Bác sỹ.

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Huyết áp khoảng 80 - 90 nhưng nếu vẫn sinh hoạt bình thường thì không có gì đáng lo ngại. Vì khi mang thai do tình trạng giữ nước, tăng lượng tuần hoàn trong cơ thể của thai phụ nên áp huyết sẽ có khuynh hướng tăng. nếu bạn có bệnh bướu cổ thì cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa về nội tiết để được chẩn đoán xác định là bướu cổ đơn thuần hay cường giáp.

Nếu chỉ là bướu cổ đơn thuần thì sự mang thai sẽ ít gặp trở ngại, nhưng nếu là cường giáp thì phải được theo dõi và điều trị đến khi ổn định mới được có thai. Vì trong khi chữa cường giáp thai phụ phải dùng những loại thuốc đặc trị có ảnh hưởng đến thai. Khi đã có thai thì phải được theo dõi theo chỉ định của bác sĩ sản khoa kết hợp với bác sĩ nội khoa đẻ tránh tai biến cơn bão giáp khi sinh.

Hương, nữ, 26 tuổi:

Em đang mai thai ở tuần thứ 33 (thai đôi). Hiện tại thai nhi phát triển bình thường và đã quay đầu xuống dưới. Vì mang thai lần đầu nên em ko biết nên sinh thường hay sinh mổ. Mong bác sĩ tư vấn cho em nên sinh thường hay sinh mổ để ít gặp rủi ro nhất.

BS Thu Hà: Chào bạn.
 
Thai đôi hay song thai là thai kỳ nguy cơ cao, cuộc sinh đẻ sẽ khó khăn.
 
Bạn có thể sinh ngả âm đạo được nếu: thai thứ nhất là ngôi đầu, ước tính cân nặng mỗi thai dưới 3kg, hai túi ối độc lập, khung chậu người mẹ bình thường và cuộc chuyển dạ diễn ra thuận lợi.
 
Nếu cân nặng ước tính mỗi thai nhi từ 3kg trở lên, ngôi thứ nhất là ngôi mông hoặc ngôi ngang, có một túi ối chung, khung chậu giới hạn hẹp, ối vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài,..thì sẽ mổ lấy thai.
 
Hiện tại, thai bạn ở tuần thứ 33 của thai kỳ và thai thứ nhất đã xoay đầu nên vẫn có cơ hội sinh ngả âm đạo nếu đáp ứng đủ điều kiện trên.
 
Sinh song thai vì tử cung to hơn so với một thai nên có nguy cơ băng huyết sau sinh (cho dù sinh thường hay sinh mổ), bạn cần đến bệnh viện có phòng mổ và điều kiện truyền máu để cuộc sinh được an toàn.
 
Thân ái chào bạn.

Đào Thị Mai, nữ. 26 tuổi:

Thưa bác sĩ. em có câu hỏi mong bác sĩ tư vấn giúp em! Năm nay em 26 tuổi,hiện e đang sống tại Hà Nội. em mang thai bé đầu được 26 tuần tuổi.em đi khám ở nhiều bệnh viện chuyên khoa và được bác sĩ kết luận e bị "rau tiền đạo trung tâm". Gia đình muốn e vê BVPS Thanh Hóa sinh. nhưng e được biết tình trạng của e khi sinh sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Hiện nay em rất băn khoăn nên em mong được các bác sĩ tư vấn giúp là e nên ở lại Hà Nội sinh hay về Thanh Hóa? Và em cũng mong các bác sĩ nói rõ hơn cho em được biết về trường hợp rau tiền đạo trung tâm, cách để hạn chế tối đa những rủi do có thể xảy ra trước và trong khi sinh. Em xin chân thành cảm ơn!

Cháu 26 tuổi, thai 26 tuần, bị rau tiền đạo trung tâm. Nhưng bác cần hỏi hiện nay cháu có bị ra máu không? Nếu bị ra máu hàng ngày thì cần phải cẩn thận, phải nằm nghỉ ngay.

Hiện cháu được 26 tuần, cần được quản lý thai nghén tại các bệnh viện chuyên khoa sản hoặc khoa sản bệnh viện tỉnh, hoặc các trung tâm sản khoa lớn (có điều kiện phẫu thuật, cấp cứu tốt). Cháu cần điều trị dự phòng cho thai nghén có nguy cơ đẻ non.

Nếu gia đình ở gần BV phụ sản Thanh Hóa có thể được theo dõi bằng cách lập hồ sơ quản lý thai tại bệnh viện cũng như ở bệnh viện phụ sản TW hiện nay. Đồng thời việc khám thai cần phải được thường xuyên hơn. Khi cháu thấy có những dấu hiệu như ra nhầy hồng hay ra máu hoặc thấy thai cử động ít đi (dưới 10 lần trong một ngày) thì cần phải đi khám ngay. Tốt nhất là được nằm tĩnh tại, nghỉ ngơi và có sự theo dõi của gia đình cũng như khoa sản của BV tỉnh.

Phương Lê, nữ, 26 tuổi:

Em chậm kinh được 5 ngày rồi, thử que lên 2 vạch nhưng đi siêu âm vẫn chưa thấy túi thai và niêm mạc tử cung là 17mm. Hiện tại em đã uống ngày 2 cốc sữa anmum và 1 viên sprenatal. Nhưng vẫn phân vân là liệu em đã có thai chưa và uống sữa và thuốc sớm như thế có tốt không ạ? Em xin cảm ơn các bác sĩ.


PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Nếu mới chậm kinh 5 ngày thử que lên 2 vạch là đã có thai. Tuy nhiên do thai còn ở giai đoạn sớm nên siêu âm chỉ có thể thấy nội mạc tử cung dày mà chưa thấy túi thai và phôi thai. Vì lý do đó không nên đi siêu âm khi vừa mới trễ kinh một vài tuần. Bạn phải chờ đến khi thai được 6 đến 7 tuần thì siêu âm mới phát hiện được hình ảnh túi thai và phôi thai, tim thai.  Lúc đó mới có thể khẳng định được thai phát triển bình thường hay không. Vấn đề uống sữa hay uống thuốc bổ thì tốt cho thai nhi.

Huyền Trang, nữ, 26 tuổi:

Kính chào các bác sĩ! Em hiện đang mang thai 31 tuần, ở Biên Hòa. Việc thăm khám thai định kỳ được thực hiện ở BV Đồng Nai. Các mốc khám thai, thử máu, xét nghiệm và siêu âm quan trọng 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần sắp tới em đều thực hiện ở BV Từ Dũ. Hiện em và em bé khỏe mạnh, thai 30 tuần được 1.5kg. Nhưng có điều em lo lắng về cuộc vượt cạn sắp tới. Do cơ địa em lúc chưa mang thai khá yếu, nên em muốn sanh bằng biện pháp đẻ không đau (Ở BV Đồng Nai và Từ Dũ đều có hỗ trợ đẻ bằng pp này) nhưng nếu sanh ở Từ Dũ thì hơi xa, lại bất tiện cho người thân chăm sóc. Xin các bác sĩ tư vấn giúp, em có nên sanh ở Đồng Nai không ạ? Gần đây các ca tai biến sản phụ ở BV huyện, tỉnh khiến em rất hoang mang. E xin cảm ơn!

BS Thu Hà:

Chào em.

 
Hoan nghênh em đã khám thai và làm các xét nghiệm đầy đủ.  Khi sinh đẻ việc chọn lựa nơi sinh là điều quan trọng. Em ở Đồng Nai, sức khỏe của em và bé đều tốt thì có thể sinh tại bệnh viện Đồng Nai để thuận tiện cho việc chăm sóc của gia đình. Khoa sản của bệnh viện tỉnh Đồng Nai là nơi có chuyên môn khá cao, em có thể yên tâm để đến sinh tại bệnh viện tỉnh nhà.
 
Chúc em vượt cạn thành công.

Nguyễn Thuỷ Tiên, nữ, 27 tuổi:

Thai của tôi được 29 tuần, đi khám ở phòng khám 56 Hai Bà Trưng, bác sĩ bảo bị dư ối, góc sâu nhất 72mm và yêu cầu xét nghệm dung nạp đường.Kquar xét nghiệm bt, tôi k bị tiểu đường thai kì, bác sĩ kê cho uống kháng sinh Bactol 100Dt, tôi muốn hỏi liệu uống thuốc kháng sinh này có ảnh hưởng gì đến con tôi không, và với tình trạng dư ối của tôi, tôi phải làm thế nào, nhiều người mách tôi uống nước râu ngô có đúng không?

Chị 27 tuổi, con so hay con dạ? Chỉ số nước ối phải đo 4 góc. Chỗ sâu nhất của chị 72mm thì hơi nhiều một tí, gọi là dư. Nhưng chị không cho tôi chỉ số của cả 4 góc (trên 100 thì đa ối, dưới 100 thì dư ối).

Nếu bác sỹ đã dùng kháng sinh này cho chị thì có nghĩa là nó được dùng cho phụ nữ có thai, hơn nữa tuổi thai của chị là 29 tuần, không còn nhiều nguy cơ khi sử dụng kháng sinh.

Đã dư ối, tôi không biết ai khuyên chị uống nước râu ngô (để lợi tiểu), nhưng tôi cho rằng cái đó có lẽ cũng được nhưng không nên lạm dụng. Bạn nên theo dõi 2 tuần/lần để bác sĩ đo chỉ số nước ối. Ngoài ra, bạn nên nhớ nhiều khi chưa hẳn đã là dư ối hay đa ối, nếu thai nhi uống nước uống hoặc đái ra thì lượng nước ối sẽ thay đổi.

Tran Van Tuan, nam, 29 tuổi:

1/ thử máu mẹ để phát hiện dị tật thai nhi( sàng lọc trước sinh) tốt nhất là vào thời gian nào? 2/ Con em đã có kết quả test hội chứng down với tỉ lệ: 1/243 - ở thời điểm 19 tuần 3 ngày, vậy cho e hỏi, tỉ lệ đó tương ứng tuần tuổi như thế có bất thường và nguy cơ thế nào. Trân trọng cảm ơn!

Làm sàng lọc từ tuổi thai 11-14 tuần, đôi khi vì thai phụ đến muộn nên có thể làm muộn hơn (15-17 tuần), lại có trường hợp làm lúc 8 tuần do có nguy cơ (được bác sỹ chỉ định).

Phiếu xét nghiệm hội chứng down đó cháu làm ở bệnh viện nào? Người ta kết luận ra sao? Còn đúng là 1/234 thì nguy cơ hơi cao. Bạn lại làm vào thời điểm 19 tuần 3 ngày thì hơi muộn. Tôi hỏi bạn: Thời điểm 12-13 tuần bạn đã đo độ dày của khoảng sau gáy chưa? Nếu đã 3mm (khoảng sau gáy là 3mm trở lên) thì khả năng hội chứng down là gần như 100%, còn dưới 2 mm là yên tâm, dưới 3mm thì cần phải theo dõi thêm và làm các xét nghiệm khác.

Nguyễn Thị Nga, nữ, 25 tuổi:

Thưa bác sĩ Vũ Thị Nhung, tôi sinh mổ cách đây 2 năm. Tôi phát hiện mình vừa mang thai được 12 tuần. Con đầu lòng của tôi là con gái. Lần mang thai này lại là con trai. Gia đình và bản thân tôi rất muốn giữ lại cái thai này. Xin bác sĩ cho biết như vậy có an toàn không? Tôi muốn giữ thai lại có được không?

PGS - TS - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Nếu sau khi sinh mổ lần có thai sau phải cách lần trước từ 4 đến 5 năm để sẹo mổ lành tốt, tử cung được phục hồi tốt và người mẹ cũng có thời gian phục hồi sức khỏe của mình, chăm sóc tốt cho em bé. Nay bạn mới sinh mổ được 2 năm mà có thai thì hơi sớm. Tuy nhiên thai đã 12 tuần thì nên giữ lại. Điều quan trọng là bạn phải đi khám thai định kỳ và lưu ý đến vết mổ cũ, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ.

Vì tai biến đáng ngại của người có vết mổ lấy thai cũ là nứt tử cung khi có cơn gò, triệu chứng thường âm thầm, khó chẩn đoán. Trường hợp này có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con. Tuy nhiên, khi bạn có lưu tâm đến vấn đề này và nếu có những triệu chứng đau bụng âm ỉ bất thường ở vùng bụng dưới thì phải nhanh chóng đến bệnh viện ngay để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Hứa Hồng Hà, nữ, 28 tuổi:

Chọc ối kiểm tra khi thai bao nhiêu tuần tuổi là tốt nhất? Và nơi nào đáng tin cậy tại miền Bắc?

Nói chung chọc ối thì tỷ lệ tai biến rất thấp (dưới 5%) nhưng tuổi thai mà chọc ối tùy theo khi khám thai, người thầy thuốc sẽ có lời khuyên cụ thể với từng thai phụ, với từng tuổi thai, đa số từ 8 tuần trở lên đến 15 tuần.

Trừ trường hợp bạn đến khám muộn, siêu âm có nghi  ngờ bất thường thai khá rõ ràng, muốn tư vấn cho thai phụ để đình chỉ thai nghén thì thầy thuốc sẽ chọc ối vào tuổi thai lớn hơn (kể cả đến 20 tuần hoặc hơn, tuổi thai tối đa để chọc ối là 25 tuần). Còn kỹ thuật này phải đến những trung tâm sản khoa lớn. Ở miền Bắc hiện nay là Trung tâm chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản TW).

Trần Thị Quỳnh, nữ, 32 tuổi:

Thưa bác sĩ! Em mang thai đã 40 tuần rồi (con thứ hai, cháu lớn 3 tuổi) theo siêu âm ngay từ khi 12 tuần thì dự kiến sinh là vào ngày 14.6 (tức là ngày hôm qua), vậy mà em đi khám bác sĩ nói vẫn chưa có hiện tượng chuyển dạ, về nhà chờ. B.sĩ có cho đi siêu âm và kết luận thai nặng 3,6kg, nhau thai canxi độ I, ối>60. Vậy em về nhà chờ thì có sao không? Hay đề nghị sinh mổ để bắt con? Rất mong sớm có câu trả lời từ các bác sĩ.

Bác sỹ vẫn cho chị về nhà, nhưng chị không nói rõ bác sỹ kết luận tuổi thai con chị thế nào? 40 tuần là do bác sỹ nói hay do chị nhớ nhờ vào ngày kinh cuối?

Tuổi thai của chị mà là con dạ thì có thể được hết 41 tuần. Mổ sinh thì tùy thuộc xem lần trước chị đẻ con mấy cân, có mổ không?

Hoàng Thị Thu Hương, nữ, 27 tuổi:

Thưa bác sĩ Lê Thu Hà, cháu năm nay 27 tuổi và đã có 1 bé gái nhưng cháu phát hiện ra mình thuộc nhóm máu hiếm (nhóm máu A và RH (-)) khi sinh bé thứ nhất. Và gần đây cháu có đọc được trên một trang báo mạng viết là những người nhóm máu như cháu thì không nên sinh bé thứ 2 vì nếu sinh bé thứ 2 thì rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ. Bác sĩ cho cháu hỏi rằng thông tin đó có đúng không ạ? Cháu rất hoang mang! Cháu cám ơn bác sĩ.

BS Thu Hà:

Bạn Thu Hương thân mến!

 
Có lẽ lần mang thai trước bạn chưa được tiêm ngừa Anti - D để dự phòng bệnh lý tán huyết cho thai kỳ lần sau. Vì vậy, trước khi mang thai lần này chồng bạn nên xét nghiệm để xem có thuộc nhóm máu hiếm (Rh âm) hay không.
 
Nếu chồng bạn có Rh âm thì thai kỳ này không bị ảnh hưởng.
 
Nếu chồng bạn có Rh dương thì bé gái trước của bạn có thể mang yếu tố Rh dương (bạn có thể xét nghiệm Rh cho cháu). Khi đó, bạn cần được làm xét nghiệm  Coombs, nếu xét nghiệm Coombs gián tiếp dương tính thì bạn cần làm thêm xét nghiệm định danh kháng thể Anti - D.
 
Nếu bạn đã có Anti - D thì lần mang thai này, em bé có nguy cơ bị tán huyết. Khi đó, cần theo dõi sát thai kỳ, nếu nặng bé có thể bị phù thai, nếu nhẹ thì có thể sinh và thay máu sau sinh cho bé.
 
Nếu test Coombs gián tiếp âm tính hoặc chưa có Anti - D thì thai kỳ này không bị ảnh hưởng do sự bất đồng yếu tố Rh. Lúc này, bạn có thể được tiêm ngừa Anti - D immunoglobulin, nếu muốn có thai tiếp.
 
Bạn thuộc nhóm máu hiếm nên được chuẩn bị sẵn máu hiếm cùng nhóm trước ngày dự sinh khoảng 1 tuần. Vì khi sinh đẻ khó nói trước được có băng huyết hay không, nếu có băng huyết, phải truyền máu thì phải truyền máu cùng nhóm để tránh nguy cơ tán huyết về sau cho bạn.
 
Tóm lại, bạn có thể sinh tiếp bé thứ 2.
 
Thân ái chào bạn.

Trần Công Tuấn, nam, 34 tuổi:

Vợ tôi sinh con. Tôi thấy mấy đứa bé khác khi đưa cho nữ hộ sinh đem đi tắm đều phải kẹp tiền trong đồ em bé. Lo người ta làm vậy, mình không theo em bé sẽ không được chăm sóc tốt. Bác sĩ Nhung có thể cho biết nhìn nhận của bà về tình trạng này trong các bệnh viện hiện nay không? Theo bà sao lại có chuyện đó?

PGS - TS - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Theo quy định của bệnh viện:  Nhân viên y tế không được quyền vòi vĩnh hoặc nhận tiền của bệnh nhân. Trên thực tế bệnh nhân thường bảo nhau, cũng như suy nghĩ rằng phải có tiền mới được chăm sóc tốt nên họ "bí mật" đưa tiền cho nữ hộ sinh khi tắm bé, khi chích thuốc, thậm chí khi chuyển bệnh hoặc thay drap giường. Đây là việc làm tiếp tay để người cán bộ y tế vi phạm y đức, tập cho họ thói quen nhận tiền mới làm tốt. Hiện tượng này có xảy ra trong bệnh viện nhưng không công khai.

Nếu bị phát hiện ban giám đốc sẽ có biện pháp kỷ luật người làm sai. Vì lý do đó để không còn hiện tượng này xảy ra, tốt nhất bệnh nhân và thân nhân không nên lén lút đưa tiền như phương cách mà bạn đã nêu. Đó là cách tốt nhất để làm trong sạch môi trường bệnh viện. Trường hợp cán bộ y tế không phục vụ tốt vì không có tiền thì đề nghị bệnh nhân mạnh dạn phản ánh, góp ý cho ban giám đốc theo đường dây nóng của bệnh viện.

Pham Thi Thu Ha, nữ, 29 tuổi:

Cháu chào các bác sỹ. Cháu đã sinh 1 lần, bằng sinh mổ. Cháu muốn hỏi các bác sỹ: 1.Trong thời gian cháu mang thai (cháu ăn uống đầy đủ, kiểm tra sức khỏe định kỳ) chân tay cháu bị sưng mà người ta vẫn gọi là "xuống máu" ngay từ tháng thứ 6 của thai kỳ, đi kiểm tra thì huyết áp bình thường, lượng đường trong máu có cao hơn bình thường một chút còn các chỉ số khác cũng bình thường, đến ngày sinh thời gian cháu đau bụng thì huyết áp tăng cao, các bác sỹ cho cháu điều trị để hạ huyết áp nhưng gần 2 tiếng đồng hồ mà không giảm, do quá lâu, cháu có người nhà làm trong khoa sản đã yêu cầu cho cháu đi mổ sinh để đề phòng sản giật, trong khi mổ lúc gây tê và rạch thì cháu không thấy đau nhưng lúc lấy em bé ra cháu thấy đau và bác sỹ đã gây mê tạm thời cho cháu. Mổ xong thì chân tay cháu đều trở lại bình thường. Hai mẹ con an toàn. Nhưng hiện nay cháu thấy nhiều trường hợp rủi ro cho mẹ và bé nên cháu rất lo lắng cho lần mang thai thứ 2 (hiện tại cháu chưa mang thai lần 2). Cháu muốn được các bác sỹ tư vấn giúp cháu những điều cần thiết (chế độ ăn uống, kiểm tra thai định kỳ cũng như khi sinh thì sinh bằng biện pháp nào an toàn cho cháu). 2. Bé nhà cháu được 18 tháng, hiện nay cháu có dấu hiệu bị dị ứng (khi chuyển giao thời tiết, chưa có biểu hiện do ăn uống) đi khám các bác sỹ bảo cháu bé bị dị ứng cơ địa. Các bác sỹ cho cháu lời khuyên về chăm sóc cũng như ăn uống để chăm sóc con cháu được tốt hơn? 3. Di ứng có truyền từ mẹ sang con không? Vì cháu bị dị ứng khi ăn thức ăn không phù hợp (từ năm 25 tuổi cháu mới bị hiện tượng này)(trong lúc mang thai cháu cũng bị dị ứng 1 đến 2 lần). Khi sinh xong cháu bị thêm dị ứng thời tiết. Có biện pháp nào để phòng tránh hoặc có thuốc nào điều trị không ạ, để cháu phòng tránh khi mang thai lần 2. Cháu chân thành cảm ơn các bác sỹ.

TRước tiên, bác sỹ nào hay ở cơ sở sản khoa nào giải quyết trường hợp của cháu là hợp lý vì không được để tiền sản giật xảy ra. Vì cháu bị phù, huyết áp cao, nguy cơ tiền sản giật cao. Nếu con cháu trên 2,5kg thì thai đã đủ tiêu chuẩn. Còn việc theo dõi tiếp theo cho tương lai thì đầu tiên sau khi mổ ít nhất 18 tháng đến 24 tháng, cháu mới được thụ thai lại vì nguy cơ sẹo mổ cũ ở tử cung có thể nứt trong thời gian mang thai sau nếu có thai quá sớm. Lúc đó, nguy cơ rất cao với cả mẹ.

Trong trường hợp con cháu bị dị ứng cơ địa thì cần thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc theo lời khuyên và chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa nhi (từ thức ăn, quần áo, môi trường sống, thời tiết). Cũng rất có thể sau một vài thể, cháu lại thay đổi. Tôi cũng khuyên cháu nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa da liễu và miễn dịch dị ứng để được tư vấn và xử trí thực sự cần thiết cho cháu.

Có một số gen di truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia nhưng còn tùy thuộc vào việc nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ chăm sóc dinh dưỡng và sự phát triển cá thể của đứa trẻ sau khi đã sinh (được chăm sóc, nuôi dưỡng thế nào). Còn di truyền về dị ứng thì người ta thấy ít. Cháu cũng nên kiểm tra ở chuyên khoa miễn dịch dị ứng để xem nhóm máu của đứa bé và cháu và các yếu tố phụ của nhóm máu có liên quan.

TRƯƠNG THỊ PHÚC DIỄM, nữ, 29 tuổi:

Các trường hợp như thuyên tắc phổi, thuyên tắc nước ối, trong quá trình mang thai và khám thai định kỳ có phát hiện được hay không? Nên phòng ngừa các biến chứng trên như thế nào thưa bác sỹ?

BS Thu Hà:

Chào bạn.

 
Thuyên tắc phổi là tình trạng huyết khối (cục máu đông) làm tắc mạch phổi. Cục máu đông này từ những vùng đông máu trong lòng mạch do các bệnh lý như viêm tắc tĩnh mạch nông hoặc viêm tắc tĩnh mạch sâu. Các bệnh lý này thường xảy ra ở các bệnh nhân bị suy van tĩnh mạch (thường xảy ra ở chi dưới). Bệnh lý này có thể phát hiện được từ khi có thai hoặc trong khi mang thai. Bằng siêu âm Doppler mạch máu và các xét nghiệm chuyên sâu có thể phát hiện được nếu nghi ngờ. Các triệu chứng thường gặp là chân bị phù và đau. Để dự phòng cần khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Mang vớ chống giãn tĩnh mạch cũng là một biện pháp dự phòng. Với những trường hợp viêm tắc tĩnh mạch sâu nặng thường các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khuyên không nên mang thai vì dễ dẫn đến nguy cơ thuyên tắc phổi.
 
Thuyên tắc ối là tình trạng các chất có trong dịch ối như chất gây, lông, tóc, tế bào tróc ra của thai nhi chui vào tuần hoàn của mẹ khi ối vỡ với cơn gò tử cung mạnh. Các chất này làm tắc mạch phổi và gây ra tình trạng rối loạn đông máu nặng nề. Không thể chẩn đoán trước cũng như dự phòng tình trạng thuyên tắc ối. Khi thuyên tắc ối xảy ra, diễn tiến rất nhanh và dẫn đến tử vong cho cả mẹ lẫn con. Các nhân viên y tế chỉ có cách duy nhất tạm gọi là dự phòng đó là tia ối ngoài cơn gò để tránh áp lực cơn gò tống xuất các thành phần dịch ối vào tuần hoàn của mẹ. Tuy nhiên, đây là cách dự phòng không triệt để. Thuyên tắc ối hiện vẫn là nỗi kinh hoàng của các nhà sản khoa.

Phùng Thái Hà, nữ, 35 tuổi:

Tôi từng đi sinh con ở bệnh viện một lần và cảm giác khi ấy rất hoang mang. Khi tôi chuyển dạ được người ta chuyển vào phòng sanh. Tuy nhiên lúc đó họ để tôi nằm một mình và nói chờ tí bác sĩ đang tới. Thưa bác sĩ Nhung, lỡ lúc đó em bé lọt ra mà không có người đỡ thì sao? Vừa nằm trên bàn sinh, vừa rặn đẻ, tôi vừa lo nhỡ bé ra sớm mà bác sĩ chưa kịp đến. Bác sĩ Nhung cho hỏi đã có trường hợp nào em bé chào đời mà bác sĩ chưa tới kịp không? Quy định đối với y, bác sĩ trong quá trình chuyển dạ có phải túc trực cạnh sản phụ không?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trong phòng sinh đa số các trường hợp sinh thường do nữ hộ sinh phụ trách và nữ hộ sinh luôn có mặt tại phòng sanh. Bác sĩ chỉ có mặt để giải quyết những trường hợp sinh khó và mổ lấy thai trong trường hợp không thể sinh thường. Do đó vấn đề bé lọt ra mà không có người đỡ rất hiếm khi xảy ra. Vì luôn luôn sản phụ sẽ được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ kiểm tra độ mở cổ tử cung và độ lọt của thai nhi để tiên lượng thời gian xổ thai. Trường hợp cổ tử cung đã mở trọn, đầu thai nhi xuống thấp thì nữ hộ sinh luôn ở tư thế chuẩn bị đỡ đẻ. Khi bạn nằm trên bàn sinh một mình là lúc người nữ hộ sinh đã có tiên lượng về khả năng xổ thai nhanh hay chậm. Bạn cũng thông cảm một điều là một nữ hộ sinh phải chăm sóc từ 3 đến 5 sản phụ khác, nhất là ở những trung tâm sinh sản lớn, quá tải nên họ không thể túc trực cạnh một sản phụ từ đầu đến cuối, nhưng chắc chắn sẽ hiếm khi có tình trạng đẻ rớt như bạn đã lo lắng. Khi sắp sinh thì phản ứng của sản phụ thường rất dữ dội và đó là dấu hiệu cho người nữ hộ sinh hoặc bác sĩ có mặt để chuẩn bị đỡ đẻ và hướng dẫn cách sinh.

Nguyễn Thị Xuân Hà, nữ, 30 tuổi:

Trong thời kỳ mang thai, thì nên siêu âm bao nhiêu lần, thời điểm siêu âm là khi nào để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi cũng như bà mẹ? Thai nhi phát triển nhanh nhất là giai đoạn nào? Mong Bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn.

Khi người phụ nữ mang thai, người ta chỉ cần siêu âm lần đầu khi đã chậm kinh được 7-10 ngày. Khi đó siêu âm để xem túi thai đã vào tử cung chưa và loại bỏ được nguyên nhân chửa ngoài dạ con – một cấp cứu chảy máu chết người – và loại bỏ chửa trứng – bệnh lý về nguyên bào nuôi.

Vào tuần thứ 12 (hết 3 tháng đầu) thì siêu âm để đánh giá sự phát triển của thai trong 3 tháng đầu. Đến 3 tháng giữa (13-14 đến 24 tuần) nên siêu âm 1-2 lần để đánh giá sự phát triển của thai, phần phụ của thai (rau, ối, cuống rốn, … có bình thường hay không?) và có thái độ xử trí, can thiệp hợp lý nhất. Và thầy thuốc nếu thấy cần thiết thì có thể làm thêm siêu âm 4D để khẳng định một lần nữa vào tuần thứ 25-27.

Siêu âm vào 3 tháng cuối nhằm đánh giá sự phát triển của thai, rau, ối, tiên lượng về cuộc đẻ, hướng sản phụ nên quản lý thai và đẻ ở đâu cho hợp lý. Có những can thiệp cần thiết như phải vào viện nằm theo dõi thì thầy thuốc có thể siêu âm vài lần tiếp theo để theo dõi chuyển dạ và chất lượng của thai cũng như phương hướng giải quyết đẻ hay mổ.

Bích Hường, nữ, 35 tuổi:

Tôi mang thai gần được 3 tháng. Trong thời gian này, thỉnh thoảng tôi bị sổ mũi (nước mũi chảy, hắt hơi, người nóng nhẹ) do có tiền sử viêm mũi dị ứng và bị hen từ nhỏ (lớn không thấy tái phát), thỉnh thoảng khó thở. Tôi chưa dùng loại thuốc nào. Trong quá trình mang thai, tôi không bị nghén, ăn ngon, ngủ tốt và tinh thần lành mạnh. Tôi 35 tuổi và mang thai lần đầu. Tuần tới, tôi sẽ đi khám siêu âm khi thai được 12 tuần. Tôi có một số băn khoăn mong được giải đáp. Liệu với các triệu chứng như vậy, thai nhi có bị ảnh hưởng gì về dị tật hay không? Ngoài ra, đọc một số tài liệu trên internet tôi thấy người ta khuyên không nên siêu âm nhiều. Tôi đã siêu âm 2D được 2 lần, và dự kiến sẽ siêu âm 2 lần (ở 2 nơi khác nhau) 4D nữa. Liệu điều này có ảnh hưởng tới thai nhi? Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi một số địa chỉ khám để phát hiện dị tật sớm được không (hiện nay các phòng khám của bác sĩ Cường, bác sĩ Thực và bác sĩ Chương đã kín đến tháng 7 rồi. Cảm ơn các bác sĩ.

Chị 35 tuổi, có thai lần đầu, thì tỷ lệ bị thai bất thường có thể tăng 4-5 lần so với phụ nữ dưới 35 tuổi. Chị bị hen, nhưng chưa nói rõ hen thể nào, đã bao nhiêu năm, đã từng điều trị gì hay chỉ sụt sịt khó thở vào đêm, sáng? Chị đã dùng thuốc hít vào khi lên cơn hen chưa? Nếu đúng như thế thì có thể gây ảnh hưởng lúc chị chuyển dạ đẻ.

Còn hiện tại, chị đã siêu 2D 2 lần (thai 12 tuần) mà bác sỹ chưa phát hiện ra điều gì thì khoảng 14-17 tuần, cần làm siêu âm 4D để xác định có bất thường thai hay không, nhất là nội tạng (từ hệ thần kinh đến tứ chi). Về cơ bản nếu siêu âm đúng quy định, không lạm dụng không làm quá nhiều lần thì không có ảnh hưởng gì đến thai nhi, nhất là khi thai đã qua 20 tuần. Tuy nhiên, theo FDA (Hoa Kỳ) thì không ai dám nói rằng siêu âm nhiều là không có ảnh hưởng đến thai vì nó vẫn là một loại tia, đặc biệt là ở 8 tuần đầu.

cao thị thanh thư, nữ, 27 tuổi:

Bác sĩ cho em hỏi,hiện em có thai 6tháng, khi thai 3 tháng em đo Độ mờ da gáy thai 4.5mm, bác sĩ khuyên em làm sinh thiết gai nhau, kết quả ko có gì bất thường,hàng tháng em vẫn khám thai bình thường, siêu âm ko có dấu hiệu bất thường. Bác sĩ cho em hỏi ĐMDG có thể ảnh hưởng đến những bệnh tật ji của thai nhi nữa ko ạ,em rất lo lắng(em khám ở bệnh viện Từ Dũ).Em cám ơn bác sĩ rất nhiều.

BS Thu Hà:

Độ mờ da gáy dày trên 3mm là có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể, chủ yếu là hội chứng Down. Kết quả sinh thiết gai nhau không thấy bất thường nhiễm sắc thể là điểm đáng mừng đầu tiên. Tuy nhiên, bên cạnh nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể còn có nguy cơ bệnh lý tim mạch. Do vậy, em cần được theo dõi và siêu âm thường xuyên để kiểm tra tình trạng của tim thai nhi.

 
Thân ái chào em.

Minh Anh, nam, 27 tuổi:

Thưa bác sĩ Nhung, GĐ BVPS Hùng Vương. Cho tôi hỏi vợ tôi hiện mang thai tuần 27 và đang rất băn khoăn về việc chưa biết sẽ chọn sinh ở BV nào vì tình hình các BV năm nay có vẻ khá quá tải và nhiều sản phụ bị tử vong vừa qua cũng gây nhiều lo ngại. Chúng tôi hiện đang theo khám BS tại BV Từ Dũ nhưng lại định chọn sinh ở BV Hùng Vương. BS cho hỏi ở BV Hùng Vương có cho đặt chỗ trước khi sinh và nếu được đặt chỗ trước thì đặt khoảng bao lâu, chúng tôi có thể đăng ký BS hiện đang theo khám sang đỡ sinh được? BV Hùng Vương có áp dụng bảo hiểm y tế cho người đang có bảo hiểm y tế đăng ký ở BV Q1 hay không? Tôi xin cảm ơn rất nhiều!


PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Hiện nay tình trạng quá tải là phổ biến tại các bệnh viện sản khoa lớn. Riêng tại Bệnh viện Hùng Vương là một ngày có thể có từ 150 đến 180 sản phụ đến đẻ, Bệnh viện Từ Dũ trung bình sinh từ 180 đến 200 ca sinh. Hiện tại có nhiều bệnh viện tư có khoa sản như: Quốc tế Phụ sản, Đại học Y dược, Pháp - Việt...nên bạn có thể chọn lựa tùy theo sự tín nhiệm đối với bệnh viện nào. Riêng nếu bạn muốn sinh tại Bệnh viện Hùng Vương thì không cần đặt chỗ trước. Bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ không sang đỡ đẻ tại Bệnh viện Hùng Vương được và ngược lại, vì đây là những bệnh viện công, có những quy định về pháp lý không cho phép. Ở Bệnh viện Hùng Vương bạn có thể chọn phòng sinh gia đình khi vợ bạn chuyển dạ sinh.

Tại phòng sinh này người nhà có thể ở cạnh sản phụ trong lúc chuyển dạ nhưng phải trả chi phí 1 triệu đồng trong 24 giờ chưa kể các chi phí khác. Sau khi sinh xong mới đăng kí phòng cho sản phụ ở khoa Hậu sản. Trong thời gian chờ đợi sản phụ sẽ được nằm tại phòng hậu sản của phòng sanh. Bệnh viện Hùng Vương có áp dụng BHYT cho người có BHYT ở các nơi khác không riêng quận 1. Nếu lúc vào và sinh liền thì không cần giấy giới thiệu BHYT vì được xem là cấp cứu. Nếu không vào phòng sinh ngay mà được theo dõi tại các khoa, phòng khác thì phải có giấy giới thiệu từ nơi đăng ký BHYT ban đầu. Bạn chọn sinh dịch vụ thì BHYT chỉ chi 1 phần theo giá của BHYT quy định, phần chênh lệch bạn phải tự trả.

dang thuy duong, nữ, 30 tuổi:

Tôi có thai 5 tháng và có u xơ tử cung khá to, xin bác sĩ cho biết, giai đoạn này đã an toàn với thai nhi chưa? Những nguy cơ tôi có thể gặp trong những tháng tiếp theo là gì? 

BS Thu Hà:

Thùy Dương thân mến!

 
Em đang mang thai 5 tháng kèm với u xơ tử cung to có thể có những nguy cơ cho thai kỳ như:
 
- Dọa sinh non
- Thai suy dinh dưỡng
- Sinh khó do rối loạn cơn gò tử cung
- Băng huyết sau sinh
 
Nếu u xơ tử cung nằm ở đoạn thân em có thể sinh ngả âm đạo được. Nếu u xơ tử cung nằm ở đoạn eo hay cổ tử cung em sẽ được mổ lấy thai. Hiện tại em vẫn phải theo dõi khám thai định kỳ, dinh dưỡng đầy đủ.
 
Thân ái chào em.

Trần Thanh, nam, 40 tuổi:

Trong một thời gian ngắn đã có nhiều sản phụ tử vong khắp các địa phương trong cả nước. Mà nguyên nhân là "đổ thừa cho bệnh thuyên tắc ối", mà tỷ lệ bệnh này rất thấp. Vậy muốn tránh bệnh này thì cần làm gì?

Chị hỏi về vấn đề tắc mạch ối. Đây là một cấp cứu sản khoa bất khả kháng vì không dự phòng được. Nó là một dạng choáng do tràn ngập nước ối vào hệ thống tuần hoàn của sản phụ và rau thai rồi sang thai và thường gây tử vong rất nhanh do suy thở cấp, dẫn tới ngừng tim.

Trên thế giới cũng như ở VN, những trường hợp tắc mạch ối khi chuyển dạ các bà mẹ rất ít được cứu sống mà nếu có sống thì cũng không ra người do hội chứng mất não và tổn thương thực thể đột ngột. Rất may, tủi lệ này là rất thấp (tính theo phần vạn). Tuy nhiên, vấn đề khẳng định là sản phụ bị tắc mạch ối dẫn đến tử vong hoặc di chứng đều phải được chẩn đoán, xác định là có nước ối ở trong tâm thất của bà mẹ khi tử vong, hoặc mổ tử thi xác định có tế bào nước ối kể cả trong mạch máu não, tim và các nội tạng. Do vậy, việc triệu chứng lâm sàng khi chuyển dạ đẻ thầy thuốc sản khoa thấy sản phụ đi vào choáng rất nhanh, suy thở, ngừng tim đột ngột và ối vỡ đột ngột thì thường nghĩ tới hội chứng tắc mạch ối.

Tắc mạch ối đa số xảy ra trên lâm sàng với những sản phụ có vỡ ối đột ngột, cơn co tử cung xuất hiện đột ngột hoặc do nguyên nhân khác làm vỡ ối đột ngột khiến trào ngược nước ối vào lòng mạch của sản phụ.

Đã không dự phòng được thì làm sao mà tránh được? Cho nên, biện pháp cuối cùng chỉ là khám, quản lý thai đúng quy định, đặc biệt là những bà mẹ có nguy cơ cao (có vết mổ cũ, có dấu hiệu đa ối, có dấu hiệu tiền sản giật, những vị trí rau bám bất thường hoặc cao huyết áp, …).

Mai Thị Tuyết, nữ, 28 tuổi:

Chào bác sĩ Vũ Thị Nhung, con dâu tôi đang mang thai. Suốt ngày con dâu tôi nũng nịu kêu mệt, cái gì cũng đòi ăn, bắt chồng đi mua nhưng về nhiều khi không thèm nhìn, thậm chí chỉ ngó qua rồi lắc đầu. Ngoài ra, con dâu tôi còn bảo là mình nghén ngủ, suốt ngày trốn trong phòng. Xin bác sĩ cho biết có đúng mang thai là phải như vậy không, hay là con dâu tôi mượn cớ làm biếng và hành chồng?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Người có thai thường có những thay đổi về mặt sinh lý và cơ thể học nên hay có những biểu hiện giống con dâu của chị, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ thai phụ thường bị thai hành nên rất mệt mỏi, kén ăn. Có nhiều trường hợp lại thích ăn những món ăn kỳ lạ như ăn gạch ngói, dị ứng với những thức ăn mà lúc trước khi có thai rất thích. Có người thích ngủ suốt ngày. Vì thế người nhà nên thông cảm về những biến đổi này để giúp thai phụ đáp ứng dần dần với tình trạng mang thai. sự ổn định về tinh thần rất quan trọng, họ cần được động viên, an ủi, chia sẻ bằng tình cảm thực sự để vượt qua giai đoạn khó khăn khi bắt đầu mang thai.

Nguyễn Văn Vĩnh, nam, 28 tuổi:

Vợ của em bị bệnh trĩ, nay có thai được 38 tuần, đi khám thai thì bs nói nhau thai thấp. Cho em xin hỏi như thế thì vợ em sinh tự nhiên hay sinh mổ, vợ chồng em đang hoang mang. Xin nhờ các bác sĩ tư vấn giúp.

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Khi có thai do sự chèn ép của tử cung đối với hệ tuần hoàn ở phía dưới nên thai phụ thường dễ bị trĩ. Bên cạnh đó nhu động ruột kém nên hay bị bón và làm cho tình trạng trĩ nặng hơn. Tuy nhiên, sau khi sinh xong, khi không còn sự chèn ép đó và tình trạng nội tiết thay đổi thai phụ sẽ trở về tình trạng bình thường như trước lúc có thai. Người bị trĩ vẫn có thể sinh thường nhưng nếu nhau bám thấp thì tùy theo phân loại mà có thể sinh thường hay phải mổ. Bắt buộc phải mổ lấy thai trong trường hợp nhau tiền đạo trung tâm. Vì vậy bạn phải hỏi bác sĩ về trường hợp nhau bám thấp của vợ mình để biết mà có thể tiên lương sinh thường hay không.

Pham Vuong, nam, 38 tuổi:

Bây giờ sinh đẻ nguy hiểm quá, tôi muốn cho vợ mình sinh mổ cho an toàn có được không?


BS Thu Hà:
 
Từ xưa ông bà ta đã có câu: "đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình" ngụ ý ví sinh đẻ như một chuyến đi biển có nhiều sóng gió xảy ra mà chỉ có một mình gánh chịu.
 
Vậy sinh mổ liệu có an toàn hơn sinh ngả âm đạo không? Theo nhiều nghiên cứu cho thấy rằng: sinh mổ mất máu nhiều gấp đôi so với sinh ngả âm đạo, thời gian nằm viện sau sinh mổ kéo dài gấp hai đến ba lần so với sinh ngả âm đạo, đau đớn sau sinh mổ nhiều khiến cho người mẹ khó chăm sóc con ngay sau sinh được, chi phí sau sinh mổ cao gấp 3 đến 5 lần so với sinh thường, tai biến do gây mê hoặc gây tê trong cuộc mổ có thể xảy ra và rất nặng nề, nguy cơ phẫu thuật như chạm thương các tạng trong bụng (ruột, bàng quang), sinh mổ em bé dễ suy hô hấp hơn so với sinh ngả âm đạo. Đó là chưa kể đến tương lai sản khoa về sau: nếu có vết mổ cũ thì khả năng mổ lần sau cao hơn và tai biến phẫu thuật sẽ cao hơn.
 
Sinh ngả âm đạo là sinh lý của mọi loài động vật. 
 
Tuy nhiên, với những trường hợp có chỉ định phải sinh mổ như: bất xứng đầu chậu, ngôi thai bất thường, nhau tiền đạo, thai suy, u tiền đạo, khung chậu hẹp...thì không nên sinh ngả âm đạo vì sẽ xảy ra tai biến.
 
Bạn nên tư vấn cụ thể với trường hợp của vợ bạn khi đi khám thai để bác sĩ xem có nguy cơ gì nếu sinh ngả âm đạo hay không. Chúc vợ bạn được mẹ tròn con vuông.
 
Chào bạn. 

Kim Chi, nữ, 32 tuổi:

Thưa bác sĩ Vũ Thị Nhung, tôi mới sinh xong được 2 tháng, phát hiện tóc rụng rất nhiều. Xin bác sĩ cho biết tại sao lại như vậy, tôi phải làm gì để ngăn tình trạng rụng tóc?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trong khi sinh sản phụ thường bị mất máu nhiều. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ. Theo quan điểm Đông y, sau khi sinh thận khí suy. Do đó đễ bị rụng tóc, hư răng, suy nhược cơ thể nếu không được chăm sóc tốt. Vì thế dùng thuốc Nam, thuốc Đông y nói chung cho người sản phụ sau khi sinh sẽ giúp họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe tốt hơn. Bạn có thể đến Viện Y dược học hay Bệnh viện Y học cổ truyền để được khám và điều trị thì có thể cải thiện tình trạng rụng tóc.

Kim Cẩm, nữ, 30 tuổi:

Thưa bác sĩ Thu Hà, tại sao sau khi gây tê tủy sống để sinh mổ mà sản phụ vẫn đau. Đối với những trường hợp gây tê tủy sống không đáp ứng bác sĩ có giải pháp dự phòng nào an toàn nhất cho sản phụ không?

BS Thu Hà:
 
Khi sinh mổ thai phụ sẽ được vô cảm bằng phương pháp gây mê nội khí quản, mê tĩnh mạch, tê tủy sống hoặc tê màng cứng. Hiện nay, đa số các trung tâm sản khoa lựa chọn các phương pháp gây tê hơn là gây mê vì các lợi ích của phương pháp này. Có một số trường hợp sau khi gây tê tủy sống nhưng vẫn không hiệu quả (thai phụ vẫn còn cảm giác đau), khi đó các bác sĩ gây mê hồi sức thường bổ sung thêm bằng phương pháp mê tĩnh mặc hoặc mê nội khí quản. Trong cuộc mổ, bao giờ cũng có ê kíp phẫu thuật và ê kíp gây mê. Việc chuyển đổi phương pháp sao cho hiệu quả và an toàn cho thai phụ là trách nhiệm của nhân viên y tế.
 
Thân ái chào bạn.

Hà Xuân, nữ, 30 tuổi:

Thưa bác sĩ Nhung, tôi sắp tới ngày chuyển dạ. Theo như mẹ chồng tôi muốn, khi em bé lọt lòng sẽ gửi một lon bia đưa cho bác sĩ để tắm em bé. Bà nói tắm bé bằng bia lúc bé chào đời bé sẽ sạch sẽ và có làn da trắng hồng. Tôi phân vân không biết làm thế có tốt cho bé không, liệu bệnh viện có cho phép làm vậy không?

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Trên da của trẻ sơ sinh có chất bảo vệ để giúp trẻ đề kháng với vi khuẩn. Vì vậy trừ trường hợp bệnh lý bất thường về nước ối hoặc mẹ bị nhiễm HIV thì sau khi sinh xong không tắm cho bé mà chỉ lau khô và quấn khăn ủ ấm. Chỉ tắm bé vào ngày hôm sau. Bia có chất cồn sẽ hút nhiệt, bay hơi, làm trẻ mất nhiệt. Đây là điều cấm kỵ đối với trẻ sơ sinh vì trẻ chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt tốt. Khi bị lạnh trẻ dễ suy hô hấp, viêm phổi. Ngoài ra bia sẽ làm mất chất bảo vệ da của trẻ nên sự đề kháng đối với vi khuẩn cũng sẽ bị giảm. Vì thế không nên tắm bia đối với trẻ sơ sinh.

TRẦN THỊ GÁI, nữ, 29 tuổi:

Gửi bác sỹ Nhung, em đang có thai bé thứ hai được 11 tuần, ̣em đang khám thai ở bệnh viện DHYD ( KHOA PHỤ SẢN TPHCM). Bác sỹ nói trong âm đạo em có nhiều khí hư, cho em hỏi điều này có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi hay không? Và do điều kiện gia đình chỉ có hai vợ chồng em muốn về quê sinh có được không bác sỹ? Cảm ơn bác sỹ. 

PGS - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Thị Nhung:

Khi có thai âm đạo thường có rất nhiều dịch tiết. Sự ẩm ướt sẽ khiến vi khuẩn thường trú trong âm đạo dễ phát triển. Điều này sẽ bất lợi vì có thể gây ra viêm nhiễm âm đạo. Vi khuẩn có thể xâm nhập lên trên để gây ra viêm màng ối dẫn đến sảy thai hoặc dọa sinh non. Vi khuẩn cũng có thể vào máu gây nhiễm trùng bào thai và cũng có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Vì thế khi có dịch tiết nhiều, đặc biệt có dấu hiệu nhiễm trùng thì cần điều trị sớm.

Ngoài ra nếu âm đạo bị viêm nhiễm, lúc sanh âm đạo sẽ dễ bị xé rách nhiều, sự lành mô sẽ khó khăn và là nguyên nhân của nhiễm trùng hậu sản. Thai nhi khi sinh đường âm đạo cũng sẽ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với những dịch tiết nhiễm khuẩn này. Vấn đề sinh ở quê là tùy theo điều kiện sinh sống của gia đình. Tuy nhiên bạn nên chọn sinh ở cơ sở y tế có nữ hộ sinh đỡ đẻ theo nguyên tắc vô trùng. Bạn không nên sinh tại nhà để tránh khi có tai biến xảy ra không cấp cứu kịp thời.

Le Phuong, nữ, 33 tuổi:

Mong các bác sỹ tư vấn những dấu hiệu nhận biết những bất thường và các nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi và sản phụ cần chú ý trong suốt quá trình thai sản để kịp thời đến bệnh viện thăm khám và theo dõi.

BS Thu Hà:

Chào bạn! Rất  vui khi nhận được câu hỏi của bạn. Đây cũng là mối quan tâm của rất nhiều thai phụ.

 
Các dấu hiệu bất thường khi mang thai bao gồm:
 
- Đau bụng
- Ra nước âm đạo
- Ra huyết âm đạo
- Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt
- Thai máy yếu hoặc không máy
-  Tiểu ít
-  Đau thượng vị hoặc hạ sườn phải
-  Khó thở
 
Khi có một trong các dấu hiệu trên, thai phụ nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám.
 
Các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con:
 
- Giai đoạn thai sớm (trong 3 tháng đầu thai kỳ) gồm có nguy cơ sau: nguy cơ sẩy thai, thai lưu, thai trứng, thai ngoài tử cung. Dấu hiệu nhận biết chung là ra huyết âm đạo và các dấu hiệu riêng biệt cho từng bệnh lý. Khi ra huyết âm đạo là các chị em cần đi khám ngay để các nhân viên y tế có thể chẩn đoán và xử trí kịp thời.
 
- Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ: dọa sẩy thai to, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ. Các dấu hiệu gợi ý của dọa sẩy thai to là đau bụng từng cơn, ra huyết hồng. Với tiền sản giật là có cao huyết áp, tiểu đạm, nếu có kèm các dấu hiệu khác như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiểu ít, đau thượng vị là tiền sản giật nặng và có nguy cơ sản giật. Những thai phụ tăng cân nhanh, ăn ngọt nhiều, tiền căn sinh con to trên 4kg, mẹ hoặc chị có bệnh tiểu đường thì có nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
 
- Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ: thai chậm phát triển, vỡ ối, ra huyết, ngôi thai bất thường...và thai lưu lớn. Do vậy các thai phụ cần phải theo dõi sát cử động thai, mức độ tăng cân, tình trạng ra huyết, ra nước và các dấu hiệu ở cả 3 tháng giữa thai kỳ.
 
Để mẹ và bé được an toàn, các chị em khi mang thai cần khám thai định kỳ và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường và đi khám ngay nếu có.

Chủ đề mà VietNamNet đặt ra trong buổi giao lưu này được rất nhiều người, đặc biệt là các thai phụ quan tâm. Trong thời gian 2 giờ đồng hồ, các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa đã trả lời hàng trăm câu hỏi của độc giả. Còn rất nhiều người cần tư vấn, giải đáp nhưng vì thời gian của các chuyên gia có hạn, VietNamNet mong quý vị độc giá thông cảm và chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin về chủ đề này trên diễn đàn 'Sức khoẻ cho sản phụ' đang được mở.

Cám ơn 3 chuyên gia, quý vị độc giả đã giành thời gian tham gia buổi giao lưu. Xin chúc các thai phụ mẹ tròn con vuông!


VietNamNet