Cựu bếp trưởng Nhà Trắng Walter Scheib đã so sánh việc tổ chức một buổi quốc yến với việc thực hiện một chương trình diễn kịch trên sân khấu Broadway.
TIN LIÊN QUAN:


“Có quá nhiều yếu tố không hề liên quan đến bếp núc trong bữa tiệc này, từ thời trang đến nghệ thuật, âm nhạc và cả sự huyền ảo”, ông nói.

Ulysses S. Grant là Tổng thống Mỹ đầu tiên tổ chức một buổi tiệc tối năm 1874 để đón Quốc vương David Kalakaua của đảo Hawaii. Từ đó, các bữa tiệc tối (hay còn gọi là quốc tiệc) đã trở thành sự kiện rất quan trọng, để cho các nhà lãnh đạo bàn về quan hệ ngoại giao trong khi ăn tối và xem các màn biểu diễn. Buổi tiệc thường diễn ra trong vòng 4h đồng hồ, theo các quy định về nghi thức nghiêm ngặt và là kết quả chuẩn bị trong nhiều tháng liền. “Đó là một cố gắng của cả tập thể”, ông Sheib, từng phục vụ dưới thời hai Tổng thống là Bill Clinton và George W.Bush từ năm 1994-2005, nói.  

Danh sách những việc cần chuẩn bị là địa điểm tổ chức tiệc, hoạt động nghệ thuật, việc cắm hoa, lên và chốt danh sách khách mời, sơ đồ chỗ ngồi, và quan trọng nhất là thực đơn. Thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng cùng với Trưởng ban Lễ tân của Bộ Ngoại giao sẽ xác định các món ăn kiêng của khách mời, trước khi tham vấn với Đệ nhất phu nhân để chốt thực đơn theo truyền thống chỉ bao gồm các món ăn Mỹ. “Thực đơn hiếm khi bao gồm các món của nước khách mời”, ông Scheib nói. “Đệ nhất phu nhân sẽ quyết định điều này”. Những yêu cầu ăn kiêng liên quan đến sức khỏe và tôn giáo luôn được dàn xếp, nhưng những yêu cầu khác thì không, trừ trường hợp đặc biệt. Tuy vậy, Scheib cho biết ông cũng đưa ra 40-60 sự lựa chọn thay thế cho menu ban đầu.

Gia đình Obama đã phục vụ đồ ăn chay, trong đó có súp đậu lăng và salad khoai tây và cà, tại buổi quốc yến đầu tiên của nhiệm kỳ Obama dành cho Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tháng 11/2009, trong khi những người dự bữa tiệc tiếp Tổng thống Mexico Felipe Calderon tháng 5/2010 được ăn món thịt bò Oregon do đầu bếp Rick Bayless của Chicago thực hiện. Còn trong buổi quốc yến tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tối 19/1 (sáng 20/1 giờ Việt Nam), đầu bếp hiện nay của Nhà Trắng là Cristeta Comerford đã chuẩn bị một thực đơn bao gồm tôm hùm Maine hấp, thịt bò nướng, salad lê với pho mát dê và bánh táo. Scheib cho biết bà Michelle Obama sẽ sử dụng nhiều món lấy từ khu vườn hữu cơ của bà, vốn nằm trong chiến dịch vận động thực hiện dinh dưỡng khỏe mạnh cho trẻ em. Cũng theo ông Scheib, đệ nhất phu nhân Laura Bush cũng thích những thực phẩm hữu cơ và thích các món liên quan đến thịt bò cho các buổi quốc yến, trong khi bà Hillary Clinton lại thích các vị “chiết trung” và thịt cừu.

Sau khi hoàn thành thực đơn cho buổi quốc yến, Đệ nhất phu nhân và Thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng phải giải quyết một vấn đề khó khăn tiếp theo: Danh sách khách mời và sơ đồ chỗ ngồi. Ngoài danh sách khách mời của Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các khách mời khác sẽ đến từ các Ủy ban của Nhà Trắng, một số lãnh đạo Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Tòa án tối cao.

Các doanh nhân, ngôi sao Hollywood và lãnh đạo địa phương không nằm trong danh sách đại biểu, nhưng thường thì những người xuất hiện vào phút chót có thể tạo dấu ấn của buổi tiệc. Trong lần Tổng thống George W.Bush tiếp Nữ hoàng Anh Elizabeth, bà Laura Bush đã mời Calvin Borel, người điều khiển chú ngựa vừa thắng trong trận Derby Kentucky năm đó sau khi biết Nữ hoàng cũng vừa xem trận đua ngày hôm trước. “Calvin Borel rất đáng yêu. Ông trở thành tâm điểm của bữa tiệc, và tôi nghĩ Nữ hoàng cũng vui khi gặp ông ta”, Amy Zantzinger, người phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà trắng dưới thời Bush nói.

Hai buổi quốc yến đầu tiên của ông Obama kể từ khi ông lên nắm quyền đã diễn ra ở ngoài trời dưới mái che, nhưng trong buổi tiếp ông Hồ Cẩm Đào lần này, toàn bộ sự kiện sẽ diễn ra trong tòa nhà Nhà Trắng. Đây cũng là buổi quốc yến thứ hai của bà Juliana Smoot, Thư ký phụ trách các vấn đề Xã hội Nhà Trắng, kể từ khi bà nhận nhiệm vụ này từ tháng 3 năm ngoái.

“Quốc yến rất quan trọng vì nó chứng tỏ sự trọng thị mà Tổng thống dành cho các nguyên thủ, đại diện hoàng gia và các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới”, Michelle Gullion, giám đốc Thư viện Đệ nhất phu nhân Quốc gia ở Ohio nói. “Ở đây sẽ là nơi phô bày những gì tốt nhất của Mỹ dưới mọi hình thức, dù đó là bếp núc, âm nhạc hay việc cắm hoa”.

10 quốc yến đáng nhớ nhất của Mỹ

Trong khi Tổng thống Obama và Đệ nhất Phu nhân Michelle đang tổ chức buổi quốc yến đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, chúng ta cùng nhìn lại 10 bữa tiệc tối đáng nhớ nhất của Nhà Trắng.

“Khách không mời mà đến” (2009)

Đáng lẽ là một buổi tối để tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, nhưng Tareq và Michaele Salahi (ảnh) đã thu hút hết sự chú ý khi họ “chui” được vào bữa tiệc tối đầu tiên của ông Barack Obama. Trong một đoạn phim do cặp đôi diễn viên này tung ngày 30/9/2010, người ta nhìn thấy hai người đi chiếc limo đến bữa tiệc, với Michaele diện bộ sari truyền thống của Ấn Độ. Không có cảnh quay Salahis trong bữa tiệc, nhưng ngay sáng hôm sau bữa tiệc họ đã kể lại chi tiết buổi tối hôm đó, việc gặp ông Obama và chụp ảnh với Phó Tổng thống Joe Biden hay Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel. Mặc dầu Salahis cho biết họ nhận được giấy mời, nhưng Nhà Trắng nói rằng không hề mời cũng như xếp chỗ cho họ trong bữa tiệc.

Đón Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev (1987)

Ông Mikhail Gorbachev đến Washington tháng 12/1987 để ký Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung -  mà Tổng thống Ronald Reagan lúc đó mô tả là sẽ dẫn đến việc “phá hủy hoàn toàn một loạt tên lửa của Mỹ và Liên Xô”. Cuộc gặp thượng đỉnh 3 ngày – và bữa tiệc tối được tổ chức vào tối hôm ký hiệp ước – diễn ra 6 tháng sau bài phát biểu nổi tiếng của ông Reagan tại Cổng Brandenburg của Đức kêu gọi Gorbachev “xé tan bức tường này”. Tại bữa tiệc, ông Gorbachev còn vui vẻ hát theo bài “Đêm Moscow”, do nhà piano nổi tiếng Van Cliburn dạo, điều khiến Tổng thống, vốn là một cựu diễn viên, đáp lễ lãnh đạo Xô Viết bằng câu nói: “Có lẽ lúc nào đó chúng ta nên cùng đặt chỗ (xem biểu diễn nghệ thuật – PV)”.

Công nương Diana và ngôi sao John Travolta (1985)

Tổng thống Ronald Reagan và phu nhân Nancy đã tổ chức gala dinner (tiệc tối lễ hội) cho Thái tử Charles và Công nương Diana khi họ kết thúc ngày đầu tiên thăm Mỹ. Mặc dù đây không phải là một chuyến thăm cấp nhà nước, nhưng người Mỹ dành rất nhiều trọng thị cho đoàn đại biểu của Hoàng gia Anh. 4.000 người hiếu kỳ đã đến sân bay xem máy bay của họ hạ cánh. Tuy nhiên, hình ảnh đáng nhớ của chuyến thăm không phải là ảnh chụp Thái tử và Công nương. Thay vào đó, là hình ảnh Công nương Diana trong chiếc áo dài nhung xanh và cổ đeo kim cương và ngọc bích, lướt quanh sàn nhảy của Nhà Trắng cùng ngôi sao điện ảnh John Travolta.

Khi Tổng thống… nôn

Du lịch nước ngoài có thể gây căng thẳng. Các phong tục địa phương như thế nào? Điều gì xảy ra nếu bạn xúc phạm ai đó ngoài ý muốn? Và sẽ thế nào nếu là bạn là khách danh dự tại một bữa tiệc do lãnh đạo nước chủ nhà tổ chức và bạn đột nhiên lại nôn vào vạt áo của chủ nhà? Không may cho Tổng thống George H.W.Bush, đó chính xác là những gì xảy ra khi ông thăm nhà riêng của Thủ tướng Nhật Kiichi Miyazawa tháng 1/1992. Ông Bush, lúc đó 67 tuổi, có lẽ bị đau bụng. Ông khỏe lại ngày hôm sau. Và khi được hỏi về sự cố, phát ngôn viên Nhà Trắng Marlin Fitzwater giải thích ngắn gọn: “Tổng thống cũng là con người. Ông bị ốm”.

Quốc yến đầu tiên

Vị khách nước ngoài lần đầu tiên được dự một bữa quốc yến của Mỹ là Quốc vương David Kalakaua của Hòn đảo Sandwich (nay là Hawaii nhưng lúc đó vẫn là một nước tự trị). Ông được tiếp đón bởi Tổng thống Ulysses S. Grant hôm 12/12/1874, trong khi ở Washington bàn hợp tác thương mại. Năm 1881, Kalakaua trao quyền lại cho em gái và bắt đầu một chuyến công du toàn cầu, kéo theo một bầu đoàn thê tử, đi từ Tử Cấm Thành đến Tòa thánh Vatican. Ông đã không giữ được quyền lực và sự độc lập của vương quốc. Năm 1887 các lực lượng cải cách đã lật đổ ngai vàng, và năm 1898 hòn đảo bị Mỹ sát nhập.

Quốc vương Anh thăm Mỹ lần đầu tiên (1939)

Đó là Vua George VI. Quốc yến được tổ chức vào lúc lo ngại đang tăng cao về các hành động hiếu chiến của Đức Quốc xã ở châu Âu, và Tổng thống Franklin D. Roosevelt  nhận thức rất rõ tầm quan trọng của mối quan hệ của Mỹ - Anh. Bữa tiệc đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, với đích thân Tổng thống Roosevelt phê duyệt từng chi tiết cho từng phút. Nhưng bữa tiệc có giá của nó. Nó đã dẫn tới mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai quốc gia - một trong những quan hệ ngoại giao mạnh mẽ nhất thế giới kéo dài mãi đến ngày nay.

“Tình yêu lớn” của ông Berlusconi (2008)

Trong bữa tiệc giành cho Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, nhà lãnh đạo nồng nhiệt này của thành Rome đang tán dương Tổng thống George W.Bush và đang tiến tới ôm hôn Tổng thống thì va phải bục biểu diễn và lãm nó vỡ. Nhưng không vấn đề, ông nói đùa: “Quá nhiều tình cảm có thể làm ra vậy đấy”.

Thịt nướng và đĩa giấy (1963)

Tháng 12/1963, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, Tổng thống mới nhậm chức Lyndon Johnson tiếp Thủ tướng Tây Đức Ludwig Erhard tại trang trại ở Texas. Hai nhà lãnh đạo cùng đến nhà thờ, thảo luận về ngoại giao và tổ chức một bữa tiệc tối – thực sự đó giống một bữa tiệc trưa hơn. Thủ tướng Erhard và các khách mời đã ăn xà lách cải bắp, thịt nướng, đậu rằng và bánh mận, tất cả phục vụ theo kiểu tiệc đứng với đĩa giấy.

Ngoại giao sàn nhảy (1976)

Hai trăm năm sau khi Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh, Tổng thống Mỹ đã nhảy cùng Nữ hoàng Anh. Có mặt vào dịp này, Nữ hoàng Elizabeth II và Thái tử Philip là khách mời của Tổng thống và phu nhân Gerald Ford tháng 7/1976. Có vẻ như không có báo cáo nào về việc Tổng thống Ford ngã hay dẫm lên chân Nữ hoàng. Tuy nhiên, ban nhạc có lẽ đã không nên chơi bài “The Lady is a Tramp” (“Người đàn bà không có đạo đức”), dầu đó là một bài nổi tiếng, khi Nữ hoàng đang ở trên sàn nhảy.

Sân khấu sũng nước

Tổng thống John F.Kennedy đã dành sự trọng thị cho Tổng thống thứ hai của Ấn Độ Sarvepalli Radhakrishnan với bữa quốc yến ngày 3/6/1963. Nhà Trắng đã lên kế hoạch tổ chức biểu diễn nhạc Mozart ngoài trời, lần đầu tiên trong các buổi quốc yến – nhưng trời lại mưa liên tục, khiến sân khấu ướt sũng!.

Khôi Nguyên (Tổng hợp từ Time)