- Tai nạn giao thông, lỗi từ hai bên nhưng bạn tôi là người nước ngoài, rất muốn được thương lượng để bớt số tiền bồi thường.

TIN BÀI KHÁC:

Tôi có một người bạn làm chung là người nước ngoài, quốc tịch Hà Lan, vào chiều ngày 17/02/2012, bạn tôi có điều khiển xe lưu thông trên đường. Trời mưa nên anh ấy chạy xe lấn qua làn xe ôtô, chỉnh chiếc áo mưa đang mặc trên người bất chợt nhìn lên thì có một bác gái 55 tuổi đã băng qua được nửa đường, anh hét lên và lái chệch qua bên trái để tránh, bác bị anh đụng bởi bả vai và ngã xuống. Anh và xe bị trượt dài khoảng 9m, anh ngã đập vào con lươn, bị trầy xát nhẹ.

Sau đó anh đứng dậy và chạy đến bác gái để hỏi thăm thì thấy bác bị rách ở hàng lông mày trái, sau đó taxi đến và đưa bác đi bệnh viện. Công an đến xử lý. Lỗi anh bạn tôi là không có giấy phép lái xe, không có giấy tờ xe, lưu thông và lách không đúng luật. Còn lỗi của bác gái là băng qua không đúng phần đường.

Bên bạn tôi đã đi thăm, bác gái bị rách hàng lông mày trái và gãy xương vai phải (phải mổ, tiền mổ là 10 triệu, một năm sau sẽ tiến hành mổ tiếp để tháo vít ra khỏi vai, tiền nằm bệnh viện mỗi ngày là 200 ngàn).

Trong vụ việc này thì lỗi thuộc về 2 bên nhưng bên anh bạn tôi nhiều hơn và phải có trách nhiệm với bên gia đình bác gái. Vậy quí báo cho tôi hỏi về vấn đề bồi thường như thế nào? Lỗi anh bạn tôi chưa đến mức tra cứu trách nhiệm hình sự và có thể thương lượng với bên gia đình bác gái nhưng vì chi phí quá lớn và anh bạn tôi cũng mới đi làm một tháng, không có tiền nhiều, anh ấy đồng ý bồi thường nhưng có thể thương lượng để bớt được số tiền bồi thường?

Tôi xin cảm ơn quí báo đã có thời gian đọc và trả lời câu hỏi của tôi. (Bạn đọc Bùi Thạch Thảo).

Luật sư tư vấn:

Qua nội dung trao đổi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến như sau:

Trong trường hợp bạn đưa ra, có thể thấy người bị thiệt hại (bác gái) cũng có lỗi, vì thế áp dụng quy định tại Điều 617 về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi thì

“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”

Việc xác định mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do 2 bên tự thỏa thuận theo các nguyên tắc quy định từ Điều 608 đến Điều 612 BLDS. Nếu không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 602 BLDS thì

“Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.”

Như vậy, khi vụ án được đưa ra xét xử tại tòa án, nếu muốn được giảm mức bồi thường thiệt hại, bạn phải chứng minh được mức bồi thường là quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, văn phòng luật Hoàng Kim, SĐT: 0986663459.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).