- Do bệnh nặng, mẹ nuôi tôi mất, mà không để lại di chúc. Tôi yêu cầu chia thừa kế nhưng các con đẻ của mẹ nuôi không đồng ý với lý do tôi chỉ là con nuôi.

TIN BÀI KHÁC:

Nhiều năm trước, cha mẹ đẻ của tôi qua đời do tai nạn, tôi được một người phụ nữ góa chồng nhận làm con nuôi. Đến khi các con đẻ của mẹ nuôi tôi đi lấy vợ, lấy chồng và lập nghiệp ở xa thì chỉ còn lại mình tôi chăm sóc mẹ. Vừa qua do bệnh nặng, mẹ nuôi tôi mất, mà không để lại di chúc. Tôi yêu cầu chia thừa kế nhưng các con đẻ của mẹ nuôi không đồng ý với lý do tôi chỉ là con nuôi. Vậy xin hỏi trường hợp của tôi có quyền hưởng thừa kế từ mẹ nuôi không?

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hàng thừa kế:

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Tuy nhiên, tại các Điều 68, 69, 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, việc xác định mối quan hệ giữa "con nuôi" và "cha nuôi" hoặc "mẹ nuôi" phải bảo đảm các điều kiện sau: người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống; người trên 15 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn; người nhận nuôi con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên; bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch. Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Như vậy, nếu việc được nhận làm con nuôi của bạn thỏa mãn những điều kiện trên, bạn mới có cơ sở để xét thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật. Khi đó, bạn có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của mẹ nuôi như đối với những người con đẻ của bà. Ngược lại, nếu việc làm con nuôi của bạn chỉ trên cơ sở tình cảm mà không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên hoặc không thực hiện thủ tục đăng ký con nuôi theo quy định của pháp luật thì xét về bản chất pháp lý không được pháp luật công nhận, sẽ không có quyền hưởng thừa kế từ mẹ nuôi.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665 hoặc 08.73050996

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).