- Mức giá 180 triệu/5 năm mà xã đưa giá có thể hiểu đơn giản như người có tài sản cho người không có thuê theo kiểu “thuận mua vừa bán”, nhưng các hộ dân không đồng ý vì mức giá đó quá đắt thì chúng tôi lại phải họp để quy định lại mức giá phù hợp nhất.
TIN BÀI KHÁC:
Sau vụ cháy 14 ki-ốt vào cuối tháng 8 và gần đây, ngày 8/11 hơn 500 hộ tiểu thương tại khu chợ Vồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã đóng cửa để phản đối việc UBND xã tăng giá cho thuê ki-ốt mà báo VietNamNet đã đăng tải ngày 9/11 –( Đóng cửa chợ, 500 tiểu thương lên xã kiến nghị), qua đó được biết thêm một số hoạt động tại chợ Vồi vẫn còn nhiều vấn đề bất cấp không đáng có.
Một dãy hàng trong khu chợ Vồi đóng cửa vì giá thuê ki-ốt quá cao |
Chợ Vồi là đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa lớn trên địa bàn huyện Thường Tín và phần lớn khu vực nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, những điều tồn tại về công tác quản lý, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh,… lại khiến bất cứ ai cũng phải giật mình.
Các dãy hàng rau củ quả lầy lội bùn đất trong ngày mưa. Nơi tập kết rác ở một góc chợ bốc mùi hôi thối nồng nặc, các xe rác làm việc liên tục mà không hết. Chị bán nước gần khu vực bãi rác còn cho biết: “Đấy chưa là gì vì có lúc rác được chất đống, bọ bò đầy sân ngay cả dưới chân người ngồi”.
Hệ thống vòi nước và bình cứu hỏa phòng cháy, chữa cháy được đặt chạy dọc các dãy chợ tuy nhiên các hốc chứa vòi đều không có giọt nước nào, còn bình cứu hỏa thì xếp “gọn gàng, ngăn nắp” trong phòng trực của Ban quản lý chợ. Nguy hiểm hơn là hầu hết các tiểu thương khi được hỏi đều không biết sử dụng các phương tiện chữa cháy đó: “ Sau vụ cháy thiêu rụi 14 ki-ốt vừa qua thì nhiều người mới để ý đến chuyện phòng cháy chứ trước đó có ai biết gì đâu ”, ông Trần Việt T (chủ ki ốt 142 – 143) thật thà chia sẻ.
Các tiểu thương cũng vô cùng lo lắng về việc vệ sinh an ninh tại khu chợ có được đảm bảo |
Ban quản lý của chợ Vồi hoạt động 24/24h tuy nhiên vài năm gần đây, việc mất cắp tại chợ vẫn cứ diễn ra. Theo thông tin, có ki-ốt còn bị kẻ trộm cạy cửa lấy hàng khiến các tiểu thương hết sức lo ngại. Tiểu thương Đỗ Thị Thu (ki ốt 148) bức xúc: “Bị trộm lấy hàng, bị cháy ki ốt cũng không được đền bù gì cả. Nếu muốn thì tôi chỉ và dẫn các chị đến tận những ki ốt bị trộm ngoài chợ kia kìa. Ở đây ai mất thì phải chịu chứ biết làm thế nào. Trong khi đó, tiền vệ sinh an ninh vẫn thu đều đặn 110 nghìn/2 tháng”.
Nhiều bất cập, cộng thêm giá thuê ki-ốt “trên trời” (210 triệu/5 năm cho ki ốt trên dưới 15m2) trong hợp đồng mới đã làm hơn 500 tiểu thương “phẫn nộ”, tạm ngừng hoạt động kinh doanh, buôn bán. Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hà Hồi cho biết: “Mức giá mới này là do xã nghiên cứu đưa ra đồng thời lựa chọn các hộ kinh doanh đủ điều kiện tham gia, và sẽ cho những hộ có nhu cầu thuê, tuy nhiên các hộ kinh doanh hoàn toàn không đồng ý. Buổi họp chiều ngày 11/11 UBND xã đã làm việc với các hộ kinh doanh thống nhất mức giá cho thuê ki-ôt là 180 triệu đồng/5 năm (giảm được 40triệu đồng so với mức giá ban đầu đưa ra là 210triệu đồng). Tuy nhiên các hộ kinh doanh vẫn chưa thấy thỏa đáng với mức giá này”.
Theo ông Vinh thì mức giá 180 triệu/5năm mà xã đưa giá có thể hiểu đơn giản như người có tài sản cho người không có thuê theo kiểu “thuận mua vừa bán”, nhưng các hộ dân không đồng ý vì mức giá đó quá đắt thì chúng tôi lại phải họp để quy định lại mức giá phù hợp nhất.
Biên bản làm việc giữa chính quyền xã với các tiểu thương tại chợ Vồi về việc thỏa thuận lại mức giá thuê ki-ốt |
Việc các tiểu thương chưa đồng tình với mức giá trên bởi họ cho rằng các gian hàng tại chợ Vồi được xếp vào chợ hạng 2, là chợ do cấp quận, huyện, thị xã quản lý. Do vậy họ muốn được thu theo mức giá tại quyết định 34/QĐ-UBND về thu phí chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Vinh cho biết, “Nếu áp dụng theo quyết định 34 (9/1/2009 của UBND thành phố Hà Nội) thì xã không đủ thẩm quyền đưa ra mức giá ấy, đây thuộc thẩm quyền của sở tài chính thẩm định. UBND sẽ có báo cáo gửi về UBND huyện Thường Tín và sau đó sẽ trả lời tới các hộ kinh doanh”.
Trả lời về những bất cập trong việc vệ sinh và an ninh chợ mấy năm gần đây chưa thật sự đảm bảo, ông Vinh cho biết: “Do quy mô chợ hoạt động lớn, khả năng, kinh nghiệm của ban quản lý chợ còn chậm và lúng túng nên hiệu quả trong việc đảm bảo vệ sinh an ninh còn thấp và nhiều bất cập, chưa bắt kịp được với hoạt động của môi trường đô thị”.
Hương Huyền