- Tôi năm nay 28 tuổi, vợ chồng tôi cưới nhau được 4 năm và hiện có 2 con gái, 1 bé sinh năm 2012, 1 bé sinh năm 2010.

TIN BÀI KHÁC

Thời gian gần đây chồng tôi đi lăng nhăng với 1 phụ nữ khác, anh không có ý định hối cải, ngoài ra chồng tôi cũng có thói cờ bạc. Trước tôi, anh đã có 1 đời vợ, 2 người đã có 1 đứa con trai, hiện giờ mẹ anh đang nuôi. Hiện giờ, cả anh và tôi đều là công nhân, mức lương mỗi người tương đương nhau, khoảng 3 triệu/ tháng.

Tôi muốn ly hôn và nuôi cả 2 con, anh không đồng ý phụ cấp tiền cấp dưỡng. Anh nói một là anh nuôi 1 đứa, tôi nuôi 1 đứa, nếu tôi không chịu có thể nuôi 2 đứa nhưng không đưa tiền cấp dưỡng. Tôi thật sự lo lắng nếu để con sống với mẹ kế, nó còn nhỏ quá, mà một mình tôi lo cả 2 đứa thì tôi không kham nổi.

Tôi phải làm sao để vừa được nuôi 2 con, vừa có tiền cấp dưỡng từ anh? Nếu toà giải quyết, mức cấp dưỡng tối đa tôi có thể đòi được từ anh là bao nhiêu?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Về thủ tục, bạn cần làm thủ tục ly hôn tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú thực tế. Trong đơn bạn ghi rõ yêu cầu về việc phân chia quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng và yêu cầu về phân chia tài sản chung (nếu có).

- Về yêu cầu nuôi con:

Khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”.

Theo như bạn trình bày thì chồng bạn hiện tại đang còn nghĩa vụ nuôi một đứa con riêng, không có trách nhiệm với gia đình và còn có thói cờ bạc, lăng nhăng với phụ nữ khác. Nếu như bạn có chứng cứ chứng minh cho những điều trên, đồng thời chứng minh được điều kiện nuôi con của mình tốt hơn chồng thì quyền ưu tiên nuôi hai đứa con cho bạn sẽ được tòa án xem xét.

- Về yêu cầu cấp dưỡng:

Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn như sau:

“Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy, nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của chồng bạn và nhu cầu thiết yếu của con bạn. Nếu chồng bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, căn cứ Khoản 1 Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình:

“Người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).