Chúng tôi đến thăm tổ ấm của gia đình anh Vũ Kim Long, công nhân bãi lắp ráp đúng vào lúc anh đang ngồi xem tivi để chờ vợ chuẩn bị bữa cơm tối. Mâm cơm của anh chị giản dị như chính cuộc sống của họ. Một đĩa rau muống luộc, thịt kho với ít lạc rang.

Tin liên quan

Một góc thuỷ điện bừng sáng giữa màn đêm u tịnh của núi rừng Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đó không chỉ là ánh sáng của dòng điện đang toả đi mọi miền Tổ quốc mà còn là ánh sáng hắt lên từ hàng nghìn nóc nhà của đại gia đình công nhân thuỷ điện sinh sống. Trong 6 năm qua, để xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân đã chấp nhận xa gia đình, quê hương, thậm chí phải đưa cả vợ con đi theo. Ở Ít Ong, con cái họ khi được sinh ra đều được đi học mẫu giáo, được cắp sách tới trường. Ở đây còn có bao mối tình người thợ đã nảy nở trên công trường, đã làm nên những câu chuyện cảm động về đức hy sinh lớn lao cho dòng điện của Tổ quốc.

Cả gia đình đi theo thuỷ điện

Chúng tôi đến thăm nơi ở của công nhân Chi nhánh Lilama 10 khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Những dãy nhà tập thể nằm trên con dốc thoai thoải, men theo sườn đồi đầy cỏ lau và hoa dại. Nhà ở của công nhân Lilama tập trung trong khoảng diện tích hơn 5ha, được chia thành nhiều khu như những dãy nhà sinh viên ở Hà Nội. Từ nơi ở đến nơi làm việc cách nhau chừng hai cây số nên công nhân đều được ôtô đưa đón tận nơi.

Cơn mưa ở Ít Ong càng về khuya càng nặng hạt. Tiếng mưa rơi nặng hạt trên mái tôn càng làm cho cảnh đêm ở miền sơn cước thật tĩnh lặng. Mỗi căn hộ tập thể đều được xây khép kín, rộng trên 30 mét vuông, căn nào cũng có một chiếc bể để hứng nước mưa. Chúng tôi đến thăm tổ ấm của gia đình anh Vũ Kim Long, công nhân bãi lắp ráp đúng vào lúc anh đang ngồi xem tivi để chờ vợ chuẩn bị bữa cơm tối. Mâm cơm của anh chị giản dị như chính cuộc sống của họ. Một đĩa rau muống luộc, thịt kho với ít lạc rang.
Lãnh đạo Công ty Sông Đà 7 và đồng chí Trần Hưng Thọ, Trưởng Công an Đồn bảo vệ công trình thủy điện đến thăm gia đình công nhân Nguyễn Khắc Cảnh và Lê Thị Hậu.
Năm nay anh Long 52 tuổi, ba mươi năm về trước anh đã rời quê ở Việt Trì, Phú Thọ đi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Kể từ ngày đó, chàng trai trẻ 22 tuổi đã đi suốt 30 năm đằng đẵng để góp phần làm nên những công trình thuỷ điện lớn của đất nước như thuỷ điện Vĩnh Sơn (Bình Định), thuỷ điện Yaly…Cũng từ những chuyến đi xa xôi này mà anh đã gặp người bạn đời của mình. Chị là con gái quê ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Cũng giống như anh Long, cách đây 29 năm sau khi học xong trường Trung cấp kỹ thuật, chị lên đường đi xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai. Duyên số đưa đẩy cho anh chị gặp nhau khi họ cùng vào làm công nhân lắp máy ở thuỷ điện Vĩnh Sơn.

"Ngày mới vào đó chúng tôi khó khăn lắm, làm gì có nhà ở như nơi này, chỉ lợp lán lên ở thôi. Năm 1994 chúng tôi lại lên xây dựng công trình thuỷ điện Yaly. Đến năm 1997 mới dám sinh con vì cuộc sống thiếu thốn"- anh Long bồi hồi nhớ lại.

Sau 16 năm ở Tây Nguyên, khi dòng điện Yaly đã toả sáng đi muôn nơi, vợ chồng anh chị lại khăn gói ra Sơn La tiếp tục xây dựng thuỷ điện. Cả cuộc đời của họ gắn với các công trình thuỷ điện nay đây mai đó. Chính vì thế mà họ không dám sinh thêm đứa con thứ hai. "Năm 2006 chúng tôi ra Sơn La nhưng thời tiết khắc nghiệt quá nên đã gửi con về Việt Trì cho bác cháu nuôi"- chị Đoàn Thị Bình, vợ anh Long chia sẻ. Nghề công nhân thuỷ điện giống như dân di cư đã khiến cho nhiều gia đình như vợ chồng chị Bình phải chọn giải pháp gửi con về quê để chúng ăn học. Nhưng nỗi buồn chia cắt tình cảm cứ mỗi ngày một nặng thêm bởi ai chẳng muốn ở bên cạnh con. Nhưng vì cuộc sống, họ phải chấp nhận hy sinh. Ba mươi năm, đối với một đời người đó là khoảng thời gian rất dài, nhưng hàng trăm công nhân như vợ chồng anh Bình đã hy sinh, chấp nhận rời bỏ gia đình, quê hương để cống hiến tất cả cho dòng điện của Tổ quốc.

Xây dựng xong Nhà máy thuỷ điện Sơn La, hàng nghìn công nhân lại tiếp tục đi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Lai Châu. "Tôi chờ đến lúc nghỉ hưu thì về quê xây nhà cho con ở"- câu nói của anh Long khiến chúng tôi chạnh lòng bởi những người xa xứ như anh ở quê làm gì có nhà. Thế nên dù lương công nhân của hai vợ chồng 1 tháng được gần 10 triệu đồng, họ chỉ dám chi tiêu dè xẻn để còn gửi tiền về nuôi con và xây nhà cho mai sau.

Cách khu nhà công nhân của Lilama 10 hơn 1 cây số, là khu tập thể công nhân của các đơn vị thi công thuộc Tổng thầu Sông Đà. Nằm rải rác trong diện tích 25ha, từng dãy nhà tập thể lợp mái tôn xanh ẩn mình trong màu tím của các lùm cây hoa giấy trông thật đẹp. Các căn hộ tập thể ở đây cũng được xây dựng và thiết kế giống như ở  Lilama 10. Trong tổ ấm đơn sơ của anh Nguyễn Khắc Cảnh, kỹ sư cầu đường của Công ty Sông Đà 7, chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc rất đỗi bình dị của họ. Sáu năm về trước, anh Cảnh lên công trình thuỷ điện Sơn La làm việc.

Một lần về quê ở huyện Quốc Oai, Hà Nội, anh đã thầm yêu trộm nhớ người con gái cùng làng. Tình yêu của họ đã bén duyên. Vợ anh có công việc ổn định ở Hà Nội, nhưng vì yêu thương chồng, chị sẵn sàng theo anh lên công trường sinh sống. Chị xin vào công trường làm việc. Năm 2007 vợ chồng họ đón đứa con gái đầu lòng ở trên chính mảnh đất nắng gió của nhà máy thuỷ điện này.

Lớp công dân mới ở Nhà máy thuỷ điện Sơn La

Đến thăm khu ở của công nhân thuỷ điện, chúng tôi mới thấy bên cạnh cuộc mưu sinh khó nhọc còn là những hạnh phúc rất giản đơn của người thợ. Mảnh đất công trường nắng gió cũng là nơi biết bao mối tình của người thợ đơm hoa như mối tình của anh Vũ Văn Lê, cán bộ Công an Đồn thuỷ điện  và chị Nguyễn Thị Bích, công nhân Công ty Sông Đà 7; anh công nhân Trần Xuân Bình và cô y tá công trường Vũ Thị Phương…

Chuyện tình của anh Nguyễn Huy Kiên và chị Nguyễn Thị Kim Huế, công nhân lắp máy của Chi nhánh Lilama 10 vẫn được ngợi ca như một sự tích ở nơi "nước độc rừng thiêng". Anh chị là cặp uyên ương lập tổ ấm gia đình đầu tiên trên công trường, để sau đó là hàng loạt những mối tình của người thợ tiếp tục đơm hoa kết trái. Chị Huế đang xoay như chong chóng với đứa bé 10 tháng tuổi mấy hôm nay bị viêm đường hô hấp nên trông rất tất bật. Bé Hằng là con thứ 2 của anh chị sinh ra ở nhà máy thuỷ điện. Đôi mắt bé tròn đen như hai hạt nhãn, giống bố y đúc.

Năm 2006, chị Huế học xong Trường Cao đẳng Giao thông đã xin lên Nhà máy thuỷ điện Sơn La làm việc. Ở đây chị đã gặp và yêu anh Kiên, một chàng trai quê ở Bắc Giang đã trải qua nắng gió ở nhiều công trình thuỷ điện khác nhau. Ít Ong bây giờ đã trở thành tổ ấm và là nơi chôn nhau cắt rốn cho hai đứa con của anh chị. Đứa con trai đầu lòng của anh chị sinh ra ở Bệnh viện đa khoa huyện Mường La. Hai năm sau, chị Huế lại sinh thêm bé Hằng. Cuộc sống của những đứa trẻ ở nơi rừng núi khắc nghiệt về thời tiết đã khiến con trẻ ốm đau luôn. Vì "vỡ kế hoạch" nên chị phải gửi đứa lớn về cho bà ngoại nuôi giúp. Vừa đi làm, vừa trông con nên chị Huế giảm tới 10kg.

Ở công trường, những nữ công nhân không có gia đình phụ giúp, nên rất vất vả khi vừa hoàn thành công việc ở nhà máy, vừa tất bật trông con. Theo chị Huế thì Trường mầm non của nhà máy chỉ nhận học sinh từ 3 tuổi, nên chị phải đưa con xuống gửi ở thị trấn, cách nhà gần 3 cây số. Nhiều gia đình công nhân ở đây không có xe máy, muốn gửi con phải thuê xe ôm với giá cao. Họ đã chọn giải pháp gọi người nhà từ quê lên trông hoặc thuê người trông.

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên nhà máy thuỷ điện giờ đã trở thành lớp cư dân mới ở đây, có thể sau này lớp trẻ này có người sẽ nối nghiệp theo cha mẹ chúng. Dường như hiểu được những gian khổ mà bố mẹ chúng đã trải qua, nên đứa nào đứa nấy đều rất ngoan và chăm chỉ học tập.

Ở nhà máy thuỷ điện, chúng thiệt thòi nhiều thứ hơn trẻ em ở dưới xuôi. Không có sân chơi và các hoạt động vui chơi như ở thành phố, chúng thường tự chơi với nhau để bố mẹ còn thời gian làm việc. Cặp anh em Hùng, Dũng con anh Nguyễn Trùng Lưu và chị Đào Thị Chinh (ở Đội điện và Lắp máy) đều rất chăm học, tự nấu cơm, tự làm việc nhà khi bố mẹ đi làm ca đêm. Hùng và Dũng đều sinh ra ở Thuỷ điện Yaly. Cuộc sống nắng gió bên dòng sáng thuỷ điện đã tôi luyện cho chúng tính tự lập, biết chịu đựng gian khổ. Năm 2006 gia đình anh Lưu chuyển đến nhà máy thuỷ điện Sơn La, cuộc sống của hai đứa trẻ cũng theo bố mẹ mà thay đổi. Ở đây tới năm 2012, khi nhà máy xây dựng xong anh chị lại chuyển lên xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu. Anh Lưu băn khoăn: "Đứa lớn năm nay học lớp 9, nếu cứ đi theo bố mẹ thì chuyện học hành sẽ khó khăn. Vợ chồng tôi tính làm xong công trình này sẽ gửi cháu về quê ngoại ở Ứng Hoà".

Chăm lo cuộc sống cho người thợ

Ông Trần Văn Phòng, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cho biết, để hàng vạn công nhân yên tâm lao động, "có an cư thì mới lạc nghiệp" nên ngay từ trước khi nhà máy khởi công xây dựng, Ban QLDA và Ban điều hành đã xây dựng hàng nghìn căn nhà tập thể trên diện tích 30ha đất cho công nhân của các đơn vị. Ở đây nhà máy đã lập nên những ngôi làng mới của công nhân. Trong đó có hàng trăm hộ gia đình sinh sống và gần 200 đứa trẻ ra đời trên mảnh đất công trường thuỷ điện. Song song với đó là năm 2005, tiếp tục khởi công xây dựng Trường mầm non và Trường Tiểu học Sông Đà, trực thuộc Phòng Giáo dục của huyện Mường La để đào tạo cho con em của cán bộ, công nhân Nhà máy. Năm học 2006-2007 là năm học đầu tiên nhà trường đón con em công nhân vào học. Giáo viên của 2 trường được rút từ huyện ra. Đến nay, Trường Tiểu học Sông Đà có 13 lớp với 236 học sinh; Trường mầm non Sông Đà có 8 lớp với 168 học sinh.     

Vào thời gian cao điểm, cả nhà máy có trên 10.000 công nhân sinh sống và làm việc. Ngoài công nhân còn có hàng trăm kỹ sư, ban lãnh đạo các nhà thầu cũng ở luôn trong khu nhà công nhân, nên cuộc sống ở đây rất sôi động. Tuy nhiên, vì giao thông đi lại khó khăn, nên lương thực và thực phẩm ở đây rất đắt đỏ. Lương công nhân dao động từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng, nên họ phải chi tiêu dè xẻn. Không ít người mẹ, người vợ theo chồng, theo con lên đây đã phải tự tìm công việc làm thêm để góp vào đồng lương ít ỏi của người thợ. Và công việc dễ làm nhất là mở chợ ở khu công nhân để buôn bán và nấu cơm cho những công nhân độc thân, không có thời gian làm bếp núc.

Nhờ những chăm lo về vật chất và tinh thần của Ban lãnh đạo công trình thuỷ điện mà cuộc sống của hàng nghìn cán bộ, công nhân đã dần khởi sắc, đã bớt đi phần nào thiệt thòi để họ yên tâm lao động sản xuất cho dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Chia tay với hàng nghìn gia đình công nhân đang sinh sống men theo các triền núi ở Ít Ong trong lúc trời khuya đang nhấp nháy những ánh sao đêm, chúng tôi thấy một ngày mới lại sắp bắt đầu.

  • Theo Công An Nhân Dân