- Mình làm công ty gần được 3 năm rồi. Nhưng không có hợp đồng lao động, vậy cho mình hỏi mình làm thủ kho xuất nhập hàng hoá, giờ mình muốn nghỉ hẳn thì có bị trách nhiệm gì không?
Luật sư tư vấn:
Bộ luật Lao động 2012 có các quy định như sau:
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ)
1. HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói”.
“Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) HĐLĐ không xác định thời hạn;
HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) HĐLĐ xác định thời hạn;
HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi HĐLĐ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.
3. Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”.
Chiếu theo quy định trên, thì công ty chỉ có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói (hợp đồng miệng) thời hạn dưới 3 tháng với người lao động. Nếu bạn vẫn tiếp tục làm việc tại công ty, sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ miệng hết hạn mà công ty không ký hợp đồng mới, sẽ áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 22 nêu trên, HĐLĐ giữa bạn và công ty đương nhiên trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn 24 tháng. Nếu bạn vẫn tiếp tục làm việc tại công ty, sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ 24 tháng hết hạn mà công ty không ký hợp đồng mới, HĐLĐ giữa bạn và công ty đương nhiên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
Như vậy, việc công ty không ký kết HĐLĐ với bạn là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, giữa bạn và công ty vẫn tồn tại một hợp đồng (dù chưa đáp ứng về mặt pháp lý), và để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, trước khi nghỉ việc, bạn báo trước cho công ty ít nhất 45 ngày, căn cứ theo khoản 3 điều 37 Bộ luật Lao động và yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi 3 năm làm việc cho bạn. Nếu không có một thỏa thuận hợp lý, bạn nên chuẩn bị các chứng cứ chứng minh mình có thời gian làm việc tại công ty và không được ký HĐLĐ và đóng BHXH, kèm theo đơn khởi kiện gửi đến tòa án nhân cấp huyện, nơi công ty bạn có trụ sở để được giải quyết mọi quyền lợi. Chúc bạn thành công!
Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).